Hành trình “Đi tìm Thùy” của người cựu binh Mỹ đã giải mã được nhiều “ẩn số”

14:05 28/04/2017
Mãi đến năm 2010, Robert Whiterhurst mới chịu dừng lại và hành trình tìm kiếm xúc động ấy được ông viết lại trong cuốn “Đi tìm Thùy”. Bản thảo cuốn sách tiếng Anh khoảng 200 trang này đã được ông tin cậy chia sẻ  với  chị Đặng Kim Trâm.


Tháng 3-2016, khi cùng luật sư Carl W. Greifzu - cựu binh Mỹ đã giữ cuốn nhật ký của Anh hùng Đặng Thùy Trâm hơn 20 năm - đến thăm gia đình bà Doãn Ngọc Trâm (mẹ của liệt sỹ Đặng Thùy Trâm) ở Hà Nội, tôi đã được nghe chị Đặng Kim Trâm (em gái liệt sĩ Đặng Thùy Trâm) kể nhiều về hành trình “đi tìm Thùy” nhiều năm của cựu binh Mỹ Robert Whiterhurst sau khi đã cùng em trai Fredric tìm và trao lại cuốn nhật ký cho gia đình chị Đặng Thùy Trâm.

Mãi đến năm 2010, Robert Whiterhurst mới chịu dừng lại và hành trình tìm kiếm xúc động ấy được ông viết lại trong cuốn “Đi tìm Thùy”. Bản thảo cuốn sách tiếng Anh khoảng 200 trang này đã được ông tin cậy chia sẻ  với  chị Đặng Kim Trâm.

Những chi tiết trong hành trình ấy ám ảnh đến mức, đúng một năm sau, tôi trở lại ngôi nhà của bà Doãn Ngọc Trâm, mong muốn được chị Đặng Kim Trâm giúp đỡ, kể về câu chuyện đầy tình người và chặng đường tìm kiếm kéo dài suốt 5 năm của Robert…

Sự gắn bó vô hình với người liệt nữ nhiều năm liền khiến 2 anh em Robert rất nặng lòng. Nếu Fredric giữ cuốn nhật ký như một vật thiêng, thì Robert lại luôn muốn hiện thực hóa các tư liệu trong cuốn nhật ký.

Robert tâm sự: “Trong suốt 35 năm kể từ ngày Thùy Trâm hy sinh, tôi đã đọc 2 cuốn nhật ký của chị không biết bao nhiêu lần, đã biết được chị hy sinh ở đâu và vào lúc nào. Tôi cũng muốn biết quê quán chị ở đâu và chị là ai trước khi vào Nam để bước vào cuộc chiến tranh…

Thùy Trâm đã trở thành biểu tượng của những gì họ đã mất đi và vì sao họ dám chịu những mất mát ấy.

Câu chuyện của chị đã giúp đóng lại những vết thương cũ. Nó giúp cho đồng bào của chị biết đến hai cựu binh Mỹ vô danh, và giúp chúng tôi biết rằng có rất nhiều người Việt Nam mong muốn kể những câu chuyện về họ và cuộc đời họ.

Chị đã đến để nói lên tiếng nói của thế hệ chị: Với tôi chị là một trong những tiếng nói của thế hệ của chính tôi, và dần dần tôi tin rằng, sứ mệnh ấy của chị sẽ được chấp nhận bởi bất cứ ai từng đọc những cuốn nhật ký này, dù cho đó là ở bất cứ phía nào của Việt Nam, dù là Bắc hay Nam, và của mọi người Mỹ, dù là cựu chiến binh hay không…”.

Vì thế, sau khi cuốn nhật ký của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm được xuất bản và trở thành một sự kiện lớn, lẽ ra Robert có thể coi như ước nguyện lớn trong đời ông đã hoàn thành.

Nhưng ngược lại, Robert vẫn cháy bỏng khát vọng tìm hiểu thêm về người liệt nữ. Sự hy sinh anh hùng của chị Thùy mà một người lính Mỹ kể cho Fred không giống với nhiều phiên bản khác.

Vậy Thùy hy sinh trong hoàn cảnh nào? Một mình hay có đồng đội? Robert rất ám ảnh trước những trang nhật ký của chị kể rằng, đơn vị bị địch bao vây, hết lương thực, chỉ còn vài hạt gạo nấu cho thương binh. Ông muốn biết vì sao trạm xá của chị không có lương thực? Vì bị bao vây hay bị bỏ mặc?

