Thượng tướng Trần Văn Quang: Trọn đời theo con đường cách mạng

09:22 09/11/2013

Hơn 4 năm trước tôi có may mắn được dự lễ trao tặng Huân chương Sao vàng cho Thượng tướng Trần Văn Quang, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam. Năm đó, ông bước vào tuổi 93 và có hơn 70 tuổi Đảng...

Trong buổi lễ trọng thể tổ chức tại trụ sở Bộ Quốc phòng (19/8/2009), Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã phát biểu ca ngợi những đóng góp của Thượng tướng Trần Văn Quang với sự nghiệp giải phóng dân tộc và bày tỏ sự trân trọng vị lão thành cách mạng từng hoạt động với các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Văn Tần, Nguyễn Văn Linh...

Từ cậu học trò "cách mạng nòi"...

Khi tôi mang những tấm ảnh lễ đón nhận Huân chương Sao vàng đến biếu Thượng tướng Trần Văn Quang tại nhà riêng trên phố Trúc Khê (Hà Nội), vị lão tướng đã ân cần đón tiếp. Ông bận bộ quân phục thẳng nếp trên ngực lấp lánh những huân, huy chương cao quý, quân dung tươi tỉnh, dáng người còn khá tráng kiện; từ ông toát lên vẻ oai phong của một vị tướng, song cũng rất gần gũi, giản dị. 

Thượng tướng Trần Văn Quang (thứ ba từ phải sang) tại lễ đón nhận Huân chương Sao vàng. Ảnh: Duy Hiển.

Trần Văn Quang là em ruột Trần Văn Cung - người Bí thư chi bộ Cộng sản trong nước đầu tiên, thành lập tháng 3/1929 tại nhà số 5D (phố Hàm Long, Hà Nội). Năm 1927, cậu bé Quang được người anh cả là Trần Văn Tăng dạy học ở Hội An đón từ quê Nghi Lộc, Nghệ An vào nuôi ăn học (ông Tăng sau này là Quyền Bí thư lâm thời đầu tiên của Tỉnh ủy Quảng Nam).

Tháng 9-1929, ông Tăng về quê Nghệ An để gặp ông Trần Văn Cung, lúc này đang là ủy viên Trung ương lâm thời của Đông dương Cộng sản Đảng, bàn việc phát triển tổ chức thì cả hai người bị mật thám Pháp bắt. Ông Cung bị kết án tử hình, sau giảm xuống chung thân đày đi Lao Bảo; còn ông Tăng bị tra tấn, đánh đập dã man, lâm trọng bệnh và mất năm 1930.

Hoàn cảnh ấy khiến cậu bé Quang phải trở về quê Nghi Lộc, giúp cha mẹ đảm đương việc đồng áng. May nhờ người cha quyết chí cho con ăn học, nên Quang lại được tới trường huyện học tiếp. Lớn lên trong một gia đình như vậy, giữa năm 1935, Trần Văn Quang được người của cách mạng "bắt mối". Do viết chữ đẹp, cậu học trò Trần Văn Quang được giao "công tác văn thư" cho lãnh đạo Liên Tỉnh ủy Thanh - Nghệ - Tĩnh; sau khi hoàn thành xuất sắc công tác ban đầu là dạy học và dân vận... Ông chính thức trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông dương từ năm 1936.

Đến vị Cục trưởng Cục Tác chiến mặt trận Điện Biên Phủ

Tháng 6/1938 - Thượng tướng Trần Văn Quang hồi tưởng, tôi được Liên Tỉnh ủy cử vào hoạt động ở Sài Gòn - Gia Định. Trên xe lửa, tôi sẽ gặp một người mặc đồ tây, mắt hơi lé; tất nhiên tôi chưa biết đó là đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Tổng Bí thư của Đảng. Ám hiệu nhận biết nhau tuy đơn giản nhưng rất bí mật. Tôi lên tàu từ ga Quán Hành, được giao mang một cái va-li bằng da loại nhỏ vào Sài Gòn.

Gặp tôi, anh Nguyễn Văn Cừ nói: "Anh xách va li này vào Sài Gòn gặp ông Ba Tri, rồi sẽ có người nhận". Sau khi trao đổi địa chỉ cụ thể, anh Cừ xuống tàu lúc nào tôi cũng không biết. Chúng tôi chỉ gặp lại nhau tại nhà ông Ba Tri, rồi tôi được gặp chị Ba (đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai).

Tôi không biết chị Ba, nhưng chị thì biết tôi rất rõ; chị là bạn học cùng chị dâu tôi khi ở Vinh, bà Trần Thị Liên (vợ ông Trần Văn Cung). Vì vậy, chị Ba rất tin tưởng tôi. Tôi được chị giao phụ trách vận động khối thợ thuyền, tiểu thủ công. Mỗi tháng, chị Ba cho tôi 3 đồng để sinh hoạt...

Thượng tướng Trần Văn Quang và tác giả. (Ảnh chụp tháng 12/2009).

