Người tự xây mộ và ướp xác mình

16:34 26/06/2005

CAND.com đã từng có bài về ông Nguyễn Công Đức, người thành công trong việc nuôi gấu đẻ. Đàn gấu của ông đã đẻ được tới 9 con. Nhưng cuộc đời người đàn ông này còn có một vài chuyện khác. Xin được gửi tới bạn đọc một chuyện mà theo chúng tôi là chuyện lạ đời hay là chuyện kỳ cục về ông.

Ông Nguyễn Công Đức có biệt danh Đức “gấu”, bởi không những ông từng là một lãng tử có tiếng ở Hà thành mà còn là người cung cấp mật gấu cho hàng trăm quán nhậu. Người dân ở Lương Sơn (Hòa Bình) biết đến ông, bởi ông có hai cái trang trại đẹp nhất và đắt nhất Hòa Bình. Thậm chí, giới nghiên cứu về gấu trên thế giới cũng biết tiếng ông vì ông nuôi được cả đàn gấu đẻ.

Nhưng, ít ai biết rằng, trong cái trang trại rộng 10 ha, được vây bọc bởi rừng rậm, núi cao cuối xã Lâm Sơn này, ông còn là người của những câu chuyện kỳ bí. Ông vỗ ngực tự hào: “Đời tôi giờ đây có 3 cái nhất: thứ nhất là có bộ bàn ghế, giường nằm, bàn thờ, bằng gỗ lũa gù hương; thứ hai là tôi đang tự xây cho mình ngôi mộ và thứ ba là tôi nuôi được nhiều gấu đẻ nhất Việt Nam”.

Lúc này, tôi mới để ý đến bộ bàn ghế bằng gỗ lũa của ông. Nó là một phần của gốc cây gù hương, tỏa mùi thơm thoang thoảng. Ông Đức kể về cái đận vớ đậm gốc cây này. Cách đây 5 năm, khi lang thang trên sườn một ngọn núi đá hùng vĩ vùng rừng Kim Bôi thì giẫm chân lên một “tảng đá” to như cái sân nhà, bề mặt “tảng đá” phẳng lỳ. Ông băn khoăn không hiểu thiên nhiên kiến tạo thế nào mà tài tình, kỳ lạ đến vậy. Mặt “tảng đá” rêu phong xanh rì, trơn chuồi chuội. Giữa lúc ấy, một ông già người Mường đi qua bảo: “Gốc cây gù hương đấy, nếu mày thích tao bán cho?”. Tận mắt thấy những cái rễ cây to như cột đình, chuồi ra ở khe núi ông mới tin đó là gốc cây thật. Ông băn khoăn: “Mang thế nào xuống núi được?”. “Cứ bỏ 25 triệu đây, tao cho người và trâu vần xuống chân núi cho”.

Tường bao của khu mộ.

