Thanh Lâm rạng sáng

08:27 24/10/2008
"Bố ơi, đừng nghiện nữa/ Nhà ta hết gạo rồi/ Bếp hồng nay nguội lạnh/ Mẹ khổ lắm, bố ơi!...". Vần thơ và giọng đọc run rẩy của con trai khiến người mẹ trẻ bỗng trở nên yếu đuối, vội bíu vào đôi vai gầy của đứa con cho khỏi ngã. Chao ôi, chẳng thể ngờ con trai bé bỏng của chị, trong khi làm bài văn cô giáo cho về nhà: "Hãy tả cảnh gia đình em", đã làm thành một bài thơ và những vần thơ ấy đã chạm vào nỗi đau trong lòng chị.

Thơ con trai đã nói đúng gia cảnh nhà chị, nói về con người từng là niềm yêu thương, là chỗ dựa cho chị và cả nhà, nhưng từ lâu rồi anh ta không còn là thế nữa. Hiện giờ, anh ta đang ở trong Trại giam Thanh Lâm trong miền Tây Thanh Hóa xa xôi…

Nỗi đau của cháu nhỏ làm thơ không chỉ dừng ở những vần thơ thống thiết ấy. Chẳng bao lâu sau buổi tối đọc thơ cho mẹ nghe, cháu phải theo một bà hàng xóm tốt bụng tìm vào trại giam thăm bố với tấm khăn tang mẹ còn mới trên đầu. Mẹ em, gầy yếu và đau khổ, lại không may mắc căn bệnh hiểm nghèo ủ trong người từ lâu không biết, đã mất trước ngày em đi thăm bố chẵn một tháng trời!

Tôi lặng người nhìn cảnh bố con họ gặp nhau. Gương mặt góc cạnh của chàng trai mặc áo kẻ sọc đứng ôm con, đôi mắt đau đáu của anh ta nhìn như nuốt lấy cái gì đó ở phía xa khiến tôi thấy gai người. Và tiếng anh ta bỗng bật lên xa xót: "Trời ơi, kết cục cuộc đời tôi là thế này sao?!".

- Giỏi quá! - Nhà văn Trần Chiểu thốt lên - cậu này thật sự có phẩm chất nghệ sĩ sân khấu đấy, ông ạ. Tên cậu ta là gì vậy, ông Phòng? Đại tá Nguyễn Xuân Phòng vẫn chưa hết xúc động, dù anh đã xem vở kịch này nhiều lần, giọng trầm và nhỏ trả lời câu hỏi của nhà văn:

- Báo cáo anh, cậu ta tên thật là Trần Đăng Phong, không còn ở đây nữa, các bác à…

- Cậu ta đã mãn hạn tù?

- Không phải thế! Lý do là thế này các bác ạ: Đây, thư mẹ cậu Phong gửi cho trại, các bác đọc sẽ rõ.

Tôi đón lá thư từ tay Đại tá Giám thị và chăm chú đọc ngay dưới ánh sáng nhạt của ngọn đèn nê-ông. Nhà văn Trần Chiểu cũng nghiêng người đọc cùng.

Thư tay, viết ngày 16/5/2006 từ làng Đông Chiểu, xã Liên Phương, thị xã Hưng Yên. Người viết thư là bà Vũ Thị Loan, cựu chiến binh, đi bộ đội năm 1968. Bà làm báo vụ viên của Cục Xăng dầu, phục vụ chiến trường Nam khu IV - Thừa Thiên. Lá thư tay với nét chữ run rẩy của bà Loan khiến lòng tôi se thắt.

Trời đất ơi, hoàn cảnh người nữ cựu chiến binh này sao mà cơ cực thế! Sau bao năm giáp mặt bom đạn Mỹ, sức lực cạn kiện, bà trở về quê với mức lương trợ cấp mất sức có 320.900 đồng một tháng. Lấy chồng, chồng cũng chẳng còn mấy sức lực, nhà quá nghèo, vợ chồng bà Loan chỉ sinh một mình Trần Đăng Phong, cố chăm sóc cho cậu con một khôn lớn.

Phong khỏe mạnh, có khuôn mặt góc cạnh cương nghị, đôi mắt thông minh, ngày càng trưởng thành trong sự mừng vui của vợ chồng cựu chiến binh. Rồi Phong lấy vợ, vợ chồng Phong sinh con đầu lòng. Đang như thế thì Phong bị bạn bè rủ rê, dính nghiện. Đã cai nghiện, song Phong lại tái nghiện. Cuối cùng thì Phong phải vào trại giam.