Ấn tượng sâu đậm nhất trong thời kỳ hoạt động tại Sài Gòn - Gia Định của Thượng tướng Trần Văn Quang, là cuộc tranh luận trong Thành ủy, Xứ ủy và trong toàn Đảng về việc mở rộng Mặt trận Dân chủ, liên minh với các đảng phái, các trào lưu xã hội. Có ý kiến cho rằng, chúng ta nên liên minh rộng rãi, kể cả với các đảng phái phản động như Đảng lập hiến của Bùi Quang Chiêu; ý kiến khác cho rằng không nên, hoặc chỉ liên minh với những phần tử tích cực trong các đảng phái... Tranh luận diễn ra rất gay gắt, dân chủ. Đây là lí do để đồng chí Nguyễn Văn Cừ viết cuốn "Tự chỉ trích", một tài liệu rất giá trị với công tác xây dựng Đảng. 

Tôi nằm trong nhóm ý kiến thứ hai - Thượng tướng Trần Văn Quang kể lại. Chị Minh Khai, các anh Võ Văn Tần, Nguyễn Văn Linh và tôi tranh luận rất quyết liệt không có hồi kết. Sau cùng, chị Minh Khai nói: "Để tôi đưa các anh tới gặp thượng cấp phân giải". Thượng cấp chính là đồng chí Lê Hồng Phong, khi đó đang trú tại Hóc Môn (nay thuộc TP Hồ Chí Minh). Lần đầu tiên gặp đồng chí Lê Hồng Phong, tôi bị choáng ngợp bởi vẻ đẹp phong trần, đĩnh đạc của một nhà cách mạng quốc tế có kiến thức sâu rộng.

Anh Lê Hồng Phong phân tích: Quốc dân Đảng của Tưởng Giới Thạch rất tàn bạo, đã tàn sát nhiều cán bộ Cộng sản. Có người Cộng sản trước khi bị Quốc dân Đảng hành quyết còn nói: Đừng bắn tôi bằng súng, lấy dao mà cắt vào cổ tôi; để dành viên đạn đó bắn vào quân Nhật... Thế mà Quốc - Cộng vẫn hợp tác được cơ mà! Vì vậy, ta nên mở rộng liên minh với các đảng phái, trừ những phần tử phản động nhất...

Anh Lê Hồng Phong phân tích rất hay, nhưng tôi vẫn thực sự chưa thông. Sau đó không lâu, khi anh Lê Duẩn vào Nam, có gặp và phân tích cho chúng tôi, thì tôi hoàn toàn tâm phục khẩu phục. Anh Lê Duẩn nói, đại ý: Lê Hồng Phong là một nhà cách mạng quốc tế rất uyên bác, nhưng anh mới về nước nên có thể chưa hiểu hết tình hình, bản chất các đảng phái. Quốc - Cộng hợp tác được là vì, Quốc dân đảng Tưởng Giới Thạch là tay sai của Mỹ - Anh - Pháp nhưng lại là kẻ thù của Nhật.

Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng kiên quyết đánh Nhật và coi quân phiệt Nhật là kẻ thù. Vậy kẻ thù của kẻ thù thì có thể làm bạn được. Còn Đảng lập hiến của Bùi Quang Chiêu là tay sai của Pháp, là kẻ thù của cách mạng, của chính chúng ta thì không thể liên minh đảng phái được; chỉ nên tranh thủ, lôi kéo những phần tử tích cực.  

Trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, Trần Văn Quang là người có mặt tại Sở Chỉ huy Mường Phăng bên cạnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, với trọng trách Cục trưởng Cục Tác chiến. Nhớ lại những ngày lịch sử ấy, ông bỗng linh hoạt hẳn lên: Vài ngày trước khi quân ta tiến vào hầm Đờ-cát bắt sống toàn bộ chỉ huy sở Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, chiến thắng đã trong tầm tay nhưng chúng tôi không ai hình dung được mọi việc sẽ diễn ra như thế nào.

Đến chiều tối 7/5, qua điện thoại, anh Lê Trọng Tấn báo cáo Đại tướng Võ Nguyên Giáp, quân ta đã tiến vào hầm Đờ-cát, bắt sống toàn bộ sở chỉ huy của địch. "Sau khi được xác nhận tin chiến thắng hoàn toàn - Thượng tướng Trần Văn Quang hồi tưởng, anh Văn rời khỏi tấm bản đồ quân sự nơi anh đã căng mắt theo dõi hằng ngày, hằng giờ. Có lẽ sau mấy tháng trời luôn ở trong trạng thái căng thẳng, phải gồng mình lên để chỉ đạo chiến dịch; đây là những giây phút thanh thản nhất của anh. Anh nằm trên chiếc giường, thở dốc khi tôi báo cáo, đề xuất các phương án truy quét tàn binh địch".

