Nữ điệp báo từng là hoa hậu Đông Dương

07:47 10/05/2005

“Điệp vụ thứ nhất” là bộ phim truyền hình do Điện ảnh Công an nhân dân xây dựng theo kịch bản của nhà báo Trường Thanh. Bộ phim kể về cuộc đời của một nữ điệp báo trong kháng chiến chống Pháp. Điều thú vị là nội dung phim dựa trên câu chuyện có thật của một nữ điệp báo từng là hoa hậu Đông Dương.

Nhân vật chính trong phim là Kiều Mai - một nữ điệp báo do ta cài vào nội thành, đã có công lấy được Bản chỉ thị của Tư lệnh Quân đội viễn chinh Pháp ở Bắc Đông Dương về việc hành binh trên đường số 4, cách tổ chức hành binh và chống Việt Minh phục kích, góp phần vào thắng lợi của chiến dịch Thu Đông 1947.

Sự tình cờ ngẫu nhiên đã khiến Trường Thanh kết duyên với điện ảnh. Một hôm, ông và một người bạn là đạo diễn Nguyễn Chiến đi uống bia, thì gặp đồng chí Thái Kế Toại - Giám đốc ĐACAND. Chuyện trò dây cà ra dây muống, đến chuyện kịch bản, Trường Thanh nói với anh Thái Kế Toại: “Tôi có một câu chuyện có thật như thế này, anh xem có dựng phim được không?”, rồi Trường Thanh kể vắn tắt cốt truyện xung quanh một nữ điệp báo mà anh biết cho đồng chí Thái Kế Toại nghe. Là người có “con mắt điện ảnh”, nên đồng chí Thái Kế Toại biết ngay câu chuyện ấy có thể trở thành một bộ phim hấp dẫn.

Một đề cương dài 12 trang được Trường Thanh hoàn thành và gửi cho ĐACAND. Nhưng lúc ấy, Trường Thanh đang công tác tại Phòng Công tác Chính trị Công an tỉnh Hòa Bình, nên lãnh đạo Tổng cục Xây dựng lực lượng Bộ Công an đã ký công văn gửi lên Công an tỉnh Hòa Bình yêu cầu “trưng dụng” Trường Thanh trong 4 tháng về Hà Nội để viết kịch bản phim phục vụ công tác tuyên truyền của ngành. Phấn khởi vì được cấp trên tạo điều kiện tối đa, ông đã chuẩn bị mọi việc cho sự ra đời “đứa con tinh thần” lớn nhất trong đời cầm bút của mình.

Bộ phim kể về những biến cố trong cuộc đời thanh xuân của Kiều Mai - con gái duy nhất của một gia đình tư sản. Kiều Mai từng là một nữ sinh của Trường Đồng Khánh nổi tiếng  xinh đẹp, từng được trao vương miện Hoa hậu Đông Dương lúc bấy giờ. Nhưng những hệ lụy, đau đớn, tủi nhục nhất trong đời cô cũng lại đến ngay từ ánh hào quang của chiếc vương miện ấy. Cha mẹ cô mở một bữa tiệc mừng cô con gái “rượu” đăng quang. Cô bị bắt cóc ngay trong đêm ấy, bị sa vào tay bọn Quốc dân đảng. Sau khi làm trò đồi bại, chúng chuyển cô cho băng cướp Năm Kim - một băng cướp khét tiếng ở Hà Đông lúc bấy giờ. Rồi cô lại bị bán cho một nhà thổ. Khi trốn ra được trở về Hà Nội thì gia đình không còn ai, cô theo đoàn người tản cư đi về phía Sơn Tây rồi nằm chết ngất bên vệ đường.

Số phận đã cho cô may mắn gặp lại một người con trai vốn từng si mê cô, nay đã trở thành Trưởng ty Điệp báo Sơn Tây. Anh đã cùng đồng đội cưu mang, cảm hóa, giác ngộ cô và giao cho một nhiệm vụ quan trọng phục vụ kháng chiến. Kiều Mai về thành làm tiếp viên pha đồ uống tại câu lạc bộ sĩ quan Pháp. Cô trở thành vị hôn thê của một sĩ quan Pháp mang hàm Thiếu tá tên là Jean Paul Dupra - người đã ấp ủ hình bóng cô khi cô có thời gian trước đó theo học trường dòng tại Pháp. Jean sang Việt Nam với mục đích tìm lại người yêu, chứ không phải là để cầm súng. Kiều Mai được Jean Paul Dupra tin tưởng nhận về làm nhân viên văn phòng tại phòng Nhì. Thế là mọi thông tin bí mật về cuộc hành binh của quân Pháp lên Việt Bắc đã được cô chuyển cho cơ sở bí mật, để báo lên cấp trên. Nhờ vậy, Chính phủ ta biết trước kế hoạch của địch đã di chuyển đến nơi an toàn. Chiến công của tổ điệp báo được Bác Hồ gửi lời khen ngợi.

