Nhớ lời Bác dạy tại Đền Hùng 60 năm trước: Cùng nhau giữ nước!

14:45 19/08/2014
Trong kí ức của tuổi thơ tôi, câu nói của Bác Hồ “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước” và bức ảnh Người nói chuyện với Sư đoàn Quân Tiên phong tại Đền Hùng trước ngày về tiếp quản Thủ đô năm 1954 đã khắc sâu vào tâm trí.

Lớn lên, mỗi lần được đi thăm Đền Hùng, lúc dừng chân tại Đền Giếng, tôi lại bâng khuâng mường tượng nơi Bác ngồi trên bậu cửa, xung quanh là những đại diện ưu tú của Quân đội nhân dân anh hùng đang chăm chú nghe Bác căn dặn trước khi về tiếp quản Hà Nội... Duyên may, tôi được gặp một người có mặt trong sự kiện lịch sử ấy, cũng là người sau này được trực tiếp bảo vệ Bác Hồ trong nhiều năm.

PV và Đại tá Tống Xuân Đài.

Trong số rất nhiều câu lạc bộ đang tồn tại hiện nay, có một mô hình đặc biệt mang tên: “Câu lạc bộ cựu sỹ quan bảo vệ Bác Hồ và Bộ Chính trị tiền bối”, do ông Trần Viết Hoàn, nguyên Giám đốc Khu di tích Phủ chủ tịch làm Chủ nhiệm. Câu lạc bộ này ra đời theo sáng kiến của Thượng tướng Phùng Thế Tài và được chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp đặt tên. Từ khi ra đời năm 2001, Câu lạc bộ luôn được Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Bộ Công an tạo điều kiện thuận lợi để hoạt động. Thành viên Câu lạc bộ gồm hầu hết là các cựu sỹ quan Công an và Quân đội từng có vinh dự được bảo vệ Bác Hồ và các vị cách mạng tiền bối. Cao tuổi nhất là ông Tạ Quang Chiến, người được Bác Hồ đặt tên trong kháng chiến chống Pháp theo trình tự Kháng - Chiến - Trường - Kỳ - Nhất - Định - Thắng - Lợi…

Một trong số các vị cao niên của Câu lạc bộ cựu sỹ quan bảo vệ Bác Hồ và Bộ Chính trị tiền bối là Đại tá Tống Xuân Đài (SN 1928), là nhân chứng trong đoàn quân quây quần bên Bác tại Đền Hùng và được nghe lời dạy thiêng liêng của Bác tròn 60 năm trước. Tôi đến thăm Đại tá Tống Xuân Đài tại nhà riêng – một ngôi nhà đẹp, ấm cúng, nằm trong ngõ nhỏ của phố “Nhà binh” Lý Nam Đế - Hà Nội. Với tác phong nhanh nhẹn, quy củ của một cựu binh, ông đã chuẩn bị những tư liệu cần thiết giúp tôi. Ông mở đầu câu chuyện bằng lời giới thiệu đầy tự hào: “Tôi là người đã trực tiếp bảo vệ Bác Hồ khi Bác thăm Đền Hùng và nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 308 trước khi về tiếp quản Thủ đô Hà Nội”... Trong cuốn album ảnh lưu niệm của gia đình, tôi thật ngạc nhiên, bởi ngoài những bức ảnh được chụp cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người thăm Đền Hùng và nói chuyện với bộ đội, ông Đài còn rất nhiều ảnh được tháp tùng, bảo vệ Hồ Chủ tịch thăm các đơn vị Quân đội những năm sau đó. Nhiều bức ảnh rất có giá trị, rất đẹp mà lần đầu tiên tôi được xem – dù tôi là người luôn chú ý tìm hiểu, sưu tầm tư liệu và đã viết  khá nhiều bài về Bác Hồ và công tác bảo vệ Bác Hồ.