Hôm sau, ông Đức mang tiền và hơn tạ dây thừng đến, ông già người Mường gọi 20 thanh niên trong bản vác xẻng và xà beng lên núi. Tốp người này phải đào bới hì hụi suốt nửa tháng trời mới xong. Lúc gốc cây gù hương lộ ra, mọi người lấy thước đo, đường kính của gốc cây lên tới... 7m (gốc cây gù hương này có hình dẹt). Dây thừng buộc vào hệ thống rễ, 30 con trâu mộng được huy động trong bản kéo vẹo mông mới lật được gốc cây lên. Tuy nhiên, khi gốc cây đổ ập xuống thì vỡ làm ba mảnh. Ông Đức tiếc đứt ruột, giá như cả gốc cây với đường kính 7m còn nguyên vẹn thì có thể đây sẽ là bộ lũa lớn nhất Việt Nam. Giờ đây, một mảnh làm bàn, một mảnh làm giường nằm, một mảnh của nó làm bàn thờ. Bộ ghế 15 chiếc được cắt từ các đoạn rễ. Đồ dùng bằng gỗ đều được chế tác từ những đoạn rễ của gốc cây gù hương. Đến cả tượng nhà thơ Lý Bạch, đầu đội lá sen, tay nâng chén múc trăng dưới nước uống cũng được chạm bằng gỗ cây gù hương, tỏa mùi thoang thoảng, êm ái. Theo ông lão người Mường kể lại, vào đầu những năm 40 của thế kỷ trước, người Pháp đã khai thác cây gù hương này ròng rã trong suốt một tháng rồi đóng vào hàng chục côngtenơ chở về nước để ép dầu. Gốc cây chìm sâu trong lòng núi, khó đào nên họ bỏ lại. Mấy năm nay, những tay chơi gỗ lũa nghe tin ông Đức có bộ lũa gù hương khổng lồ mà thèm thuồng, thi thoảng họ lại kéo đến ngắm nghía cho thỏa lòng. Có bộ lũa này, dù đêm, dù ngày cũng chẳng có con muỗi nào bén mảng đến. Ngửi thấy mùi dầu gù hương tiết ra, tinh thần con người luôn phấn chấn, vui vẻ. Quý như vậy nên đã có đại gia mang 500 triệu đồng đến mặc cả, nhưng ông Đức chỉ lắc đầu quầy quậy.

Nói về cái chuyện tự xây mộ và ướp xác mình trên đỉnh núi thì đúng là có một không hai. Ông Đức “gấu” bảo, cả tháng, cả năm một mình vò võ trông đàn gấu giữa bốn bề núi hoang, rừng thẳm nên đã nghĩ ra đủ các chuyện trên trời dưới biển, trong đó, có một chuyện mà đến bản thân ông đôi lúc cũng cho là kỳ quặc, đó là lo hậu sự bằng cách tự xây mộ cho mình và cho vợ trên đỉnh núi, mặc dù ông mới ở tuổi 65, dáng dấp còn khỏe khoắn, đôi mắt tinh tường, bắp tay, bắp chân vạm vỡ và cuộc sống khá no đủ, thừa thãi. 

Ông Đức đã mua rất nhiều sách, báo, tài liệu nói về kỹ thuật xây những ngôi mộ lớn, phức tạp để bảo quản xác khỏi phân hủy và chống lại sự tàn phá của thiên nhiên, con người. Ông đã lang thang trong Huế cả tháng trời để nghiên cứu các lăng tẩm những mong làm cho mình một ngôi mộ mà không sợ mang tiếng là “ăn cắp bản quyền”. 

Nghiên cứu mãi mà vẫn không nghĩ ra một thiết kế ưng ý nên năm 2001, ông “vi hành” sang tận Côn Minh (Trung Quốc) để tham khảo mộ chí, lăng tẩm ở đây. Hồi ở Côn Minh, mỗi khi tham quan đền đài, mộ phần, lăng tẩm ông đều thuê riêng một hướng dẫn viên du lịch và hỏi cặn kẽ về kỹ thuật xây lăng mộ. Qua đây, ông nhận thấy rằng, đình chùa, miếu mạo, lăng tẩm ở Trung Quốc đều được đặt theo hướng nhất định, tuân theo thuật phong thủy mới bền vững với thời gian. Việc đầu tiên khi xây lăng mộ là phải xác định được hướng và thế đất, do đó cần phải có thầy địa lý giỏi xem hướng, trấn trạch các long mạch. Hiểu được vấn đề, ông liền dò hỏi tất cả các hướng dẫn viên du lịch về những ông thầy địa lý ở Trung Quốc. Một cô hướng dẫn viên đã cho ông địa chỉ của một thầy địa lý có tên Voòng A Sao.

