Nhà báo lão thành Bùi Hạnh Cẩn: Trưởng thành cùng Thủ đô

09:44 28/09/2010
Ở tuổi 90, hơn 60 năm tuổi Đảng, có thể nói nhà văn, nhà báo, nhà thơ Bùi Hạnh Cẩn đang giữ nhiều kỷ lục trong làng văn nghệ Việt Nam hiện nay.

Theo yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng, Bùi Hạnh Cẩn từng làm công tác báo chí, từ Báo Nam Định kháng chiến, Báo Công dân, Báo Nhân dân, Phó Tổng biên tập Báo Thủ đô (nay là Báo Hà Nội mới), Chánh Văn phòng Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam khóa III, Tổng Thư ký Hội Văn nghệ Hà Nội… Trong ngôi nhà ở làng Võng Thị, quận Tây Hồ, Hà Nội, ông Bùi Hạnh Cẩn vẫn miệt mài biên soạn cuốn "Thăng Long thi văn tuyển" (tập 2) kịp ra mắt dịp Đại lễ.

Từ ông đồ đến nhà báo

Cụ Bùi Hạnh Cẩn sinh năm 1921 tại thôn Vân Tập, xã Minh Tân, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, trong một gia đình "con nhà Nho cũ". Thân sinh là cụ Bùi Trình Khiêm, đại biểu Quốc hội khoá I của tỉnh Nam Định.

Khoảng năm 1938 - 1939, chàng thanh niên Bùi Hạnh Cẩn lên Hà Nội. Ban đầu ông tham gia vào Hội Truyền bá Quốc ngữ, cùng với Nguyễn Hồng Nghi (về sau là Đạo diễn, Nghệ sĩ nhiếp ảnh, Nghệ sĩ Nhân dân), Nguyễn Trinh Cơ (giáo sư, bác sĩ Y khoa), mang bảng, phấn đến các chợ, bến xe, những nơi có đông người để dạy học. Ông còn cùng với Nguyễn Hồng Nghi tổ chức diễn kịch của Nguyễn Bính để lấy tiền ủng hộ quỹ Hội Truyền bá Quốc ngữ.

Từ trước Cách mạng tháng Tám 1945 ông đã từng viết cho nhiều tờ báo nên có dịp tiếp xúc với các luồng tư tưởng tiến bộ đương thời. Tầng lớp nhà văn, nhà báo đi trước đã cho ông những bài học quí giá về nhiều mặt.

Bùi Hạnh Cẩn bắt đầu viết báo, những bài đầu tiên của ông xuất hiện trên các tờ Ngọ báo, Đông Pháp, Tin tức, Tiểu thuyết thứ Năm, Đàn bà... Các bài báo của ông thời kì này chủ yếu bàn về các vấn đề văn hoá, văn học nghệ thuật.

Bùi Hạnh Cẩn là người thích cái mới, ghét sự rập khuôn. Chính vì vậy mà chàng thanh niên họ Bùi chỉ viết cho những tờ có nhiều cách tân về nội dung cũng như hình thức như Ngày nay (của nhóm Tự lực văn đoàn), Tiểu thuyết thứ Năm… Thần tượng của anh là những nhà văn, nhà báo luôn đề cao sự sáng tạo, mở đường cho những trào lưu văn hoá, văn học, ngôn ngữ như Phạm Duy Tốn, Dương Bá Trạc, Phan Kế Bính, Nguyễn Bá Học. Đặc biệt, Bùi Hạnh Cẩn rất ủng hộ sự hiện đại hóa ngôn ngữ báo chí của Hoàng Tích Chu.

Nhà báo Bùi Hạnh Cẩn.

