Nhớ về ngày giải phóng tỉnh Bạc Liêu

07:58 30/04/2021
Cách đây 46 năm, lúc 10h30 ngày 30/4/1975, lá cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc dinh Tỉnh trưởng Bạc Liêu.

Ít ai biết, để Bạc Liêu giải phóng trong an toàn là những giây phút căng thẳng đối đầu giữa cách mạng và chính quyền Sài Gòn.

Tỉnh ủy Bạc Liêu họp mở rộng tại xã Ninh Quới, huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) từ ngày 30/3 đến 4/4/1975, nhận định thời cơ giải phóng đã đến, lực lượng ta tuy có phát triển nhưng trang bị chưa đủ sức, còn phải tiếp tục tăng thêm vũ khí. Lực lượng chính trị có vươn lên nhưng tổ chức chưa chặt chẽ, cần phải xây dựng cho tốt hơn; nhiệm vụ này chủ yếu thị xã làm, nhưng các ngành đều dồn hết sức xuống thị xã để giữa tháng 4/1975, khắc phục được các mặt còn yếu.

Ngày 9/4/1975, Thường vụ Tỉnh ủy Bạc Liêu triệu tập cuộc họp bất thường để nghe báo cáo và đánh giá tình hình. Tại cuộc họp có đồng chí Đoàn Thanh Vị, Bí thư Tỉnh ủy chủ trì và đồng chí Lê Quân, đặc phái viên Khu ủy khu Tây Nam Bộ. Hội nghị nghe các đồng chí báo cáo đặc điểm tình hình theo từng vị trí công tác và địa phương.

Ông Thích Quảng Thiệt (76 tuổi, một trong những nhân chứng sống) cho biết, cách đây 46 năm, ông Thiệt là một trong số ít người đứng ở vị trí 2 đầu chiến tuyến. Ông Thiệt lúc đó là Chánh thư ký Tỉnh hội Phật giáo Bạc Liêu được Đại tá, Tỉnh trưởng Bạc Liêu Nguyễn Ngọc Điệp đưa vào chức danh Phó Chủ tịch Hội đồng tử thủ tỉnh Bạc Liêu.

Ông Thiệt được quân ta cài vào chính quyền địch, nhận nhiệm vụ thông tin mọi hoạt động trong nội bộ Hội đồng tử thủ, để cung cấp cho Mặt trận Dân tộc giải phóng tỉnh biết, nên có nhiều thông tin quý báu.

“Từ ngày 21/4, khi Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức, chính quyền ngụy tại Bạc Liêu canh phòng rất kỹ. Trang bị vũ khí, quân lực cao để tăng cường tử thủ. Lúc này, Tỉnh trưởng Bạc Liêu Nguyễn Ngọc Điệp dự tính sẵn sàng chống cự đến cùng với phía quân cách mạng”, ông Thích Quảng Thiệt kể lại.

Đến ngày 24/4, ông Thiệt nhận được thông tin lãnh đạo Mặt trận Dân tộc giải phóng tỉnh gặp mặt để trao đổi một số thông tin liên quan đến chiến thuật giải phóng. Lúc này, ông Thiệt mới biết cách mạng cử một người vào ở trong chùa Vĩnh Đức để trực tiếp đấu tranh giành chính quyền.

Ngày 28/4, ông Thiệt đi đón ông Lê Quân (đặc phái viên Khu ủy Tây Nam Bộ, Phó Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu), người được Khu ủy và Thường vụ Tỉnh ủy giao nhiệm vụ trên. 

Sau khi ông Lê Quân vào chùa Vĩnh Đức, tại đây, từ 28 đến 29/4/1975, ông Lê Quân viết 2 lá thư gửi Tỉnh trưởng Bạc Liêu Nguyễn Ngọc Điệp thuyết phục chính quyền ngụy bàn giao chính quyền cho cách mạng. Ông Thiệt cho biết, 2 lá thư này nhờ ông Lê Thành Năng, lúc đó là Chủ tịch Nghiệp đoàn lao động tỉnh Bạc Liêu gửi trực tiếp cho Đại tá, Tỉnh trưởng Nguyễn Ngọc Điệp.

