Nhớ vị Bộ trưởng Ngoại giao tài ba ngày đầu chống thực dân Pháp

15:37 16/01/2011
Sau khi Hiệp định Sơ bộ 6/3/1946 được kí kết, 15.000 quân Pháp được phép vào miền Bắc Việt Nam thay thế 200.000 quân Tưởng, để "giải giáp quân đội Nhật". Quân Tưởng rút về nước, kéo theo sự tan rã, hoang mang của nhiều tổ chức phản động Việt gian; Nhà nước Việt Nam non trẻ thoát khỏi một mối họa nguy hiểm và lâu dài... Người được Chủ tịch Hồ Chí Minh tin dùng giao nhiệm vụ đàm phán với phía Pháp để dự thảo Hiệp định Sơ bộ 6/3/1946, là Hoàng Minh Giám, vị giáo sư Trường Trung học tư thục Thăng Long, nổi tiếng trong giới nhân sĩ trí thức, sau này trở thành Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (từ 1947 - 1954).

Từ nhà giáo trở thành nhà ngoại giao

Giáo sư Hoàng Minh Giám sinh năm 1904 tại xã Đông Ngạc (huyện Từ Liêm, Hà Nội). Thân sinh là cụ Phó bảng Hoàng Tăng Bí, một nhân sĩ nổi tiếng tham gia sáng lập phong trào Đông Kinh nghĩa thục. Ông ngoại của Hoàng Minh Giám là cụ Cao Xuân Dục, Thượng thư bộ học triều Nguyễn (thời Vua Thành Thái - Duy Tân). Được sinh trưởng trong danh gia vọng tộc, Hoàng Minh Giám tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Đông Dương năm 1925; rồi bị Sở mật thám Pháp xếp vào loại người "không nên để ở Hà Nội", và điều đi dạy học ở Campuchia. Trải qua nhiều lần bị điều chuyển, thậm chí cách chức giáo sư vì những hoạt động chống chế độ thực dân, Hoàng Minh Giám trở về Hà Nội mở Trường Trung học tư thực Thăng Long và làm Hiệu trưởng trường này. Trường Thăng Long là nơi quy tụ nhiều nhà giáo nổi tiếng, sau này trở thành những nhà lãnh đạo tên tuổi như Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Phan Mỹ...

Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải đối mặt với muôn vàn thử thách, thù trong, giặc ngoài. Trong tình thế cực kỳ hiểm nghèo đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đứng đầu Chính phủ lâm thời, kiêm nhiệm Bộ trưởng Ngoại giao - một chức vụ cực kì quan trọng trong bối cảnh chưa một nước nào trên thế giới công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam. Qua sự tiến cử của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn Hoàng Minh Giám, vị Giáo sư Trường Trung học tư thục Thăng Long, làm người giúp việc văn phòng, sau đó bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ Nội vụ, rồi Bộ trưởng Bộ Ngoại giao trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Pháp...

Sinh thời, trong hồi ký của mình, Bộ trưởng Hoàng Minh Giám đã ghi lại một sự kiện đáng chú ý trong những ngày đầu được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ tiếp xúc với phía Pháp để tiến hành đàm phán: Theo chỉ thị của Bác, tôi đã nhiều lần lui tới nhà riêng của Sainteny (đại diện Chính phủ Pháp tại Đông Dương - PV) ngụ tại góc phố Lý Thường Kiệt và Quang Trung hiện nay. Một lần tôi đến, Sainteny cố tình để hở ngăn kéo, có một gói tiền to. Sainteny kéo tôi ngồi và hỏi: "Tôi nghe nói các anh làm việc không có lương?"; rồi nói tiếp: "Anh cần tiền thì tôi cho vay tạm một ít. Những người Quốc dân đảng ở đây mới ra, tôi cũng cho một ít tiền". Sainteny trắng trợn đến như vậy đó! Với lòng tự trọng, tôi muốn mắng cho y một trận ngay lúc ấy, nhưng nghĩ đến nhiệm vụ mà Bác đã giao cho nên tôi kìm chế được.

