Nhức nhối buôn lậu qua biên giới Quảng Trị

08:01 16/01/2016
Năm 2015, tình trạng vận chuyển, buôn bán hàng hóa lậu trên địa bàn tỉnh Quảng Trị được xem là giảm so với năm trước. Hầu hết các vụ bị phát hiện, bắt giữ đều có trị giá hàng hóa thấp, được vận chuyển theo phương thức “cua rạm”, hay trên xe khách loại 16 chỗ ngồi “độ” lại. Sự thật buôn lậu ở Quảng Trị giảm, hay chỉ là… bắt muỗi trong màn, như nhiều người vẫn nói?…

Khác với những năm trước, năm 2015, đặc biệt dịp giáp Tết Nguyên đán Bính Thân này, tình trạng “cua rạm” (những người gùi cõng hàng thuê cho các chủ buôn bán hàng lậu) trên tuyến đường 9 giảm hẳn.

Mất trọn một ngày mật phục tại các đoạn, điểm đường trước đây được xem là điểm nóng về vận chuyển hàng hóa lậu theo phương thức “cua rạm”, chúng tôi thấy chỉ một vài đối tượng. Họ gùi cõng các loại hàng cấm, hàng lậu để vượt các trạm, đội kiểm soát phòng chống buôn lậu, hàng cấm của các lực lượng chức năng, cũng chỉ là vài chai rượu ngoại, mấy chục bao thuốc lá Jet…

Trong khi đó, sông Sê Pôn phía Lào và Việt Nam qua địa phận huyện Hướng Hóa, vẫn tồn tại nhiều bến đò, điểm trung chuyển hàng lậu, hàng cấm từ Lào vào Việt Nam, lên các loại phương tiện vận chuyển về xuôi.

Quản lý thị trường Quảng Trị phát hiện, bắt giữ một vụ buôn lậu thuốc lá Jet.

Một người dân bản địa dẫn đường cho chúng tôi cho biết, trước đây theo yêu cầu của các chủ buôn bán hàng lậu, hàng cấm, những đội quân “cua rạm” phải gùi cõng hàng từ đây về tới thôn Lương Lễ, xã Tân Hợp, huyện Hướng Hóa, tập kết. Sau đó tiếp tục gùi cõng các loại hàng này “vượt” các trạm, đội kiểm soát phòng chống buôn lậu, hàng cấm của các lực lượng chức năng trên tuyến đường 9.

Nhưng nay, còn rất ít “cua rạm” được các chủ hàng lậu, hàng cấm thuê gùi cõng một quãng đường dài hàng chục cây số như vậy. Thay vào đó, các “cua rạm” chỉ cần vận chuyển hàng lậu, sau khi chúng đã được đưa từ phía Lào vượt sông Sê Pôn sang Hướng Hóa, tập kết dọc bờ sông này, lên các loại phương tiện vận chuyển, như xe khách 16 chỗ ngồi, xe khách 29 đến 39 chỗ ngồi.

“Hàng lậu, hàng cấm có thể vượt sông Sê Pôn hằng ngày để vào Hướng Hóa rồi về xuôi mà không bị phát hiện, bắt giữ?”, tôi hỏi người dẫn đường. “Đây là khu vực biên giới nên thỉnh thoảng có lực lượng Bộ đội Biên phòng tổ chức vây bắt nhưng rất ít, chỉ là khi nào hàng lậu, hàng cấm bị tố giác hoặc họ làm theo chuyên án”, người dẫn đường bảo.

Theo Thượng tá Phan Thanh Minh, Phó trưởng Phòng phòng chống tội phạm ma túy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị, thì việc phòng chống, bắt giữ các vụ vận chuyển buôn bán hàng lậu, hàng cấm trên tuyến biên giới là rất cam go. Các chủ hàng, cũng như các đội quân “cua rạm” sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, lại thường manh động mỗi khi bị lực lượng chức năng phát hiện, vây bắt...

Đơn cử mới đây lực lượng của đơn vị đã tổ chức vây bắt các đối tượng vận chuyển hàng lậu, hàng cấm vượt sông Sê Pôn vào Hướng Hóa. Nhưng bọn chúng đã rất manh động, liều lĩnh chống trả quyết liệt. Kết quả, biết không thể chống trả được, bọn chúng đã lợi dụng đêm tối, lao xuống sông trốn thoát, để lại lượng hàng hóa lớn gồm sữa các loại, bánh kẹo, dầu gội… với tổng trị giá gần 350 triệu đồng.