Sau Cách mạng tháng Tám 1945, Bùi Hạnh Cẩn về công tác tại Nam Định. Ông được cử làm Kiểm soát viên tài liệu của Ty Bình dân học vụ tỉnh Nam Định, có nhiệm vụ chuyển tài liệu cho mọi người đọc, học và nghiên cứu. Tại quê nhà, ông đã tham gia viết tờ Nam Định kháng chiến, do nhà báo Chu Hà (Lã Xuân Choát) phụ trách chung về kĩ thuật, ngoài ra có Sao Mai (Tân Khải Minh) và một vài người khác. Nam Định kháng chiến và tờ báo Tia sáng (étincelle in bằng tiếng Pháp, do Hữu Ngọc phụ trách) toả đi khắp các xã, huyện, đưa vào thành phố, phát đến tận tay lính lê dương, làm tốt nhiệm vụ thông tin và địch vận.

Khi vai trò của tờ Nam Định kháng chiến không còn phù hợp với tình hình mới, Báo Công dân ra đời. Báo do Chu Hà làm Thư ký tòa soạn, Trúc Đường (Nguyễn Mạnh Phác), Sao Mai, Bùi Hạnh Cẩn lại tiếp tục làm cho Báo Công dân, sau bổ sung thêm Trần Lê Văn, Lộng Chương… Cũng như phần lớn những nhà báo kháng chiến lúc đó, Bùi Hạnh Cẩn thể hiện sự linh hoạt trong việc sử dụng ngòi bút của mình. Lúc ông viết truyện ngắn, kịch, làm thơ trữ tình, khi ông làm thơ trào phúng, kí, phóng sự, thậm chí đưa cả những tin chiến sự ngắn. Ông phụ trách mục "Trên đe dưới búa" với lối viết giản dị theo thể văn vần được bạn đọc rất hoan nghênh. Từ đó, hình thức này được nhiều nhà báo cách mạng thời bấy giờ vận dụng.

Sau ngày hoà bình lập lại (1954), Bùi Hạnh Cẩn lên Thủ đô tiếp tục tham gia công tác báo chí. Đầu tiên là tờ Thủ Đô mà gần như ông phải quán xuyến hết phần nội dung của báo. Tiếp đến là tờ Thủ đô Hà Nội mà ông giữ cương vị Phó Tổng Biên tập phụ trách nội dung.

Dù ở vị trí nào - phóng viên, biên tập viên, cán bộ quản lí, một tác phong Bùi Hạnh Cẩn mà mọi người tiếp xúc với đều dễ dàng nhận thấy: chất phác, dễ gần, năng nổ, xông xáo. Với những kinh nghiệm trong quá trình làm báo trước đó, ông luôn tận tình hướng dẫn, chỉ bảo cho các lớp nhà báo đi sau.

Có dịp đọc lại các bài viết của Bùi Hạnh Cẩn cùng với Xích Điểu (Trần Minh Tước) viết bài trên mục "Đánh mấy vần" trên Báo Thống nhất), mục "Qua các dòng tin" trên Báo Lao động, mục "Ong vò vẽ" trên Báo Tiền phong, như chiếc vòi của con ong chích vào những vấn đề của cuộc chiến và của cuộc sống nội tại với các bài như "Các thứ "siêu"… Mỹ", "Con Lôi Long", "Hiện đại hay hại điện"… Bạn hữu của ông vẫn không quên giọng văn ví von, mỉa mai, châm biếm đối với những thói hư tật xấu của người đời, và phong cách hài hước, châm biếm, đả kích sâu cay.

Trải qua hơn 60 năm viết báo, bản thân ông cũng không nhớ nổi mình đã viết bao nhiêu bài báo. Và thời gian đã tôi rèn nên một phong cách Bùi Hạnh Cẩn: lối viết giản dị, không hoa văn, bóng bẩy mà vẫn giàu cảm xúc, giàu hình ảnh.

Nhắc đến một Bùi Hạnh Cẩn nhà văn, nhà báo, còn phải kể thêm một Bùi Hạnh Cẩn thi nhân. Hồn thơ đến với ông từ tuổi hoa niên. Ông lại có một người em họ là thi sĩ đồng quê Nguyễn Bính, mà hai người thường xuyên thù tạc để sau này ông viết nên thiên hồi ký "Nguyễn Bính và tôi".