Tròn 6 thập kỷ kỉ đã qua, Đại tá Tống Xuân Đài vẫn nhớ như in thời khắc được bảo vệ Bác Hồ thăm Đền Hùng, trên đường từ Việt Bắc về Hà Nội. Đôi mắt ông như sáng lên khi những dòng kí ức trở lại: “Trung tuần tháng 9/1954, anh Lại Xuân Thát - chính trị viên Tiểu đoàn 254 - Bộ Tư lệnh 350 và tôi được gọi lên giao nhiệm vụ. Sau khi có giấy công lệnh, chúng tôi được sử dụng một chiếc xe Zeep chiến lợi phẩm, triệu tập 4 đồng chí khác đến bến phà Bình Ca và Đoan Hùng tìm một chiếc phà loại tốt, cử một cán bộ và lái ca-nô đợi sẵn phía bờ Tuyên Quang để đón đoàn thượng cấp. Chúng tôi quy ước, khi thấy đoàn xe ôtô, chiếc đi đầu có đồng chí Thanh “Quảng” (tức Nguyễn Văn Thanh, từng là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình được điều động làm Phó Văn phòng Tổng quân ủy) thì đưa cả đoàn xuống phà, qua sông ngay rồi di chuyển đến Đền Hùng. Ngày 18/9/1954, mọi việc diễn ra theo đúng kế hoạch, nhưng chúng tôi chờ mãi đến sẩm tối vẫn không thấy đoàn xe có anh Thanh “Quảng” xuất hiện. Vừa sốt ruột, vừa lo lắng, tôi và anh Thát bổ đi tìm theo hướng về phía Đền Hùng. Đến một quả đồi thấy ánh sáng của ngọn đèn (sáng hôm sau tôi mới biết đây là Đền Giếng), chúng tôi tiến lại thì bất ngờ nhận ra anh Thanh “Quảng”. Anh đi nhanh ra ngoài, ngăn chúng tôi lại và bảo: “Khách” đến rồi, đang ở trong đền. Các anh về nghỉ, sáng mai đưa bộ đội vào sớm”.

Đại tá Đài kể tiếp: Sớm hôm sau, tầm gần 7 giờ thì tôi và anh Thát trở lại Đền Giếng. Vào đến sân Đền, chúng tôi thấy Bác đang ung dung ngồi trên bậc thềm ngắm cảnh thiên nhiên mùa thu của vùng Trung du buổi ban mai. Bác mặc bộ đồ gụ, bên ngoài khoác chiếc áo đại cán. Hai anh em mừng rỡ, lại gần chào Bác theo đúng quân lệnh. Sau khi nghe chúng tôi báo cáo cụ thể tình hình bộ đội, Bác nói: “Sáng rồi, các chú còn nhiều việc phải chuẩn bị. Bác cũng có việc của Bác. Bây giờ, các chú mời bộ đội đến đây để Bác nói chuyện”.

Theo trí nhớ của Đại tá Tống Xuân Đài, tham gia sự kiện này có khoảng 80 cán bộ từ cấp đại đội trở lên, đại diện cho cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 308. Lúc 7h15’ sáng 19/9, các đại biểu có mặt đông đủ tại sân Đền. “Do sân hẹp, cán bộ, chiến sĩ đều mải ngắm Bác nên chúng tôi chưa biết tập hợp đội hình thế nào để mọi người ổn định nghe Bác nói chuyện. Tôi bèn nhặt một mẩu gạch non, khoanh một vòng tròn rồi thưa với Bác: “Thưa Bác, chúng cháu ngồi xunh quanh Bác như thế này ạ”. Bác quan sát, rồi gật đầu đồng ý và giơ tay ra hiệu cho bộ đội ngồi xuống các bậc thềm dẫn từ sân lên cửa Đền. Bác ngồi trên bậu cửa đền; đồng chí Vũ Yên - Tham mưu trưởng ngồi ở bậc thềm chính diện trông lên Bác. Bác quay sang bảo đồng chí Song Hào - Chính ủy Đại đoàn 308: “Chú ngồi đây (mặt hè bên phải Bác, còn chú Quảng ngồi đây (mặt hè bên trái Bác)”. Thấy tôi còn đứng quan sát và sắp chỗ để bộ đội ổn định chỗ ngồi, Bác nói: “Còn chú, chú ngồi chỗ kia (bậc thềm thứ hai từ mặt hè xuống, phía bên phải đồng chí Song Hào)”.

Hồ Chủ tịch đã mở đầu buổi nói chuyện với bộ đội bằng câu hỏi: “Các chú có biết đây là đâu không?”. Có nhiều đồng chí nhanh nhẹn trả lời: “Thưa Bác, đây là Đền Hùng ạ. Đây là nơi thờ Hùng Vương ạ!”. Bác lại hỏi tiếp: “Hùng Vương là người như thế nào với nước ta?”. Lặng đi một lát chưa có ai trả lời, đồng chí Vũ Yên đứng dậy: “Thưa Bác, ngày xưa...”. Bác giơ tay ra hiệu cho đồng chí Vũ Yên ngồi xuống rồi nói: “Đúng đây là Đền Hùng, thờ các Vua Hùng. Hùng Vương là người đã sáng lập nước ta, là tổ tiên của dân tộc ta. Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước!”... Tiếp đó, Bác căn dặn: Khi vào tiếp quản đóng quân trong thành phố, các chú phải: Gần gũi, tôn trọng dân, làm tốt công tác dân vận; giải thích cho đồng bào hiểu chủ trương, chính sách của Chính phủ; không nghe kẻ xấu, yên tâm tiếp tục làm ăn, giúp đỡ Chính phủ, giúp đỡ bộ đội và cán bộ. Không được coi những người dân sống trong vùng địch tạm chiếm là đi theo địch mà xa lánh họ... Tiếp đó, Bác còn căn dặn kĩ cả việc sinh hoạt, sử dụng điện, nước máy tại đô thị; việc học tập chính trị, chính sách, tuần tra canh gác...

