Tây Nguyên vẫn “nóng” chuyện phá rừng
Mặc dù lệnh “đóng cửa rừng” đã được Thủ tướng Chính phủ đưa ra từ lâu, nhưng các tỉnh Tây Nguyên vẫn loay hoay tìm giải pháp xử lý tình trạng phá rừng xảy ra nhiều nơi trên địa bàn.
Tại Tiểu khu 210 của khu rừng tự nhiên thuộc địa bàn xã Đắk Sao, huyện Tu Mơ Rông thuộc lâm phần do UBND xã Đắk Sao quản lý, hàng chục khối gỗ được cắt xẻ vuông vắn nằm rải rác dọc hai bên tuyến đường. Tại đây, qua kiểm đếm đã có đến 27 khúc gỗ với đường kính từ 20-50cm, dài từ 3-5 mét và hàng chục gốc cây cổ thụ có đường kính từ 40cm đến hơn 1 mét đã bị cánh “lâm tặc” đốn hạ lấy đi phần thân.
Điều đáng ngạc nhiên là địa điểm phá rừng này chỉ nằm cách chốt bảo vệ rừng của xã Đắk Sao chưa đầy 3km. Khi trao đổi về vụ việc, một cán bộ xã Đắk Sao cho rằng, số gỗ này đã được các “lâm tặc” đốn hạ từ nơi khác đưa về tập kết.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên tại hiện trường, có đến hàng chục gốc cây bị cắt hạ trái phép bằng cưa xăng còn mới, trong khi thân gỗ đã bị “lâm tặc” lấy đi trước đó.
Còn tại địa bàn tỉnh Đắk Lắk, ngay trước thềm Tết Nguyên đán 2018, cơ quan chức năng đã phát hiện hàng chục gốc gỗ cà te, giáng hương bị chặt hạ ngổn ngang ngay trong rừng cấm của Vườn Quốc gia Yok Đôn.
Địa điểm xảy ra vụ chặt phá này lại nằm ngay đường vành đai biên giới, một địa bàn được bảo vệ nghiêm ngặt “bất khả xâm phạm” do Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk quản lý.
Cũng chung tình cảnh, trong những ngày giáp Tết Mậu Tuất 2018, hơn 20ha rừng tự nhiên tại Tiểu khu 1680 thuộc lâm phần của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn (huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) đã bị “lâm tặc” chặt phá.
Vụ phá rừng này chỉ cách Trạm Quản lý bảo vệ rừng của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn khoảng hơn 1km và diễn ra dài ngày, đông người tham gia, có phương tiện cơ giới nhưng chủ rừng vẫn “không hay biết”.
Vụ việc chỉ được ngăn chặn khi Công an huyện Đắk Glong nhận được tố giác của người dân. Trở lại câu chuyện hàng chục cây gỗ quý bị đốn hạ tại Tiểu khu 408 thuộc quyền quản lý của Vườn Quốc gia Yok Đôn, ông Phạm Tuấn Linh, quyền Giám đốc Vườn Quốc gia Yok Đôn khẳng định, vụ phá rừng có sự “tiếp tay” của một số cán bộ liên quan. Tuy nhiên, khi được hỏi cán bộ đó là ai thì ông Linh lại cho rằng, đến nay cơ quan điều tra vẫn đang xác minh nên chưa thể cung cấp được.
Rừng bị đốn hạ tại Tiểu khu 1680 thuộc lâm phần của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn, tỉnh Đắk Nông. |
Để tìm hiểu thực tế hiện trường vụ phá rừng này, từ Đồn Biên phòng 741 (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk) chúng tôi phải lội bộ hơn 5km mới tiếp cận được.
Điều đáng nói là trên suốt quãng đường di chuyển, chúng tôi đã chứng kiến nhiều cây gỗ bị đốn hạ ngổn ngang để mở lối cho việc vận chuyển số gỗ quý ra khỏi rừng.
Tại hiện trường, có tổng cộng 23 cây gỗ bị cưa hạ trong diện tích khoảng 1ha. Trong đó, có nhiều cây thuộc nhóm gỗ quý hiếm cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Điều đáng nói là địa điểm diễn ra vụ phá rừng này chỉ nằm cách Đồn Biên phòng 741 khoảng 5km.
Về vấn đề này, Đại tá Phạm Quang Hùng, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Hiện đơn vị đang phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra Công an tỉnh điều tra, làm rõ xử lý nghiêm theo quy định”.
Còn tại vụ phá hơn 20ha rừng tự nhiên ở xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông, trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Ngọc Hiếu, Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn cho rằng, việc phá rừng diễn ra trong nhiều ngày, có cả máy móc thiết bị cơ giới và chỉ cách trạm quản lý bảo vệ rừng hơn 1km cho thấy có sự buông lỏng, “tiếp tay” cho các đối tượng vi phạm”...
Có thể nói, rừng ở Tây Nguyên đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt, muốn cứu rừng, phải cứu từ “gốc”, tức là xác định rõ nguyên nhân để giải quyết có trọng tâm, đồng thời đưa ra các giải pháp đồng bộ, quyết liệt, phù hợp với tình hình thực tế tại mỗi địa phương.