Sâu lắng tiếng thơ của chàng trai bại liệt

07:05 06/12/2016
Suốt 37 năm chỉ ăn, nằm một chỗ nhờ bàn tay người mẹ già chăm sóc nhưng Nguyễn Bá Cường, ở xóm 12, xã Quỳnh Thạch (Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) vẫn khiến nhiều người cảm phục với những vần thơ chan chứa tình yêu thương, khao khát với cuộc đời.

Trong ngôi nhà cấp 4 xập xệ, hình ảnh người mẹ gầy gò đang chăm bẵm một đứa con nằm liệt giường khiến người ta không khỏi xót xa.

Nguyễn Bá Cường, 37 tuổi, là con trai thứ hai trong gia đình có ba anh em. Mẹ Cường là bà Hồ Thị Vân từng là nữ thanh niên xung phong làm đường ở Nghệ An từ năm 1965-1968. Bà không ngờ mình bị nhiễm chất độc hóa học từ bao giờ khiến những đứa con đều bị di chứng. Trong đó Cường phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất do chiến tranh.

Sinh ra vẫn bình thường như bao đứa trẻ khác nhưng khi lên 2 tuổi, biết đi chập chững, Cường bắt đầu có biểu hiện khác thường. Toàn bộ cơ xương của anh bị biến dạng, chân tay teo, co quắp, co cơ mặt khiến khả năng giao tiếp gặp khó khăn. Từ đó, bệnh tình của Cường ngày càng trở nên trầm trọng.

Nguyễn Bá Cường bên tập thơ dự định xuất bản cùng tờ tạp chí có những bài thơ anh được đăng. Ảnh: T.V

Khi ấy, bố mẹ Cường đã đưa con mình đi chạy chữa suốt ba năm nhưng vô vọng. Bao nhiêu gia sản trong nhà đều đội nón ra đi theo những lần Cường đi chữa bệnh. Từ đó, cơ thể Cường phía bụng trở xuống bị liệt hoàn toàn, không cử động được. Mọi hoạt động của anh nhờ cả vào đôi bàn tay yếu ớt và cái đầu cử động một cách khó khăn. Chỉ có khuôn mặt là già đi theo năm tháng.

Lúc Cường 4 tuổi, mẹ Cường phải nghỉ chế độ mất sức ở phòng kỹ thuật của Nhà máy Xi măng Bỉm Sơn (Thanh Hóa) để về nuôi con. Bao năm qua, mẹ Cường một thân một mình bươn bả lo từng miếng cơm, manh áo để các con khôn lớn, nên người. Cường phải nằm liệt giường từ lúc lên 4 tuổi nên từ đó đến nay, mọi ăn uống, sinh hoạt của con đều do bàn tay gầy gò của bà Vân chăm bẵm. 

Khi còn khỏe mạnh, bà thường bế con trai ra bể nước tắm, giờ tay yếu, lưng còng, hằng ngày bà phải bê từng chậu nước vào đặt trên giường và tắm cho con trai như tắm cho đứa trẻ thơ. Ai nhìn thấy cảnh ấy đều cảm thấy rưng rưng.

Ở đời, người ta sinh con ra cũng mong có khi về già được con cái chăm sóc, đằng này khi ngoài 70, tay yếu, lưng còng, bà Vân vẫn phải chăm người con trai liệt giường. Âu cũng là số phận. Nhưng ngần ấy năm chưa một lần người mẹ già gầy yếu ấy than thân, trách phận dù đời bà nghèo, không may mắn như bao người phụ nữ sinh được những đứa con khỏe mạnh.

Ngồi buồn bã nhìn đứa con đã gần bốn mươi mà suốt ngày phải chăm bẵm như đứa trẻ con, bà Vân chua chát: “Vợ chồng tôi nhiều lần đưa con đi chữa trị bác sỹ bảo cháu bị di chứng chất độc da cam nhưng vì mẹ không tham gia thanh niên xung phong ở những chiến trường có chất độc hóa học nên chẳng được công nhận và chẳng được hưởng chế độ”.