Tôi trả lời: "Một là, Quốc dân đảng có lấy tiền của anh hay không thì tôi không biết. Hai là, chúng tôi không ăn lương nhà nước là đúng, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng không, vì cách mạng mới thành công, đang gặp rất nhiều khó khăn. Anh hãy cất tiền đi, tôi không cần. Nếu anh có nhiều tiền thì anh trực tiếp nói với Cụ Hồ Chí Minh với tư cách là Nhà nước Pháp cho Chính phủ Hồ Chí Minh vay, còn nếu anh đưa với tư cách cá nhân thì không ăn thua gì đâu"... Lúc về, tôi báo cáo lại sự việc trên với Bác, Bác bảo tôi: "Chú không cáu kỉnh với nó thế là tốt, vì mình còn phải làm việc với nó mà. Trong ngoại giao, nó thế nào cũng được, còn mình thì phải khéo léo. Vấn đề nó định dùng tiền mua chuộc, chú nói một câu như thế là nó hiểu rồi.

Nước cờ đẩy lui 20 vạn quân Tưởng

Sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời cho đến đầu năm 1946, trên lãnh thổ Việt Nam có sự hiện diện của 20 vạn quân Tưởng, hàng ngàn quân Anh (có nhiệm vụ tước khí giới quân Nhật, theo thỏa ước Posdam của các cường quốc Đồng minh). Ngoài ra, trong thời gian Nhật chiếm đóng Đông Dương, Pháp vẫn duy trì 50.000 quân tại Đông Dương. Sau khi Nhật đầu hàng Đồng Minh, trên lãnh thổ Việt Nam còn có khoảng 60.000 quân Nhật chờ giải giáp. Như vậy thời điểm đầu năm 1946, trên lãnh thổ Việt Nam có hơn 300.000 quân của nước ngoài với những lợi ích, âm mưu khác nhau nhưng đều có chung mục đích tiêu diệt chính quyền cách mạng non trẻ. Nếu ở miền Bắc, quân Tưởng với dã tâm "Diệt Cộng, cầm Hồ", thì ở miền Nam, quân Pháp một mặt thực hiện âm mưu nhanh chóng đánh chiếm các vị trí trọng yếu bằng sức mạnh quân sự, một mặt ra sức lợi dụng mầm mống của "Chiến tranh lạnh" để được các nước lớn ủng hộ hoặc làm ngơ cho việc quay trở lại Đông Dương. Vận nước lúc này, như Bác Hồ nhận định: "Ngàn cân treo sợi tóc".

Theo hồi ức của Bộ trưởng Hoàng Minh Giám: Trước lúc ta chuẩn bị Tổng tuyển cử trong toàn quốc (6/1/1946), Bác và Sainteny bắt đầu có những cuộc tiếp xúc. Phải gặp một cách bí mật. Giúp việc Bác, chỉ có tôi. Giúp việc Sainteny, chỉ có Pignon. Chỉ họp buổi tối, sau 20 giờ... Trong các lần gặp nhau, giữa Bác và Sainteny một số vấn đề có thể thỏa thuận với nhau trên nguyên tắc, nhưng hai vấn đề cơ bản thì bế tắc: Ta đòi Pháp công nhận Việt Nam là một nước độc lập, Pháp chỉ công nhận Việt Nam là một nước tự trị; ta đòi Pháp công nhận Nam kỳ, Trung kỳ, Bắc kỳ, là đất nước Việt Nam; Pháp từ chối với lí lẽ Nam kỳ là thuộc địa của Pháp...

Cùng thời điểm này, tình hình Trung Quốc cũng có nhiều chuyển biến, buộc Tưởng Giới Thạch phải có sự thay đổi chính sách với Việt Nam, tập trung lực lượng đánh chiếm những vùng giải phóng của Đảng Cộng sản Trung Quốc đang ngày càng mở rộng. Tưởng - Pháp bắt tay, kí kết Hiệp ước Hoa - Pháp ngày 28/2/1946 tại Trùng Khánh. Theo đó, Tưởng đồng ý cho Pháp vào thay quân đội Tưởng ở Bắc Đông Dương để giải giáp quân Nhật; Pháp nhân nhượng cho Tưởng một số quyền lợi về kinh tế và tô nhượng Pháp tại Trung Quốc.

Bộ trưởng Ngoại giao Hoàng Minh Giám tiếp đại diện Đảng Cộng sản Pháp Léo Figuères tại An toàn khu Việt Bắc, tháng 8/1950. (Ảnh: Tư liệu).

Hiệp ước Hoa - Pháp được kí kết, Tướng Leclerc - Tổng chỉ huy quân Pháp ở Đông Dương, như mở cờ trong bụng, ra lệnh cho hạm đội Pháp sẵn lên đường ra miền Bắc Việt Nam.

