Quản lý văn hóa vẫn theo lệ hơn luật

08:13 16/08/2005

Chỉ trong hai tháng 6 và 7/2005, Phòng Bảo vệ An ninh văn hóa tư tưởng (PA25), Công an Hà Nội đã liên tiếp phá vỡ nhiều vụ buôn bán băng đĩa lậu, đĩa phim có nội dung đồi trụy và in, sao đĩa trái phép... với số lượng lớn. Thượng tá Nguyễn Văn Mỹ (Thượng tá NVM), Trưởng phòng PA25 đã nói về nguyên nhân xảy ra những vụ việc trên.

- Trong thời gian vừa qua, PA25 - Công an Hà Nội đã lập được nhiều thành tích xuất sắc kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Lực lượng Công an nhân dân. Xin đồng chí cho biết một vài chiến công nổi bật trong thời gian gần đây?

- Tháng 6 vừa qua, PA25, cùng với Thanh tra văn hóa thuộc Bộ Văn hóa - Thông tin trong đợt kiểm tra các cửa hàng kinh doanh băng đĩa tại Hà Nội đã phát hiện Lương Thế Anh, nguyên là sinh viên Trường cao đẳng Quản trị kinh doanh Hà Nội, chủ cửa hàng kinh doanh băng, đĩa tại 20 Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai đang bán công khai khoảng 2.000 đĩa CD, VCD không dán tem bảo hành, đặc biệt trong đó có gần 30 đĩa phim VCD có nội dung đồi trụy. Ngoài ra, Lương Thế Anh còn vi phạm pháp luật về tội kinh doanh băng đĩa không có giấy phép.

Cũng trong tháng 6, PA25 phối hợp cùng Phòng An ninh điều tra (PA24) Công an Hà Nội, đã phát hiện Lê Thị Tú (tên gọi khác Lê Thị Hồng) ở xã Cộng Hòa, huyện Quốc Oai, Hà Tây, chủ cửa hàng kinh doanh băng đĩa tại số 6 và 12 ngách 506/6 phố Trần Khát Chân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội kinh doanh không có giấy phép, đồng thời chuyên cung cấp đĩa CD, VCD, DVD không có tem bảo hành  cho các cửa hàng trong thành phố và các tỉnh phía Bắc với số lượng lớn. Bắt giữ tại nhà và cũng là cửa hàng, kho của Lê Thị Tú có 87 bao tải với khoảng 35.000 đĩa CD, DVD, VCD có nội dung nhạc sến, xẩm, chế... Để  bắt được Tú, đội điều tra, trinh sát của PA25 và PA24 đã phải kỳ công theo dõi trong một thời gian dài do cửa hàng, nhà và kho của Lê Thị Tú luôn được canh phòng bằng những cửa sắt lớn, có camera theo dõi từ cổng vào và có người bảo vệ cẩn mật. Và kho của thị chỉ có người thân mới có chìa khóa mở như bố, anh chị em ruột... Ngoài cửa nhà Tú còn đề rõ ràng hàng chữ: “Để bảo đảm an ninh - Ra vào đóng cửa”. Với sự canh phòng chắc chắn như vậy, tôi cho rằng phá được vụ này là thành công lớn của công an chúng tôi.

Bên cạnh hai vụ nói trên, còn có các vụ sao, in trái phép các chương trình phần mềm máy tính để kinh doanh như của Phạm Anh Tuấn, ở Từ Liêm, Hà Nội, chủ cửa hàng Tuấn Hồng ở 95 Lý Nam Đế, phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Hay của Đinh Nguyên Dũng trú tại D3 phòng 54 Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội, chủ cửa hàng 10/30 Tạ Quang Bửu. Mặc dù ở hai địa điểm khác nhau, nhưng cả hai cửa hàng đều nằm trong hệ thống của một cửa hàng mang thương hiệu: “Bến Thành CD Room” do Bùi Như Chinh trú tại số 2 Phùng Hưng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội làm chủ.

Qua đấu tranh khai thác, các chủ cừa hàng đã khai nhập đĩa trắng từ Công ty Việt Đức với giá 1.800 đồng/chiếc. Sau đó in, sao những chương trình phần mềm có được từ việc “bẻ khóa” chương trình của các công ty phần mềm trong và ngoài nước như IBM, Microsoft, Công ty Công nghệ tin học nhà trường, Nhà Xuất bản Giáo dục,  mạng Internet... Đặc biệt đáng lưu ý là hai cửa hàng này còn nhập chương trình của hai công ty trong Tp. HCM chuyên cung cấp đĩa mềm là Thúy Vi và Trường Giang. Theo xác định ban đầu của chúng tôi, đây thực chất là những công ty chuyên “bẻ khóa” lấy trộm các chương trình phần mềm rồi bán lại cho các cửa hàng nhỏ hơn với giá 5.000 đồng/chiếc. Tại hai cửa hàng ở Hà Nội nói trên, chúng tôi đã thu giữ hơn 20.000 đĩa CD Room gồm các nội dung: phần mềm máy tính, trò chơi điện tử, luận án tiến sĩ, luận văn tốt nghiệp... của các trường đại học Kiến trúc, Xây dựng, Thủy lợi, Kinh tế quốc dân... Theo tôi, việc làm này vi phạm nghiêm trọng Luật bản quyền của nước ta.