Cường biết làm thơ từ năm lên mười. Ban đầu, chàng trai tật nguyền chỉ làm những bài vè, rồi sau đó chuyển sang làm thơ. Thơ của Cường thường nói về hình ảnh người mẹ lam lũ, tảo tần. Đã 37 tuổi đầu, anh chưa một ngày có thể chăm sóc mẹ nên chỉ biết gửi gắm tình yêu thương, lòng biết ơn của một người con tật nguyền với mẹ qua những bài thơ.

Không chỉ vậy, dù chỉ nằm một chỗ anh cũng có rất nhiều bài thơ chiêm nghiệm về cuộc sống, về Bác Hồ cùng tình yêu đôi lứa. Và trên hết, Cường thường mượn thơ để nói về thân phận kém may mắn của mình cũng những khao khát cháy bỏng về một cuộc sống bình dị như bao người khác.

“Cô đơn duyên phận lỡ làng/ Tơ hồng phai nhạt lòng mang nỗi sầu/ Đêm về ôm mối thương đau/ Thời gian giờ đã bạc màu tình yêu/ Dòng sông nhớ bóng mây chiều/ Hỡi người xưa ấy biết bao năm rồi/ Xin đừng bỏ lại mình tôi/ Thoáng nghe tiếng gọi từng hồi trong tim” (Con đò lỡ hẹn).

Cường thường làm thơ tự do, thơ 7 chữ, 8 chữ. Có khi toàn thơ lục bát. Đặc biệt, Cường có biệt tài nhớ được một lúc rất nhiều bài thơ mình vừa sáng tác xong. Không thể tự ghi chép nên những lúc mẹ ở nhà, Cường thường đọc và nhờ mẹ ghi lại. 

Thương người mẹ tảo tần, lam lũ đã già yếu vẫn phải chăm bẵm mình như đứa trẻ lên ba, Cường chỉ biết làm thơ: “Con có tội gì đâu/  Không một ngày đến lớp/ Đã ba mươi tuổi đầu/ Mẹ vẫn bê cơm bón…” (trích bài thơ “Mẹ vẫn bón cơm”)

Chép thơ con, không ít lần bà Vân rớt nước mắt. “Vừa rồi được đăng 3 bài thơ, có bài được một triệu rưỡi tiền nhuận bút. Còn các buổi hội nghị, liên hoan ở xã, mình thường gửi bài xuống rồi họ đọc và gửi tiền lên tặng”, Cường khoe.

Hằng ngày, Cường rất thích xem các chương trình và diễn đàn thơ trên truyền hình. Không những có năng khiếu làm thơ và dù không được qua trường lớp nào Cường vẫn có thể nói và dạy được tiếng Anh.

Đến nay, Nguyễn Bá Cường là tác giả của hơn 300 bài thơ. Ngoài được đăng bài thường xuyên trên Tạp chí Sông Mai (tạp chí văn học nghệ thuật của huyện Quỳnh Lưu), Cường có những tác phẩm đăng trên Báo Tiền Phong.

Trong thời gian tới, Cường dự định xuất bản tập thơ đầu tay. Ước mong của chàng trai tật nguyền là có thể tự bước đi trên đôi chân của mình và khao khát được trở thành nhà thơ.

“Tuy tật nguyền, Cường rất lạc quan, yêu đời. Cường có bài thơ “Mẹ vẫn bón cơm”, tôi và bà nhà thường đem đi đọc cho người khác nghe, họ rất cảm động, có người còn gửi tặng Cường 500 nghìn đồng. Nếu không có năng khiếu cùng tâm hồn giàu lòng yêu thương thì Cường khó mà có những bài thơ hay và cảm động đến vậy”, ông Đậu Xuân Tiêu, cựu giáo chức ở cùng xóm với Cường cho hay.