Nhà báo Trường Thanh kể lại, ông có được cốt truyện trên cũng hết sức tình cờ. Hồi đó là vào dịp chuẩn bị cho 40 năm Ngày thành lập Lực lượng Công an nhân dân, tác giả cùng một đồng chí nữa đến lục tung Phòng Truyền thống của Công an tỉnh Hà Tây để tìm tài liệu. Tình cờ, họ tìm thấy một chiếc cặp đã ố vàng, liền tò mò giở ra xem. Thì ra đó là một bức thư khen của đồng chí Lê Giản gửi Công an Hà Tây, viết trên một loại giấy rất mỏng. Nội dung như sau:

“Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm thứ VI. Độc lập, Tự do, Hạnh phúc. Bộ Nội vụ - Việt Nam Công an vụ. Số 58-NCA-P/1. Tổng Giám đốc Việt Nam Công an vụ. Nhân dịp Hội nghị Công an toàn quốc họp lần thứ 5; sau khi đã kiểm thảo thành tích của các Ty Công an tỉnh: Đặc biệt khen ngợi Ty Công an Sơn Tây: Đã lập nhiều thành tích về điệp báo, lấy được một số tài liệu quan trọng của địch và thiêu hủy hoàn toàn 1 kho súng đạn lớn của địch trong lòng thị xã Sơn Tây. Đã thâu lượm được nhiều kết quả trong công tác, mặc dầu phải hoạt động trong một hoàn cảnh cực kỳ khó khăn. Ngày 12 tháng 1 năm 1950. Tổng Giám đốc Việt Nam Công an vụ: Lê Giản”.

Ban đầu, Trường Thanh chỉ rất tò mò muốn biết về một chiến công lớn trong truyền thống của Công an Hà Tây (lúc đó là Công an Hà Sơn Bình), nhưng trong quá trình tìm hiểu, tác giả Trường Thanh còn biết thêm nhiều chuyện thú vị xung quanh chiến công ấy. Trong đó, có chuyện về nữ điệp báo tên là Hồng, đã được tổ điệp báo Sơn Tây “đánh” thẳng vào Hà Nội để “làm tổ" trong lòng địch, phục vụ công tác cách mạng lúc bấy giờ.

Trường Thanh đã tìm đến ông Nguyễn Đức Tường - nguyên Trưởng Ty Công an Sơn Tây (từ tháng 8/1947 đến tháng 4/1952) - để tìm hiểu về chiến công của tổ điệp báo này. Thì ra, điệp báo Nguyễn Thị Hồng chính là người con gái mà Trưởng ty Tường khi còn là nam sinh Trường Nông Lâm đã thầm yêu trộm nhớ. Cô này từng được phong là Hoa hậu, người đẹp nhất ba nước Đông Dương trong một cuộc thi người đẹp do Pháp tổ chức tại Campuchia, là con một nhà tư sản ở phố Gambetta (nay là phố Trần Hưng Đạo). Trong buổi đất nước tao loạn, ông Tường đi theo cách mạng, dần dần cũng quên hẳn “người trong mộng”.

Không ngờ vào một ngày của năm 1947 ông Tường cùng một đồng đội là ông Công Bình - nguyên Quận trưởng quận Quốc Oai, Thạch Thất đi kiểm tra tình hình bà con tản cư, thì gặp lại “bông hồng” ngày xưa, nay trông rất tiều tụy, lại bụng mang dạ chửa, nằm bất tỉnh bên vệ đường. Vậy là, không còn cách nào khác, Trưởng ty Nguyễn Đức Tường giao nhiệm vụ cho đồng chí Công Bình: “Anh có gia đình đang tản cư ở đây, lại là quận trưởng. Tôi giao cô ấy cho anh. Anh lo cho cô ấy sao cho “mẹ tròn con vuông” rồi đưa về Ty gặp tôi!”. Chính vì chuyện này mà vợ của đồng chí Công Bình suốt mấy chục năm cứ ấm ức ghen, vì tưởng chồng mình có vợ bé. Đến khi nghe câu chuyện ông kể cho Trường Thanh nghe, bà mới hiểu ra và đã khóc trước tấm lòng bao dung của chồng mình - một chiến sĩ công an làm điệp báo.