Từ Điện Biên Phủ, Thượng tướng Trần Văn Quang tiếp tục cuộc hành trình cùng sự nghiệp giải phóng của dân tộc. Như một căn duyên, năm 1961 ông lại có mặt ở tiền tuyến lớn miền Nam với vai trò Ủy viên Trung ương Cục; được gặp lại và làm việc với đồng chí Nguyễn Văn Linh - Bí thư Trung ương Cục miền Nam. Biền biệt những năm tháng ra tù vào tội, hết mặt trận này đến chiến trường kia; ông may mắn có được người vợ hiền đảm đang, chu toàn việc nuôi dạy con cái nên người. Gần 100 tuổi đời, 77 tuổi Đảng, Thượng tướng Trần Văn Quang đã đi trọn con đường cách mạng vì nước, vì dân.

Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Thoa, nguyên Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng:

Mậu Thân 1968, tôi là Trưởng phòng tác chiến dưới quyền anh Bảy Tiến (bí danh của đồng chí Trần Văn Quang, khi đó là Bí thư Quân khu ủy, Tư lệnh kiêm Chính ủy quân khu Trị Thiên). Trước giờ nổ súng, vì nhiều lí do chúng tôi đã đề xuất Trung ương cho lùi lại một ngày để các đơn vị kịp hành quân tới điểm tập kết. Khi có điện trả lời đồng ý, tôi đã báo cáo các anh Phó Tư lệnh và được chỉ đạo: thời gian gấp lắm rồi, anh Bảy đang mệt lại vốn hay mất ngủ, cậu cứ thảo điện chỉ đạo các đơn vị thay đổi kế hoạch…

Sáng hôm sau, khi giao ban tác chiến, anh Bảy nghiêm khắc phê bình: "Tôi là Tư lệnh, tôi chịu trách nhiệm trước hàng chục vạn sinh mạng của bộ đội, nhân dân. Các đồng chí phải nghiêm túc rút kinh nghiệm việc này". Anh Trần Văn Quang luôn trách nhiệm, tận tâm tận lực với công việc và quý trọng, thương yêu người lính.

Trần Duy Hiển

Căn cứ tài liệu, chứng cứ thu thập, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Bình đã ra quyết định khởi tố vụ án “Cưỡng đoạt tài sản”, xảy ra tại Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam, theo quy định tại khoản 3 Điều 170 Bộ luật Hình sự. Đồng thời, bắt giữ thêm 1 Phó Tổng biên tập và 2 phóng viên của tạp chí này.

Ít ai ngờ, nữ cán bộ Công an với dáng người có phần mảnh khảnh ấy lại trực tiếp tham gia đấu tranh trên trăm vụ án kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, trong đó có nhiều vụ án tham nhũng lớn. Nữ cán bộ ấy chính là Thiếu tá Trần Tú Huy, Phó Đội trưởng Đội phòng ngừa, điều tra án kinh tế, tham nhũng, môi trường trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, thương mại và các lĩnh vực khác – Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Quảng Ngãi.

Câu chuyện về cuộc chia ly giữa huấn luyện viên Park Chung-gun và đội tuyển bắn súng Việt Nam đã tạo hiệu ứng dư luận không đáng có. Đây là lúc có hai việc cần làm rõ: Vì sao đôi bên không gia hạn hợp đồng, và đâu là nguyên nhân khiến câu chuyện bị đẩy ra xa?

Chiều 26/9, tại Hà Nội, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an chủ trì cuộc họp Ban Chủ nhiệm Đề tài cấp quốc gia “Nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng CAND, nền an ninh nhân dân và thế trận an ninh nhân dân thời kỳ đổi mới”.

Dưới cái nắng oi bức cuối mùa hạ, 3 người cựu chiến binh Sư đoàn 308 vẫn miệt mài đi từng hàng mộ chí tít tắp ở Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9 (NTLS Đường 9) để tìm kiếm thông tin về liệt sĩ. Thỉnh thoảng họ dừng lại ở một phần mộ nào đó và trò chuyện với nhau rất lâu.

Chiều 26/9 tại Hà Nội, Trung tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đã tiếp Trưởng Đại diện Cơ quan Phòng, chống ma túy và tội phạm Liên hợp quốc (UNODC) khu vực Đông Nam Á - Thái Bình Dương Masood Karimipour. Cùng dự có bà Nguyễn Nguyệt Minh, Phụ trách Văn phòng UNODC Việt Nam.

Ít ngày nữa thôi, hơn 40 phạm nhân của Trại giam Thanh Lâm sẽ được trở về bên gia đình, người thân. Lớp học tái hoà nhập cộng đồng cho các phạm nhân được đề nghị đặc xá đang học những ngày cuối cùng với các kỹ năng cần thiết để các phạm nhân đủ hành trang trở lại cộng đồng.

Chuyển đổi xanh đang trở thành “một cuộc đua” ở cấp độ toàn cầu. Những doanh nghiệp (DN) không thể thích ứng sẽ dần bị loại bỏ khỏi thị trường xuất khẩu (XK). Do vậy, Việt Nam cần thúc đẩy nhanh chóng các chương trình nâng cao năng lực cùng các chính sách để hỗ trợ DN thích nghi với cuộc chơi mới.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文