Phát hiện, xử lý nhiều đối tượng giả danh cán bộ cấp cao để lừa đảo
- Giả danh cán bộ Công an vòi tiền bảo kê vỉa hè tiệm cắt tóc
- Giả danh cán bộ để đòi tiền “bồi dưỡng”
- Trốn lệnh truy nã, tiếp tục giả danh cán bộ Công an
- Giả danh cán bộ dự án chiếm đoạt gần 1 tỷ đồng từ việc lừa làm “sổ đỏ”
Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Trần Quang Hải, Trưởng phòng Bảo vệ Nội bộ các cơ quan Đảng, Nhà nước Trung ương, Cục An ninh Chính trị Nội bộ cho biết: Thời gian gần đây, tình trạng đối tượng sử dụng giấy tờ giả như “Thẻ công vụ đặc biệt”, “Thẻ bất khả xâm phạm” hoặc giấy tờ khác ghi danh là thành viên “Tổ công tác đặc biệt”, “Ban chiến lược Trung ương” nhằm thực hiện hành vi trái pháp luật có xu hướng gia tăng.
Không chỉ sử dụng khi tham gia giao thông (phần lớn các đối tượng sử dụng xe ôtô biển kiểm soát giả), một số trường hợp còn dùng các loại giấy tờ đặc biệt này để vào khu vực cấm, vào cảng sân bay và các khu vực trọng điểm khác.
Sự việc vừa được Công an tỉnh Bình Thuận phát hiện vào tháng 6-2017 là một ví dụ. Trong quá trình làm nhiệm vụ trên đường Nguyễn Thông, TP Phan Thiết, tổ tuần tra, kiểm soát giao thông của Công an TP Phan Thiết phát hiện xe ôtô mang biển kiểm soát 61A-25313 vi phạm lỗi vượt quá tốc độ cho phép.
Một số giấy tờ giả đối tượng sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm. |
Vào thời điểm kiểm tra, trên xe có ông Nguyễn Văn Khánh và tài xế là ông Nguyễn Hoàng Oanh. Khi làm việc với tổ tuần tra kiểm soát, ông Khánh đã xuất trình “Thẻ Công vụ đặc biệt” do “tổ công tác đặc biệt cố vấn Ban chiến lược Trung ương” cấp, mang tên Nguyễn Văn Khánh cùng số chứng minh nhân dân, số hiệu thủ trưởng đơn vị ký thẻ là ông Trần Tử Quang.
Ông Khánh yêu cầu tổ tuần tra kiểm soát bỏ qua lỗi vi phạm do đang làm nhiệm vụ đặc biệt. Khi kiểm tra, phát hiện có dấu hiệu nghi vấn, tổ tuần tra, kiểm soát đã mời cả 2 người về trụ sở để làm rõ lai lịch và giấy tờ có liên quan. Công an tỉnh đã trực tiếp làm việc với ông Khánh, ông Khánh khai nhận làm giấy tờ giả “Thẻ Công vụ đặc biệt” để tạo điều kiện thuận lợi khi tham gia giao thông, không bị Cảnh sát giao thông xử lý.
Bước đầu xác minh được biết vào thời điểm đó, ông Khánh là Trưởng phòng của một ngân hàng tại TP Hồ Chí Minh. Công an tỉnh đã thu giữ toàn bộ giấy tờ có liên quan đến vụ việc và chỉ đạo Công an TP Phan Thiết tiếp tục điều tra, làm rõ, kết luận và xử lý theo quy định của pháp luật.
Thực hiện việc chủ động phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn với các đối tượng mạo danh là cán bộ cơ quan Đảng, Nhà nước, mạo danh cán bộ Công an, thân nhân có quan hệ thân thiết với các đồng chí lãnh đạo cấp cao để thực hiện hành vi lừa đảo, trong thời gian qua, Cục An ninh Chính trị Nội bộ đã chủ động triển khai công tác nắm tình hình, qua đó, đã phát hiện và ngăn chặn nhiều vụ việc đối tượng mạo danh.
Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Trần Quang Hải cho biết: Cục An ninh Chính trị Nội bộ, có thông tin về một người tự xưng là Nguyễn Trí Đức, trợ lý của Thủ tướng Chính phủ, Cục trưởng Cục Quản trị tài vụ, Trưởng ban dự án Chính phủ có thể xin dự án, lo thủ tục vay vốn ưu đãi... Người này gửi cho mọi người danh thiếp ghi thông tin về họ tên, chức danh nêu trên và số điện thoại liên hệ. Sau đó, chủ động gặp gỡ một số doanh nghiệp ở Đà Nẵng, tự giới thiệu có thể môi giới, xin dự án do Chính phủ chỉ định thầu và hứa hẹn sẽ giúp doanh nghiệp trúng thầu hoặc vay vốn ưu đãi với điều kiện doanh nghiệp phải có “quà” cho các đồng chí lãnh đạo cấp cao.