Từ việc gửi 2 lá thư và qua thông tin từ ông Lê Thành Năng, lãnh đạo Mặt trận Dân tộc giải phóng tỉnh phần nào biết được tâm trạng, khí thế của phía chính quyền ngụy tại Bạc Liêu.

Ông Nguyễn Tích Thiện - người treo lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam trên dinh Tỉnh trưởng Bạc Liêu lúc 10h30 ngày 30/4/1975. Ảnh tư liệu.

Đến ngày 28/4, Dương Văn Minh lên làm Tổng thống Việt Nam Cộng hòa. Lúc này, Tỉnh ủy Bạc Liêu nhận định, tình hình chiến sự sẽ có thay đổi nên quyết định thay đổi chiến thuật lấy quân sự làm điểm tựa và chuyển sang đấu tranh chính trị, binh vận là chính.

Tối ngày 29/4, tại chùa Vĩnh Đức, ông Lê Quân, Trần Thanh Hồng (lãnh đạo Cao Đài tại Bạc Liêu, Phó Chủ tịch Mặt trận dân tộc giải phóng tỉnh) và ông Thích Hiển Giác (trụ trì chùa Vĩnh Đức, Ủy viên Mặt trận dân tộc giải phóng tỉnh) cùng bàn bạc phương án cho ngày 30/4.

Theo hồi ký của ông Lê Quân (nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu), 7h sáng ngày 30/4/1975, xuất phát từ chùa Vĩnh Đức, phái đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc giải phóng tỉnh gồm: ông Lê Quân cùng với ông Trần Thanh Hồng, Thích Hiển Giác trực tiếp vào dinh Tỉnh trưởng gặp, vận động Tỉnh trưởng Nguyễn Ngọc Điệp bàn giao chính quyền.

Tại đây, đoàn đã có những giờ phút đối đầu hết sức căng thẳng, gay cấn để thuyết phục Tỉnh trưởng Bạc Liêu hạ vũ khí. Lúc đầu Tỉnh trưởng Nguyễn Ngọc Điệp cùng một số thuộc hạ còn ngoan cố không khuất phục và dọa sẽ tử thủ đến cùng.

Tuy nhiên, sau khi được đoàn Mặt trận Dân tộc giải phóng tỉnh phân tích tình hình, Tỉnh trưởng Nguyễn Ngọc Điệp mới chính thức ra lệnh hạ vũ khí, bàn giao chính quyền cho cách mạng.

Đúng 10h30’ ngày 30/4/1975, cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam chính thức tung bay trên nóc dinh Tỉnh trưởng Bạc Liêu. Tỉnh Bạc Liêu hoàn toàn giải phóng trong an toàn, không đổ máu, trước Sài Gòn 1 giờ đồng hồ và là một trong những tỉnh ở Tây Nam Bộ giải phóng trước nhất.

“Lúc đó, lực lượng ngụy tại Bạc Liêu còn gần 12.000 quân, nếu Tỉnh trưởng Bạc Liêu vẫn tử thủ chiến đấu thì có lẽ đã xảy ra cuộc đổ máu ghê gớm lắm”, ông Thích Quảng Thiệt nhớ lại.

Ông Nguyễn Tích Thiện (người treo lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam lên dinh Tỉnh trưởng Bạc Liêu lúc 10h30 ngày 30/4/1975) nhớ lại, mình tham gia công tác năm 1968, đến 1972 được phát triển vào Đoàn. Khi nhận công tác chuẩn bị cho ngày 30/4/1975, thì được đồng chí Năm Quân (tức đồng chí Lê Quân, Phó Bí thư Tỉnh ủy lúc đó), phân công làm Đội trưởng Đội biệt động, gồm 9 nam 2 nữ.