Trong vai người đi buôn hàng, nhiều lần ngược xuôi quốc lộ 9 trên xe khách loại 16 chỗ ngồi, chúng tôi không ít lần nghe các chủ buôn, trải lòng. “Buôn bán thời buổi ni có lời lãi chi mô mấy chú; tính đi, mỗi lượt xe về bất kể có hàng hay không đều phải đóng “lộ phí”. Trong khi gói thuốc, chai rượu ngoại lời lãi chỉ vài trăm đồng. Nói thật, vì không có việc mà phải làm ri chứ khổ cực, tủi nhục không biết kể đâu cho hết”. “Đã đóng tiền chuyến, tiền tháng rồi sao còn bị bắt hở mấy chị?”, tôi hỏi một chủ buôn. “Lâu lâu cũng phải chịu cho họ bắt chứ! Chứ không bắt thì họ lấy đâu ra vụ việc, số liệu để báo cáo với cấp trên. Nhưng bắt thì chỉ như chị em chúng tôi buôn bán nhỏ lẻ mới “bị bắt”; chứ như các xe 29, 40 chỗ ngồi họ làm ăn lớn, chung chi lớn thì có bị như thế này đâu!”, chị buôn hàng ấm ức.

Theo số liệu của Ban Chỉ đạo phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh Quảng Trị, trong năm 2015 và nửa tháng đầu năm 2016, các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã kiểm tra phát hiện, bắt giữ và xử lý hơn 4.100 vụ. Trong đó năm 2015 là 4.081 vụ, giảm 270 vụ so với năm 2014. Tổng trị giá hàng hóa vi phạm năm 2015 là gần 36 tỉ đồng, giảm gần 12 tỉ đồng so với năm 2014…

Theo số liệu này, nhiều người “trong cuộc” cho rằng, nó không phản ánh đúng tình hình thực tế buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn thời gian qua(?). Còn cánh quân buôn lậu, số cười nửa miệng, số ngậm ngùi rằng, thực tế chống buôn lậu ở Quảng Trị chỉ “làm khổ” những người buôn theo kiểu “cua rạm”(!)

Phan Thanh Bình

Hiện nay đã và đang xuất hiện các đường dây tội phạm mua bán người là những cô gái trẻ vào các quán karaoke. Sự xuất hiện những “biến thể” mới của loại tội phạm này khiến nhiều người dân chưa nhận diện được các thủ đoạn “biến tướng”, khi các đối tượng “ngầm” liên kết với nhau mua, bán nạn nhân như “món hàng”, đe dọa, đánh đập nếu nạn nhân không chịu tiếp khách, bán dâm ở trong quán karaoke.

Tại phiên xét xử phúc thẩm, HĐXX TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh đã tuyên sửa toàn bộ Bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Kiên Giang (cũ), chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của một người dân, liên quan đến phần đất 26.000m2 nằm trong Dự án Khu du lịch sinh thái Lan Anh Resort, tại ấp Cửa Lấp, xã Dương Tơ (Phú Quốc, An Giang).

Sau khi Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh triệt phá đường dây sản xuất, mua bán hàng giả: dầu gió Con Ó nhãn hiệu “Eagle Brand Medicated Oil”, kem dưỡng ẩm Thái Lan, dầu Ông già Thái Lan và dầu lăn Hàn Quốc, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã có văn bản gửi UBND 168 phường, xã, đặc khu, cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) và cơ sở kinh doanh dược trên địa bàn về việc chủ động rà soát các sản phẩm kinh doanh là hàng giả…

Trong cuộc họp nội các tại Nhà Trắng ngày 8/7 (giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Donald Trump bày tỏ sự không hài lòng với Tổng thống Nga Vladimir Putin liên quan đến cuộc chiến đang diễn ra tại Ukraine, đồng thời ám chỉ khả năng áp dụng thêm các biện pháp trừng phạt đối với Moscow.

Sáng 9/7, Phòng Tham mưu Công an TP Hồ Chí Minh cho biết các đơn vị chức năng thuộc Công an thành phố đã đồng loạt “đột kích” 3 quán bar trên địa bàn, phát hiện 186/364 khách và nhân viên dương tính ma túy, thu giữ hơn 100g ma túy tổng hợp các loại, 57 bình khí cười và nhiều vật chứng có liên quan.

Ngày 9/7, thông tin từ Phòng CSĐTTP về ma túy, Công an TP Hải Phòng cho biết, đơn vị vừa phối hợp với Công an xã Kiến Minh (TP Hải Phòng) bắt quả tang 3 đối tượng có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy. Đáng chú ý trong đó có Nguyễn Thành Long, đối tượng nổi tiếng trên mạng xã hội với biệt danh Tiến "bịp”.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.