- Theo đồng chí, đối với những vụ vi phạm nghiêm trọng pháp luật vừa kể, căn nguyên xuất phát từ đâu?

- Xuất phát từ rất nhiều lý do cả chủ quan lẫn khách quan. Nhưng theo tôi lý do từ khách quan nặng hơn. Bởi nó tác động dẫn đến nguyên nhân chủ quan trong vi phạm pháp luật về văn hóa. Phải nói rằng, mọi sự vi phạm vừa kể trên nhìn chung đều bắt đầu từ ý thức pháp luật của mỗi người dân rất kém mặc dù chúng ta đang sống trong Nhà nước pháp quyền. Ví dụ như vụ bán băng đĩa lậu, phim đồi trụy của Lương Thế Anh. Mặc dù là một sinh viên có học hành hẳn hoi, nhưng khi bị cơ quan chức năng phát hiện hành vi vi phạm pháp luật thì anh ta trả lời: “Không biết kinh doanh băng đĩa cần phải có giấy phép hoạt động, cháu cứ nghĩ có cửa hàng thì bán gì cũng được. Như bán rau, bán cỏ ngoài chợ có gì quan trọng đâu”. Tệ hơn nữa khi Lương Thế Anh cho rằng việc bán băng đĩa đồi trụy công khai của mình chưa đến mức phải đi tù mà chỉ bị xử phạt hành chính là cùng. Chả thế, anh ta hỏi: “Bây giờ cháu phải nộp bao nhiêu tiền phạt cho việc làm này?”. Chứng kiến những cảnh này tôi và đồng đội thấy buồn lắm.

- Còn nguyên nhân khách quan?

- Từ vụ Lương Thế Anh ta có thể thấy nguyên nhân khách quan đó chính là sự phổ biến pháp luật trong nhân dân còn hạn chế. Tôi chỉ đơn cử một ví dụ như thế này, Công ước Berne người ta nói đến rất nhiều kể cả trước khi chúng ta trở thành thành viên cho đến khi Công ước có hiệu lực, nhưng thử hỏi hiện nay, đã có ai biết hết Công ước này chưa? Ít lắm! Thậm chí nhiều nhà quản lý liên quan đến lĩnh vực này cũng chưa biết “mồm ngang mũi dọc” của nó ra sao. Vì có một thực tế chúng ta tìm Công ước này ở đâu mà đọc. Mà ai phát hành cho chúng ta đọc? Hay như Hiệp định Geneve gần đây cũng vậy, mọi người chỉ biết nôm na nó là Hiệp định bảo vệ quyền tác giả, còn cụ thể như thế nào, không ai hay.

Về hành lang pháp lý cũng vậy, chúng ta còn nhiều lỏng lẻo, bất hợp lý trong khi đây là “chiếc gậy” để chúng ta có thể “túm tóc” những người vi phạm. Luật Xuất bản là một minh chứng cụ thể và gần đây nhất. Theo đúng quy định từ 1/7 là Luật này được thi hành. Nhưng đến nay, chưa có Nghị định cũng như Thông tư hướng dẫn để thực hiện Luật. Vì vậy, Luật đã ra đời mà chưa đi vào thực tế cuộc sống. In ấn cũng thế. Đáng lẽ đối với việc in lậu, ngoài việc thu giữ những xuất bản phẩm lậu, phải tịch thu cả thiết bị đã in ra nó như thế mới nghiêm minh. Hay, đối với những đối tượng in lậu, luật quy định chỉ xử phạt đối tượng in trong khi những người đặt hàng lại không có chế tài xử phạt. Tuy nhiên, có điều luật để xác định tội danh cũng như hình thức xử phạt như vậy còn dễ chứ có những vi phạm không biết ghép vào đâu cho đúng tội hoặc không có cơ sở nào để xác định tội và xử lý ra sao. Như xử lý vi phạm trong dịch vụ văn hóa. Hiện chúng ta vẫn xử lý những trường hợp này theo Nghị định 31/2004/NĐ-CP trong khi đây là Nghị định đã ra đời cách đây bao nhiêu năm không còn thích hợp với xã hội hiện tại.

