Nhớ Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn với những kỷ niệm còn tươi mới
Đồng chí Trần Quốc Hoàn là Bộ trưởng Công an đầu tiên và lâu nhất (1953 – 1982) của lực lượng CAND. Công lao của đồng chí đối với lực lượng Công an là to lớn, vì với gần 30 năm làm Bộ trưởng chỉ đạo công tác Công an và xây dựng lực lượng CAND từ thời kỳ cuối của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và trong suốt cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước, rồi bước vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới, đó là những thời kỳ khó khăn gian khổ nhất và quyết liệt nhất, nhưng lực lượng CAND đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ an ninh Tổ quốc, góp phần vào thắng lợi vĩ đại trong công cuộc đấu tranh cách mạng của quân và dân ta.
Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn không những chỉ đạo sát sao các mặt công tác nghiệp vụ Công an như công tác phản gián, tình báo sưu tra, bảo vệ nội bộ, bảo vệ an ninh trật tự, phát động phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc mà còn quan tâm chỉ đạo các mặt công tác KHKT nghiệp vụ CAND, từ xây dựng lực lượng cán bộ KHKT, tranh thủ được sự giúp đỡ và hợp tác quốc tế với các nước trong phe XHCN lúc bấy giờ, để xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, phát triển công tác KHKT nghiệp vụ Công an.
Bài viết này xin nêu lên sự chỉ đạo của đồng chí Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đối với một lĩnh vực của công tác KHKT nghiệp vụ Công an, đó là công tác kỹ thuật nghiệp vụ I mà tôi có vinh dự được trực tiếp tham gia trong hơn 30 năm và đã có một số lần được trực tiếp làm việc và tiếp nhận sự chỉ đạo của đồng chí Bộ trưởng đối với công tác kỹ thuật nghiệp vụ I.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và nhất là trong cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước, đất nước ta đều phải đương đầu với những cường quốc về quân sự và kinh tế, KHKT. Kẻ địch có các trang thiết bị về quân sự và điện tử rất hiện đại, trong khi đó đối với chúng ta thì đất nước còn nghèo nàn, vũ khí, trang bị đều thô sơ, vì vậy đối với lực lượng CAND thì ta phải chọn ngành KHKT nào phục vụ đắc lực nhất cho công cuộc kháng chiến và bảo vệ an ninh Tổ quốc, đó chính là công tác kỹ thuật nghiệp vụ I.
Ngay từ 1/7/1954, đồng chí Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đã chỉ đạo thành lập một đơn vị đặc biệt (gọi là đơn vị MATH) tại Tuyên Quang, Việt Bắc để làm nhiệm vụ trinh sát kỹ thuật bằng các phương tiện điện tử thu được của địch. Do yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng, đơn vị trinh sát kỹ thuật phát triển rất nhanh. Đến giữa năm 1956 thì hàng chục cán bộ, chiến sĩ đang học tại trường Công an Trung ương được tuyển chọn sang đào tạo công tác trinh sát kỹ thuật và cũng từ giữa năm 1956 thì các chuyên gia của Ủy ban An ninh quốc gia Liên Xô đã sang giúp đỡ đào tạo, huấn luyện về công tác trinh sát kỹ thuật nghiệp vụ I cho các cán bộ ta.
Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn với cán bộ, chiến sỹ Cục KTNV I nhân dịp kỷ niệm 25 năm Ngày thành lập Cục (1979). |
Nhờ sự giúp đỡ to lớn và có hiệu quả của Ủy ban An ninh quốc gia Liên Xô, nhiều chuyên gia sang cùng với các cán bộ ta xây dựng, lắp ráp công trình và đào tạo huấn luyện công tác kỹ thuật nghiệp vụ I cho các cán bộ ta, nên từ năm 1957 ta đã xây dựng được một cơ sở kỹ thuật nghiệp vụ I tại Nghi Tàm, Hà Nội và đến năm 1964 thì đã xây dựng xong công trình Phương Đông ở Hà Nội và các trạm trinh sát kỹ thuật ở một số địa điểm trên miền Bắc và sau khi nước nhà được thống nhất thì triển khai được một Trung tâm Kỹ thuật ở Sài Gòn và một số trạm trinh sát kỹ thuật ở các tỉnh phía Nam.
Chính nhờ sự phát triển nhanh chóng và lớn mạnh về xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, về huấn luyện đào tạo cán bộ như vậy nên công tác trinh sát kỹ thuật của lực lượng kỹ thuật nghiệp vụ I đã góp phần đắc lực và kịp thời vào công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta cũng như trong công cuộc bảo vệ an ninh Tổ quốc trong thời kỳ mới sau này.
Lực lượng Kỹ thuật nghiệp vụ I đã thu thập được nhiều tin tức có giá trị cao, nhiều tin mang tính chất chiến lược về các chủ trương, đường lối, âm mưu và hoạt động của địch. Nhiều tin tức quan trọng có giá trị chiến lược được đồng chí Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn trực tiếp ghi ý kiến chỉ thị báo cáo lên Bác Hồ khi Người còn sống, các đồng chí trong Bộ Chính trị, Bộ tổng Tham mưu, Bộ Ngoại giao… đặc biệt trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước có nhiều tin tức được gửi cho An ninh Trung ương Cục, An ninh các khu tỉnh miền Nam đã góp phần tránh được tổn thất, hy sinh xương máu cho đồng bào và chiến sĩ miền Nam và chủ động đối phó đánh địch, như các tin phát hiện trước âm mưu và hoạt động của Mỹ, ngụy mở các cuộc hành quân càn quét, các tin về hoạt động của máy bay B52 ném bom rải thảm các căn cứ và vị trí đóng quân của ta, các bọn mật báo viên nằm vùng chui sâu vào hàng ngũ ta… Một thành tích đặc biệt to lớn là trong chiến dịch Hồ Chí Minh thì lực lượng Kỹ thuật nghiệp vụ I đã thu thập được tin Mỹ sẽ không can thiệp khi quân ta tiến công giải phóng Sài Gòn.
