Những tồn tại trong việc giữ Rừng quốc gia U Minh Thượng

07:46 18/10/2006

Trên vùng đệm Rừng quốc gia U Minh Thượng có 3.526 hộ dân từng nghèo "không cục đất chọi chim". Sau khi được giao đất, hỗ trợ vốn, họ đang ngày đêm nỗ lực thoát nghèo…

U Minh Thượng là vùng căn cứ địa cách mạng của Nam Bộ, được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Từ cách đây 15 năm, UBND tỉnh Kiên Giang đã chủ trương khoanh, nuôi, bảo vệ khôi phục khu rừng tràm nguyên sinh rộng 8.128ha - tức vùng lõi Vườn quốc gia U Minh Thượng, đồng thời hình thành vùng đệm gần 14.300ha bao quanh.

Qua rồi cảnh một bữa cháo, hai bữa rau!

Ông Năm Hưởng, Giám đốc Vườn quốc gia U Minh Thượng, kể tôi nghe bức tranh vùng đệm cách nay 8 năm: "Trên 60% diện tích còn hoang hóa. Nhiều hộ dân khổ quá phải đùm túm đi nơi khác làm thuê hoặc xộc thẳng vào vùng lõi U Minh Thượng lưới cá, bắt ong, rắn, rùa, chim thú… Hộ nghèo đói tăng từng ngày, hơn 1.000 hộ vùng đệm phải cứu trợ".

Năm 1999, UBND tỉnh Kiên Giang đã quyết định xây dựng dự án phát triển kinh tế nông hộ vùng đệm U Minh Thượng. Chẳng ai ngờ rằng, vùng hoang hóa được "đánh thức". U Minh Thượng bỗng ngút ngàn bởi màu xanh của tràm, mía, khóm.

Tổng doanh thu năm 2005 vừa qua của toàn vùng đệm đạt gần 54 tỉ đồng, bình quân 20,38 triệu đồng/hộ, thu nhập trên đầu người tăng 2,5 lần so với thời điểm năm 1998. Toàn vùng hiện có gần 600 hộ khá (21,1%); gần 1.400 hộ đủ ăn (51,8%); chỉ còn 624 hộ nghèo theo tiêu chí mới (23,56%), không còn hộ đói.

Điều quan trọng là từ khi triển khai dự án, mực nước dưới chân rừng được ổn định, nạn cháy rừng đã kéo giảm đến mức thấp nhất. Hôm chúng tôi đi vào vùng đệm thuộc khu vực kênh 19, xã An Minh Bắc, nhiều người dân nơi đây rất phấn khởi cho biết, nhờ dự án mà họ được như ngày hôm nay. Tuy cuộc sống vẫn còn đạm bạc nhưng cơ bản, chuyện chạy gạo, chạy rau ăn từng ngày đã qua rồi. Cả nhà sống yên vui, hòa thuận, con cái được học hành thay vì phải trầm mình mò cua, bắt ốc, lưới cá...

Cần khắc phục những tồn tại

Dự án phát triển kinh tế nông hộ được chia làm 9 tiểu dự án với tổng vốn đầu tư 181 tỉ đồng (gồm 97 tỉ đồng xây dựng cơ bản (XDCB), còn lại là chi phí sản xuất) nhưng mới có 7 tiểu dự án được thi công hoàn thành, với tổng số vuông bao nông hộ được 1.978 hộ, giá trị thực hiện gần 54 tỉ đồng. Còn hai tiểu dự án lẽ ra phải xong từ cách đây 3 năm nhưng hiện vẫn còn đó, gây ảnh hưởng khoảng 850 hộ dân và hiện còn diện tích khoảng 2.600ha chưa thể phát huy hiệu quả.

Một hạn chế khác là chính quyền tập trung cho vay XDCB số vốn lớn (bình quân 27,7 triệu đồng/hộ để múc vuông, bao), chiếm 77,1% trong khi vốn cho vay sản xuất bình quân chỉ 5,52 triệu đồng/hộ trong 5 năm.

Anh Lâm Văn Hoàng, 36 tuổi, cho biết: "Tôi đang nợ ngân hàng gần 24 triệu đồng. Trên 7.000m2 mía hiện vẫn chưa thể đốn, bán cho ai". Ông Huỳnh Hữu Việt - Cán bộ Văn phòng UBND xã Minh Thuận cho biết: "Mới đây, Nhà máy Đường Thới Bình (Cà Mau) có sang đặt vấn đề mua mía của bà con nhưng không chịu ký kết hợp đồng với bà con mà lại đòi ký với xã. Đầu ra mía năm nay hơi rối!".