Cô Hồng sau đó đã sinh được  một cậu con trai, sau này cho một gia đình hiếm muộn ở Quốc Oai nhận làm con nuôi. Khi gặp lại ông Tường, cô đã kể lại quãng đời phiêu bạt, hoen ố của mình. Cô rất cảm phục nghĩa cử cao đẹp của các chiến sĩ công an và thấy mình chỉ có một con đường duy nhất là đi theo cách mạng. Cô nói với ân nhân của mình: “Bây giờ các anh giao nhiệm vụ gì em cũng làm! Nấu cơm, quét dọn, hay việc gì em cũng làm!”. Vậy là đồng chí Tường nảy ra một ý: “Sử dụng cô làm điệp báo, “đánh” thẳng cô về Hà Nội hoạt động. Bởi lẽ, cô ấy có một vỏ bọc lý lịch rất tốt: Là người Hà Nội gốc, con nhà tư sản theo Thiên Chúa giáo, lại hát hay múa giỏi, từng quen thân, giao du với những viên chức, sĩ quan cao cấp địch, sẽ có điều kiện tiếp cận với những đối tượng “chóp bu” của địch để nắm bắt tình hình. Ban đầu, cô Hồng cũng giãy nảy lên, vì cô đã muốn đoạn tuyệt hoàn toàn với những ký ức đau khổ, tủi nhục mà mình đã trải qua. Nhưng được tổ chức, mà trực tiếp là hai đồng chí Nguyễn Đức Tường và Công Bình làm “công tác tư tưởng”, thuyết phục, cô nghe ra và đồng ý nhận nhiệm vụ. Người chỉ đạo trực tiếp là đồng chí Công Bình, khi ấy đã được rút về làm tổ trưởng điệp báo Sơn Tây.

Cô Hồng về Hà Nội làm quen dần với công việc ở câu lạc bộ sĩ quan Pháp, một thời gian sau thì “bắt bồ” được với một tên thiếu tá Pháp trong Bộ Tham mưu quân viễn chinh Pháp ở bắc Đông Dương. Si mê sắc đẹp, tài năng của cô Hồng, tên này đã mua cho cô một căn nhà ở phố Hàng Da. Nhờ mối quan hệ thân mật ấy, những tài liệu tối mật do tên này giữ trong cặp, đã được cô Hồng qua đường dây của mình gửi về Ty Công an Sơn Tây và được chuyển lên Nha Công an Trung ương. Đó là bản chỉ thị của Tư lệnh Quân đội viễn chinh Pháp ở bắc Đông Dương về việc hành binh trên đường số 4, cách tổ chức hành binh và chống Việt Minh phục kích. Thành tích mà Nha Công an Trung ương khen Công an Sơn Tây có chiến công không nhỏ của điệp báo Nguyễn Thị Hồng.

Sau này, tổ điệp báo Sơn Tây do đồng chí Công Bình chỉ huy cũng mất liên lạc với cô Hồng, không rõ cô còn sống, đã mất hay lưu lạc cùng các tướng tá quân đội viễn chinh Pháp thua cuộc bị triệu hồi về nước. Kỷ vật duy nhất mà đồng đội chị - đồng chí Công Bình - còn giữ được là một tấm ảnh nhỏ, khổ 4x6cm có ghi dòng chữ: “Tặng em Công Bình để kỷ niệm những ngày chị em mình cùng tham gia cuộc kháng chiến của dân tộc. Chị H”. Thiếu tướng Công Bình sau này trở thành Phó cục trưởng A.13 (đã nghỉ hưu) vẫn giữ kỷ niệm đẹp về người chị, người đồng đội của mình

Nguyễn Thị Việt Hà

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, sáng nay (23/11), lực lượng cứu nạn cứu hộ (CNCH) đã tìm thấy được 2 thi thể trên sông.

Thanh tra Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 2414/TB-TTCP thông báo kết luận thanh tra việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011-2021 tại Bộ Giao thông vận tải (GTVT).

Ngày 23/11, Công an thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hoá thông tin, đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối tượng Vũ Minh Dương (SN 2006), trú tại xã Hoạt Giang, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá để điều tra tội “Chống người thi hành công vụ”.

Ngày 23/11, Viện KSND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết đã phê chuẩn Quyết định khởi tố vụ án “Điều khiền phương tiện hàng hải vi phạm quy định về hàng hải của Nước CHXHCN Việt Nam” của Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu để tiến hành điều tra theo quy định pháp luật. Đồng thời, các cơ chức năng, đại lý hàng hải được chủ tàu ủy quyền, công ty bảo hiểm cũng đang phối hợp chặt chẽ trong công tác tìm kiếm, cứu hộ, bảo đảm môi trường và khắc phục hậu quả vụ tai nạn.

Hỏi: Cháu tôi bị bạn bè lôi kéo, tụ tập tham gia đua xe máy và bị Công an quận tạm giữ cả xe và người để xử lý theo quy định pháp luật. Xin hỏi hành vi của cháu tôi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? (Trần Văn Hải, TP Hồ Chí Minh)

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文