Phục voi dữ ở Pù Mát

11:27 29/08/2008
Đàn voi về phá bản thường có 3 con, có 1 voi cái. Đối phó với đàn voi, xã lập đội thanh niên, dân quân tự vệ gồm 50 người, khi có voi là đốt lửa, đánh trống xua đuổi voi, nhưng chúng rất hung tợn. Trong một lần xua đuổi, có hai dân quân của xã đã bị voi thò vòi cuốn tung lên trời, cả hai bay bổng như vận động viên nhảy sào, rồi rơi phịch xuống đất.

>> Voi về "quậy phá" buôn làng

Pù Mát, chuyện người giữ rừng

"Nhiều người gọi chúng tôi là… người rừng. Quả vậy, với khách tham quan thì đến, đi chốc thoáng, còn chúng tôi có anh em đã sống ở rừng hai, ba chục năm rồi, con của cán bộ cũng sinh ra để giữ rừng như bố" - ông Nguyễn Thanh Nhàn, Giám đốc Vườn quốc gia Pù Mát (Nghệ An) phân trần.

Vườn Pù Mát nằm ở độ cao hơn 1.800m so với mặt nước biển. Gần 10 năm trước, Pù Mát được đưa vào hệ thống rừng đặc dụng quốc gia. Trong số 121 khu rừng đặc dụng của Việt Nam, Pù Mát được xếp vào hạng giá trị sinh học loại A với diện tích tài nguyên lớn, động, thực vật phong phú, đa dạng.

Hiện ở Pù Mát có 2.469 loài thực vật, 938 loài động vật, trong đó có 120 loài thú lớn, nhỏ, 295 loài chim. Đa dạng như thế nhưng Pù Mát đang đứng trước sự tấn công muôn mặt của con người.

Ông Giám đốc vườn băn khoăn: Nếu chỉ dùng sức người căng ra chống đỡ, e khó kháng cự được lâu. Biên chế kiểm lâm của Vườn có hơn 60 người và cũng thêm chừng ấy công nhân hợp đồng, được giao quản lý 93.113ha rừng. Khu vực quanh rừng có 16 xã với 111 thôn, bản… Tôi giật mình, quả không thể cứ lấy một kiểm lâm để quản lý 1.000ha rừng. Cách giữ rừng chỉ có thể được không gì bằng lòng người dân ở 16 xã lân cận được thuận, rồi từ đó chính họ mới thoát khỏi cảnh bám rừng kiếm sống, có ý thức phòng ngừa kẻ xấu lén lút khai thác, phá rừng trục lợi…

Pù Mát nằm ở phía Tây Nghệ An, trên sườn Đông dải Trường Sơn, trải dài địa bàn thuộc 3 huyện Anh Sơn, Con Cuông và Tương Dương, ranh giới phía Tây chạy dọc theo đường biên giới Việt - Lào. Ngoài giá trị sinh học, Pù Mát còn là điểm du lịch với nhiều điểm đến hấp dẫn như thác khe Kèm quanh năm nước dội trắng xóa từ độ cao gần 100m, suối nước Mọc với nhiều câu chuyện linh thiêng, huyền bí, sông Giăng khúc khuỷu chỉ đi lại bằng thuyền gỗ… Từ thị trấn Con Cuông, ngược vài chục kilômét là đến Vườn Pù Mát…

Phục voi dữ ở Pù Mát

Công an huyện Con Cuông đóng ở thị trấn, nhưng từ đây lên Pù Mát cũng không quá xa. Về chức năng, việc giữ rừng đã có lực lượng chuyên trách do ông Nguyễn Thanh Nhàn là "thủ lĩnh". Nhưng UBND huyện cũng giao rõ sự phối hợp của nhiều cấp, ngành, trong đó Công an huyện tham gia giải quyết các vụ việc liên quan an ninh - trật tự, xâm hại rừng, hỗ trợ lực lượng Kiểm lâm. Bởi vậy, nhiều cuộc truy đuổi lâm tặc ngay từ cửa rừng hay trên đường chúng vận chuyển, tẩu tán tang vật vẫn diễn ra. Tuy nhiên, chuyện lâm tặc phá rừng không nóng bỏng bằng voi phá rừng, đe dọa tính mạng người dân.

Tháng 7 vừa rồi, đàn voi rừng ít nhất 4 con, trong đó một con có ngà rất to xuất hiện tại khu vực xóm Cầu Ván. Do bà con đốt lửa xua đuổi suốt đêm nên ngày 16/7, đàn voi di chuyển đi quanh xóm Cồi. Tại đây lại  bị dân xua đuổi, chúng quay lên quần nát một số nương chè và bẻ gãy cây keo non rồi bỏ đi.

Nhiều người dân cho biết, vào mùa măng hay mùa lúa, tức khoảng tháng 7 và 11 hằng năm, voi dữ thường xuất hiện tại khu vực này. Đây là 4 con trong số đàn voi từ 10 đến 15 con của rừng quốc gia Pù Mát thường xuyên xuất hiện tại khu vực xã Long Sơn, Phúc Sơn, huyện Anh Sơn và xã Thanh Thủy, huyện Thanh Chương.

Voi dữ xuất hiện từng gây thiệt mạng người dân và cán bộ giữ rừng, trong đó năm 2007, đàn voi này "thăm" xóm Bãi Lim, Phúc Sơn, Anh Sơn giẫm nát anh Nguyễn Hữu Thân. Nhiều người vì thế càng lo sợ.