Tất cả những câu hỏi đó thôi thúc Robert tiếp tục hành trình “đi tìm Thùy”…

Tháng 8-2005, Robert cùng với gia đình chị Thùy Trâm trở lại nơi chị đã ngã xuống. Ông mang theo một tấm bản đồ quân sự của Mỹ, đánh dấu tất cả các tọa độ một cách chi tiết và khoa học. Trạm xá năm xưa nằm trong một cánh rừng già, trên đỉnh dãy núi thuộc xã Ba Trang, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi, phải băng qua hồ Liệt Sơn chừng 6km, lúc bằng thuyền, lúc đi bộ, mới đến nơi.

Ngôi mộ chị Thùy Trâm nằm dưới bóng ba cây kơnia và lạ lùng là, mặc dù gia đình đã đưa hài cốt chị về Hà Nội từ năm 1976, nhưng bà con địa phương vẫn đắp đá cho ngôi mộ và thắp hương ở đó. Những người già trong làng vẫn nhớ “y tá Trâm”, nhớ cả vị trí chị từng an nghỉ và kể về những kỷ niệm như thể chị là người con của làng vừa mới đi đâu xa.

Robert chăm chú lắng nghe, ghi ghép từng chi tiết liên quan đến Thùy Trâm và cuốn nhật ký của chị.

Gần một năm sau, tháng 4-2006, Robert tiếp tục trở lại Việt Nam. Ông mong muốn có những tài liệu chính xác, để ông có thể viết lại câu chuyện “Đi tìm Thùy”, kể về nhân vật mà ông ngưỡng mộ. Ông muốn tìm những nhân vật mà chị Trâm viết trong nhật ký, gồm 5 thương binh, 2 y tá.

Nhưng 3/5 thương binh ấy đã hy sinh, còn một người không tìm ra tung tích và một người tuy còn sống nhưng vì lý do riêng nên không xuất hiện. Dò hỏi về 2 nữ y tá thì chị Lãnh cũng đã hy sinh, còn chị Xăng, khi đó vừa gặp một cú sốc lớn về tinh thần, nên Robert không khai thác được gì.

Cho mãi về sau, Robert vẫn không đủ cơ sở để giải mã được những suy đoán về các cá nhân được ghi trong nhật ký, xem đó có phải là ba người đi cùng chị vào ngày chị hy sinh hay không. Và ông đành gửi niềm hy vọng “trên đất nước Việt Nam biết đâu vẫn còn có những người vốn là bệnh nhân ở bên Thùy trong những ngày tháng sáu tuyệt vọng ấy, còn sống”.

Nhật ký Đặng Thùy Trâm đã được dịch ra nhiều thứ tiếng.

Sau khi trở về Mỹ, Robert tiếp tục đến các nơi lưu trữ tư liệu để tìm các tài liệu liên quan đến chị Thùy Trâm. Ông nhiều lần vào Trung tâm Lưu trữ của Quốc hội Mỹ tìm nhưng vô vọng.

Một lần mệt quá, ông gục xuống thiếp đi. Lúc tỉnh dậy, ông nghĩ mình phải tìm thêm một lần nữa rồi thôi, thì bất ngờ chạm tay vào một cuốn phim chụp tư liệu chiến trường của quân đội Mỹ đã được số hóa.

Trong đó, ông thấy báo cáo chi tiết về trường hợp hy sinh của một nam thanh niên đi cùng chị Thùy, thẻ quân nhân ghi tên Nguyễn Văn Bối, quê Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây, hy sinh trùng ngày và địa danh chị Thùy ngã xuống.

Robert nhớ rằng, vào ngày 16-6-1970 chị Thùy viết: "Đọc những dòng nhật ký của Bối, một cậu học sinh trẻ quê ở Phú Xuyên, Hà Tây, mình cảm thấy xao xuyến trong lòng. Tâm sự của Bối cũng là tâm sự của mình…”.

Rất có thể người lính đã hy sinh và người lính trong nhật ký của Thùy Trâm là một. Robert vội vã gửi thư báo tin cho gia đình chị Đặng Thùy Trâm.

Lâu nay, gia đình liệt sĩ Bối cũng không có tin tức gì về anh, chỉ biết là mất tích. Thế là từ nguồn tin này, gia đình đã tìm được mộ liệt sĩ Bối, cách mộ chị Thùy 143m, mà trong tài liệu của Mỹ ghi cách 150m.

Ám ảnh vì cảnh đơn vị chị Thùy bị bao vây hết lương thực, Robert đã dành nhiều thời gian để tìm hiểu. Đầu tháng 3 - 2006, ông đã ngồi suốt 3 ngày trong Trung tâm Lưu trữ Quốc gia ở College Park, Maryland, để lục tìm các báo cáo của quân đội Mỹ.

