Sa Pa có một thứ nghề… xe ôm

10:19 11/10/2009
Lên thị trấn Sa Pa, tỉnh Lào Cai, đi vào các bản hay các điểm du lịch, người ta thường sử dụng một phương tiện được coi là "đặc sản" riêng của Sa Pa: Xe ôm. Không lòng vòng, tranh giành bắt khách hay tăng giá bắt chẹt khách, xe ôm Sa Pa trở thành phương tiện và địa chỉ tin cậy cho các du khách.

Lái xe ôm Sa Pa lúc thì giống như những tay đua thượng hạng vượt qua những ổ voi, ổ gà một cách tài nghệ, lúc lại giới thiệu cho du khách những kiến thức về con người, cảnh vật mang đậm bản sắc dân tộc vùng cao không kém gì các "tua-gai" chuyên nghiệp. Nhiều người ở các tỉnh khác lên Sa Pa đã gắn bó với cái nghề này cả gần chục năm… Vui buồn cùng nghề xe ôm nhưng cũng không thiếu những hiểm nguy luôn rình rập.

Thuộc đến từng ổ voi, ổ gà

Đợt nào lên Sa Pa công tác hay đi du lịch, tôi cũng tìm đến với các anh xe ôm vừa tiện, vừa rẻ thuê chở vào các bản, các điểm du lịch quanh thị trấn. Nghề xe ôm đã nuôi sống hàng trăm người dân bản địa, cũng như những người di cư từ các tỉnh khác lên Sa Pa sinh sống. Lần này lên Sa Pa, chúng tôi chọn được một anh chạy xe ôm tên Hồng để dẫn vào bãi đá cổ.

Thỉnh thoảng, trên đường đi, anh lại hỏi chúng tôi có muốn dừng lại chụp ảnh hay lội suối không. Anh giới thiệu tên từng bản làng, con suối, cây cối… cho chúng tôi không thua các "tua-gai" chuyên nghiệp.

Quê ở tận Vụ Bản, Nam Định lên Sa Pa hành nghề xe ôm đã được 6 năm, anh Hồng đã thuộc đến từng ổ gà, ổ voi trên đường đi từ trung tâm thị trấn Sa Pa đến các điểm du lịch như Cầu Mây, Thác Bạc, đỉnh Hàm Rồng, vườn hồng… Chiếc xe Wave anh Hồng mua được nhờ bán ba lứa lợn vợ chăm ở quê có tuổi thọ bằng với tuổi nghề của anh.

Thế nhưng, săm, lốp của chiếc xe này có khi đã thay cả trăm lần rồi. Bởi, đường sá đi lại ở Sa Pa phần nhiều là đồi, núi xẻ rãnh khá cheo leo lại nhiều đá lởm chởm. Một ngày, anh Hồng đưa khách từ thị trấn Sa Pa đến các điểm du lịch khoảng 4 lần, mỗi lần cũng kiếm được gần trăm ngàn, đi loanh quanh trong thị trấn thì chỉ cần 10.000 đồng. Trên chiếc xe máy, lúc nào anh cũng cẩn thận mang theo hai chiếc áo mưa để tránh lạnh cho khách.

Anh Hồng tâm sự, cả một năm có khi cũng chỉ về nhà 3 lần: 2 lần vụ gặt và 1 lần nghỉ Tết. Đi từ Sa Pa về Nam Định khoảng 300km nhưng anh Hồng không chọn đi tàu mà muốn một mình phóng tuột xe máy về. "Cái tính của mình thích phiêu bạt, mất cả ngày đi xe nhưng tiện, chỉ việc dừng lại ăn trưa mà lại thoải mái ngắm cảnh", anh Hồng cười tươi khi nhắc đến chuyến vi vu về quê của mình. Về đến nhà, chỉ kịp tìm lại được hương thơm của vợ, tiếng nô đùa của hai đứa nhỏ, gặt xong cho vợ con 3 sào ruộng, lại đi.

"Xe ôm là cái nghề từ lúc nào đã gắn bó với mình. Ngày càng có nhiều khách du lịch nên cuộc sống cũng đỡ vất vả hơn. Chỉ buồn mỗi tội lên đây lúc nào cũng cảm thấy nhớ vợ, nhớ con", anh Hồng tâm sự.

Anh Nguyễn Văn Thịnh, quê Vĩnh Phúc cũng đã sống gần chục năm bằng nghề xe ôm ở Sa Pa. Anh cho hay, mức thu nhập từ nghề xe ôm tương đối ổn định. Thế nhưng, anh lại phải sống cuộc đời ở trọ. Anh cùng mấy đồng nghiệp thuê căn nhà trọ ở đằng sau chợ, quanh năm ẩm ướt. Sương mù là đặc trưng của Sa Pa mà, mùa hè còn đỡ, mùa đông đụng vào bất cứ đồ vật gì cũng cứ thấy ẩm ẩm. Ngay cả bộ quần áo mặc trên người, sờ vào lúc nào cũng có cảm giác ươn ướt nữa là. Anh tính rằng, mỗi ngày chi dùng cho cá nhân ít phải hết 50.000đ.

Buồn, vui đời xe ôm

Trong hàng trăm người làm nghề xe ôm ở Sa Pa, có nhiều người là đồng bào dân tộc. Với con "chiến mã" phân khối 110cc trở lên, họ đưa du khách đến các bản làng dưới thung lũng hoặc vượt dốc cao. Họ có lợi thế là thông thạo đường sá, thạo cả tiếng dân tộc và tiếng kinh để có thể sẵn sàng làm tour gai cho khách nếu khách có nhu cầu.