Ông Nhàn kể, có lần voi xuất hiện ở ven vùng đệm Vườn quốc gia Pù Mát gồm có 3 con rất dữ tợn. Chúng về bản Lục Sơn, Lục Dạ phá nát hoa màu, quật đổ lều lán, vào cả nhà dân ăn muối. Khi dân quân đến vây đuổi, một con voi hung dữ đã dùng vòi quật thẳng vào hai người này. Rất may hai anh thoát hiểm nhưng chân bị quật gãy nát.

Nhà dân bị voi dữ quật đổ.

Một người đi rừng nhớ lại, có đêm, qua địa phận khe Sộc, thuộc xã Yên Khê bỗng thấy một đàn trâu đứng im. Chúng giương thẳng sừng ra phía trước, mắt mở to. Thấy lạ, nhiều người đứng lại xem, bỗng đâu có tiếng thình thịch, rồi tiếng rống rất to, cây rừng nghiêng ngả. Hóa ra đàn voi 3 con đang hùng dũng lao tới, đàn trâu bắt đầu rối loạn.

Người dân hốt hoảng bỏ chạy, lội qua dòng khe Kèm khô cạn, chỉ chừng hơn 15 phút đã thấy dấu chân voi to đùng và một vũng đất đằm sâu, chính là chỗ voi nằm, sợ quá bèn leo tít lên cây. Họ kể, cũng tại đây, có hôm chừng 3h sáng, khi đang ngủ bỗng nghe tiếng đổ rạp. Đàn voi dữ quật đổ cột điện.

Anh Trần Huynh, một cán bộ đo đạc khảo sát rừng Pù Mát bị voi húc ngay khi đang tiếp cận chúng, may mắn anh lách qua cây cổ thụ nên voi quật hụt. Chúng rống lên kinh hãi. Voi cũng nghiền nát nhiều tài sản của người dân như xe máy, xe đạp, các vật dụng để trong trại…

Tại bản Lục Sơn, xã Lục Dạ, nơi chính đàn voi tấn công. Bản Lục Sơn có khoảng trên 100 hộ dân người Thái, nằm khuất trong thung lũng. Ông Chủ tịch xã La Minh Thám kể, đàn voi thường có 3 con, có 1 voi cái.

Đối phó với đàn voi, xã lập đội thanh niên, dân quân tự vệ gồm 50 người, khi có voi là đốt lửa, đánh trống xua đuổi voi, nhưng chúng rất hung tợn. Trong một lần xua đuổi, có hai dân quân của xã đã bị voi thò vòi cuốn tung lên trời, cả hai bay bổng như vận động viên nhảy sào, rồi rơi phịch xuống đất. Rất may dân quân đốt đuốc, khua trống ầm ĩ nên voi bỏ đi, hai người thoát chết nhưng bị thương nặng.

Thấy tình thế nguy cấp, nhiều đêm cứ khi trăng lên là hàng chục dân quân, thanh niên xung kích lại đốt đuốc, mang trống ra đứng bìa rừng, hễ thấy động là khua trống ầm ĩ. Trạm Kiểm lâm quản lý khu vực Khe Kèm cử cán bộ và các dân bản lân cận đến giúp đẩy đuổi voi rừng. Công an huyện Con Cuông cũng tăng cường lực lượng xuống địa phương, hướng dẫn người dân tìm cách đối phó. Từ đầu năm 2006 đến nay, đàn voi đã xuất hiện khoảng 10-15 lần tại khu vực thác Kèm, thuộc xã Lục Dạ…

"Có hôm tôi đi đo đạc ở rừng Pù Mát, khi về khe Kèm, trời xẩm tối. Bỗng đâu trong rừng có tiếng rậm rịch, nhiều cây bị xô ngã, tôi giật mình quay lại thấy mấy con voi đang hùng dũng vượt tán cây đi ra. Tôi hốt hoảng bỏ chạy, con đầu đàn đuổi theo, rất may phía trước là đầm lầy, tôi lao ngay xuống, nước ngập quá cổ, vượt qua đám lục bình sang bờ bên kia. Đàn voi bất lực đứng trên bờ nhìn, mắt đỏ au" - anh Trần Huynh, cán bộ đo đạc rừng Pù Mát kể

Đăng Trường

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Qua công tác năm địa bàn, đối tượng, Đội Cảnh sát hình sự Công an thị xã Tịnh Biên (An Giang) phát hiện có một nhóm đối tượng từ phía Bắc đến khu vực tổ 16, khóm Xuân Hoà, phường Tịnh Biên cho người dân vay tiền trả góp với lãi suất cao 10-30%/tháng. Nếu người vay không góp đúng hạn thì bị đối tượng đe dọa… 

Trưa 29/4, lực lượng tham gia chữa cháy đã cơ bản khống chế được đám cháy tại rừng tràm sản xuất Rọc Xây (ấp T4, xã Vĩnh Phú, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang) thuộc Sư đoàn 330 – Quân khu 9 quản lý, đồng thời tiếp tục tạo đường băng không cho lửa cháy lan ra các khu vực xung quanh.

Sau gần 1 năm, từ nguồn tiền hỗ trợ của Bộ Công an, hàng chục nghìn ngôi nhà tình nghĩa đã được xây dựng trên khắp cả nước. Là địa phương được hỗ trợ 1.000 căn nhà, chỉ trong thời gian khoảng 10 tháng, tỉnh Hà Tĩnh đã sớm “về đích” khi những ngôi nhà cuối cùng với thiết kế sáng tạo, linh hoạt đã cơ bản được hoàn thiện để trao tay cho người nghèo an cư, lạc nghiệp.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文