Sáng 5/3/1946, hạm đội Pháp đã ngấp nghé ngoài khơi Vịnh Bắc bộ. Tuy nhiên, việc thực hiện Hiệp ước Hoa-Pháp còn phải có một hiệp ước giữa hai Bộ Tổng tư lệnh quân Pháp và quân Tưởng về thể thức, trình tự thay quân; đồng thời, Pháp cũng muốn có một thoả thuận với Việt Nam cho phép quân Pháp ra miền Bắc. Ý đồ của Pháp là, lúc ban đầu quân đội Pháp cần có mặt hợp pháp và thuận lợi tại miền Bắc, sau khi tập trung đủ lực lượng sẽ gây chiến, đánh chiếm toàn bộ Việt Nam và Đông Dương. Vì vậy, Pháp ráo riết thúc đẩy việc đạt được một thoả thuận với Việt Nam.

Nắm được ý đồ đó, ngày 5/3/1946, thông qua một sĩ quan liên lạc quân đội Tưởng, Hồ Chủ tịch đã chuyển thông điệp sẽ kí với đại diện Chính phủ Pháp một thoả ước. Đêm mùng 5/3/1946, Hồ Chủ tịch và trợ lí Hoàng Minh giám gặp Sainteny họp đến quá nửa đêm nhưng vẫn không đạt được thoả thuận... Vấn đề mấu chốt là nền độc lập của Việt Nam bị phía Pháp kiên quyết khước từ.

Đến rạng sáng 6/3, văn bản Hiệp định Sơ bộ Việt - Pháp vẫn chưa được hoàn thành; đồng thời quân đội Tưởng - Pháp cũng chưa đạt được sự thoả thuận về việc thay quân. Hạm đội Pháp, vì lí do phải có mặt tại Hải Phòng đúng ngày 6/3 để lợi dụng nước thuỷ triều, nên khoảng 9 giờ sáng cùng ngày đã vượt cửa sông Cấm và vấp phải hoả lực mạnh mẽ của quân Tưởng; quân Pháp phản kích, khiến cả hai bên đều bị thiệt hại khá lớn.

Qua phân tích tình hình, Hồ Chủ tịch đã nhận định: Phải tránh để Việt Nam phải đối đầu với cả quân Pháp lẫn quân Tưởng. Kẻ thù chính lúc này của Việt Nam là thực dân Pháp, nhưng 20 vạn quân Tưởng là một mối hoạ lâu dài, còn nguy hiểm hơn. Khi gặp Sainteny vào đầu giờ chiều 6/3, Người đã đề nghị thay cụm từ "độc lập" bằng "tự do" trong bản dự thảo Hiệp định Sơ bộ. Vậy là, vấn đề mấu chốt, vô cùng nhạy cảm đã được thoả thuận. Nội dung Hiệp định Sơ bộ có những điểm chính sau: Chính phủ Pháp công nhận nước Việt Nam là một quốc gia tự do, có Chính phủ, có Quốc hội, có Quân đội, có tài chính riêng; là thành viên của Liên hiệp Pháp và của Liên bang Đông Dương... Việt Nam thuận cho 15.000 quân Pháp vào Bắc Việt Nam thay thế quân Trung Quốc giải giáp quân Nhật. Số quân Pháp sẽ rút hết trong hạn 5 năm, mỗi năm rút một phần năm...

Hai bên quyết định sẽ kí Hiệp định Sơ bộ vào hồi 16 giờ 30 phút ngày 6/3/1946 tại ngôi biệt thự số 38 Lý Thái Tổ (nay thuộc khu vực Cung Thiếu nhi Hà Nội). Trước lễ ký, Hồ Chủ tịch nêu ý kiến với Sainteny: "Khi kí kết, với tư cách là Chủ tịch, tôi sẽ kí. Còn ông Nguyễn Tường Tam, là Bộ trưởng Ngoại giao nhưng ông ta không chịu kí. Tôi đề nghị Vũ Hồng Khanh là đại diện Quốc dân đảng kí thay Tam cho khách quan". Sainteny đồng ý. Đúng giờ đã định, lễ kí kết bắt đầu. Tham gia lễ kí về phía Việt Nam có Hồ Chủ tịch, Hoàng Minh Giám, Vũ Hồng Khanh; về phía Pháp có Sainteny, Pignon, Caput. Những người chứng kiến có đại diện ngoại giao của Lãnh sự Mỹ Sullivan, Công sứ Anh Wilson, Công sứ Trung Quốc Vương Tư Kiên. Trước khi đặt bút kí, Hồ Chủ tịch nói: "Bây giờ ông Giám sẽ đọc bằng tiếng Pháp bản Hiệp định"; sau đó Hồ Chủ tịch và Sainteny cùng kí vào bản Hiệp định Sơ bộ. Một tiệc trà được tổ chức để chúc mừng lễ kí kết. Khi Sainteny chúc mừng Hồ Chủ tịch, Người đã đáp lại bằng sự thể hiện quyết tâm: "Cảm ơn ông, nhưng thật ra, tôi chưa hài lòng. Ông biết đấy, tôi muốn nhiều hơn, tôi muốn nước tôi được độc lập, và chắc chắn nước tôi sẽ độc lập".

