Sự 'hấp hối' của chính thể Việt Nam Cộng hòa
Với những thông tin được cập nhật và sự phân tích sắc sảo, tác giả đã phản ánh tình hình chiến trường, mô tả nỗi hoảng loạn và tuyệt vọng của chính thể Việt Nam Cộng hòa trước sức tiến công vũ bão của Quân giải phóng. Báo CAND trích đăng một phần bài viết này với mong muốn giới thiệu cùng bạn đọc góc nhìn của “người thứ ba” về sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc Việt Nam diễn ra cách nay 40 năm. Bài viết được dịch từ nguyên bản tiếng Anh, do dịch giả Lê Đỗ Huy thực hiện.
Lảo đảo, choáng váng, lộn xộn - là quân đội Nam Việt Nam trong cuộc rút lui vào tuần trước. Gần như không hề chạm súng, quân Sài Gòn rút khỏi các cứ điểm của họ. Không được chỉ huy, hoàn toàn mất tinh thần, họ vứt súng và nhập vào đoàn hàng ngàn người của cuộc di tản kinh hoàng về phía Nam…
Điều làm kinh ngạc là tốc độ sụp đổ của Nam Việt Nam. Quốc gia đã chiến đấu chống cộng sản từ một “trận đấu hòa” (stand – off) là Hiệp định Paris tháng Giêng 1973, nay tỏ ra mất khả năng và ý chí để kháng cự: tuyến phòng thủ của Việt Nam Cộng hòa (VNCH) bị tan chảy trước (sức tiến công) của các lực lượng Bắc Việt Nam (BVN) và Việt cộng…
Nhiều chuyên gia Mỹ về Việt Nam chỉ hai tuần trước (trung tuần tháng 3) còn dự báo những thiệt hại có mức độ của Sài Gòn trong mùa khô này, hôm nay đã không loại trừ đà tiến công này có thể đưa phía Cộng sản tới một toàn thắng về quân sự chỉ trong vài tuần tới.
Nếu Nam Việt Nam có sống sót được thì nó cùng lắm chỉ còn dạng cụt ngủn, gồm các tỉnh quanh Sài Gòn và châu thổ sông Mê Kông. Dù sao cũng đã rõ ra một điều: Quyết định hai tuần trước của Thiệu (Tổng thống chính quyền Sài Gòn), là bỏ mặc cho các tỉnh xa xôi, khó bảo vệ rơi vào tay Cộng sản, đã khởi đầu cuộc tháo chạy toán loạn của quân lực VNCH.
Năm tỉnh nữa vừa mất trong tuần đầu tháng tư, đưa số tỉnh bị mất lên 13 (trong tổng số 44). Đầu tiên là Quảng Tín và Quảng Ngãi ở phía Bắc thất thủ. Rồi tới Thừa Thiên, cùng với cố đô Huế về tay Cộng sản trong một sáng sớm giữa tuần rồi. Đà Nẵng chơ vơ như hoang đảo cuối cùng của 5 tỉnh vốn được gọi là Vùng chiến thuật I, rồi bị nuốt chửng một cách kỳ quặc, trong hỗn loạn của cuộc di tản… Ngay trước đó, Lâm Đồng, một tỉnh trồng chè dân cư thưa thớt nằm cách Sài Gòn 85 dặm về phía Đông Bắc, cũng thất thủ…
Các xe quân sự và dân sự của Việt Nam Cộng hòa rút chạy từ Tây Nguyên về Tuy Hòa bị nghẽn trên tỉnh lộ. Nguồn ảnh: Time. |
Do Thiệu bất thình lình ra lệnh bỏ phần lãnh thổ này, quân Sài Gòn không có thời gian để tổ chức rút lui có trật tự. Ở tỉnh Quảng Trị, một trong những phòng tuyến tốt nhất của quân VNCH, tỉ lệ đào ngũ lên tới 15%. Cuộc rút khỏi Huế về có thể xem là bỏ chạy tán loạn trong khiếp đảm, quẳng lại pháo 105 mm, lựu pháo, vũ khí bộ binh…
Trong các thành phố lớn miền Nam, chỉ còn Sài Gòn là chưa ngập vào tình trạng hoảng loạn toàn thành, cho dù chưa bao giờ chịu căng thẳng bởi các tin từ phía Bắc truyền xuống đến mức này. Dấu hiệu rõ rệt của sự lo lắng là những biện pháp đề phòng được nhiều người tiến hành. Sự tích cóp làm cho giá gạo tăng khoảng 10%...
