Nhiều người bị lừa do thiếu thông tin về XKLĐ
- Xuất khẩu lao động “chui”, tiền mất tật mang
- Hơn 90 người sập “bẫy” lừa xuất khẩu lao động sang Nhật Bản
- Lật tẩy nhóm đối tượng lừa người đi xuất khẩu lao động
Hầu hết những lao động nông thôn có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài đều có gia cảnh nghèo, trình độ nhận thức hạn chế. Chính vì vậy họ luôn bị động trong tìm hiểu thông tin. Từ đó nhiều lao động phải đối mặt với những rủi ro, không ít người đã bị lừa vì không tiếp cận được các kênh thông tin chính thống.
Sự thật đằng sau “lời hứa ngàn đô”
Ký ức sau lần đi xuất khẩu lao động sang Arab Saudi đối với bà Nguyễn Thị Hoa, xã Phú Tiến, Định Hóa (Thái Nguyên) là triền miên những lần đau ốm. Gia cảnh khó khăn nên bà chọn phương án xuất khẩu lao động để phát triển kinh tế gia đình.
Hơn 50 tuổi, bà lần đầu đi xuất ngoại lao động theo hợp đồng là làm giúp việc gia đình. Với những lời hứa đường mật của công ty môi giới, sang đó bà sẽ làm những công việc nhà đơn thuần, ngày làm việc 8 tiếng và sẽ được đảm bảo mọi nhu cầu sinh hoạt. Công việc không quá vất vả, mỗi tháng sẽ để ra được khoảng chục triệu đồng. Thế nhưng, khi sang đến đất khách quê người sự thật không giống như bà tưởng tượng.
Thay vì công việc giúp việc gia đình, chủ thuê lao động lại đưa bà ra sa mạc nóng bức để chăn nuôi dê và cừu. Thường xuyên làm việc trong cái nóng 50 độ, chịu không nổi bà Hoa xin về nước và đi khiếu kiện 3 năm nay để đòi quyền lợi.
Cũng với mong muốn đổi đời, anh Tống Duy Thanh, quê ở Bỉm Sơn, Thanh Hóa cũng chọn con đường xuất khẩu lao động để phát triển kinh tế.
Lao động Việt Nam có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài hiện rất đông. |
Để được đi, gia đình anh đã phải vay mượn hơn 200 triệu đồng để làm các thủ tục. Hy vọng bao nhiêu thì khi đặt chân đi xuất khẩu lao động tại Nhật, anh lại thất vọng bấy nhiêu. Sự thực thì nhiều lao động Việt Nam sang đến Nhật Bản có cuộc sống vô cùng khổ cực.
“Làm việc thu hoạch nông sản trong nhà kính, mùa hè nóng còn hơn lửa đốt, công việc nặng nhọc, nhiều người thậm chí ngất xỉu luôn tại chỗ. Không chịu nổi nên tôi phải xin về nước trước thời hạn. Quãng thời gian đó tôi rất áp lực, rơi vào stress cực độ. Giờ nghĩ lại tôi thấy thật kinh khủng…”, anh Thanh chia sẻ.
Theo anh Thanh, chính vì nắm bắt được tâm lý của người lao động mà các công ty môi giới thản nhiên vẽ ra “tương lai màu hồng” và các lời mời chào hết sức tốt đẹp để lấy được bản hợp đồng.
Trước khi xuất cảnh, người lao động sẽ phải trả cho các công ty môi giới từ 7.000 đến 8.000 USD trong thời gian ba năm, chưa kể những chi phí phát sinh.
Người lao động thiếu thông tin
Tại hội thảo, theo báo cáo của Tổng LĐLĐ Việt Nam, từ năm 2014 - 2017, Việt Nam luôn duy trì số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ở con số trên 100.000 lao động/năm.
Riêng năm 2017, số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 137.751 lao động, vượt chỉ tiêu đề ra 28,3%.
Ngoài giá trị mang lại cho bản thân, chính người lao động, người lao động di cư còn đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia tiếp nhận lao động cũng như quốc gia gửi lao động di cư.
Tuy vậy, theo Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Mai Đức Chính, bên cạnh những kết quả đạt được, lao động Việt Nam, đặc biệt là đối tượng có tay nghề thấp, người nghèo, người dân tộc thiểu số, phụ nữ, lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cá nhân còn có nguy cơ rủi ro cao do thiếu thông tin khi tiếp cận dịch vụ đi lao động ngoài nước.
“Họ thường qua khâu trung gian nên thông tin không chính xác, phải trả chi phí cao; không ít người bị lừa gạt, bị đưa đi làm việc ở nước ngoài bất hợp pháp, bị chủ sử dụng lao động nước sở tại xâm hại quyền lợi mà không được bảo vệ, bị về nước trước hạn, lâm vào cảnh nợ nần không có khả năng chi trả; lao động khi hết hạn hợp đồng khả năng tìm kiếm công việc phù hợp với kỹ năng tay nghề có được sau chuyến đi còn hạn chế. Những rủi ro này đã làm giảm hiệu quả hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, gây thiệt hại rất lớn cho chính bản thân người lao động”, ông Chính nói.
Theo chia sẻ của Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Mai Đức Chính, thời gian qua, được sự hỗ trợ của Quỹ châu Á, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Tổng LĐLĐ Việt Nam đã thực hiện rất nhiều hoạt động, đặc biệt là tập trung tuyên truyền, cung cấp thông tin, tư vấn, hỗ trợ người lao động, nâng cao năng lực cho cán bộ công đoàn, hợp tác với Đại học Công đoàn Malaysia, phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm xây dựng cơ sở dữ liệu, tổ chức các cuộc định hướng việc làm để hỗ trợ những lao động trở về...
Đề cập đến vấn đề này, ông Nguyễn Thành Thật, Chủ tịch Công đoàn cơ sở xã Tịnh Kỳ, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, dự án công đoàn trợ giúp lao động đi xuất khẩu lao động là dự án mới nhưng cũng đã thấy được vai trò, chức năng, nhiệm vụ của công đoàn trong vấn đề bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Các vấn đề di cư an toàn hết sức quan trọng và cần thiết.
Công đoàn cơ sở xã Tịnh Kỳ thấy rằng trước khi đi xuất khẩu lao động, người lao động nắm được thông tin là cần thiết. Tuy nhiên, muốn người lao động nắm được những thông tin đó thì công đoàn phải đẩy mạnh tuyên truyền trên mọi hình thức, phải cập nhật những nội dung mà người lao động quan tâm.
Với những nội dung mà người lao động từ trước tới nay chưa hiểu được, chưa nắm được thì nay thông qua công đoàn cơ sở người lao động hiểu được rằng chủ tịch công đoàn cơ sở chính là người bảo vệ quyền lợi cho người lao động tại địa phương.
Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp, thời gian tới, Bộ LĐ-TB&XH sẽ yêu cầu các doanh nghiệp phải công khai thông tin về hợp đồng làm việc ở nước ngoài, thu nhập và chi phí xuất cảnh của từng quốc gia tại các sàn giao dịch việc làm trên cả nước nhằm giảm việc lao động muốn đi nước ngoài phải qua môi giới. |