Thiên đường hải âu ở đất mũi La Gàn

10:25 01/03/2010

Ông Nguyễn Tòng, nguyên Chủ tịch Hội cựu chiến binh xã Bình Thạnh (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) hướng ánh mắt về phía trùng dương, nơi có hàng ngàn cánh chim hải âu đang chao lượn, giọng tự hào: "Trong kháng chiến chống Pháp - Mỹ, Bình Thạnh là vùng đất chịu nhiều đau thương, từng có một thời được mệnh danh là vùng đất chết. Giờ đây đất chết hồi sinh, trở thành thiên đường của loài chim hải âu".

Nơi ghi sâu tội ác thực dân

Từ TP Hồ Chí Minh, thông tin về sự xuất hiện của ngàn vạn cánh chim hải âu trên đất mũi La Gàn thuộc vùng biển xã Bình Thạnh đã thôi thúc chúng tôi lên đường. Đón chúng tôi trước một ngôi chùa lớn, ông Tòng giới thiệu đó là Chùa Cổ Thạch (có nghĩa Chùa Đá Xưa) được xây dựng cách đây 300 năm, với nhiều công trình kiến trúc cổ trải rộng trên diện tích 4ha gắn liền với vô số hang động, bãi đá bảy màu kỳ bí, xinh đẹp và nhiều cổ vật có giá trị. Năm 1993 Cổ Thạch Tự được Nhà nước xếp dạng Di tích quốc gia.

Ông Đặng Thoáng, 73 tuổi, người địa phương tiếp chuyện chúng tôi cho biết: Nhắc đến Bình Thạnh không thể không nhắc đến tội ác của bọn thực dân. Rồi ông kể: "Ngày 20/2/1951, một tên quan ba Pháp chỉ huy Tiểu đoàn lính Âu-Phi bất ngờ đổ bộ vào làng Cát Bay (nay là thôn Đông Bình, Bình Thạnh) tiến hành cuộc thảm sát Cát Bay với hơn 200 nóc nhà bị đốt thành tro bụi, hơn 200 người bị sát hại, 50 người bị thương và hàng trăm trâu bò bị giết chết…".

Nhịp sống thanh bình, hoà hợp giữa con người và chim muông trên đất La Gàn.

Trên đường đến "vịnh hải âu", chúng tôi ghé thăm cụ Hồ Thu, năm nay 86 tuổi, từng có vợ con bị giặc Pháp sát hại trong trận thảm sát Cát Bay. Theo lời cụ, trước năm 1945, mũi La Gàn nhìn đâu cũng thấy bóng chim hải âu. Nhưng sau đó giặc Pháp tràn về nổ súng giết hại người dân đã khiến chim hải âu dần dần biến mất. Ngoài cuộc thảm sát Cát Bay, từ năm 1945 đến năm 1954, Pháp nhiều lần xua quân lên La Gàn mặc sức bắn giết dân lành.

Đưa chúng tôi ra thăm bia tưởng niệm những thường dân vô tội bị sát hại với dòng chữ "… trước ý chí đấu tranh bất khuất của dân làng quyết đánh bại âm mưu càn quét, dồn dân lập tề, giặc Pháp và bè lũ tay sai xả súng sát hại trên 600 đồng bào vô tội…", cụ Thu chia sẻ: "Dù muốn hay không, khách ghé thăm hải âu đều phải đi qua bia căm thù. Hễ có đoàn khách nào ghé thăm tôi đều đưa họ ra đây và nói cho họ biết.

Sau năm 1975, khi đất nước thống nhất không còn tiếng súng nổ và La Gàn được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang thì hải âu mới trở về. Lúc đầu chỉ lác đác vài ba con, sau đông dần và nay thì đếm không xuể".

Thiên đường của hải âu!

Qua vài doi cát vàng óng và những rặng dừa nhô mình về phía biển, đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh mũi La Gàn với khung cảnh trời mây - non nước hữu tình đậm chất thơ. Mũi La Gàn theo bật mí của ngư dân Bình Thạnh là vùng biển êm, ít sóng gió nên là nơi neo đậu tránh bão lý tưởng của tàu thuyền lúc biển cả nổi cơn cuồng nộ, đồng thời là điểm đón gió đông của dân đi lộng (đánh bắt ven bờ) để dễ ra khơi. Ông Tòng nói: "Muôn vàn ghềnh gộp, khe hốc ở mũi La Gàn là nơi trú ẩn lý tưởng của chim hải âu. Mũi La Gàn cũng là nơi tập trung nhiều loài tôm, cua, cá, ốc, đặc biệt là cá cơm, vào mùa gió Nam nguồn thức ăn rất dồi dào, nên hải âu kéo về đây mỗi lúc một đông".  

Chúng tôi hỏi: "Ông có thể ước lượng số hải âu ở đây là bao nhiêu con?". Ông Tòng lắc đầu: "Nhiều lắm, không đếm xuể đâu". Cụ Thu tiếp lời: "Từ tháng giêng đến tháng 7 âm lịch là mùa cá nục, cá cơm nên chim hải âu càng nhiều dữ. Ăn theo luồng cá, nhiều đàn hải âu từ những vùng biển khác tề tựu về đây cùng nhập bầy với đàn chim bản địa nên ghềnh La Gàn trắng xóa bóng chim". Điều kỳ thú nữa là chim hải âu chỉ nhặt cá rơi vãi hoặc bắt đám cá khoái đu mình trên ngọn sóng mà thôi".