Sau dòng hồi tưởng, ông Đài xúc động kể tiếp: “Khoảng gần 9h sáng, buổi nói chuyện của Bác với bộ đội kết thúc. Mấy anh em Cảnh vệ Quân đội chúng tôi và Cảnh vệ Công an cùng tháp tùng Bác rời khỏi Đền Giếng. Quãng đường từ Đền ra đường cái dài chừng hai cây số, một đồng chí cận vệ đi trước, dẫn đường. Bác đi thứ hai, còn tôi đi ngay sau Bác. Bác đội mũ cát và dùng một chiếc khăn che chòm râu dài. Tới điểm ôtô đỗ, chúng tôi từ biệt Bác và đứng lặng nhìn theo cho đến khi chiếc xe khuất hẳn”.

Tìm trong tập tài liệu, Đại tá Tống Xuân Đài đưa cho tôi xem một cuốn họa báo Trung Quốc đã ngả màu vàng, xuất bản năm 1957 tại Bắc Kinh... Đôi mắt ông ánh lên sự xúc động đầy hoài niệm: “Khi Bác nói chuyện với bộ đội, tôi không biết là có người chụp ảnh. Sau khi về tiếp quản Thủ đô, tôi được cử sang Trung Quốc học tập. Trong một lần đến thăm Sứ quán ta, tôi được Đại sứ Nguyễn Khang cho xem một số tài liệu. Lần giở cuốn họa báo này, tôi ngạc nhiên khi thấy bức ảnh lịch sử, thấy mình trong ảnh. Anh Nguyễn Khang cũng ngạc nhiên không kém và đồng ý tặng luôn tôi cuốn họa báo này!”.

Sau khi về nước, ông Đài tiếp tục công tác trong lực lượng Cảnh vệ Quân đội. Những năm kháng chiến chống Mỹ, ông là phó, rồi Trưởng phòng Cảnh vệ (Phòng 45) - Cục Bảo vệ Quân đội, Bộ Quốc phòng. Với trọng trách này, ông Đài đã vinh dự nhiều lần bảo vệ Bác Hồ thăm các đơn vị Quân đội, thị sát các trận địa phòng không, không quân. “Hồi đó, việc bảo vệ Bác chủ yếu do Cảnh vệ Công an. Nhưng khi Bác đi thăm các đơn vị Quân đội thì bên Cảnh vệ Quân đội chúng tôi đảm nhiệm với sự phối hợp của Cảnh vệ Công an. Ngày ấy, chúng tôi và các anh Hoàng Hữu Kháng, Phan Văn Xoàn... bên Cảnh vệ Công an quý nhau lắm, thường xuyên gặp gỡ, phối hợp” - ông Đài không giấu niềm tự hào của mình

Trần Duy Hiển

Là người nước ngoài duy nhất đoạt giải trong cuộc thi "Tìm kiếm sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài" năm 2024 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phát động, Lanny Phetnion đã gắn bó với tiếng Việt hơn 10 năm. Hành trình đến với ngôn ngữ này bắt đầu khi Lanny Phetnion nhận được học bổng theo học Khoa Tiếng Việt, Đại học Quốc gia Lào. Cũng từ đây, tiếng Việt đã trở thành bệ đỡ giúp cô gái miền Bắc Lào gặt hái không ít thành công. 

Quen đối tượng có thể làm giả giấy tờ trong ngành Công an, Quân đội, Đàm Đình Phú đã đăng bài trên mạng xã hội nhận làm thủ tục vay tiền đối với khách đang nợ xấu. Sau khi có khách đặt hàng, Phú sẽ yêu cầu cung cấp hình ảnh chân dung để làm giả các loại giấy tờ rồi liên hệ nhân viên ngân hàng làm thủ tục vay tiền, mục đích chiếm đoạt tiền vay.

Luật Công chứng (sửa đổi) quy định công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng chỉ được công chứng giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của Mỹ. Tuy nhiên, mới đây, Tổng thống đắc cử Donald Trump tiếp tục tuyên bố sẽ áp thuế bổ sung đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc cho đến khi nước này ngăn chặn "lượng lớn ma túy, nhất là fentanyl, đang được chuyển vào Mỹ".

Viện KSND tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương và 16 bị can khác về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Từ kết quả điều tra những dấu hiệu bất thường tại một số gói thầu thi công xây dựng công trình trên địa bàn TP Nha Trang do Ban Quản lý Dịch vụ Công ích TP Nha Trang làm chủ đầu tư, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, đồng thời bắt tạm giam hai cán bộ nhà nước và hai giám đốc doanh nghiệp.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文