Sáng ngời tình mẹ Việt Nam
Trong không khí cả nước đang chuẩn bị kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2012), chúng tôi đến thăm Mẹ VNAH Nguyễn Thị Anh ở khóm Đông Thịnh 9 (phường Mỹ Phước, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang). Năm nay, mẹ Nguyễn Thị Anh tròn 100 tuổi, tuy trên gương mặt đã hằn nếp nhăn nhưng trông mẹ vẫn còn minh mẫn với đôi mắt sáng ngời. Nghe gia đình nói, mẹ mới vừa trải qua cơn bạo bệnh, nên hiện nay việc đi lại của mẹ cũng gặp chút khó khăn, giọng nói cũng không còn rõ lắm…
Năm 19 tuổi, cô gái Nguyễn Thị Anh kết hôn với ông Lê Văn Bảy (thường gọi Bảy Thuốc) và họ sinh được 7 người con (4 trai, 2 gái, và một người mất khi còn nhỏ). Căm phẫn tội ác của quân thù giày xéo lên quê hương, ông Bảy Thuốc đã hăng hái tham gia 2 cuộc kháng chiến, đánh đuổi quân xâm lược. Còn mình mẹ làm trụ cột trong gia đình, thay chồng nuôi các con khôn lớn, vừa tích cực tham gia công tác ở địa phương.
Vào ngày 12/12/1963, ông Lê Văn Bảy (lúc đó là cán bộ mặt trận của huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) hy sinh khi bị địch phục kích trong một trận càn quét dữ dội tại vùng bảy núi Tri Tôn. Nhận được giấy báo tin chồng hy sinh, nước mắt mẹ cứ trào ra, mẹ như chết lặng. Nhưng mẹ cũng gạt được nỗi đau thương ấy và khuyên các con phải kiên cường. Mẹ cùng 2 chị (người con thứ 2 và thứ 4) âm thầm làm nhiệm vụ giao liên, dẫn đường, tiếp tế cho bộ đội.
Sống trong những năm tháng chiến tranh ác liệt ấy, mẹ hiểu thế nào là sự chia ly, mất mát. Nhưng theo tiếng gọi của Tổ quốc, mẹ đồng ý ngay khi các con xin được đi tiếp con đường cách mạng của cha mình. Mẹ lần lượt tiễn anh thứ bảy là Lê Văn Bé (thường gọi là Lê Hồng Thái) lên đường vào đầu năm 1965, rồi tiếp tục đến anh thứ sáu Lê Thanh Hồng, anh thứ ba Lê Hồng Nhựt (tên thường gọi Hà Giang), sau đó là anh thứ tám Lê Hồng Cường và cuối cùng là anh út Lê Hà Sang lên đường tham gia cách mạng.
Đại tá Phan Quang Điểm - Phó Giám đốc Công an tỉnh An Giang trong một lần đến thăm và tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Anh. |
Địch bắt đầu nghi ngờ gia đình mẹ hoạt động cách mạng nên chúng bắt các chị tù đày, đánh đập, tra khảo rất dã man. Nhưng chúng đã thất bại hoàn toàn trước sự sắt đá, kiên định giữ vững khí tiết của các chị bởi được thừa hưởng sự dũng cảm từ cha, lòng can đảm từ mẹ, thà hy sinh chứ không khuất phục trước kẻ thù. Thấy tình hình căng thẳng, mẹ chuyển vào sinh sống và làm việc tại Ban quân y tỉnh. Lúc bấy giờ người con út của mẹ là anh Lê Hà Sang được tổ chức phân công làm việc ở Văn phòng Tỉnh đội gần nơi mẹ công tác.
Theo ông Sang, thì vào ngày 17/10/1967, ông và mẹ nhận được giấy báo anh Lê Thanh Hồng đã anh dũng hy sinh ngay nơi cha mình đã ngã xuống. Chưa đầy 2 năm sau, gia đình lại nhận được tin anh Lê Văn Bé hy sinh trong trận pháo kích tại kênh Vĩnh Tế, thị xã Châu Đốc. Đến ngày 3/4/1974, mẹ lại nhận được giấy báo tử của anh Lê Hồng Cường, lúc đó là y tá phục vụ trong ngành Công an thuộc lực lượng an ninh vũ trang tỉnh được lệnh chi viện giúp nước bạn Campuchia…
"Khi chiến tranh đã qua đi, gia đình tất bật đi tìm hài cốt của cha và các anh quy tụ về để tiện việc cúng giỗ. Tuy nhiên chỉ có hài cốt của anh Bảy (Lê Văn Bé) là không tìm được cho đến nay", ông Sang cho biết. Mẹ Anh xúc động: "Mẹ rất tự hào có những đứa con biết quên mình vì nghĩa lớn, sống có lý tưởng, chỉ thương các con ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ, vừa mười tám đôi mươi, chưa một ngày biết ăn no mặc đẹp. Nếu tụi nó còn, mẹ sẽ cưới vợ để sinh con đẻ cháu".
Vì ảnh hưởng của những ngày tháng bị tù đày, tra tấn của địch nên người con thứ hai của mẹ đã qua đời vài năm sau hòa bình. Còn người con thứ ba (nguyên là Đại tá Quân đội, rồi chuyển về giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành) cũng mất sau một cơn bạo bệnh cách đây không lâu. Giờ mẹ sống với người con trai út, vui vầy trong tình thương yêu của con cháu. Mẹ được sự quan tâm chăm lo của Đảng, chính quyền, của những người con trên mọi miền Tổ quốc…
Theo lời kể của ông Sang, vào những ngày sum họp gia đình, mẹ thường khuyên bảo, giáo dục con cháu hãy khắc ghi sự cống hiến của cha ông ta mà phấn đấu làm người công dân tốt, có ích cho xã hội. Mẹ căn dặn: "Bây giờ khi đất nước đã hòa bình, thống nhất thì chúng ta phải biết nâng niu, trân trọng những giọt mồ hôi, máu và nước mắt của biết bao thế hệ đã đổ xuống để giành lại từng tấc đất quê hương. Vì vậy, thế hệ trẻ hôm nay mà nhất là con cháu của gia đình phải cùng nhau chung tay góp sức giữ gìn, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cố gắng phấn đấu đưa đất nước nói chung, tỉnh nhà nói riêng phát triển về mọi mặt"