“Rất nhiều người đã khóc khi lần đầu tiên nhìn thấy một kẻ tật nguyền đáng thương hại như tôi, cũng không ít người gọi tôi là một phế nhân. Và tôi chưa bao giờ phủ nhận điều đó. Tôi biết rằng mình là món nợ đời làm khổ bố mẹ tôi… nhưng tôi phải sống, sống lạc quan để hằng ngày được nhìn thấy gia đình và để thực hiện ước mơ cháy bỏng của mình - ước mơ trở thành một nhà thơ” – Nguyễn Bá Cường.

Thạch Văn

Quyết tâm duy trì mô hình "Ngã tư an toàn giao thông" hiệu quả, thay đổi bộ mặt giao thông Thủ đô, lực lượng CSGT xử lý nghiêm tất cả những tài xế xe máy và ô tô có thói quen đứng đè vạch dừng hoặc đè vạch sang đường của người đi bộ, khi bị xử lý lại đổ lỗi do đường đông và đi vội.

46,15% cơ quan, doanh nghiệp bị tấn công mạng trong năm 2024; Số vụ tấn công mạng ước tính lên tới hơn 659.000 vụ; Việt Nam thiếu hụt nghiêm trọng nhân lực chuyên trách về an ninh mạng; Tấn công có chủ đích, tấn công gián điệp và tấn công mã hoá dữ liệu là những hình thức tấn công phổ biến nhất; Tỷ lệ sử dụng sản phẩm, dịch vụ “Make in Vietnam” còn rất khiêm tốn, chỉ 24,77%; Tình trạng lộ lọt dữ liệu cá nhân đáng báo động nhưng công tác đảm bảo an ninh còn nhiều lúng túng.

Sáng mai (24/12), TAND TP Hà Nội sẽ mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 17 bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu (giai đoạn 2) về các tội: “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Che giấu tội phạm”.

Có thể khẳng định rằng, với Đề án 06 và ứng dụng VNeID do Bộ Công an chủ công xây dựng đã được phát triển mạnh mẽ, trở nên quen thuộc, thiết yếu trong công cuộc chuyển đổi số của người dân Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng. Năm 2024, thành phố đã triển khai ứng dụng hiệu quả VNeID trong chuyển đổi số, góp phần phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 (Vietnam Defence Expo 2024) là một sự kiện quy mô lớn, thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ giới chuyên gia và truyền thông quốc tế. Đây không chỉ là cơ hội để Việt Nam khẳng định vị thế trong hợp tác quốc phòng toàn cầu mà còn là dịp để giới thiệu các thành tựu quốc phòng cũng như thúc đẩy hợp tác quốc tế.

Một cây cầu nối hai tiểu bang ở phía Bắc và Đông Bắc Brazil đã bị sập ngày 22/12 (giờ địa phương) khi các phương tiện đang băng qua, khiến ít nhất một người tử vong và làm đổ axit sunfuric vào sông Tocantins.

Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã hoàn tất cáo trạng và chuyển hồ sơ sang Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đưa ra xét xử sơ thẩm 5 bị cáo gồm: Mai Thị Thanh Thủy (SN 1964, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Tài Thắng - Công ty Tài Thắng); Lê Tuấn Tú (SN 1987, con trai bị cáo Thủy, Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại Quốc tế Tuấn Phát - Công ty Tuấn Phát); 2 nhân viên kế toán 2 công ty gồm: Đinh Thị Lan Hương (SN 1980), Nguyễn Thị Phương (SN 1987); Trịnh Thị Thanh Hòa (SN 1984, thủ kho kiêm thủ quỹ 2 công ty) về tội "Vi phạm các quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" theo quy định tại Điều 221, khoản 1, khoản 3 - Bộ luật Hình sự.

Không thụ động chờ các chính sách ưu đãi từ Trung ương, ngày càng nhiều tỉnh, thành phố chủ động thu hút các đoàn làm phim nhằm tích cực đẩy mạnh quảng bá địa phương, thu hút khách du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội tại từng điểm đến. Đây là động thái cần thiết, không chỉ có lợi cho điện ảnh mà còn có lợi cho các địa phương, mặc dù, việc triển khai này bị cho là khá muộn so với nhiều quốc gia khác.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文