Tiếc thương Giáo sư Hoàng Tụy!

09:25 16/07/2019
Tối 13-7, tôi nhận được tin dữ từ một bạn đồng nghiệp: “Giáo sư Hoàng Tụy mất rồi”. Tôi ngồi lặng và suy nghĩ miên man về vị Giáo sư (GS) đáng kính, với mái tóc trắng như cước và đôi mắt tinh anh. 


Là một nhà báo theo dõi giáo dục nhiều năm, trước đây tôi cũng có dịp được gặp gỡ, phỏng vấn và trò chuyện với GS đôi lần. Ngày đó, GS đã yếu nhiều, tai phải dùng máy trợ thính, nhưng dù câu chuyện có đứt quãng và tôi phải cố gắng lắm mới nghe được lời của GS, tôi vẫn cảm nhận được trái tim ấm nóng, sự nhiệt huyết với giáo dục trong nhà toán học lừng danh này.

Ông đã sống một cuộc đời chính trực và quyết liệt với khoa học, luôn khắc khoải khát vọng chấn hưng giáo dục nước nhà và ngày 13-7, trái tim đó đã ngừng đập ở tuổi 92, để lại bao nỗi tiếc thương ông.

Khoảng trống khó bù đắp

Tôi nhớ lần thu thập tài liệu để viết bài về cuộc đời GS, tôi đang mang bầu đến tháng thứ 8. Khi thấy tôi bụng vượt mặt đến xin gặp để trò chuyện, GS nhìn tôi ái ngại và trong đôi mắt lấp lánh của thầy, tôi đã cảm nhận được sự ân cần thầy dành tặng “hai mẹ con tôi”. 

Dẫu vậy, do sức khỏe kém (lúc đó GS 85 tuổi), nên buổi nói chuyện của tôi với GS chỉ kéo dài được hơn 30 phút. GS hẹn tôi lần khác lại đến. Tôi đi đi lại lại vài buổi thì tư liệu về GS mới “hòm hòm”. Sau đó tôi có viết một bài báo mà tôi khá tâm đắc về thầy đăng trên tờ CAND cuối tuần. Và thật hạnh phúc là bài báo đó của tôi đã được trao giải ba cuộc thi “Người tốt việc tốt” do Ủy ban nhân dân TP Hà Nội và Hội Nhà báo Hà Nội phối hợp tổ chức. Sau này, tôi có đến gặp GS và hân hoan nói rằng, “bài báo của em viết về thầy được trao giải ba đấy ạ”, thì trong đôi mắt tinh anh của GS lại lấp lánh vui. Tôi cứ thầm vui mãi về điều này và coi đó là kỷ niệm tuyệt đẹp của nghề làm báo.

Không chỉ tôi may mắn được gặp gỡ GS, một số đồng nghiệp của tôi cũng hay gặp GS và đã dành cho GS một sự tôn kính, trìu mến. Nhà báo Chu Hồng Vân, phóng viên giáo dục của Báo Tuổi trẻ khi nhận tin “GS Hoàng Tụy ra đi”, chị như vừa nhìn thấy “một chiếc lá nhẹ nhàng rơi”. 

Giáo sư Hoàng Tụy, trụ cột của nền toán học Việt Nam.

Chị trải lòng: “Không biết bao lần chạy xe vào cái ngõ nhỏ ấy, bấm chuông và nhìn thấy mái tóc bạc thấp thoáng trên ban công. Những khi ấy, tôi hay trộm nghĩ, nếu một ngày nào đó vị giáo sư già ấy ra đi, khoảng trống để lại sẽ rất lớn. Lẽ thường vẫn thế, có những người đi về không ai nhớ, nhưng có những người sự ra đi của họ để lại nỗi trống vắng. Trong những năm tháng tác nghiệp, tôi gặp GS Hoàng Tụy khá nhiều, vì ông là người gắn bó với giáo dục và cũng là người rất yêu quý Báo Tuổi trẻ. Ông là một nhà khoa học lớn, một tiếng nói phản biện thẳng thắn, sắc sảo, nhưng những ai tiếp xúc với GS Hoàng Tuy, đa phần đều có cảm giác nhẹ nhõm vì thái độ thân thiện, nhiệt thành. Thẳng thắn, cương trực nhưng những người tiếp xúc với ông không bao giờ thấy ông giận dữ, cay nghiệt, cả những khi có những ứng xử làm ông buồn lòng. Những góp ý của ông sâu sắc nhưng đầy thiện chí, xuất phát từ cái tâm của một người nặng lòng vì giáo dục, vì khoa học nước nhà”…

