Những nữ Anh hùng trở về từ Trường Sơn huyền thoại
- Kể chuyện Trường Sơn bằng ngôn ngữ xiếc
- "Mãnh hổ" giữ rừng lim độc nhất ở Trường Sơn
- Thanh niên xung phong tròn 50 năm về trước
Sau ngày 30/4/1975, rất nhiều sử gia trong nước và quốc tế đều có chung nhận định: Đường mòn Hồ Chí Minh (đường Trường Sơn) đã góp một phần quyết định đến chiến thắng. Trên tuyến đường xuyên rừng rậm này ghi đậm lịch sử hào hùng của một thế hệ “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai”.
Ngoài lực lượng Bộ đội, công binh, đường Trường Sơn là nơi hàng vạn nữ Thanh niên xung phong (TNXP) đã hy sinh cả tuổi thanh xuân để viết nên huyền tích vọng mãi…
“Cọc tiêu sống” trên đèo Đá Đẽo
Theo đường Trường Sơn chạy dài như dải lụa, chúng tôi tìm gặp chị Đinh Thị Thu Hiệp, ở thôn Ba Nương, xã Xuân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Người con gái anh hùng trên đèo Đá Đẽo năm nào nay đã qua tuổi 70.
Khi tuổi mới chớm mười tám đôi mươi, Đinh Thị Thu Hiệp xung phong vào TNXP, và đường Trường Sơn là nơi chị đến. Chị được phân công về nhận nhiệm vụ ở đèo Đá Đẽo, nơi lằn ranh giữa sự sống và cái chết chỉ trong gang tấc.
Nữ Anh hùng Thanh niên xung phong Đinh Thị Thu Hiệp. |
Đường Trường Sơn qua đất Quảng Bình được xem là bản đồ bát quái xuyên rừng rậm với hai nhánh Đông-Tây, đèo Đá Đẽo là một trong những trọng điểm trên tuyến đường này bị máy báy Mỹ bắn phá ác liệt nhất. Từ năm 1967, không quân Mỹ đã thực hiện chiến dịch 97 ngày đêm xóa trắng, vùi lấp đèo Đá Đẽo để cắt đứt tuyến đường.
Chỉ có lòng gan dạ mới chiến thắng được bom đạn kẻ thù, Đinh Thị Thu Hiệp đã không ngần ngại bám sát mặt đường từng ngày, từng giờ, đếm từng quả bom rơi, vác từng thùng đạn chạy băng qua bãi bom nổ chậm để đến điểm tập kết.
Suốt 10 năm, chị lăn lộn khắp các trọng điểm ác liệt trên nhánh đường 12A và 15 đường Trường Sơn. Nhiều năm trời chốt chặn ở đèo Đá Đẽo, chị Đinh Thị Thu Hiệp được đồng đội yêu mến gọi là “chuyên gia phá bom nổ chậm” bởi chị có khả năng đặc biệt về kinh nghiệm phá bom.
Có lần có quả bom nổ chậm rơi ngay đúng tim đường, làm tắc những chuyến xe ra trận. Chị Hiệp yêu cầu mọi người ẩn nấp, còn mình ra đối mặt để kích cho quả bom nổ. Trong một lần làm nhiệm vụ, khi chị hoàn thành việc kích bom vừa rơi khoảng hơn trăm mét thì quả bom nổ, sức ép của bom đã làm một tai chị bị điếc. Nhận về mình phần hiểm nguy cho đồng đội sống, Hiệp trả lời tỉnh bơ "Nếu phải chết thì mình chết, để chị em sống còn làm đường cho xe vô mặt trận".
Giữa những ngày "đoàn quân trùng trùng ra trận" đi qua Trường Sơn, chị Hiệp yêu và kết duyên với anh Hoàng Khắc Đường, một đồng đội TNXP. Hai vợ chồng cùng công tác trên một cung đường, nhưng hàng năm trời họ vẫn phải xa nhau vì nhiệm vụ. Chỉ biết gửi niềm thương nỗi nhớ qua lời nhắn gửi với bạn bè.
"Chiến tranh là rứa, có nhiều chị em trong đơn vị tui cưới nhau xong chưa ở với nhau được một ngày trọn vẹn. Hôm nay cưới mai anh hoặc chị đã hy sinh khi đang làm đường", chị Hiệp thổ lộ.
Trong câu chuyện với chị Đinh Thị Thu Hiệp, tôi lại nhớ đến trong nhiều cuốn nhật ký, hồi ký của những người một thời ra trận đều có những trang viết đầy tài hoa và hoài niệm về các cung đường Trường Sơn trên mảnh đất Quảng Bình.
"Đêm đầu tiên đến đường Trường Sơn, nghe tiếng bom đạn rùng rợn chúng tôi không sao ngủ được. Lần đầu tiên xa quê hương, đi đánh Mỹ, phần nhớ nhà, nhớ bạn bè thân thuộc, phần vì tiếng bom đạn vang cả núi rừng. Nhiều người nghĩ: Cái ngày trở lại thăm quê hương có khi có có khi không. Cứ thế thao thức, nước mắt chảy dài…".