Phương án đưa ra là không dùng vũ khí mà nói chuyện giãn binh. Đến sáng 30/4/1975, địch cho giới nghiêm, dây thép gai bao vây khắp nơi. Lúc này, cả Đội đã sẵn sàng tay súng trong hầm bí mật chờ lệnh. Tuy nhiên, lệnh chỉ huy đưa ra là huy động lực lượng thanh niên, học sinh cùng quần chúng phá vỡ giới nghiêm tạo áp đảo, gây áp lực cho Tỉnh trưởng Nguyễn Ngọc Điệp hạ vũ khí đầu hàng.

“Lúc này, trong đầu tôi suy nghĩ chỉ có mỗi cách treo cờ Tổ quốc lên, mới huy động được lực lượng quần chúng tham gia, mới phá được giới nghiêm. Tôi cầm lá cờ lên treo lên dinh Tỉnh trưởng, từ đó nhân dân ủng hộ, đổ ra đường hô to: Quân Giải phóng vô rồi, cách mạng vô rồi”, ông Nguyễn Tích Thiện kể. 

Toàn tỉnh Bạc Liêu tràn ngập niềm vui chiến thắng, người dân được đổi đời, gia đình đoàn tụ. Chiến thắng trong tinh thần hòa bình, không tiếng súng, không giọt máu rơi, chiến thắng rất đỗi nhân văn.

V.Đức – H.Huỳnh

Bộ Quốc phòng Nga ngày 3/7 xác nhận Thiếu tướng Mikhail Gudkov, Phó Tư lệnh Hải quân Nga, đã thiệt mạng khi đang làm nhiệm vụ tại khu vực biên giới vùng Kursk, gần Ukraine. Đây là một trong những tổn thất cấp cao nhất của quân đội Nga kể từ khi chiến sự với Ukraine nổ ra vào năm 2022.

Tại buổi họp báo công bố các luật, pháp lệnh được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ quốc vụ Quốc hội khóa XV thông qua được Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức vào sáng 3/7, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng đã giải thích rõ các điều khoản chuyển tiếp khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.  

Liên đoàn Bóng đá Bồ Đào Nha (FPF) ngày 3/7 (giờ địa phương) xác nhận, tiền đạo Diogo Jota – ngôi sao đang khoác áo câu lạc bộ Liverpool, đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn xe hơi nghiêm trọng xảy ra gần thành phố Zamora, Tây Bắc Tây Ban Nha. Cùng thiệt mạng trong vụ tai nạn còn có em trai của tiền đạo này – André Silva.

Ngày 3/7, thông tin từ Cục Đăng kiểm Việt Nam, trong  6 tháng đầu năm 2025, cả nước có hơn 333 nghìn lượt phương tiện (chiếm 13,8%) không đạt tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật (ATKT) và bảo vệ môi trường (BVMT) phải bảo dưỡng, sửa chữa, điều chỉnh để kiểm định lại.

Gần 600 CBCS Trung đoàn Cảnh sát cơ động (CSCĐ) Đông Nam TP Hồ Chí Minh, thuộc Bộ Tư lệnh CSCĐ từ Ga Sài Gòn ra Thủ đô đã có mặt tại Ga Hà Nội sáng nay, sau đó được bố trí về Trung tâm Huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ và giáo dục nghề nghiệp số 1 để chuẩn bị công tác huấn luyện diễu binh, diễu hành phục vụ Lễ kỷ niệm 80 năm Quốc khánh.

Ngay sau khi đi vào hoạt động theo mô hình tổ chức mới từ ngày 1/7,  Phòng CSGT Công an TP Đà Nẵng đã nhanh chóng ổn định tổ chức bộ máy, bố trí cán bộ chiến sĩ chuyên sâu theo từng lĩnh vực. Với nỗ lực vượt khó và tinh thần trách nhiệm cao, lực lượng CSGT tiếp tục giữ vững TTATGT và đảm bảo các hoạt động hành chính không bị gián đoạn, rút ngắn thời gian chờ đợi của người dân.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.