Anh Ma Lồng, xã Xa Pả, thị trấn Sa Pa cũng là người đã có kinh nghiệm 5 năm làm nghề chạy xe ôm. Buổi sáng, anh Lồng đưa vợ kèm theo hàng nông sản lên chợ rồi lại nhanh chóng ra đứng ở ngã ba đường phố Nhà Thờ đón khách. Hết một ngày chạy xe ôm, anh Lồng lại ngược lên đón vợ về nhà làm bữa tối với vài chén rượu thế là hết ngày.

Khi nhắc lại những câu chuyện buồn vui trong đời làm xe ôm của mình, anh Ma Lồng ngắc ngư cái đầu kể chuyện cho chúng tôi nghe: Có lần, anh nhắc nhở khách đội mũ bảo hiểm nhưng khách không chịu chấp hành khiến anh bị mất tiền phạt oan. Từ đó, anh Lồng nhất quyết không chịu chạy xe nếu khách không đội mũ bảo hiểm bởi quan trọng hơn cả là sự an toàn cho chính mình và hành khách.

Đại úy Vũ Tiến Hùng, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông, Công an huyện Sa Pa cho biết, huyện đã thành lập Hiệp hội Xe ôm, chia thành các tổ xe ôm tự quản hoạt động tại các địa điểm khác nhau để quản lý như ngã ba Nhà Thờ, phố Cầu Mây, đường đi Phanxipăng… Mỗi tổ có từ 75 đến 100 người trong đó có tổ trưởng, tổ phó quán triệt việc thực hiện các luật lệ an toàn giao thông như đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, không chở quá số người quy định…

Xe ôm đứng tại các điểm đón khách cũng có quy định riêng để tránh tranh giành khách.  Lực lượng Công an cũng thường xuyên phát tờ rơi tuyên truyền luật giao thông, các biện pháp tự bảo vệ cho các xe ôm khi chở khách đi xa đặc biệt là vào đêm khuya. Không ít các tai nạn đã xảy ra do đường đi lại khó khăn. Bên cạnh đó, vụ việc như giết người, cướp xe ôm cũng đã từng xảy ra khiến những người hành nghề xe ôm không khỏi "run tay lái"...

Trong lúc dừng xe, ngồi uống cốc trà nóng bốc khói nghi ngút, tôi hỏi anh Hồng khi nào về hẳn dưới xuôi. Anh ngập ngừng, châm điếu thuốc xua bớt cái lạnh lúc chiều muộn ở thị trấn sương mù, đôi mắt thoáng chút buồn nhìn xa xăm: "Có khi đến lúc nào đủ tiền xây lại căn nhà ở quê mới thôi không làm xe ôm nữa". Tôi hiểu, cái nghề nào cũng vì miếng cơm manh áo. Cái nghề nào cũng cao quý vì nó mang theo khó khăn, vất vả cùng những ước mơ, hy vọng, trong đó có nghề xe ôm

N.Hương - Cao Hồng

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Các giám sát viên của Liên hợp quốc (LHQ) nhận định trong một báo cáo rằng các mảnh vỡ từ một tên lửa rơi xuống thành phố Kharkiv của Ukraine hôm 2/1 là từ tên lửa đạn đạo dòng Hwasong-11 của Triều Tiên, Reuters đưa tin.

Hết quý I/2024, thị trường bất động sản đã có thêm những tín hiệu tích cực khi sự quan tâm của người dân dành cho nhà ở đã tăng lên so với giai đoạn quý IV/2023. Theo đại diện Bộ Xây dựng, nguồn cung cũng đã tăng khi số lượng dự án hoàn thành và được cấp phép tăng lên. Tuy nhiên, nhận định về thị trường bất động sản, đại diện Bộ Xây dựng cho biết, dù đã có những chuyển động tích cực nhưng cơ bản thị trường vẫn chưa hết khó khăn. Những bất cập, vướng mắc dù đã được nhận diện nhưng vẫn cần thời gian để tháo gỡ.

Hơn 14 năm công tác trong lực lượng Công an, trong đó có hơn 10 năm gắn bó với công tác an ninh, Thiếu tá Trần Xuân Hoàng, Đội trưởng Đội An ninh Công an huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai đã vận động, giúp đỡ hàng trăm trường hợp lầm lỡ trót tin lời kẻ xấu, vượt biên trái phép, theo "Tin lành Đêga"… trở về hòa nhập với cộng đồng.

Cuối tháng 10/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã long trọng tổ chức buổi gặp mặt các đồng chí cán bộ thuộc Quỹ đặc biệt (Tiền thân là Quỹ ngoại tệ đặc biệt) chi viện chiến trường miền Nam, gọi tắt là Quỹ hoặc Ban B29.

Qua công tác năm địa bàn, đối tượng, Đội Cảnh sát hình sự Công an thị xã Tịnh Biên (An Giang) phát hiện có một nhóm đối tượng từ phía Bắc đến khu vực tổ 16, khóm Xuân Hoà, phường Tịnh Biên cho người dân vay tiền trả góp với lãi suất cao 10-30%/tháng. Nếu người vay không góp đúng hạn thì bị đối tượng đe dọa… 

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文