Dấu ấn chủ quyền trên Cửu Đỉnh

12:56 30/01/2017
Để có vùng biển đảo rộng lớn giúp ngư dân nước Việt quăng chài, buông lưới đánh bắt hải sản như hôm nay, từ xa xưa ông cha ta đã cùng nhau ra sức bảo vệ, giữ gìn chủ quyền lãnh hải. Câu chuyện “người xưa giữ biển” vẫn còn được nhiều làng quê ven biển lưu giữ qua các văn bản Hán-Nôm, hoặc được chạm khắc trên những “Bảo vật Quốc gia” do vua chúa để lại…


Trải qua hàng trăm năm, người dân ở làng Mỹ Lợi, xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên- Huế, vẫn luôn ghi nhớ công ơn những người khai canh lập làng bám biển mưu sinh. Vào một ngày nắng ấm đầu Xuân Đinh Dậu, chúng tôi tìm về làng Mỹ Lợi và có dịp trò chuyện cùng cụ ông Nguyễn Hải (75 tuổi, nguyên Trưởng Ban nghi lễ làng Mỹ Lợi). 

Sau khi châm trà mời khách, cụ Hải vội vào nhà lấy ra một xấp giấy đã chuyển màu rồi niềm nở nói bằng giọng Quảng lơ lớ: “Chỉ mấy tờ giấy thôi nhưng là tài sản vô giá, gia đình tôi đã truyền nhau giữ gìn từ đời này sang đời khác để thế hệ con cháu hiểu rõ về nguồn cội tổ tiên”.

Theo lời kể của cụ Hải, vào tháng 10-1558, 8 vị quan gồm: Lê Văn Dài, Trần Văn Nghĩa, Trương Văn Trực, Nguyễn Văn Đẫu, Nguyễn Bá Niên, Đỗ Văn Lịch, Sào Văn Liễu và Đoàn Văn Bài (ở làng Lương Niệm, Sầm Sơn, Thanh Hóa) đi theo chúa Nguyễn Hoàng vào trấn thủ đất Thuận Hóa. 

Sau khi yên việc quân, thấy đất đai ở Mỹ Lợi màu mỡ lại gần biển nên những vị quan này về quê đưa vợ con mình cùng nhiều dân làng vào vùng đất mới để làm nhiệm vụ bảo vệ và khai hoang đất đai. Sau một thời gian, diện tích đất khai canh đã lên đến 100ha ruộng, 150ha đất vườn, người dân vì thế đổ về Mỹ Lợi dựng nhà cửa sinh sống ngày càng đông. Ngoài làm ruộng vườn, dân làng còn biết kết thuyền bè để đánh bắt tôm cá trên biển để nâng cao cuộc sống. 

Vào thời các chúa Nguyễn, khi triều đình cắt cử quan quân ra đo đạc, trấn giữ Hoàng Sa, cũng như các địa phương khác, dân làng Mỹ Lợi một lòng nhiệt tâm giúp sức, tiếp tế lương thực cho các đội quân này hoàn thành nhiệm vụ. Và đến nay, trải qua hàng trăm năm dâu bể, với bao cuộc chiến tranh tàn khốc, nhưng đình làng Mỹ Lợi vẫn còn lưu giữ một hòm bộ chứa hơn 1.000 trang văn bản Hán-Nôm ghi chép mọi việc từ lúc khai canh lập làng đến đời vua Tự Đức (1848-1883). Trong đó có nhiều văn bản liên quan đến việc giữ gìn biển đảo của triều đình vua chúa nhà Nguyễn.

Theo các vị trưởng tộc ở làng Mỹ Lợi, qua công tác đối chiếu và so sánh của nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, trong đó có cả chuyên gia đến từ Nhật Bản, nhận thấy những văn bản Hán-Nôm trên có nội dung hoàn toàn trùng khớp với những thông tin lịch sử được làng ghi chép lại nên người dân làng Mỹ Lợi đã tận tay trao những văn bản gốc này cho Bộ Ngoại giao quản lý để bổ sung thêm bằng chứng khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. 

Ông Phan Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Vinh Mỹ còn cho biết, chính nhờ những công lao của người dân làng Mỹ Lợi trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo và đánh giặc ngoại xâm nên năm 2001, làng Mỹ Lợi được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Năm 2011, làng được Chính phủ công nhận là Làng Văn hóa cấp Quốc gia và tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Trước đó, năm 1996, đình làng Mỹ Lợi cũng được công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia.

Ngoài những văn bản Hán-Nôm do người dân làng Mỹ Lợi gìn giữ khẳng định chủ quyền biển đảo Tổ quốc thì câu chuyện “giữ biển” còn được các vua chúa triều Nguyễn kỳ công “khắc họa” lên các bảo vật như một minh chứng lịch sử. Trong số đó, điển hình là bộ Cửu đỉnh đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia vào năm 2012. 

Nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử Huế - Phan Thuận An công bố các tài liệu liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa dựa vào các hình ảnh được chạm khắc trên bộ Cửu đỉnh này. 

Ông kể, Cửu đỉnh là 9 chiếc đỉnh được vua Minh Mạng cho đúc bằng đồng vào tháng 10-1835 và hoàn thành vào tháng 3-1837, hiện đang được đặt trước sân Thế Miếu- Đại nội Huế, nơi thờ các vị vua triều Nguyễn. Trong số 153 hình ảnh được chọn chạm khắc lên Cửu đỉnh, gồm binh khí, xe thuyền và những địa danh nổi tiếng của nước Việt thì ấn tượng nhất vẫn là hình ảnh Biển Đông (Đông Hải) được khắc trên Cao đỉnh; Biển Nam (Nam Hải) được khắc trên Nhân đỉnh và Biển Tây (Tây Hải) được khắc ở Chương đỉnh. 

“Mỗi đỉnh có một tên riêng ứng với một thụy hiệu của mỗi vị hoàng đế triều Nguyễn như Cao đỉnh chính là thụy hiệu của vua Gia Long, Nhân đỉnh là thụy hiệu của vua Minh Mạng... Trên mỗi đỉnh, vua Minh Mạng cho thợ chạm khắc 17 bức họa tiết và 1 bức họa thư. Dựa trên các hình ảnh được chạm khắc trên Cửu đỉnh cho thấy hải phận của Việt Nam ở triều Nguyễn được quan tâm đặc biệt”, lần giở những bức ảnh chụp về Cửu đỉnh, ông An say sưa nói.

Đặc biệt, hiện nhà nghiên cứu Phan Thuận An còn lưu giữ 2 châu bản (scan) liên quan đến Hoàng Sa, riêng bản gốc đã bàn giao cho Bộ Ngoại giao trong số hàng chục văn bản có bút phê của vua Bảo Đại được cất giữ tại phủ thờ công chúa Ngọc Sơn- nơi gia đình ông An đang sinh sống. 

Cả 2 châu bản này có kích thước 21,5x31cm được đánh máy bằng tiếng Việt và tiếng Pháp, có nội dung khen thưởng cho đội lính Khố xanh có công “lập đồn phòng thủ ở đảo Hoàng Sa” và tâu xin hoàng đế Bảo Đại truy tặng huy chương Long tinh của Nam triều cho ông Louis Fontan giữ chức Chánh Cai đội hạng nhất của đội lính Khố xanh trú đóng tại đảo Hoàng Sa... 

“Những châu bản và hình ảnh trên Cửu đỉnh không những khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam mà còn cho đời sau thấy được rằng, các vị vua triều Nguyễn đều một lòng ra sức bảo vệ và gìn giữ chủ quyền biển đảo của đất nước!”, ông An khẳng định.

Cửu đỉnh tại Đại Nội - Huế có khắc nhiều hình ảnh mô tả hoạt động bảo vệ, giữ gìn biển đảo Tổ quốc dưới triều Nguyễn.

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử Huế, trong 13 triều vua Nguyễn thì vua Minh Mạng là người đã để lại số lượng văn bản ghi chép, châu phê, châu điểm về việc bảo vệ biển đảo, trong đó có Hoàng Sa, Trường Sa nhiều nhất. 

Chính vì thế, vào thời vua Minh Mạng, triều đình đã đào tạo nhiều chỉ huy đội hùng binh Hoàng Sa nổi tiếng như Cai đội Thủy quân Phạm Văn Nguyên năm Minh Mạng thứ 16 (1835); Chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật năm Minh Mạng thứ 17 (1836); Thủy sư suất đội Phạm Văn Biện năm Minh Mạng thứ 18 (1837)... 

Ngoài ra, vua Minh Mạng còn ra chỉ dụ hằng năm cử người ra Hoàng Sa, Trường Sa để đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ và cắm cột, dựng bia. Mỗi thuyền vãng thám Hoàng Sa phải đem theo 10 tấm bài gỗ dài 4, 5 thước, rộng 5 tấc. Thuyền đi đến đâu sẽ cắm mốc đến đó.