Nhắc đến GS Hoàng Tụy là nhắc đến những giải thưởng danh giá mà ông được trao tặng. Đó là Giải thưởng "Constantin Caratheodory Prize" mang tên nhà toán học lừng danh người Đức, gốc Hy Lạp do tổ chức quốc tế Tối ưu Toàn cục trao tặng. 

GS Hoàng Tụy là tác giả của hơn 150 công trình khoa học đăng trên các tạp chí quốc tế có uy tín về nhiều lĩnh vực khác nhau của toán học như: Hàm thực, Quy hoạch toán học, Tối ưu toàn cục, Lý thuyết điểm bất động, Định lý Minimax. 

GS Hoàng Tụy được coi là "cha đẻ của tối ưu toàn cục" với những thuật ngữ mà bất cứ ai trên thế giới muốn đi vào chuyên ngành này đều phải học như: Tuy's cut (lát cắt Tụy), Tuy-type algorithm (thuật toán kiểu Tụy), Tuy's inconsistency condition (điều kiện không tương thích Tụy)... Cái tên “Hoàng Tụy” đã trở thành niềm tự hào của khoa học Việt Nam trước bạn bè thế giới. 

Cuốn chuyên khảo gồm phần lớn những thành tựu nghiên cứu của GS Hoàng Tụy và học trò của ông mang tên "Global Optimization - Deterministic Approches" (Tối ưu toàn cục - tiếp cận tất định) được Springer (nhà xuất bản khoa học lớn nhất thế giới) tái bản ba lần từ năm 1990 đến năm 1996, được coi là kinh điển trong lĩnh vực Tối ưu toàn cục. 

Năm 1980, GS Hoàng Tụy được bổ nhiệm Viện trưởng Viện Toán học thay GS Lê Văn Thiêm. Đến nay, Viện Toán học đã trở thành một trung tâm toán học uy tín hàng đầu của cả khu vực. 

Năm 1996, để ghi nhận những cống hiến lớn của ông cho khoa học Việt Nam, Nhà nước Việt Nam đã trao tặng ông Giải thưởng Hồ Chí Minh. Đó là những phần thưởng xứng đáng cho một con người suốt đời theo đuổi sự nghiệp khoa học và phụng sự lợi ích cộng đồng…

Cải cách giáo dục mạnh mẽ, toàn diện là mệnh lệnh khẩn cấp

Giáo sư Hoàng Tụy sinh ngày 7-12-1927 tại làng Xuân Đài, Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Cha ông là một nhà Nho học, làm đến chức quan tri huyện. 

Mẹ của GS Hoàng Tụy cũng là con gái của một gia đình Nho học truyền thống. Ông nội ông là em ruột của cụ Hoàng Diệu. Cuộc đời ông đã trải qua vô vàn khó khăn nhưng rồi nghị lực hiếm có và một trái tim yêu cuộc sống mãnh liệt đã giúp ông vượt qua tất cả. 

Hồi bé, GS trải qua nhiều cơn đau ốm thập tử nhất sinh, đến mức nhiều lần mẹ ông ôm con vào lòng mà tuyệt vọng khôn cùng. Năm ông lên 15 tuổi, ông bị một trận ốm nặng khiến chân tay liệt, sau nhờ có một thầy thuốc đông y châm cứu, ông đã nhúc nhắc được chân tay nhưng sức khoẻ yếu, ông không thể đi học nên cả năm trời ông phải ở nhà. Đến khi đi học trở lại thì ông lại ốm triền miên, đi học vài ngày lại nghỉ một ngày nên thầy giáo thường gọi ông là "bệnh nhân" của lớp.

