Phận đời đớn đau của người phụ nữ 24 năm lưu lạc xứ người

16:36 06/07/2015
Chồng bỏ đi theo người khác, người phụ nữ ấy gồng gánh nuôi ba đứa con nhỏ, bất chấp mọi khó khăn vất vả. Nhưng cuộc đời trêu ngươi, khi cần nhất một sự động viên an ủi, bà lại bị một kẻ buôn người lừa vào tròng và bán sang bên kia biên giới, bỏ lại ba đứa con nhỏ chỉ biết khóc đòi mẹ. Cho đến hàng chục năm sau, khi hy vọng tưởng chừng vụt tắt, bà tìm được đường trở về với quê hương. Nhưng nỗi đau của người phụ nữ cùng khổ này vẫn chưa dừng ở đó.
Những kí ức khổ đau

Trong câu chuyện của bà Nguyễn Thị Đào (quê gốc Ý Yên, Nam Định), có lẽ kí ức về khoảng thời gian lưu lạc nơi xứ người đã khắc vào trong tâm trí của người phụ nữ mang khuôn mặt khắc khổ này.

Theo như lời kể của bà Đào, năm 17 tuổi bà thôi học và xin vào làm công nhân Nông trường chè Bắc Sơn (thị trấn Bắc Sơn, Phổ Yên, Thái Nguyên). Làm việc hơn 4 năm tại đây, năm 1977, trong một lần đi xem văn nghệ, bà đã quen biết ông Nguyễn Văn Vinh – người địa phương. Đây có thể coi là cuộc gặp gỡ định mệnh của cuộc đời người con gái đang tuổi trăng tròn này, nó không chỉ mang lại hạnh phúc mà còn đầy nỗi đau.

Sau khi gặp gỡ và tìm hiểu, thấy ông Vinh tính tình hiền lành nên họ đã nên duyên vợ chồng, sau đó chuyển về xã Phúc Thuận (huyện Phổ Yên) sinh sống. Cuộc sống yên lành được gần 10 năm, có với nhau được ba người con trai thì chồng bà Đào bắt đầu thay đổi tính nết. Ông Vinh bỏ đi theo một người phụ nữ khác mặc kệ lời khuyên can của vợ và tiếng khóc của ba đứa con trai. Sau khi chồng bỏ đi, một mình bà Đào gồng gánh nuôi ba đứa con.

“Đúng thời điểm khó khăn nhất thì nông trường lại giải thể. Để kiếm sống, tôi đành phải để ba đứa con tự chăm sóc lẫn nhau, còn mình đi hái chè thuê cho các nhà trong làng nhưng cuộc sống vẫn rất khó khăn”- bà Đào ngậm ngùi chia sẻ.

Cũng vì cuộc sống khó khăn như vậy mà cho đến năm 1991, trong một lần đi hái chè thuê, bà Đào quen người phụ nữ tên Mùi ở Hải Dương. Có lẽ không chia sẻ được cho ai những khổ ải cuộc đời nên khi gặp Mùi, bà Đào đã kể hết những bi kịch mà mình đã gặp phải.

Sau khi nghe xong, người phụ nữ này nói những lời ngon ngọt và vẽ ra một viễn cảnh tươi sáng khi làm thuê bên Trung Quốc rồi đặt vấn đề rủ bà Đào đi làm cùng. “Thương mấy đứa nhỏ, tôi cũng không định đi nhưng khi nghĩ lại cảnh con cái phải sống khổ sở, nheo nhóc mình lại không đành. Khi nghe bà Mùi nói là sang Trung Quốc sẽ có thu nhập cao nên tôi đồng ý” bà Đào kể.

Ngay hôm sau, bà Đào đi theo người phụ nữ mới quen này lên TP. Thái Nguyên rồi bắt xe đi Lạng Sơn, sau đó men theo đường bộ đi qua biên giới rồi vào sâu trong nội địa. Đi bộ gần một ngày, cả hai dừng nghỉ ở nhà một người đàn ông Trung Quốc, lúc tỉnh dậy thì bà Đào mới được người đàn ông Trung Quốc cho biết bà đã bị bán.

Đại diện chính quyền địa phương đến thăm hỏi bà Đào (ngoài cùng bên trái).
24 năm nơi đất khách

Bị ép buộc sống với người đàn ông này như vợ chồng, tiếng không biết lại đòi về nên đã không biết bao nhiêu lần bà Đào phải chịu những trận đòn thừa sống thiếu chết. Nhớ lại những ngày tháng đó, bà Đào kể lại: “Họ nhốt tôi trong một căn phòng nhỏ, tiếng thì không biết nên kêu la thế nào không ai hay. Người đàn ông và gia đình anh ta ở ngay bên cạnh. Sau khi dọa nạt, anh ta bảo cứ ở yên đấy nên tôi sợ không dám đi đâu...”.