Ngôi nhà của thầy địa lý này nằm sâu trong rừng, trên sườn một ngọn núi, phải trèo bộ suốt một ngày mới tới. Lạ ở chỗ, ông thầy địa lý Voòng A Sao lại nói trôi chảy tiếng Việt. Ông ta đã thuyết trình cặn kẽ về những bí quyết xây lăng mộ của các vua chúa thời phong kiến Trung Quốc ngày xưa. Nghe ông Đức tâm sự về nguyện vọng của mình là muốn xây mộ và bảo quản xác, thầy địa lý Voòng A Sao đã nhận lời sang tận Việt Nam để tư vấn giúp ông.--PageBreak--

Một tháng sau thì ông thầy địa lý người Trung Quốc tìm sang Việt Nam thật. Sau khi sống ở trang trại của ông Đức một tuần và đi thực địa từng mét vuông đất, trèo lên từng vách đá, ông ta đã cắm cọc ở trên sườn ngọn núi đá vôi, nơi mà giờ đây ông Đức đã cho xây mộ của mình. Như vậy, ngôi mộ sẽ quay về hướng tây bắc, nơi có ánh mặt trời lặn xuống sau những dãy núi phía huyện Kỳ Sơn mỗi buổi chiều. Theo ông thầy địa lý người Trung Quốc, dãy núi trùng điệp phía huyện Kỳ Sơn có hình thù như một con rùa, và theo thuật phong thủy thì ngôi mộ chỉ nhìn về hướng này mới bền vững được. Mặc dù rất tin vào những điều mà ông thầy địa lý người Trung Quốc đã chỉ dẫn, song ông Đức vẫn cẩn thận thuê thêm hai ông thầy địa lý nữa, một ông tên là Cỏn ở Quảng Ninh và một ông tên là Ơm ở Yên Bái. Điều lạ là mặc dù ông Đức không nói gì về chuyện đã thuê ông thầy địa lý ở tận Trung Quốc, song hai ông thầy trong nước này sau vài ngày xem xét địa hình cũng cắm chiếc cọc đúng chỗ mà ông thầy Trung Quốc kia đã cắm.

Xác định được địa điểm rồi, ông Đức tiến hành xây mộ. Ông Đức đã thuê 10 nhân công, suốt ngày đêm khoan núi, nổ mìn tạo ra được một mặt bằng có diện tích khá rộng.

Để công việc xây mộ diễn ra thuận lợi, ông đã làm hàng trăm bậc thang bằng đá từ chỗ chân núi lên đến khu trung tâm. Ngôi mộ hiện đã được xây thô, gồm 3 phần: cảnh quan vòng ngoài, khu trung tâm và hầm mộ. Cảnh quan vòng ngoài là một chiếc sân rộng chừng 80m2, cùng các con đường nhỏ chạy quanh mộ. Giữa sân trồi lên những tảng đá rêu phong. Xung quanh hệ thống mộ, cả trên sườn núi, đỉnh núi đá vôi là những hàng cây lim, nghiến, sến, táu, thông... mà ông Đức mới trồng, cao trên dưới chục mét. Ngoài ra, còn có hệ thống cau vua và một số loại cây cảnh khác được tỉa tót rất đẹp mắt. Từ mảnh sân này, có 9 bậc đá dẫn qua cổng chính vào mảnh sân hình bán nguyệt. Từ sân hình bán nguyệt, lại có hai lối lên khu trung tâm mộ, mỗi lối gồm 14 bậc. Khu vực trung tâm mộ được bao bọc bởi hệ thống tường xây kiên cố bằng gạch hoặc đá. Cổng vào trung tâm mộ rộng 5m, cao 5m. Khu trung tâm mộ có chiều dài 12m, rộng 7,5m, đã đổ bêtông kín bề mặt, bằng phẳng.

Vị trí 2 hầm mộ.