Với những cống hiến xuất sắc của mình, năm 1972, Đinh Thị Thu Hiệp được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Giờ đây, cuộc sống rất đỗi yên bình của chị Hiệp bên cạnh 4 người con và mười đứa cháu vây quanh.
Mỗi khi nhắc nhớ về tuổi thanh xuân, về đồng đội, nước mắt chị Hiệp lại chảy dài. Chị hay nói với con cháu, để có hôm nay bao đồng đội của chị đã trở thành cát bụi do bom đạn, giờ nằm lại trong rặng cây, bụi cỏ ở núi rừng Trường Sơn.
Người từ Trường Sơn 5 lần ra Hà Nội gặp Bác Hồ
Vinh dự đó thuộc về Anh hùng Nguyễn Thị Kim Huế, xã Cảnh Hóa, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, nữ TNXP ở đường Trường Sơn huyền thoại. Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, tuổi thơ phải nương nhờ vào tình thương của ông bà ngoại, đến tuổi trưởng thành Huế viết đơn xung phong vào TNXP lên Trường Sơn làm đường cho xe vô tiền tuyến.
Chị Nguyễn Thị Kim Huế. |
Tuyến đường 12 một nhánh đường Trường Sơn bị bom đạn Mỹ cày xới ác liệt nhất là nơi chị đến. Là Tiểu đội trưởng Tiểu đội 6, đơn vị 759, đội 75, công trường 12, chị Nguyễn Thị Kim Huế luôn là điểm tựa của các chị em cùng đơn vị. Bom đạn của địch bắn phá ngày càng khốc liệt, đơn vị thành lập trung đội quyết tử và Huế được chọn làm Trung đội trưởng.
Lau nước mắt, chị Huế nhìn xa xăm: “Trước mỗi lần ra đường phá bom giữa máy bay gầm rú của địch chúng tôi đều được làm lễ truy điệu sống. Chị em nhìn nhau động viên. Sau mỗi trận bom của địch, con số của đơn vị cứ vơi dần. Có những buổi chiều cơm nấu bê lên nhưng không ai nuốt nổi vì đồng đội mình đã bị bom chôn lấp ở đâu không biết…”.
Với những thành tích trong chiến đấu, chị Nguyễn Thị Kim Huế đã vinh dự năm lần được gặp Bác Hồ. Chị Huế cho biết lần gặp Bác xúc động và để lại ấn tượng sâu sắc nhất đối với chị là dịp Ðại hội TNXP toàn quốc lần thứ tư (7/1967).
Theo phân công, chị cùng với chị Nguyễn Thị Nguyệt -Tổng đội phó Tổng đội TNXP miền Nam vinh dự thay mặt Đại hội tặng hoa Bác. Bức ảnh “Bác Hồ với TNXP” chụp chị Huế tặng hoa cho Người được in ra nhiều nghìn bản, lưu hành rộng rãi trong toàn quốc. Hiện nay, bức ảnh là một kỷ vật quan trọng, được chị Huế đặt ở nơi trang trọng nhất trong nhà.
Chị Huế còn vinh dự được gặp Bác khi chị được cử đi học tại Trường Trung cấp Chính trị chuyên môn nghiệp vụ C Trưởng ở tỉnh Hưng Yên trong ba tháng. Chị là người xuất sắc trở thành xạ thủ số một về bắn súng. Kết thúc khóa học, lớp học của chị được Bác Hồ đến thăm, động viên. Chị được Bác hỏi thăm quê quán, đơn vị công tác và Bác động viên “Con gái Quảng Bình sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi…”.
Tiếp đó, chị Huế lại được chọn trong Đoàn đại biểu ngành Giao thông vận tải Quảng Bình ra báo cáo thành tích với Bác. Tại Đại hội Anh hùng chiến sỹ thi đua toàn quốc năm 1967, chị Nguyễn Thị Kim Huế lại một lần nữa vinh dự có mặt trong Đoàn đại biểu gồm 11 người tỉnh Quảng Bình tham dự. Lần này, chị Huế được vinh danh Anh hùng và được Bác Hồ gắn huy hiệu.
Sau Đại hội, Đoàn đại biểu Quảng Bình được Bác cho phép gặp Ban Bí thư Trung ương, lúc nghe chị Huế báo cáo tới việc các nữ TNXP tìm đồng đội “hốt từng nắm đất đá đưa lên ngửi…”, Bác Hồ đã bật khóc. Riêng nhà thơ Tố Hữu đã ôm chị vào lòng và khóc nghẹn …
"Trường Sơn ơi! Đêm nay ta đi Trường Sơn lộng gió…" bài ca bất hủ về Trường Sơn của một thời oanh liệt đưa tôi đến ngã ba Khe Ve, đèo Mụ Gịa, Đồi 37, suối Rụng Tóc, đèo Đá Đẻo… những địa danh chỉ mới được đặt tên qua từng trận đánh của Bộ đội Trường Sơn và TNXP trong thập niên 60, 70 của thế kỷ trước. Đi trên đường Trường Sơn hôm nay, tôi vẫn luôn ngoái đầu nhìn lại, và ở đó hình ảnh những cô gái TNXP "đứng bên đường, vai áo bạc quàng súng trường" vẫn hằn in trong nỗi nhớ, niềm thương.