Một cảm nhận đậm lên trong giới sĩ quan, trí thức, người dân và trong các nhóm không phải là Cộng sản và có tư tưởng bảo thủ mạnh mẽ là, Thiệu là một chướng ngại đầy tai ách cho cả hai xu thế: 1) chủ trương một cuộc phản kích quyết liệt; 2) chủ trương dàn xếp với phía Cộng sản…
Phe đối lập bảo thủ cho rằng, Nam Việt Nam cần một phong trào chống Cộng mạnh, đại chúng, để tổ chức quân đội Sài Gòn lập tuyến phòng thủ nay hẹp hơn, bao gồm Sài Gòn và phần (phía đông) của vùng vựa lúa châu thổ sông Mê Kông. “Tình hình hiện tại giống như sự hoảng loạn ở Trung Hoa lục địa năm 1949”, một chính khách có ảnh hưởng của VNCH chia sẻ.
Việc thò ra “Ủy ban cứu nguy dân tộc” của Nguyễn Cao Kỳ hôm 2/4/1975, rồi việc Thiệu bắt bớ những người chống đối cánh tả (nhằm “giết gà dọa khỉ”), đang xúc tác những lời đồn về một cuộc đảo chính ở Sài Gòn. Một trong những điểm mạnh của Thiệu là sự thiếu thống nhất của các phần tử chống đối ông ta. Chẳng hạn, “Ủy ban cứu nguy dân tộc” vẫn chưa móc nối được với lực lượng đối lập chính, không phải Cộng sản, ở Sài Gòn, đó là nhóm phật giáo cực đoan nhất, đang chủ trương gia nhập một chính phủ liên hiệp với phía Cộng sản. Xem ra cả Kỳ lẫn Minh “cồ” (Dương Văn Minh) – cựu quốc trưởng lãnh đạo phái phật tử chống đối chính quyền, đang khó gom đủ vây cánh để thay Thiệu.
Vấn đề cốt lõi đối với Thiệu, hơn là những nước đi của phe đối lập, là liệu Quốc hội Hoa Kỳ có thông qua khoản 300 triệu USD viện trợ quân sự bổ sung cho Thiệu, mà Tổng thống Ford đang đề xuất. Sự phê chuẩn của Quốc hội Mỹ lần này là tỏ ra thiếu triển vọng chưa từng có. Và cả “giải pháp thỏa hiệp” nêu bởi Ngoại trưởng Kissinger trong họp báo tuần trước, là viện trợ cả gói 5,5 tỉ USD cho Sài Gòn trong ba năm, cũng chẳng triển vọng hơn.
Hầu như mọi thứ ở Nam Việt Nam hôm nay xoay quanh khả năng quân lực VNCH đẩy lùi được bước tiến của quân Cộng sản. Hầu như mọi nhà phân tích quân sự đều cho rằng, trận quyết định sẽ xảy ra ở Vùng chiến thuật III (quanh Sài Gòn). Cho dù ba hoặc bốn sư đoàn VNCH đã rã thành từng mảng khi rút chạy từ phía Bắc về, nhưng VNCH vẫn còn ba sư đoàn cộng với 5 chiến đoàn biệt động quân và ba lữ đoàn không vận, hiện triển khai quanh đô thành Sài Gòn.
Nhiều trong số các đơn vị này, theo các nhà phân tích Lầu Năm Góc, rõ ràng chưa mất tinh thần ghê gớm bởi cuộc cài số lùi về quân sự xảy ra ở các tỉnh Bắc VNCH. Hơn nữa, vùng đô thị này vẫn còn các kho đạn dược dồi dào. Vì thế, phần lớn các chuyên gia quân sự dự đoán là Sài Gòn và Nam Việt Nam vẫn chưa sụp đổ vào năm nay. “Nhưng một triển vọng dài hạn hơn thì không hề hứa hẹn”, một chuyên gia của chính phủ Hoa Kỳ nhận định.
Điều này gây ít nghi ngờ. cuộc tiến quân của phía Cộng sản lần này mang tính quyết liệt chưa từng thấy. Nếu như Sài Gòn có thể tái tổ chức năng lực phòng thủ và kiến tạo được lá chắn vững bao quanh đô thành, và kìm chân được những đơn vị tấn công của đối phương cho tới đầu hè, để mùa mưa làm giảm cường độ tác chiến, thì quân Cộng sản chắc phải dừng chân ở ngưỡng cửa Sài Gòn, đợi đến mùa khô sau.
Hiện tại đối phương đã hội được 7 sư đoàn và khoảng 200 xe tăng. Và nếu không đạt được các giải pháp chính trị - ngụ ý một sự liên hiệp với phía Cộng sản – thì Hà Nội và Việt cộng sẽ dấn tới, giành thắng lợi hoàn toàn về quân sự mà họ tìm kiếm suốt 10 năm qua.