Cục An ninh Chính trị Nội bộ đã tập trung lực lượng tổ chức xác minh, xác định thông tin trên là có thật. Vụ việc có dấu hiệu lừa đảo. Xác định sự việc gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của các đồng chí lãnh đạo; tạo tâm lý tiêu cực trong xã hội, trong cán bộ, đảng viên, đơn vị đã báo cáo, đề xuất và được lãnh đạo Bộ Công an, Tổng cục An ninh đồng ý cho triển khai kế hoạch điều tra làm rõ vụ việc.
Kết quả xác minh, xác định đường dây trên gồm 4 đối tượng, trong đó có 2 đối tượng chính trực tiếp thực hiện hành vi lừa đảo và 2 đối tượng liên quan. Trong thời gian từ tháng 6-2015 đến tháng 8-2015, các đối tượng đã gặp gỡ, liên hệ với trên 30 doanh nghiệp ở nhiều địa phương để nhận hồ sơ năng lực của doanh nghiệp và đọc cho nghe hoặc xem một số văn bản có liên quan đến các dự án của Chính phủ, chiếm đoạt trên 500 triệu đồng và 10 nghìn USD.
Cục An ninh Chính trị Nội bộ đã kiên trì rà soát và đã xác định Nguyễn Trí Đức tên thật là Trịnh Phi Long (34 tuổi, tạm trú tại tại phường Mỹ Đình 2, Nam Từ Liêm, Hà Nội), đối tượng trực tiếp thực hiện hành vi lừa đảo. Đối tượng Nguyễn Thị Kim Cúc (59 tuổi, trú tại phường Bến Thủy, TP Vinh, tỉnh Nghệ An), nguyên cán bộ Đài Phát thanh - Truyền hình Nghệ An, nghỉ hưu năm 2010 là đối tượng tham gia lừa đảo và danh tính của 2 đối tượng cho Long, Cúc mượn tài khoản ngân hàng để nhận tiền của doanh nghiệp.
Cục An ninh Chính trị Nội bộ đã phối hợp với Cục An ninh điều tra, Bộ Công an đánh giá tài liệu chứng cứ, xác định hành vi của Trịnh Phi Long và Nguyễn Thị Kim Cúc cấu thành hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tháng 1-2017, vụ án được đưa ra xét xử phiên tòa sơ thẩm. Tòa tuyên phạt Trịnh Phi Long 14 năm tù giam, Nguyễn Thị Kim Cúc 4 năm tù giam.
Để hạn chế các vụ việc trên, Cục An ninh Chính trị Nội bộ đã tăng cường phổ biến phương thức, thủ đoạn của đối tượng phạm tội đến các cơ quan trung ương; thông báo cho Công an các địa phương để có biện pháp phòng ngừa, tố giác tội phạm. Cục An ninh Chính trị Nội bộ cho biết, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, các cơ quan Trung ương khẳng định không thành lập “Tổ công tác đặc biệt” hay “Ban chiến lược Trung ương” và không cấp thẻ cho các thành viên như trên. Việc làm giả, sử dụng giấy tờ giả mạo chức vụ, cấp bậc là hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm trật tự quản lý hành chính.
Chia sẻ về vấn đề trên, Luật sư Nguyễn Văn Thành - Công ty Luật TNHH Huy Thành cho biết: Thời gian gần đây, có một số đối tượng giả danh các cá nhân ủy quyền cũng như là làm giả các giấy tờ, hồ sơ tài liệu phục vụ cho hành vi lừa đảo của mình. Theo quy định của pháp luật, những hành vi đó có thể xử lý vi phạm theo pháp luật hình sự mà cụ thể họ có thể bị xử lý với 3 hành vi. Thứ nhất là nếu hành vi đó mục đích là chiếm đoạt tài sản thì có thể bị xử lý về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điều 139 của Bộ luật Hình sự. Thứ hai nếu họ giả danh các chức vụ, cấp bậc thì cũng bị xử lý về hành vi giả danh chức vụ, cấp bậc được quy định tài điều 265 của Bộ luật Hình sự và mức hình phạt của hành vi này tới 2 năm tù. Thứ 3 là họ làm giả các giấy tờ tài liệu con dấu của cơ quan tổ chức thì bị xử lý hình sự về hành vi này và mức hình phạt cao nhất là 7 năm tù.