Tháng 7 ở Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Thuận Thành

09:37 20/07/2018
Tháng 7 – tháng của sự tri ân, đồng bào cả nước lại hướng về các thương - bệnh binh, gia đình chính sách, người có công với nước trên mọi miền Tổ quốc.

Những ngày này, có mặt ở Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Thuận Thành (Trung tâm ĐDTBTT) - Bắc Ninh dễ dàng bắt gặp các đoàn công tác, nhà hảo tâm đến thăm, tặng quà, tri ân các thương - bệnh binh đang được điều trị, an dưỡng ở đây.

Trung tâm ĐDTBTT tọa lạc ở xã Ninh Xá, huyện Thuận Thành (Bắc Ninh). Đây là đơn vị nuôi dưỡng, điều trị thương bệnh binh nặng tập trung có số lượng thương binh đông nhất và thương tật nặng nhất (trực thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) được thành lập từ ngày 3-4-1965. 

Sau hơn 50 năm tồn tại và phát triển, trung tâm đã tiếp nhận, quản lý, nuôi dưỡng, điều trị và phục hồi chức năng lao động cho hơn 1.000 thương - bệnh binh nặng bị thương ở các chiến trường, quê ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước.

Đồng chí Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Công ty Phượng Hoàng thăm hỏi thương – bệnh binh ở Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Thuận Thành.

Sáng 19-7, thời tiết như chiều lòng người đến với Trung tâm ĐDTBTT. Trời không còn đổ mưa nặng hạt. Hôm nay cũng là thời điểm mà đoàn công tác của Công ty TNHH Phát triển du lịch quốc tế Phượng Hoàng (Công ty Phượng Hoàng) và đồng chí Vũ Mão, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia trở lại trung tâm, thăm hỏi, tặng quà các thương - bệnh binh nhân kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27-7-1947 - 27-7-2018). 

Giới thiệu về trung tâm, ông Nguyễn Khắc Dư - Giám đốc trung tâm cho biết, sau một thời gian an dưỡng, điều trị ở trung tâm, đa số thương - bệnh binh đã ổn định vết thương, phục hồi một phần sức khỏe và chức năng lao động… Những trường hợp này sau đó được trung tâm chuyển về an dưỡng ở gia đình, tạo điều kiện cho người thân chăm sóc ở quê nhà. 

Đến nay, trung tâm đang quản lý, nuôi dưỡng, điều trị và thực hiện chế độ chính sách cho 96 thương - bệnh binh nặng hạng 1/4 với tỷ lệ thương tật từ 81% đến 100% đến từ 23 tỉnh, thành (từ tỉnh Thừa Thiên - Huế trở ra). Trong số này, có 1 đồng chí thương binh kháng chiến chống Pháp, 67 đồng chí bị thương trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cùng gần 30 đồng chí bị thương trong thời kỳ bảo vệ, xây dựng đất nước. 

Tuổi bình quân là 66. “Hiện ở trung tâm có tới 90% trường hợp thương – bệnh binh bị thương vùng cột sống, gây liệt ½ cơ thể người; có 10% là những trường hợp bị vết thương tổng hợp như: cụt 2 tay, cụt chân, hỏng mắt…”, ông Dư chia sẻ thêm.

Đến với trung tâm để tri ân các cô, các bác thương - bệnh binh, người có công với nước ngày hôm nay, các đoàn công tác, nhà hảo tâm đều thấy trân trọng trước những hy sinh, mất mát của các thế hệ đi trước. 

Không chỉ mang bên mình di chứng của vết thương cột sống, gây teo cơ 1/2 cơ thể, có không ít các cô, các bác thương – bệnh binh còn mắc thêm các chứng bệnh: tiểu đường, huyết áp cao, sỏi thận, sỏi bàng quang, viêm gan B – C... Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm, nhưng vết thương do mảnh đạn tăng găm vào cột sống khiến bác Nguyễn Văn Thành, 66 tuổi, ở xã Xuân Tân, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) còn đó. 

Với tỷ lệ thương tật 91% cơ thể, bị liệt nửa người. Những cơn đau tê buốt đến tận xương tủy mỗi khi trái nắng trở trời thường xuyên hành hạ bác. Bác Thành vốn là lính trinh sát kỹ thuật của Trung đoàn 88B – Bộ Tổng Tham mưu (Bộ Quốc phòng). 

Sáng 21-4-1975, trong một lần cùng đồng đội mở đường cho quân ta giải phóng tỉnh Long An, bác bị trúng đạn của địch. Sau khi điều trị vết thương, ngày 20-9-1976, bác được về Trung tâm ĐDTBTT điều trị, an dưỡng.