Tranh chữ

Thuở thiếu thời Bùi Hạnh Cẩn đã là người thích cái mới, ghét sự dập khuôn. Gần 30 năm nay, cụ lại "tậu" thêm một "nhà" nữa, đó là nhà thư pháp với một phong cách độc đáo là tranh chữ. Nhẩn nha ngồi nghe nhà thư pháp Bùi Hạnh Cẩn kể, chơi chữ là dùng hình tượng, không phải chữ nào cũng chơi được. Bức tranh "Chữ Đạo", từ khi viết ra, khách đến xem, nhiều người rất thú. Họ bảo đúng là sáng tạo. Và cũng chả thiếu người phê bình là thô tục. Họ đòi nọc cổ Bùi Hạnh Cẩn ra đánh cho mấy roi, vì dám làm "loạn chữ Thánh hiền".

Cụ cười sảng khoái, ở đời phải nghĩ ra phương pháp, phải nghĩ ra biện pháp. Không chỉ đổi mới riêng hình thức mà muốn đổi mới cả tư duy. Nếu không có nội dung mới thì không thể tìm được hình thức mới. Phải có tư duy mới, phải có nội dung mới. Nếu không "chữ Đạo" thế kia, họ lại bảo mình khiêu dâm thì không thể làm được.

Phương pháp mới của ông đồ Bùi Hạnh Cẩn là dùng chữ của cha ông ta: chữ Nôm. Cụ gọi là Quốc ngữ lần thứ nhất, là bản sắc dân tộc. Tự nhận mình cũng không đủ tài năng mà sử dụng được hết chữ tượng hình, đại khái cũng chỉ được vài chữ; còn thì, cụ phải mượn một số chữ Hán Nôm giàu tính tượng hình và dễ cách điệu hóa.

Truyền thống phải hiện đại, làm văn hóa phải có những cái nhìn tầm xa, với phương châm, khoa học và tinh hoa của nhân loại thì mình tiếp thu, Bùi Hạnh Cẩn dùng chữ Quốc ngữ thứ hai - hệ chữ Latinh do sáng tạo và chữ Esperanto (Quốc tế ngữ). Ông bảo: "Chữ ở đây khác với chữ ở đình chùa, mặc dù chữ ở trong đình chùa là rất quý. Và chính vì thế tôi gọi là tranh chữ. Tôi không gọi là thư pháp, cũng chẳng phải thư họa, tôi có thư họa đâu. Ví dụ chữ Tương tư kia thì tôi vẽ, tôi viết đâu. Tôi cách điệu hóa chữ Tương tư như bóng hai người xa xa và tôi cách điệu hóa chữ Tư thành ra một người đứng trông ngóng những cảnh hai người đi ở xa xôi. Rồi tôi lại dùng chữ Tương tư bằng Quốc ngữ như cỏ rối. Dưới chữ Tư không có bàn chân. Chữ Tương tư ấy cũng như cỏ rối trên đường đi rối bời dưới chân. Tất nhiên có thể đưa lên đầu thì bối rối ở đầu, để vào tim thì bối rối ở tim phải không nào?

Nhưng người xem thì khẳng định đấy là tranh chứ không phải là chữ. Tranh đấy xuất phát từ chữ. Và chữ là tranh. Người ta hỏi tôi: Tranh chữ ông định dịch ra chữ Hán là gì? Tôi cũng nghĩ lấn bấn mãi nhưng sau có vài người bạn bảo tôi là gọi là tự họa. Tức là chữ mà thành tranh. Hiện giờ tôi cũng thấy lý thú cái đó".

Bút hoa

Cứ nhìn nhà báo - ông đồ tranh chữ Bùi Hạnh Cẩn ở tuổi 92 múa bút mà mê! Nhưng quả thật, ngắm tranh chữ của cụ, tôi như người lạc vào đường bay của các mê lộ. Đâu là tranh và đâu là chữ? Bài thơ hay là bài thơ không thể cắt nghĩa hết được. Tác phẩm hay là tác phẩm của nhiều tầng sâu ngữ nghĩa. Mỗi người khai thác một mạch. Càng đi vào càng thấy mênh mông khôn cùng…

Có năm, nhân dịp Tết Nguyên đán cổ truyền, Đài Truyền hình Việt Nam đề nghị cụ Bùi Hạnh Cẩn tham gia viết tranh chữ tại trường quay. Viết xong, có một số chuyên gia quốc tế người Cuba đứng ngoài hỏi kia là cái gì nhỉ?