Bản tình ca giữa con người và chim muông

Nắng lên cao càng tô điểm vẻ đẹp hoang dã nhuốm màu sơ khai của mũi La Gàn. Cụ Thu trải lòng: "Qua là dân cố cựu trên đất này, ngày nào cũng nhìn hải âu mà không biết chán, mỗi một ngày trôi qua lại thấy biển đẹp hơn, lại thấy đàn chim đông hơn tao nên những âm thanh mới  rất thú vị”…

- Ở đây có ai đi nhặt trứng hải âu hoặc bắt chúng làm mồi nhậu không, thưa cụ?

Cụ Thu không trả lời ngay vào câu hỏi của chúng tôi mà chậm rãi nói: "Nhiều khách gọi hải âu là chim báo bão, còn với dân La Gàn, chúng là loài chim khí tượng, là bạn chứ không phải là món ăn như các loài chim khác. Không chỉ báo bão, hải âu còn báo hiệu vụ mùa đánh bắt bội thu. Những lúc chúng kéo bầy, hết bay cao lại sà xuống trên đầu những con sóng bắt cá thì trước sau gì dân biển cũng kéo được những mẻ lưới trĩu tay”. Ông Tòng tiếp lời: "Ngày trước dân La Gàn gọi hải âu là séo. "Séo về đầu ghành" ý nói hải âu về nhiều báo hiệu những ngày đi biển sẽ trúng cá, nên nhiều nhà đi vay tiền mua thêm thuyền đi đánh cá. Đi về là có tiền trả”.

Xuyên suốt mũi La Gàn, chúng tôi chẳng thấy bất kỳ dân bản địa nào đe dọa cuộc sống của chim hải âu. "Ngược lại, dân La Gàn còn bảo vệ sự sống cho chúng. Trước đây có nhiều phường săn, kẻ vác súng, kẻ vác lưới túa về đây với ý định săn bắt liền bị bà con phê phán và trục xuất khỏi địa phương. Chừng như cảm nhận được sự chở che của con người nên chim hải âu về La Gàn ngày một đông. Chúng sống dạn dĩ, gần gũi với con người" - một người dân cho biết.

Những ngày ở La Gàn, chúng tôi cảm nhận được sự gắn bó chan hòa giữa con người và thiên nhiên nơi đây. Thì ra trong bất kỳ hoàn cảnh, thời điểm nào, con người và chim muông vẫn có thể là bạn thân nếu con người không để những ham muốn nhậu nhẹt lấn át lý trí và tình cảm đối với chúng

Nguyễn Thành Dũng

Trở lại Việt Nam vào những ngày cuối tháng tư, nữ nhà văn người Mỹ Lady Borton đang gấp rút duyệt bản thảo lần cuối cho cuốn sách mới bằng tiếng Anh viết về Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Gắn bó với Việt Nam hơn nửa thế kỷ, người phụ nữ 82 tuổi này đã chứng kiến nhiều thăng trầm của Việt Nam, coi đây là quê hương thứ hai của mình.

LTS: Từ 2019 đến nay, hàng vạn tấm bằng Cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ, Kỹ sư… cùng nhiều văn bản, chứng từ khác của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (HUBT) được ký bằng chữ ký “khô” (chữ ký khắc dấu) hay còn gọi là dấu chữ ký khiến cho nhiều người không khỏi hoài nghi về giá trị pháp lý của nó. Ngoài việc sử dụng chữ ký “khô” để cấp các loại văn bằng, chứng chỉ, HUBT còn sử dụng trong công tác văn thư, tài chính kế toán… để duy trì mọi hoạt động của trường. Trước sự việc này, phóng viên Báo CAND đã có loạt bài phản ánh các vấn đề đã và đang diễn ra tại HUBT.

Con số 70 nổi bật được đổ màu theo đa hướng, cách điệu với ngôn ngữ đảo chiều, hàng chữ “Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954 - 2024)” mang màu xanh hoà bình. Đó là những nét khắc họa nổi bật của logo Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ đang được sử dụng chính thức trong các hoạt động tuyên truyền trong những ngày tháng 5 lịch sử này.

Sáng 7/5, Cơ quan CSĐT Công an huyện Tây Giang (Quảng Nam) cho biết, vừa khởi tố bị can, ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Pơloong Bưu (SN 1995, trú xã Axan, huyện Tây Giang) về hành vi “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi”.

Mặc dù cuối tháng 6 kỳ thi tốt nghiệp THPT mới diễn ra nhưng ngay từ đầu năm 2024, nhiều trường đại học (ĐH) đã thông báo nhận hồ sơ xét tuyển sớm. Với ưu thế tạo thêm nhiều cơ hội cho thí sinh trúng tuyển đại học mà không cần lệ thuộc vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển sớm đang trở thành phương thức được nhiều thí sinh lựa chọn.

Những ngày tháng 5 lịch sử, khi cả nước có nhiều hoạt động hướng về Điện Biên Phủ, bộ phim tài liệu nghệ thuật "CAND trong khúc tráng ca Điện Biên Phủ" lần đầu tiên kết hợp giữa những thước phim tài liệu, đan xen thực cảnh - cách làm phim mới trong truyền thông hiện đại, với những cảnh quay ở Điện Biên Phủ, một số tỉnh, thành của Việt Nam và Pháp, đã ghi đậm dấu ấn trong lòng công chúng.

Ngày 7/5, lễ tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ mới của Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ chính thức diễn ra, bắt đầu chặng đường mới với không ít thách thức nhưng cũng nhiều hy vọng, nhất là khi tỉ lệ ủng hộ của người dân Nga đối với ông theo thời gian vẫn liên tục ở mức cao.

Theo dự báo, hôm nay thời tiết tại hầu khắp các tỉnh, thành phố ở miền Bắc và Bắc Trung Bộ sẽ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to với lượng mưa 10-30 mm, có nơi trên 50 mm. TP Điện Biên Phủ khả năng có mưa, nhiệt độ dao động từ 20-32 độ C.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文