Nhiều đêm bà Đào thức trắng, người phụ nữ này luôn có những suy nghĩ cực đoan rằng hàng xóm, họ hàng sẽ chê trách và nghĩ rằng bà vì sợ khổ nên bỏ các con mà đi. Rồi những lúc cùng quẫn, bà Đào cũng có ý định đến với cái chết để cho cuộc đời bớt khổ. Nhưng mỗi khi chuẩn bị quyên sinh, hình dáng ba đứa con nhỏ lại xuất hiện trong tâm trí, giúp bà Đào có thêm hy vọng đến ngày trở về.

Bản tường trình nguệch ngoạc gửi cơ quan chức năng của bà Đào.

Sau những tháng ngày không ngủ, khóc đến khô nước mắt ấy, bà biết rằng không thể trở về trong một sớm một chiều nên đành cam chịu ở lại làm vợ người đàn ông Trung Quốc kia. Gọi là làm vợ, nhưng thực chất cuộc sống của bà Đào không khác gì trâu, ngựa cho gia đình nhà chồng “hờ”. Sau 5 năm sinh sống và làm việc cật lực, không sinh được con, gia đình chồng “hờ” dường như cũng không mặn mà gì lắm với bà Đào. Họ bỏ mặc bà như một món đồ không còn giá trị sử dụng, mặc cho người phụ nữ này bơ vơ, tự tìm đường sống.

Sau đó không lâu, thấy bà Đào không nơi nương tựa, một người phụ nữ bản xứ đã tới động viên bà đi vào sâu trong tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) để làm thuê. Nhẹ dạ cả tin, chỉ nghĩ trong đầu rằng tìm được đường sống là tốt rồi nên bà Đào đồng ý ngay. Sau quãng đường dài với những buổi chuyện trò như bạn bè, khi bà Đào bắt đầu có cảm giác tin tưởng vào người bạn đường thì người phụ nữ kia lộ bộ mặt thật là một kẻ buôn người.

Một lần nữa, bà Đào lại trở thành một món hàng khi bị người phụ nữ kia bán cho một người đàn ông khác để làm vợ. Sống với người chồng “hờ” thứ hai được 10 năm, cuộc sống cũng cực khổ, vất vả không kém gì khi ở với người chồng trước. Sau từng ấy năm làm việc vất vả lại phải phục dịch cả nhà, bà Đào như không còn sức lực, khuôn mặt hốc hác xanh xao với đôi mắt trũng sâu, vô hồn.

Ngôi nhà của anh Hùng- con trai cả của bà Đào.

Có lẽ thấy rằng người phụ nữ này không còn gì để lợi dụng, người chồng “hờ” kia cũng không cần quan tâm xem bà có bỏ trốn hay không. Lúc ấy, bà rất muốn trở về quê hương để đoàn tụ với các con nhưng không biết đường đi lối lại, tiền cũng không có nên “lực bất tòng tâm”.

Rất may ngay sau đó, bà quen được một người phụ nữ Việt Nam tên Phượng và được người này dẫn đi xin việc ở Trung tâm chăm sóc người cao tuổi. Vừa làm lụng vừa tích cóp nhiều năm trời với hy vọng được trở về quê hương, rồi cơ hội đã đến khi bà Đào gặp được một người Việt Nam khác sang Trung Quốc làm ăn.

Sau cuộc trò chuyện thân tình của hai người Việt nơi đất khách, bà Đào có kể lại những năm tháng cùng khổ bà phải chịu và nhờ người này báo tin cho gia đình. Rồi từ đó hy vọng trở về quê nhà ngày càng nhiều, bà Đào làm việc chăm chỉ hơn để tích tiền vì bà biết sẽ có ngày dùng tới.

Nỗi đau chưa dứt

Cuối năm 2014, bà Đào nhận được một cuộc gọi thông báo là đã tìm được người thân đang sống ở Thái Nguyên. Đêm hôm đó, bà không ngủ mà chỉ nằm khóc cho đến khi trời sáng. Mang tất cả số tiền tích cóp bấy lâu nay, bà Đào tìm mọi cách để liên lạc với cộng đồng người Việt đang làm ăn buôn bán ở địa phương.

Bà Đào kể lại: “Đến giữa tháng 4 năm 2015, tôi thuê một người tên Thu quê Thanh Hóa dẫn mình theo đường tiểu ngạch đến khu vực Móng Cái (Quảng Ninh) rồi bắt xe về Thái Nguyên, mất 3.000 nhân dân tệ (tiền Trung Quốc). Lúc ấy người nhà tôi đã có mặt ở bến xe để đón rồi...”.