Cuối cùng ông đã tìm được một bản báo cáo hành động (Action Report) ngày 23-6-1970 về việc lính Mỹ phát hiện một kho nhu yếu phẩm cho bệnh xá, chỉ cách nơi chị Thùy Trâm hy sinh chưa đầy 500m, với số lượng chi tiết về lương khô, thịt hộp trong hầm.

Công sức nhiều năm đi nhiều nơi, dày công tìm kiếm tư liệu trong các kho lưu trữ lớn của Robert đã giúp ông làm rõ sự thật về những ngày cuối cùng của chị Thùy.

Với những nỗ lực không mệt mỏi và những tình cảm chân thành Robert dành cho chị Thùy Trâm, ông đã có được những câu trả lời cho những day dứt bấy nay.

Đó là không phải chị Thùy chết vì bị phản bội, chị cũng không bị bỏ rơi, mà trước lúc chị hy sinh, đã có một đơn vị kịp thời tiếp tế cho bệnh xá cả thực phẩm, thuốc men và có lẽ cả pin cho chiếc đài Sony (một báo cáo quân sự ngày 22-6 của Mỹ cho biết tìm thấy xác một phụ nữ cùng chiếc túi y tế và một đài Sony).

Những cuộc tìm kiếm kiên trì cũng cho Robert biết được chính xác ngày chị Thùy hy sinh, khác với ngày ghi trên giấy báo tử.

Chưa dừng lại với những tư liệu khá chi tiết về con người chị Thùy Trâm, Robert còn cùng nhiều đồng đội truy tìm tên tuổi những cá nhân trong đơn vị đã xả súng vào chị Thùy – một người phụ nữ, lại làm công tác y tế.

Bởi như một quy ước quốc tế không thành văn, trong chiến tranh người ta không tấn công các cá nhân làm công tác y tế, đặc biệt là các nữ y tá, bác sĩ. Đó là một sự hèn hạ cần phải lên án. Sự kết nối, truy tìm ấy đã giúp các cựu binh Mỹ tìm ra được đơn vị đã tấn công và giết chị Thùy ngày ấy.

Chị Đặng Kim Trâm nghẹn ngào: “Robert hỏi gia đình tôi có muốn truy tìm tận mặt kẻ đã nã súng vào chị Thùy hay không. Nhưng chúng tôi không muốn đào sâu thêm nữa. Chiến tranh đã qua, những kẻ đó đã mang gánh nặng tội lỗi nửa thế kỷ nay rồi, người Việt Nam chúng ta  không đánh người chạy lại”…

Thanh Hằng

Đến 16h chiều nay (8/11), Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng vẫn đang khám xét trụ sở Công ty TNHH MTV Tư vấn Đầu tư GFDI (92 đường 29/3, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) để thu thập hồ sơ, tài liệu liên quan đến các hoạt động có dấu hiệu vi phạm pháp luật của công ty này. Hiện có rất nhiều người dân đã tập trung xung bên ngoài tòa nhà văn phòng công ty theo dõi. Nhiều người kêu khóc, đòi Tổng giám đốc Nguyễn Quang Hoàng... “hiện hồn” trả lại tiền. Công an quận Cẩm Lệ đã huy động hàng chục CBCS để đảm bảo ANTT.

Chiều 8/11, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, đã khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam 2 đối tượng: Nguyễn Thị Kim Trang (SN 1970; cư trú quận 3) và Lê Văn Hòa (SN 1977; cư trú quận Tân Bình) là nhân viên tiệm vàng Đức Long (phường 5, quận Tân Bình) về hành vi “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”.

Trước ý kiến cho rằng vì chưa có quy định cụ thể về ngưỡng nợ thuế để áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh, điều này khiến cho nhiều doanh nghiệp và cá nhân không thể dự đoán được liệu mình có nằm trong diện bị tạm hoãn hay không, Bộ Tài chính cho biết sẽ cân nhắc để áp dụng.

Trưa ngày 8/11, Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng đồng loạt tiến hành khám xét khẩn cấp trụ sở chính của Công ty TNHH MTV Tư vấn Đầu tư GFDI và Sở giao dịch của Công ty này tại Đà Nẵng để thu thập tài liệu, chứng cứ liên quan đến việc huy động hàng ngàn tỷ đồng và các hoạt động có dấu hiệu vi phạm pháp luật của doanh nghiệp này.

Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Bắc Giang vừa ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Văn Cao (SN 1962), Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng 767 (địa chỉ tại số 670 đường Ngô Gia Tự, phường Ninh Xá, TP Bắc Ninh) và 2 nhân viên công ty này về tội “vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文