Lời khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành hiện thực sau chiến thắng Điện Biên Phủ và Đại thắng mùa Xuân 1975. Và Hiệp định Sơ bộ mùng 6 tháng 3 - Hiệp định đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa kí kết với nước ngoài, có vai trò rất lớn của Giáo sư Hoàng Minh Giám, đã đẩy lui 20 vạn quân Tưởng mà không tốn một viên đạn. Đó chính là sự phát huy sáng tạo kế sách giữ nước của ông cha ta: "Lấy yếu địch mạnh"

Trần Duy Hiển

Tổng thống Vladimir Putin khẳng định ông đặt "lợi ích và sự an toàn của người dân Nga lên trên hết", đồng thời tin tưởng Nga sẽ vượt qua mọi khó khăn một cách tự trọng và trở nên mạnh mẽ hơn.

Từ thắng lợi Điện Biên Phủ chấn động địa cầu năm 1954 đến đại thắng mùa xuân năm 1975 là 21 năm đằng đẵng với bao mất mát, hy sinh của dân tộc Việt Nam. Trong hành trình ấy, nhân dân Việt Nam đã đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng cách mạng chân chính và vững niềm tin để thực hiện khát vọng cháy bỏng: Non sông liền một dải, hòa bình, độc lập và xây dựng đất nước hùng cường.

Giả danh cơ quan Công an gọi điện để lừa đảo chiếm đoạt tài sản không phải thủ đoạn mới nhưng nhiều người vẫn mất cảnh giác, sập bẫy. Mới đây, Công an quận Hà Đông, TP Hà Nội đang điều tra, xác minh vụ giả danh cán bộ Công an, lừa đảo chiếm đoạt tài sản 15 tỷ đồng.

Ngày 7/5, Công an huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai đã phối hợp với các phòng nghiệp vụ để điều tra, làm rõ nguyên nhân một nam công nhân tử vong trong lúc làm việc tại xưởng sản xuất…

Trở lại Việt Nam vào những ngày cuối tháng tư, nữ nhà văn người Mỹ Lady Borton đang gấp rút duyệt bản thảo lần cuối cho cuốn sách mới bằng tiếng Anh viết về Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Gắn bó với Việt Nam hơn nửa thế kỷ, người phụ nữ 82 tuổi này đã chứng kiến nhiều thăng trầm của Việt Nam, coi đây là quê hương thứ hai của mình.

Bộ Công an Việt Nam và các cơ quan chức năng Australia đang tiến hành các thủ tục để chuẩn bị tổ chức Đối thoại An ninh cấp Bộ trưởng Việt Nam - Australia lần thứ nhất vào cuối năm 2024. Đây là sự kiện quan trọng góp phần nâng tầm hợp tác hai bên trong lĩnh vực an ninh và thực thi pháp luật.

Với việc hóa thân thành ông lão 72 tuổi để nói về việc trẻ em thiếu tình thương, em Nguyễn Đỗ Quang Minh, học sinh lớp 9, Trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng đã vượt qua 1,5 triệu bài viết, giành giải Nhất quốc gia cuộc thi Viết thư UPU lần thứ 53.

Liên quan đến thông tin một số khán giả cho rằng, trang phục biểu diễn của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng có cài huy hiệu lạ, nhạy cảm trong đêm nhạc “Ngày em thắp sao trời”, chiều 7/5, ông Nguyễn Danh Hoàng Việt, Chánh Văn phòng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nắm được vụ việc và chỉ đạo kiểm tra.

Những ngày qua có 4 tàu cá cùng 11 ngư dân của Quảng Bình bị nạn trên biển do lốc xoáy, sau 5 ngày nỗ lực liên lạc, tìm kiếm, 4 ngư dân đã được đưa vào bờ an toàn trong niềm vui vỡ oà của người thân.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文