Đặc biệt hơn, để có nhiều thuyền bè bảo vệ và giữ gìn lãnh hải, vào năm Nhâm Ngọ (1822), vua Minh Mạng còn cho mua một chiếc thuyền bọc đồng của Pháp đưa về Huế để các xưởng đóng thuyền tại kinh đô nghiên cứu đóng theo mẫu này. Không lâu sau, chiếc thuyền bọc đồng đầu tiên được đóng thành công được đặt tên Thụy Long và nhiều chiếc thuyền bọc đồng khác được ra đời để phục vụ cho công tác tuần tra giữ gìn biển đảo. Ngoài tăng cường thủy quân, thủy chiến, vua Minh Mạng còn đặt lệ tuần biển, trang bị vũ khí cho ngư dân để bảo vệ lãnh hải. 

Sách Minh Mệnh chính yếu do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn có đoạn viết: “Vua lấy cớ các đảo và bãi ở ngoài bể (biển) thuộc các địa phương có nhiều dân cư, chợt gặp giặc bể không lấy gì chống giữ mới sai Binh bộ truyền dụ các Tổng đốc, Tuần phủ, Bố chánh ở địa phương có hải phận bắt dân sở tại phải đóng thuyền, phí tổn do nhà vua cấp và cấp binh khí, súng, đạn dược để phòng bị...”.

Anh Khoa

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Trần Hồng Minh vừa công điện gửi Cục Đường cao tốc Việt Nam, Cục Đường bộ Việt Nam, các ban quản lý dự án, nhà đầu tư về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện 8 dự án đầu tư kinh doanh công trình trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông.

Quyết tâm duy trì mô hình "Ngã tư an toàn giao thông" hiệu quả, thay đổi bộ mặt giao thông Thủ đô, lực lượng CSGT xử lý nghiêm tất cả những tài xế xe máy và ô tô có thói quen đứng đè vạch dừng hoặc đè vạch sang đường của người đi bộ, khi bị xử lý lại đổ lỗi do đường đông và đi vội.

46,15% cơ quan, doanh nghiệp bị tấn công mạng trong năm 2024; Số vụ tấn công mạng ước tính lên tới hơn 659.000 vụ; Việt Nam thiếu hụt nghiêm trọng nhân lực chuyên trách về an ninh mạng; Tấn công có chủ đích, tấn công gián điệp và tấn công mã hoá dữ liệu là những hình thức tấn công phổ biến nhất; Tỷ lệ sử dụng sản phẩm, dịch vụ “Make in Vietnam” còn rất khiêm tốn, chỉ 24,77%; Tình trạng lộ lọt dữ liệu cá nhân đáng báo động nhưng công tác đảm bảo an ninh còn nhiều lúng túng.

Dự án xây dựng, mở rộng Quốc lộ 50 (QL50) đoạn qua địa bàn huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh với chiều dài hơn 6,9km, tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và TP Hồ Chí Minh với mục tiêu giảm ùn tắc giao thông nghiêm trọng trên tuyến nối từ TP Hồ Chí Minh đi Long An, Tiền Giang dù đã được HĐND thành phố thông qua chủ trương đầu tư từ tháng 6/2021, nhưng đến nay nhiều gói thầu xây lắp chính mới đạt tỷ lệ rất thấp…

Sáng mai (24/12), TAND TP Hà Nội sẽ mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 17 bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu (giai đoạn 2) về các tội: “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Che giấu tội phạm”.

Ngày 23/12, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Quảng Ngãi cho biết, liên quan vụ án "Đưa hối lộ" và "Nhận hối lộ" xảy ra tại tại Ban Quản lý Khu Kinh tế Dung Quất và các KCN tỉnh Quảng Ngãi đã khởi tố thêm tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” đối với một số đối tượng.

Ngày 23/12, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết đã nắm thông tin phản ánh của người thân một nữ bệnh nhân trẻ trên mạng xã hội Facebook về hành vi thiếu chuẩn mực của bác sĩ nam khi siêu âm tuyến giáp, tim và bụng. Sự việc xảy ra tại Phòng khám Đa khoa thuộc Công ty cổ phần Đầu tư Tư vấn dịch vụ y tế Y Đạo (địa chỉ 46-48 Ngô Quyền, phường 5, quận 10).

Có thể khẳng định rằng, với Đề án 06 và ứng dụng VNeID do Bộ Công an chủ công xây dựng đã được phát triển mạnh mẽ, trở nên quen thuộc, thiết yếu trong công cuộc chuyển đổi số của người dân Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng. Năm 2024, thành phố đã triển khai ứng dụng hiệu quả VNeID trong chuyển đổi số, góp phần phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 (Vietnam Defence Expo 2024) là một sự kiện quy mô lớn, thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ giới chuyên gia và truyền thông quốc tế. Đây không chỉ là cơ hội để Việt Nam khẳng định vị thế trong hợp tác quốc phòng toàn cầu mà còn là dịp để giới thiệu các thành tựu quốc phòng cũng như thúc đẩy hợp tác quốc tế.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文