Giữa khu trung tâm là hai hầm mộ xây bằng gạch và ximăng chắc chắn nằm cạnh nhau, chiều dài mỗi hầm mộ là 2,4m, rộng 1,8m, đào sâu xuống lòng núi tới 4,2m. Kích thước này hoàn toàn khớp với phần lớn những ngôi mộ cổ, lăng tẩm ở bên Trung Quốc. Nắp hai hầm mộ này là phiến bêtông nặng 2,2 tấn. Theo ông Đức, sau này, khi đã đưa xác vào mộ, sẽ tiếp tục cẩu một phiến đá hình vòm nặng 3 tấn đè lên lớp bêtông để cố định chặt hầm mộ. Phiến đá này phải có độ bền cao, được đẽo gọt, chạm trổ hoa văn đẹp mắt. Ông đã đặt hàng làm hai phiến đá cho đám thợ ở mãi Ngũ Hành Sơn, tận trong Quảng Nam. Khi nào họ làm xong thì ông sẽ thuê ôtô chở ra.

Hiện tại, ngôi mộ mới xây xong phần thô nhưng cũng đã ngốn của ông gần tỉ đồng. Tất nhiên, để hoàn thiện ngôi mộ như ý ông còn phải tốn kém nhiều tiền của và công sức trong nhiều năm nữa. Theo tính toán của ông Đức, để hoàn thành cả ngoại thất và nội thất như ý muốn sẽ phải đầu tư vào ngôi mộ từ  1,6 đến 1,8 tỉ đồng nữa.

Việc xây mộ tuy tốn kém song lại không phức tạp bằng công đoạn ướp xác. Để bảo quản được xác mình và xác vợ vĩnh viễn với thời gian, ông đã đọc những cuốn sách, tài liệu nghiên cứu về kỹ thuật ướp xác của người xưa để tìm cho mình một phương án phù hợp. Hiện tại, ông đang nghiên cứu và thử nghiệm phương pháp ướp xác kết hợp cả Đông lẫn Tây. Theo ông để bảo quản xác được tốt, dưới đáy mỗi hầm mộ, ông sẽ đổ 2 tấn than củi. Đây là than của gỗ trai. Gỗ này rắn chẳng khác gì đá, dao bổ vào quằn lưỡi. Gỗ trai được cho vào hầm kín để đốt cháy từ từ. Than gỗ trai hút ẩm rất tốt và được người Trung Quốc thời xưa dùng phổ biến để ướp xác. Hiện tại, ông Đức đã đổ 4 tấn than gỗ trai xuống đáy hai hầm mộ.

Tiếp đó, để giữ được xác khô, bền, thì trong quan tài phải được lót một lớp gạo nếp rang. Phía trên quan tài được phủ một lớp than nữa, trên cùng là lớp vôi bột. Nước từ xác chảy ra sẽ bị than, gạo rang, vôi bột hút sạch. Tất nhiên, để xác không bị phân hủy sẽ phải dùng một số loại hương liệu, hóa chất diệt trùng đặc biệt khác nữa. Ông thầy địa lý người Trung Quốc cũng đã hứa với ông Đức là sẽ cung ứng cho ông một loại lá cây rừng được phơi khô, tán nhỏ thành bột mà người Trung Quốc xưa kia thường dùng để ướp xác. Loại lá cây này không những là một loại hương liệu cao cấp mà còn có tác dụng hút ẩm, diệt khuẩn, khử mùi hôi rất hiệu quả. Việc tìm gỗ làm quan tài cũng đã được ông Đức tính đến. Loại gỗ này phải vừa bền, vừa thơm, lại có chức năng diệt khuẩn. Để ngôi mộ của vợ chồng vững bền với thời gian, không những phải tuân theo thuật phong thủy mà còn phải dặn dò con cái không được chôn theo bất cứ một thứ tài sản gì có giá trị như vàng bạc, trang sức... Bởi vì, nếu chôn theo những thứ quý giá, bọn trộm sẽ không ngại ngần mà tìm cách phá mộ.

Tôi hỏi ông Nguyễn Công Đức: “Việc xây mộ và ướp xác của ông có phải là cách chơi ngông?”. Ông bảo, kỹ thuật ướp xác là một kỳ công của con người và đó cũng là một phần của văn minh nhân loại. Ông muốn nghiên cứu và thực hiện chỉ đơn giản thế thôi. Con người ông Đức thật lạ, thật đặc biệt. Không biết rồi xác ướp của vợ chồng ông Nguyễn Công Đức có nằm trong hầm mộ hay lại  nằm một nơi nào đó trong hệ thống hang động phức tạp trong lòng những dãy đồi núi đá hùng vĩ này?