Chồng bà Loan buồn phiền, bị cảm đột ngột, đã mất ngày 24/1/2006. Đúng 102 ngày sau, vợ Phong, cô Vũ Thị Siêng Năng cũng qua đời vì bệnh ung thư di căn, để lại đứa con 5 tuổi cho bà Loan. Hai cái tang ập xuống đầu trong thời gian ngắn, người nữ cựu chiến binh qụy hẳn, phải đưa vào viện cấp cứu. Đứa cháu nội duy nhất bà đành gửi ông bà thông gia nuôi hộ…

"Kính thưa các bác lãnh đạo trại giam! Bản thân em bây giờ không biết có nên sống nữa không. Sức cùng lực kiệt, con trai thì vẫn đang ở tù, em không thể vào thăm con được nữa, dù chỉ một lần. Em mong các bác, các ông bà nhóm tay làm phúc ban cho em một ân huệ: Cho cháu Phong được về nhà điều trị thuốc thang, nghỉ ngơi tĩnh dưỡng, để mẹ con em được sớm tối thấy nhau…".

Đặt lá thư nhuốm đầy nước mắt người viết xuống bàn, tôi nhìn sang Đại tá Giám thị:

- Vậy là Phong được ra trại do lời khẩn cầu trong thư này?

- Làm sao có thể làm ngơ trước hoàn cảnh đó, lời khẩn cầu đó, anh? Đọc xong thư bà Loan, em họp bàn ngay trong lãnh đạo trại rồi khẩn trương báo cáo xin ý kiến lãnh đạo Cục V26, sau đó làm thủ tục cho Phong về quê, dù Phong chưa mãn hạn tù.

- Hiện Phong đang ở Đông Chiểu, Liên Phương?

- Cậu ta mất rồi!

Trả lời cái nhìn sửng sốt của tôi và nhà văn Trần Chiểu, Đại tá Nguyễn Xuân Phòng nói giọng buồn buồn:

- Các bác biết đấy, Phong mắc nghiện. Rồi dính "ết". Vào trại đây mới phát hiện được thì "ết" đã ở giai đoạn cuối. Cậu ta lại bị sốc mạnh vì cái chết của bố và vợ. Vở kịch các bác vừa xem có thể nói là của cậu ta cả đấy. Cậu ta là tác giả, là đạo diễn và còn trực tiếp đóng vai. Nội dung kịch bản chính là chuyện gia đình cậu ta, chuyện bản thân cậu ta…

Gần như cả đêm đó tôi mất ngủ vì một trong những kỷ niệm buồn khó quên đó trong hơn ba chục năm làm Cảnh sát trại giam của Đại tá Nguyễn Xuân Phòng.

Năm 1974, mới 16 tuổi, chàng trai làng Khổ Tam, xã Xuân Bắc, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định đã rời nhà vào học Trường Sơ cấp Cảnh sát trại giam. Sau một năm học, anh được điều về làm quản giáo tại Trại giam Tân Lập thuộc tỉnh Phú Thọ.

Tháng 4/1980, Nguyễn Xuân Phòng được cấp trên điều về làm quản giáo tại Trại giam Thanh Lâm này và gắn bó với Thanh Lâm từ đó đến hôm nay, phấn đấu từ một trung sĩ quản giáo thành Đại tá Giám thị. Mười hai năm sau ngày được Cục V26 tín nhiệm, Nguyễn Xuân Phòng lần lượt được phong bốn cấp hàm, từ thiếu tá lên đại tá.

Tính thời gian niên hạn, phong hàm thì có vẻ bình thường, không có gì đặc biệt cả. Được phong quân hàm đại tá và đó là việc người đứng đầu Trại giam Thanh Lâm suốt 13 năm qua đã chứng tỏ được mình, đã không phụ lòng tin của lãnh đạo Cục.

Cách giáo dục, ứng xử giàu tính nhân văn đối với phạm nhân, các rừng bầu gió, rừng lát, rừng luồng đang lên xanh tốt, những trại nuôi tôm và nuôi trồng thủy sản hiệu quả mà tôi đã tận mắt thấy qua nay đã phần nào nói nên điều này. Nhưng tôi vẫn muốn anh kể cho nghe những kỷ niệm vui buồn trong mấy chục năm làm người Cảnh sát trại giam.