Nhà thư pháp trả lời: Theo tôi, bây giờ Đài Truyền hình hay Đài Phát thanh cũng là nhà báo, cũng là cầm cây bút cả. Tôi nghĩ rằng bút là phải nở hoa chứ viết khô khan không ai đọc nên tôi viết chữ Bút hoa…

90 tuổi, cụ Bùi Hạnh Cẩn vẫn miệt mài, cặm cụi cùng tranh chữ. Cụ nói với tôi: Người làm nghệ thuật, cố gắng bao nhiêu đạt bấy nhiêu, còn sức là còn phải cống hiến cho nghệ thuật

Kiều Mai Sơn

Quyết tâm duy trì mô hình "Ngã tư an toàn giao thông" hiệu quả, thay đổi bộ mặt giao thông Thủ đô, lực lượng CSGT xử lý nghiêm tất cả những tài xế xe máy và ô tô có thói quen đứng đè vạch dừng hoặc đè vạch sang đường của người đi bộ, khi bị xử lý lại đổ lỗi do đường đông và đi vội.

46,15% cơ quan, doanh nghiệp bị tấn công mạng trong năm 2024; Số vụ tấn công mạng ước tính lên tới hơn 659.000 vụ; Việt Nam thiếu hụt nghiêm trọng nhân lực chuyên trách về an ninh mạng; Tấn công có chủ đích, tấn công gián điệp và tấn công mã hoá dữ liệu là những hình thức tấn công phổ biến nhất; Tỷ lệ sử dụng sản phẩm, dịch vụ “Make in Vietnam” còn rất khiêm tốn, chỉ 24,77%; Tình trạng lộ lọt dữ liệu cá nhân đáng báo động nhưng công tác đảm bảo an ninh còn nhiều lúng túng.

Sáng mai (24/12), TAND TP Hà Nội sẽ mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 17 bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu (giai đoạn 2) về các tội: “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Che giấu tội phạm”.

Ngày 23/12, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Quảng Ngãi cho biết, liên quan vụ án "Đưa hối lộ" và "Nhận hối lộ" xảy ra tại tại Ban Quản lý Khu Kinh tế Dung Quất và các KCN tỉnh Quảng Ngãi đã khởi tố thêm tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” đối với một số đối tượng.

Ngày 23/12, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết đã nắm thông tin phản ánh của người thân một nữ bệnh nhân trẻ trên mạng xã hội Facebook về hành vi thiếu chuẩn mực của bác sĩ nam khi siêu âm tuyến giáp, tim và bụng. Sự việc xảy ra tại Phòng khám Đa khoa thuộc Công ty cổ phần Đầu tư Tư vấn dịch vụ y tế Y Đạo (địa chỉ 46-48 Ngô Quyền, phường 5, quận 10).

Có thể khẳng định rằng, với Đề án 06 và ứng dụng VNeID do Bộ Công an chủ công xây dựng đã được phát triển mạnh mẽ, trở nên quen thuộc, thiết yếu trong công cuộc chuyển đổi số của người dân Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng. Năm 2024, thành phố đã triển khai ứng dụng hiệu quả VNeID trong chuyển đổi số, góp phần phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 (Vietnam Defence Expo 2024) là một sự kiện quy mô lớn, thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ giới chuyên gia và truyền thông quốc tế. Đây không chỉ là cơ hội để Việt Nam khẳng định vị thế trong hợp tác quốc phòng toàn cầu mà còn là dịp để giới thiệu các thành tựu quốc phòng cũng như thúc đẩy hợp tác quốc tế.

Một cây cầu nối hai tiểu bang ở phía Bắc và Đông Bắc Brazil đã bị sập ngày 22/12 (giờ địa phương) khi các phương tiện đang băng qua, khiến ít nhất một người tử vong và làm đổ axit sunfuric vào sông Tocantins.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文