Trở lại Hà Nội, tôi cứ băn khoăn về chuyện ông Đức xây mộ, ướp xác ông và vợ. Việc xây mộ, ướp xác ở ta không cấm, nhưng xây mộ, ướp xác thế nào để người đời không hiểu lầm về mục đích, động cơ của người bỏ tiền ra xây, là điều cần cân nhắc cặn kẽ để bảo đảm tiết kiệm, tránh lãng phí và theo  những phong tục tập quán của dân tộc

Phạm Ngọc Dương

Công an TP Hà Nội phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an đồng loạt tiến hành triệu tập 26 đối tượng và khám xét khẩn cấp 8 địa điểm, thu giữ nhiều tài liệu, tang vật gồm 129,3 tấn nguyên liệu khí N2O ("khí cười"); 14 hệ thống máy móc, thiết bị san chiết khí; 2 máy bơm khí; 610 kg viên nén khí N2O; 71.668 chai khí thành phẩm; 6.586 vỏ bình khí; 50 kg vỏ bóng; nhiều điện thoại di động, máy tính cá nhân…; tạm giữ 23,17 tỷ đồng cùng 9.300 USD liên quan hoạt động phạm tội. 

Dù lực lượng chức năng đã có nhiều biện pháp để hạn chế tình trạng spam (rác) cuộc gọi bằng cách hạn chế sim rác, cho phép người nghe báo cáo cuộc gọi làm phiền, tuy nhiên tình trạng gọi điện thoại để chào mời hàng hóa, dịch vụ, thậm chí lừa đảo tham gia các sàn giao dịch vàng, chứng khoán... vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Góp phần không nhỏ cho hiện trạng này, không ai khác chính là những đơn vị, hội nhóm chuyên mua bán các loại data trên chợ đen.

Lực lượng phòng vệ dân sự Lebanon ngày 23/11 cho biết một cuộc không kích dữ dội ở trung tâm Beirut đã khiến ít nhất 11 người thiệt mạng, làm rung chuyển thủ đô khi Israel tấn công nhóm vũ trang Hezbollah.

Nhân Ngày Di sản Văn hoá Việt Nam, chiều tối 23/11, tại Đại Nội Huế; UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Lễ đón Bằng công nhận di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO cho “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế”; công bố hoàn thành Dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích Điện Thái Hòa…

Thời gian gần đây, một số người tham gia giao thông ở TP Hồ Chí Minh có hành vi sử dụng vũ lực, côn đồ hung hãn sau khi xảy ra va chạm giao thông, thậm chí gây án mạng. Từ những ứng xử thiếu văn hóa như trên đã dẫn đến những hậu quả đáng tiếc, hệ lụy lâu dài cho bản thân họ, gia đình và xã hội.

Chiều 23/11, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi cho biết, đang phối hợp với cơ quan chức năng điều tra, làm rõ việc phát hiện 1.500 viên nén nghi ma túy trôi dạt vào bờ biển xã Bình Trị, huyện Bình Sơn.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, sáng nay (23/11), lực lượng cứu nạn cứu hộ (CNCH) đã tìm thấy được 2 thi thể trên sông.

Thanh tra Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 2414/TB-TTCP thông báo kết luận thanh tra việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011-2021 tại Bộ Giao thông vận tải (GTVT).

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa công bố Dự thảo quy chế tuyển sinh đại học năm 2025, trong đó có nhiều điểm mới về xét tuyển sớm như quy định các trường đại học không được dành quá 20% chỉ tiêu để xét tuyển sớm, riêng xét học bạ phải dùng điểm cả năm lớp 12 thay vì dùng điểm 3-5 kỳ như hiện nay.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文