Sát trước Tết Đinh Hợi, chị Phòng bỗng nhận được điện thoại gọi từ Hà Nội. Người gọi, sau khi xưng tên, có hẹn sẽ đưa vợ con vào chúc Tết gia đình chị. Buông ống nghe lúc lâu mà chị vẫn không nhớ ra người đó là ai, có quan hệ thế nào với nhà chị. Anh Phòng về, chị hỏi, anh cũng cười lắc đầu.

Chuyện qua đi, vợ chồng Nguyễn Xuân Phòng bận bịu với công việc, với sắm tết, không còn nhớ chuyện người Hà Nội bí ẩn. Vậy nhưng, đúng hẹn, người hẹn trên điện thoại đã gõ cửa nhà anh chị Phòng. Đủ cả vợ chồng, con cái anh ta. Nhìn tận mắt, nắm chặt tay mời khách vào nhà nhưng vợ chồng anh Phòng vẫn không nhớ ra khách là ai.

Khách cười vui, hào hứng xưng tên họ và tự kể về mình. Ôi trời, vậy ra đây là chú Thảo, ở trại từ hai chục năm trước trong phân trại số 5, lúc anh Phòng là phân trại trưởng, còn chị Phòng làm ở trạm xá của Trại Thanh Lâm. Đợt ấy, Thảo bị ốm nặng, anh Phòng cho Thảo vào trạm xá điều trị. Tại đây, Thảo được chị Phòng tận tình chăm sóc thuốc thang... nên Thảo mau khỏe lại.

Khi được ra trại, nhớ công ơn của anh chị Phòng, Thảo tìm đến tận nhà riêng của vợ chồng anh để cảm ơn, lại được chị Phòng mở tủ lấy một chai mật ong rừng đưa Thảo, bảo đem về làm quà cho vợ con. Những việc làm nghĩa tình cùng những lời khuyên nhủ của anh chị Phòng khiến Thảo không bao giờ quên.

Hai mươi năm quyết chí làm lại đời mình, vực kinh tế gia đình lên cho vợ con thoát khổ, Thảo phải tạm ém nhớ ơn anh chị Phòng bên lòng. Nay, gia đình Thảo đã có căn nhà bên chân cầu Thăng Long trị giá bạc tỉ, có cửa hàng tạp hóa ngày ngày đem lại nguồn thu, con gái Thảo đã khôn lớn, lập gia đình, đưa vợ chồng Thảo lên chức ông bà ngoại. Thảo quyết định đưa vợ con vào Thanh Hóa để tạ ơn nghĩa người xưa…

Hẳn bữa cơm sum họp sau hai mươi năm xa cách giữa một gia đình quản giáo với gia đình một phạm nhân cũ trong ngày đón Xuân Đinh Hợi ấy vui và ấm áp tình người lắm.

Tôi vui vui mường tượng và thanh thản ngắm trời Thanh Lâm rạng sáng sau đêm mất ngủ

Ghi chép của Nhà văn Phạm Ngọc Chiểu

Ngày 15/3/2024, trái tim của nữ biệt động thành Nguyễn Thị Mai (SN 1943) với biệt danh “con thoi sắt” đã ngừng đập. Bà là một trong những nữ biệt động thành đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken mới đây kêu gọi Israel vẫn phải làm nhiều hơn nữa để tăng dòng viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza, đồng thời nhấn mạnh sẽ tận dụng chuyến thăm đến Trung Đông lần này để giải quyết vấn đề đó với các nhà lãnh đạo Israel.

Lợi dụng một bộ phận người dân chưa nắm đầy đủ thông tin về việc cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử (VNeID), kẻ gian đã giả danh Công an, gọi điện thoại hướng dẫn, yêu cầu người dân cài đặt các ứng dụng giả mạo vào ĐTDĐ để lấy cắp thông tin cá nhân, chiếm đoạt tài sản. Trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có nhiều trường hợp rơi vào bẫy của đối tượng lừa đảo, tài sản bị chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng.

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Dịp lễ 30/4 và 1/5, Công an tỉnh Tiền Giang đã huy động 100% lực lượng CSGT làm nhiệm vụ điều tiết, phân luồng, tránh ùn tắc giao thông, đồng thời tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn.

Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định (số 145 Trần Quang Khải quận 1, TP Hồ Chí Minh) là bảo tàng tư nhân đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh và là bảo tàng duy nhất tại Việt Nam về lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định. Bảo tàng nằm trong di tích, địa điểm trước đây thuộc nghiệp đoàn Ngọc Quế - cơ sở bí mật của lực lượng biệt động Sài Gòn thuộc sở hữu của gia đình Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Trần Văn Lai.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文