Lực lượng Kỹ thuật nghiệp vụ I đã phát hiện và góp phần đánh bại chiến tranh gián điệp biệt kích của địch tung ra phá hoại miền Bắc. Đã phát hiện hàng chục toán gián điệp biệt kích tung ra miền Bắc bằng đường không, đường biển và đường bộ. Nhiều cán bộ, chiến sĩ trinh sát kỹ thuật đã tham gia cùng các lực lượng khác trong CAND truy quét, vây bắt và câu nhử các toán gián điệp biệt kích tung ra miền Bắc, làm thất bại hoàn toàn chiến dịch tung gián điệp biệt kích ra miền Bắc trong hơn 12 năm (1961 – 1973), thu được nhiều vũ khí, phương tiện, tài liệu góp phần bảo vệ miền Bắc và giải phóng miền Nam.
Đây thực sự là một mốc son chói lọi trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân ta mà trên thế giới chưa có nước nào làm được.
Lực lượng Kỹ thuật nghiệp vụ I đã phát hiện và góp phần đánh bại chiến dịch tung các bọn phản động, gián điệp biệt kích ở nước ngoài xâm nhập vào để phá hoại nước ta trong thời kỳ sau khi nước nhà đã được thống nhất. Lực lượng Kỹ thuật nghiệp vụ I đã cử nhiều cán bộ, chiến sĩ tham gia cùng các lực lượng khác trong CAND truy quét, vây bắt và câu nhử các toán gián điệp biệt kích xâm nhập bằng đường biển và đường bộ vào miền Nam như bọn gián điệp biệt kích trong vụ án CM12, bọn phản động Hoàng Cơ Minh xâm nhập bằng đường bộ qua Lào vào nước ta. Đã phát hiện và tham gia truy quét đấu tranh với hoạt động của bọn Fulro – Dega ở Tây Nguyên…
Tiếp tục trong những năm sau này khi nước nhà đã bước vào thời kỳ phát triển mới thì lực lượng Kỹ thuật nghiệp vụ I vẫn tiếp tục góp phần vào công cuộc bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới.
Những thành tích của lực lượng Kỹ thuật nghiệp vụ I kể trên đã chứng tỏ rằng sự chỉ đạo của đồng chí Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đối với công tác KHKT của lực lượng CAND là đã có tầm nhìn xa trông rộng, ngay từ thuở ban đầu (1954) và chính vì vậy công tác KHKT nghiệp vụ trong lực lượng CAND đã phát huy có hiệu quả trong công cuộc bảo vệ an ninh quốc gia kể cả trong thời kỳ chiến tranh và trong thời kỳ hòa bình sau này.
Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn là người chỉ đạo rất sát sao và cụ thể, có thể nói nhiều gợi ý của đồng chí khiến chúng tôi, những người làm công tác trực tiếp, cụ thể phải suy nghĩ kỹ càng thấu đáo. Đối với công tác mã thám, đồng chí thường nhắc nhở chúng tôi rằng, cái gì do con người làm ra thì con người đều có thể khám phá ra được. Bộ trưởng đã nhiều lần nêu ra câu hỏi này với các chuyên gia Liên Xô trước đây. Các chuyên gia đều đã trả lời đại ý là: Về nguyên tắc thì các luật mật mã đều có khả năng giải mã ra được, nhưng thời gian nghiên cứu để giải mã ra là phải tính toán đến, có khi phải mất đến nhiều năm sau, như vậy thì việc giải mã ra liệu có ý nghĩa gì. Vì vậy cả ta và địch đều biết nhau là dùng loại mật mã đã sáng tác ra theo phương pháp nào, nhưng cả hai bên vẫn dùng và cũng đúng như trong thực tiễn đã diễn ra như vậy.
Tuy nhiên, ngày nay với sự phát triển nhanh chóng của KHKT, con người đã sáng chế ra các loại máy tính có tốc độ tính toán rất cao và rất nhanh thì việc bảo mật các loại kỹ thuật mật mã là một điều vô cùng khó khăn.
Với những thành tích đã đạt được, Cục Kỹ thuật nghiệp vụ I đã có vinh dự được Nhà nước tặng thưởng 2 lần danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và 1 Huân chương Hồ Chí Minh cho toàn Cục, có 2 phòng trong Cục được tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nhiều tập thể và cá nhân trong Cục được tặng thưởng nhiều huân, huy chương cao quý các loại.
Quá trình thành lập, xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Cục Kỹ thuật nghiệp vụ I là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo Bộ và Đảng ủy Công an Trung ương qua các thời kỳ, mà người có công lớn đầu tiên là Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn, là sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của toàn thể cán bộ, chiến sĩ thuộc nhiều thế hệ trong Cục từ trước đến nay.