Trong hội trường, chúng tôi được nghe những câu chuyện cảm động của các cô, các bác thương – bệnh binh trở về từ bom lửa, về ngôi nhà thứ 2 của mình. 

Mọi sinh hoạt của các cô, các bác ở đây chủ yếu dựa vào sự chăm sóc của đội ngũ y, bác sĩ, công nhân viên đang công tác ở trung tâm. Và nơi đây đã trở thành ngôi nhà thứ 2 của các cô, các bác. 

Ngồi trên chiếc xe lăn với đôi chân mất hết cảm giác, bác Thèn Văn Sáng (68 tuổi ở xã Thu Tà, huyện Xín Mần), nguyên là lính Binh đoàn Tây Nguyên tham gia mặt trận giải phóng tỉnh Kon Tum vào tháng 3-1974 (tỷ lệ thương tật trên 90%) xúc động nói: “Các y, bác sĩ, cán bộ của Trung tâm rất tận tình chu đáo. Mọi người sinh hoạt với chúng tôi như người thân vậy. Có việc gì, tôi ấn chuông một cái là các anh, các chị đó đến ngay. Chúng tôi cảm động lắm và luôn coi đây như ngôi nhà thứ 2 của mình vậy!”.

Ông Nguyễn Văn Hùng – Chủ tịch Công ty Phượng Hoàng, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam – Campuchia xúc động, trân trọng những chiến công, sự hy sinh xương máu của các đồng chí thương - bệnh binh đang điều trị, an dưỡng ở đây, đồng thời chúc các đồng chí thương - bệnh binh sức khỏe, sống vui, sống có ích. 

Sau khi thăm hỏi, gửi lời tri ân, ông Nguyễn Văn Hùng đã trao tặng 100 triệu đồng tới các cô, bác thương - bệnh binh và 50 triệu đồng tới tập thể cán bộ, y, bác sĩ ở trung tâm. 

Cũng tại buổi trao quà, ông Nguyễn Văn Hùng đã quyết định trao tặng thêm 98 chiếc tủ lạnh và tiến hành xây dựng một thư viện sách khang trang tại Trung tâm. 

Từ đó tạo thêm không gian, văn hóa đọc, trở thành một điểm đến sinh hoạt văn hóa của các cô, các bác thương - bệnh binh cũng như y, bác sĩ, công nhân viên ở trung tâm và người dân địa phương”. 

Thay mặt các thương - bệnh binh, bác Lê Minh, 72 tuổi, Ủy viên Hội đồng thương binh của -trung tâm bày tỏ sự cảm kích trước tấm lòng, sự sẻ chia của đồng chí Vũ Mão, của cán bộ, công nhân viên Công ty Phượng Hoàng. 

Bác Lê Minh cho biết, những phần quà trên đã góp phần động viên tinh thần, giúp các thương - bệnh binh đang điều trị ở đây vượt qua mất mát đau thương, lạc quan hơn trong cuộc sống.

Trần Huy

Là người nước ngoài duy nhất đoạt giải trong cuộc thi "Tìm kiếm sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài" năm 2024 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phát động, Lanny Phetnion đã gắn bó với tiếng Việt hơn 10 năm. Hành trình đến với ngôn ngữ này bắt đầu khi Lanny Phetnion nhận được học bổng theo học Khoa Tiếng Việt, Đại học Quốc gia Lào. Cũng từ đây, tiếng Việt đã trở thành bệ đỡ giúp cô gái miền Bắc Lào gặt hái không ít thành công. 

Quen đối tượng có thể làm giả giấy tờ trong ngành Công an, Quân đội, Đàm Đình Phú đã đăng bài trên mạng xã hội nhận làm thủ tục vay tiền đối với khách đang nợ xấu. Sau khi có khách đặt hàng, Phú sẽ yêu cầu cung cấp hình ảnh chân dung để làm giả các loại giấy tờ rồi liên hệ nhân viên ngân hàng làm thủ tục vay tiền, mục đích chiếm đoạt tiền vay.

Luật Công chứng (sửa đổi) quy định công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng chỉ được công chứng giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của Mỹ. Tuy nhiên, mới đây, Tổng thống đắc cử Donald Trump tiếp tục tuyên bố sẽ áp thuế bổ sung đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc cho đến khi nước này ngăn chặn "lượng lớn ma túy, nhất là fentanyl, đang được chuyển vào Mỹ".

Viện KSND tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương và 16 bị can khác về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Từ kết quả điều tra những dấu hiệu bất thường tại một số gói thầu thi công xây dựng công trình trên địa bàn TP Nha Trang do Ban Quản lý Dịch vụ Công ích TP Nha Trang làm chủ đầu tư, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, đồng thời bắt tạm giam hai cán bộ nhà nước và hai giám đốc doanh nghiệp.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文