Cách đây không lâu chúng tôi phải xử phạt đối với trường hợp “ôm cột để múa” tại Hale Club. Quả thực với trường hợp này, chúng tôi không biết ghép vào vi phạm gì để xử lý cho thích hợp. Vì nó hoàn toàn không có trong điều khoản nào của Luật. Nếu xét nó vào vi phạm thuần phong mỹ tục thì đúng nhất. Nhưng rất tiếc trong Nghị định 31 lại không quy định cụ thể điều này.

Một bất hợp lý nữa mà tôi muốn nêu ở đây là chế tài xử phạt đối với một số vi phạm trong lĩnh vực văn hóa chưa nghiêm và chưa thích hợp. Chẳng hạn đối với trường hợp của Lê Thị Tú. Mặc dù, số lượng đĩa CD, VCD... mà chị ta buôn lậu lớn nhất từ trước tới nay. Nhưng cuối cùng, Tú chỉ phải chịu hình phạt vô cùng nhẹ - hành chính.

- Đồng chí có cho rằng Quy chế quản lý văn hóa của chúng ta phần lớn chỉ xây dựng trên cơ sở “chống” mà chưa “xây” không?

- Tôi cũng nghĩ như vậy.

- Từ đầu đến giờ đồng chí đã nói rất nhiều những bất cập dường như thuộc về cơ quan quản lý văn hóa. Còn phía cơ quan công an, theo đồng chí có gì chưa hợp lý?

- Chúng tôi thuộc cơ quan thực thi pháp luật nên luôn luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Nếu có, chỉ là sự phối hợp chưa đồng bộ và chặt chẽ giữa các cơ quan có liên quan, chẳng hạn như giữa cơ quan công an với ngành Văn hóa, Sở Kế hoạch và Đầu tư... Thế nên mới có chuyện ngành Văn hóa đành bó tay khi một số cửa hàng băng đĩa vi phạm đến mức có thể thu hồi giấy phép. Bởi đó là chức năng của Sở Kế hoạch và Đầu tư, nơi đã cấp giấy phép hoạt động cho các cửa hàng dưới dạng doanh nghiệp. Nhưng xét theo điều kiện của cơ quan này, những cửa hàng sai phạm nói trên lại không có vi phạm nào để có thể rút phép hoạt động của họ. Vì vậy một số cửa hàng vi phạm vẫn ngang nhiên hoạt động.

 - Với tất cả những hạn chế như đồng chí đã nói, vậy để có thể quản lý văn hóa hiệu quả hơn và để văn hóa hoạt động theo luật hơn lệ...

- ...Tất nhiên chúng ta phải cải tổ và cải tổ một cách đồng bộ, kịp thời tất cả các bất cập ấy.

- Cảm ơn đồng chí về sự trao đổi thẳng thắn này

Tú Anh (thực hiện)

Ngày 15/3/2024, trái tim của nữ biệt động thành Nguyễn Thị Mai (SN 1943) với biệt danh “con thoi sắt” đã ngừng đập. Bà là một trong những nữ biệt động thành đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken mới đây kêu gọi Israel vẫn phải làm nhiều hơn nữa để tăng dòng viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza, đồng thời nhấn mạnh sẽ tận dụng chuyến thăm đến Trung Đông lần này để giải quyết vấn đề đó với các nhà lãnh đạo Israel.

Lợi dụng một bộ phận người dân chưa nắm đầy đủ thông tin về việc cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử (VNeID), kẻ gian đã giả danh Công an, gọi điện thoại hướng dẫn, yêu cầu người dân cài đặt các ứng dụng giả mạo vào ĐTDĐ để lấy cắp thông tin cá nhân, chiếm đoạt tài sản. Trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có nhiều trường hợp rơi vào bẫy của đối tượng lừa đảo, tài sản bị chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng.

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Dịp lễ 30/4 và 1/5, Công an tỉnh Tiền Giang đã huy động 100% lực lượng CSGT làm nhiệm vụ điều tiết, phân luồng, tránh ùn tắc giao thông, đồng thời tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn.

Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định (số 145 Trần Quang Khải quận 1, TP Hồ Chí Minh) là bảo tàng tư nhân đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh và là bảo tàng duy nhất tại Việt Nam về lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định. Bảo tàng nằm trong di tích, địa điểm trước đây thuộc nghiệp đoàn Ngọc Quế - cơ sở bí mật của lực lượng biệt động Sài Gòn thuộc sở hữu của gia đình Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Trần Văn Lai.

Sáng 30/4, Công an huyện Quế Sơn (Quảng Nam) cho biết, lực lượng chức năng vừa dập tắt vụ cháy lớn xảy ra tại Cửa hàng điện tử - điện lạnh Ninh Trang (thị trấn Đông Phú, huyện Quế Sơn). Vụ cháy không gây thiệt hại về người, song đã thiêu rụi nhiều tài sản có giá trị trong cửa hàng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文