Theo điều tra của chúng tôi, khi triển khai dự án, không biết quá trình khảo sát thực tế thế nào mà hộ nào cũng được giao 4ha. Đất rộng quá nên không ít hộ không có điều kiện đầu tư sản xuất. Ông Năm Hưởng nói: "Ao vuông của bà con bây giờ muốn trồng mía, khóm, hoa màu trúng, nuôi cá được, thì phải đầu tư đào tiếp một con kênh, lắp cống để thoát phèn ra đê bao ngoài".

Một cán bộ của Sở NN&PTNT thì phân tích thêm: "Công tác khuyến nông thời gian qua chưa đáp ứng nâng cao kiến thức cho người dân; chưa xác định rõ cơ cấu sản xuất từng loại cây trồng, vật nuôi cụ thể từng tiểu vùng. Việc sản xuất của một số tiểu vùng vẫn còn mang tính tự phát, hiệu quả kinh tế chưa cao, thiếu tính bền vững. Nhiều hộ dân có nguy cơ bị tái nghèo trở lại". Một số liệu khảo sát chưa đầy đủ của ngành chức năng, toàn vùng đệm có đến gần 900 hộ sang bán hoặc cầm cố đất.

Ngân hàng và chủ đầu tư - Công ty Nông lâm sản, hiện đang "khóc ròng" vì từ khi giải ngân cho vay đến nay, đã có gần 33 tỉ đồng hết hạn thanh toán nhưng thu hồi hết sức nhỏ giọt. Ông Việt cho biết: "Hầu hết người dân vùng đệm không thể tích lũy được. Hiện mọi chi tiêu hằng ngày của bà con đều bám víu vào khóm".

Ban chỉ đạo Công nghiệp hoá - Hiện đại hoá vùng đệm U Minh Thượng cho biết, để gỡ khó cho bà con, UBND tỉnh có thể xem xét, trình Chính phủ chuyển vốn đầu tư tín dụng sang hình thức cho vay theo chỉ định của Chính phủ.

UBND tỉnh cần ban hành chính sách bảo lãnh, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư cho hộ vay; xem xét cho những hộ nghèo vay vốn từ ngân hàng chính sách. Nhiều hộ dân kiến nghị tỉnh không nên thu lại phần tạm ứng lãi vay XDCB năm đầu cho dân để trả ngân hàng. Số thu được ngân hàng sẽ trừ vào nợ gốc hoặc lãi cho hộ vay

Binh Huyền

Hội Cựu CAND Việt Nam vạch ra nhiều giải pháp thiết thực nhằm thống nhất trong toàn thể hội viên về nhận thức và hành động, phấn đấu thực hiện mục tiêu giữ gìn và phát huy bản chất tốt đẹp của CAND Việt Nam; đồng thời phát huy nhiệt huyết, trí tuệ, kinh nghiệm, tích cực tham gia các phong trào ở cơ sở, nhất là phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ.

Trong lúc đang đánh cá trên biển, do lốc xoáy, sóng to đã làm 4 tàu cá ở Quảng Bình gặp tai nạn, trong đó có 3 tàu bị chìm, 1 tàu mất liên lạc. Hiện 11 ngư dân vẫn còn mất tích. Công tác tìm kiếm, cứu nạn các ngư dân mất tích đang được triển khai rất khẩn trương

Ngày 7/5, tại trụ sở Liên hợp quốc ở Geneva (Thụy Sỹ), Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham gia phiên đối thoại về Báo cáo quốc gia của Việt Nam về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người theo cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.

Ngày 5/5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu chuyến công du châu Âu, với các chặng dừng chân ở Pháp, Serbia và Hungary. Chuyến đi được đánh giá có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy tổng thể mối quan hệ giữa Trung Quốc với 3 nước nói riêng cũng như với Liên minh châu Âu (EU) nói chung phát triển ổn định và lành mạnh, góp phần củng cố sự ổn định trong một thế giới đầy biến động.

Trong cuộc sống, thiếu vắng đi người cha, người mẹ, đó là nỗi đau không thể bù đắp của những đứa trẻ đang tuổi ăn, tuổi lớn. Với mong muốn mang đến những điều tốt đẹp, xoa dịu nỗi đau cho các em nhỏ mồ côi, giúp các em có thêm nghị lực vươn lên trong cuộc sống, những người mẹ đỡ đầu là hội viên của các cấp Hội phụ nữ trong Công an tỉnh Lạng Sơn đã dang rộng vòng tay yêu thương, nhận chăm sóc, nuôi dưỡng và giúp đỡ nhiều em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn.

Ngày 6/5, theo nguồn tin riêng của phóng viên, Công an tỉnh Thanh Hoá đang tích cực điều tra nguyên nhân dẫn đến cái chết bất thường của 2 mẹ con trong ngôi nhà đang cháy xảy ra tại phố Kiều Đại 2, phường Đông Vệ, TP Thanh Hoá.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文