Trên những chuyến xe đường dài ấy, bà Đào luôn tự hỏi cuộc sống của các con ra sao, chồng cũ của bà thế nào. Tâm trạng hồi hộp chen lẫn xúc động khiến người phụ nữ bị lừa bán sang bên kia biên giới những 24 năm không kìm được nước mắt. Bà cứ thế khóc trên chuyến xe và càng khóc to hơn khi gặp được con trai lớn là Nguyễn Văn Hùng.

Rồi bà chết lặng một lúc lâu khi biết được rằng, ba đứa con nhỏ ngày nào một tay bà chăm bẵm nay chỉ còn một. Niềm vui chẳng được tày gang thì nỗi đau lại ập tới, người phụ nữ này không còn đứng vững được bằng đôi chân đã giúp bà chống chọi với cuộc đời trong suốt 24 năm lưu lạc nơi xứ người.

Kể lại ngày nhận được thông tin của mẹ, chị Thúy – con dâu bà Đào cho biết: “Cuối tháng 11 năm 2014, một người đàn ông đi xe máy đến nhà và thông báo cho chúng tôi biết có tin từ mẹ gửi về. Trước khi lấy anh Hùng (con trai lớn của bà Đào), tôi cũng nghe anh kể về người mẹ mất tích đã lâu. Ngày ấy gia đình cũng đi tìm khắp nơi nhưng không thấy, ai cũng nghi là mẹ bị lừa bán sang Trung Quốc”.

Cho đến ngày gặp mặt, mẹ chồng – con dâu không ai biết mặt ai nhưng nhìn qua ánh mắt cũng thấy được sự xúc động trong ngày đoàn tụ của họ ra sao. Cho đến giờ, có lẽ nỗi đau của bà Nguyễn Thị Đào cũng đã nguôi ngoai bởi đã được trở về với quê hương, với con cháu. Khi nói về nguyện vọng của mình, bà Đào cho biết: “Tôi chỉ mong cơ quan Công an vào cuộc làm rõ, xử lý những người đã bán tôi thật nặng để không ai phải chịu cảnh như tôi nữa. Tôi giờ tuổi cao sức yếu nên cũng chỉ muốn có một công việc phù hợp để làm và sống cùng con cháu mà thôi...”.

 

Theo ông Nguyễn Ngọc Hà - Trưởng Công an xã Phúc Thuận cho biết: “Ngay sau khi trở về địa phương vào ngày 28/4/2015, bà Nguyễn Thị Đào đã làm đơn trình báo vụ việc mình bị lừa bán cách đây 24 năm. Chúng tôi đã tiến hành lập hồ sơ vụ việc để chuyển lên Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội của huyện và chương trình chống buôn bán người của tỉnh Thái Nguyên để có các hành động hỗ trợ. Các ban, ngành địa phương cũng phối hợp để làm các thủ tục cấp lại giấy tờ, giúp bà Đào ổn định cuộc sống tại địa phương”.
Phong Lê

Hỏi: Cháu tôi bị bạn bè lôi kéo, tụ tập tham gia đua xe máy và bị Công an quận tạm giữ cả xe và người để xử lý theo quy định pháp luật. Xin hỏi hành vi của cháu tôi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? (Trần Văn Hải, TP Hồ Chí Minh)

Sau nhiều ngày đưa ra xét xử sơ thẩm, ngày 21/11, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế tuyên án đối với 2 bị cáo Nguyễn Vĩnh Linh (SN 1961) và Nguyễn Như Quỳnh (SN 1975, đều trú tại TP Huế) trong vụ án "Tham ô tài sản" và "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra ở Trung tâm Công nghệ thông tin Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thuộc Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trong bối cảnh Mỹ ngày càng thờ ơ với khu vực Mỹ Latinh, Trung Quốc đã nhanh chóng tận dụng khoảng trống này để mở rộng ảnh hưởng. Với chiến lược đầu tư mạnh mẽ và cam kết lâu dài, Bắc Kinh đang tạo ra một sự thay đổi đáng kể tại Mỹ Latinh, khiến Washington phải đối mặt với thách thức lớn về địa chính trị ngay tại “sân sau” của mình.

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

Sau một thời gian theo dõi, Công an huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh đã phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm Công nghệ cao Công an Hà Tĩnh, Công Thành phố Hà Nội, Quãng Ngãi, Gia Lai phá thành công chuyên án buôn bán, vận chuyển hàng cấm (pháo) với quy mô lớn, bắt giữ 6 đối tượng, thu giữ trên 2,2 tấn pháo các loại cùng nhiều tang vật liên quan đến vụ án.

Ý thức được việc làm của mình là sai trái, qua sự động viên giải thích của Công an, vợ chồng người con trai chiếm nhà của bà cụ Phạm Thị Trơn (phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ) đã viết giấy trả nhà. Việc giao trả diễn ra trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương.

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文