Nhân giống cây trồng, góp phần bảo tồn nguồn dược liệu quý
Năm 2002, anh Đại một mình từ Nghệ An vào Kon Tum tìm việc, trải qua nhiều nghề từ làm thuê đến bào chế thuốc cho cửa hàng thuốc Bắc Thái Hòa ở thành phố Kon Tum. Anh luôn mong muốn phát triển kinh tế từ cây dược liệu.
Vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm và trau dồi thêm kiến thức về cây dược liệu, năm 2009, sau khi tích lũy được một số vốn, anh Đại đã quyết định kinh doanh cây dược liệu. Trong thời gian kinh doanh, anh Đại nhận thấy nếu người dân chỉ khai thác triệt để nguồn sâm dây, một loại cây dược liệu, chỉ vài năm nữa là không còn nguồn hàng để kinh doanh. Từ đó, anh nghĩ đến phương pháp nhân giống sâm dây.
Anh đã lên phía thượng nguồn vùng đất Kon Plong, tìm hiểu khí hậu, thổ nhưỡng và đầu tư mua 7ha đất rừng với giá 350 triệu đồng để thực hiện dự án nhân giống cây dược liệu của mình. Hiện, anh Đại đã trồng gối đầu gần 500.000 cây giống sâm dây và sâm đương quy mỗi năm nhưng vẫn không có đủ cây giống cung cấp cho bạn hàng.
Khi mới bắt đầu thực hiện việc nhân giống cây trồng, anh Đại lên huyện Tu Mơ Rông thu mua sâm dây đem về vừa để bán vừa để nhân giống cây trồng. Thế nhưng, do chưa đủ kỹ thuật cộng với cây giống khi vận chuyển bị trầy xước nên tỷ lệ giống sống thấp.
1kg sâm dây khoảng 60 củ, khi trồng chỉ phát triển được 20 củ, tỷ lệ cây sống mới đạt 20%. Thấy trồng bằng củ không hiệu quả, anh Đại chuyển hướng sang thu mua trái sâm dây về nhân giống. Tranh thủ thời điểm chuyển sang mùa mưa, anh gieo hạt đại trà xuống đất.
Tuy nhiên, cây không phát triển vì trời mưa nhiều dẫn đến cây bị úng và nhiễm bệnh. Để khắc phục, anh Đại tiếp tục tập trung cải tạo, xử lý đất, gieo hạt xong anh cho phủ lá thông lên bề mặt đất để giữ đủ độ ẩm cho cây sâm giống phát triển.
Thử nghiệm thành công, anh Đại nhân rộng ra hai sào cây giống sâm dây từ hạt. Được trồng theo mô hình khép kín, giống sâm dây khỏe hơn và ít sâu bệnh. Chỉ trong 2 năm, với hai sào sâm, anh Đại đã thu hoạch được một tấn củ sâm.
Toàn bộ số củ sâm được anh Đại đem ươm để lấy cây giống bán ra thị trường. Chưa có bạn hàng, anh Đại ngược xuôi khắp nơi trong tỉnh Kon Tum để tìm "đầu ra" cho cây giống.
Thành công với việc ươm giống sâm dây, đến năm 2014, anh Đại tiếp tục tìm hiểu và trồng thêm cây sâm đương quy. Lần này có kinh nghiệm hơn, anh Đại ra Viện Dược liệu Trung ương để mua giống sâm đương quy Nhật Bản về trồng.
Đợt đầu, anh mua thử nghiệm 1kg hạt với giá 3 triệu đồng. Sau khi làm đất kĩ lưỡng, anh ươm thử nghiệm 1/2kg hạt giống sâm đương quy Nhật Bản.
Anh Đại cho biết trong quá trình ươm trồng, cây sâm đương quy cũng bị chết một ít nhưng nhìn chung hiệu quả cao. Sau 12 tháng trồng cây sâm đương quy trên 2 sào đất, anh thu về 85 triệu đồng/ tấn củ sâm đương quy.
Anh Đại chia sẻ: Sau khi thử nghiệm thành công, anh mạnh dạn nhân rộng cây ra diện tích lớn hơn vừa trồng gối đầu. Có đợt, khi vừa xuống giống trồng cả sâm dây và sâm đương quy, trời mưa to khiến cây giống bị hư hỏng. Anh rất nản nhưng rồi lại nghĩ có thất bại mới thành công, anh lại tự động viên mình cố gắng.
Giờ đây, anh Đại không còn phải đi tìm bạn hàng, chất lượng cây giống vườn sâm của anh đã lan truyền trên địa bàn các huyện trong tỉnh Kon Tum, đến tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk.
Nhiều thời điểm "cháy hàng", anh phải nhân rộng thêm kịp thời để đáp ứng nguồn giống dược liệu cho khách hàng. Với nghề nhân giống cây dược liệu, anh Đại đã tạo việc làm ổn định cho 5 nhân công thường xuyên với mức lương 4-5 triệu đồng/tháng.
Hiện, anh Hà Văn Đại đang xây dựng đề án phát triển sản phẩm sâm dây và đương quy trên địa bàn huyện Kon Plông. Thời gian tới, anh sẽ tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất giống và hướng sang trồng lấy củ, chế biến dược liệu khô để phân phối rộng rãi trong cả nước.
Thời gian tới, anh Đại dự kiến nhân giống khoảng 500.000 giống cây dược liệu với 200.000 giống sâm đương quy trên diện tích 3 sào đất, 300.000 giống sâm dây trên diện tích 5 sào đất.