Khi tôi gợi lại trong GS kỷ niệm về nếp nhà thuở thơ bé, GS bùi ngùi, đôi mắt như lấp loáng nước. Ông nhớ cha, nhớ mẹ và vô cùng tự hào vì gia đình ông trọn đời thanh bạch và có truyền thống yêu nước.

GS Hoàng Tụy có đông anh em trai, nhưng không ai hợp tác với chính quyền thực dân. Người anh cả của GS là Hoàng Dư (là bạn học với cụ Cao Xuân Huy) tích cực tham gia phong trào yêu nước của cụ Phan Châu Trinh và Phan Bội Châu. 

Vì thế, sau này, ông anh cả bị mất việc. Cùng thời điểm đó thì cha ông qua đời, khi đó cậu bé Hoàng Tụy mới lên 4 tuổi. Gia đình ông bắt đầu lâm vào tình cảnh khốn khó, các anh trai lần lượt phải nghỉ học. Gánh nặng gia đình đổ cả vào đôi vai người mẹ, bà phải lao động vất vả, tần tảo sớm hôm nuôi các con. 

Tuy nhiên, dù khó khăn đến mấy thì truyền thống gia đình của GS vẫn giữ được vẹn nguyên. Đó là truyền thống chuộng con đường học vấn và coi trọng đạo lý, thật thà, giàu lòng nhân ái và quý trọng lao động, không luồn cúi, sống cuộc đời trung thực và quyết liệt.

Sau này, ông chiêm nghiệm ra một điều: "Đây chính là thời điểm quyết định tương lai cuộc đời tôi. Cả hoài bão khoa học cùng với thói quen tự học của tôi đều đã hình thành trong những chuỗi ngày dài chiến đấu với bệnh tật và dưỡng sức khi bệnh đã qua khỏi nguy kịch". 

Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, GS về quê tham gia kháng chiến rồi vào Quảng Ngãi dạy học ở Trường Trung học Lê Khiết, Liên khu V. 

Năm 1951, nghe tin Tiến sĩ toán học Lê Văn Thiêm trở về Việt Nam và sắp mở Trường Khoa học Thực hành Cao cấp ở Việt Bắc, ông xin ra Bắc để học và được lãnh đạo Liên khu V chấp nhận. Mang trên lưng một balô đựng đầy gạo, muối, sách và thuốc chống sốt rét, ông lần theo con đường mòn dọc dãy Trường Sơn để đi ra Việt Bắc, tầm sư học đạo. 

Đến nơi ông mới biết, Trường Khoa học Thực hành Cao cấp không mở được mà chỉ có Trường Sư phạm Cao cấp và Khoa học Cơ bản, đóng ở Khu học xá Trung ương tại Nam Ninh (Quảng Tây, Trung Quốc) để tránh máy bay địch. Vì chương trình toán ở hai trường này ông đã tự học khi còn ở Liên khu V nên Bộ Giáo dục đưa ông sang Khu học xá Trung ương để vừa dạy Sư phạm trung cấp ở đó, vừa có điều kiện tranh thủ tự học thêm theo nguyện vọng. 

GS Hoàng Tụy trải lòng: "Khi cùng với Giáo sư Lê Văn Thiêm xây dựng ngành toán ở Việt Nam, tôi gặp vô vàn khó khăn, trong đó có sự vênh nhau về quan điểm làm khoa học. Tôi và anh Thiêm quan niệm, học hành phải nghiêm túc, sinh viên lên lớp phải đủ điểm, thi tốt nghiệp cũng phải đủ điểm mới được thi. 

Với "sinh viên công nông" thời ấy, chúng tôi cho rằng phải giúp họ học cho tốt chứ không phải giúp cho họ lên lớp. Ngay cả việc gửi cán bộ ra nước ngoài học thì cũng phải là người có khả năng. Trường đại học thì phải có hoạt động nghiên cứu khoa học, không thì chỉ như trường phổ thông mà thôi. Nhưng những quan điểm đó không phải ai cũng ủng hộ, thậm chí còn bị phản đối gay gắt"…

Theo dõi lĩnh vực giáo dục nhiều năm, tôi nhiều lần được dự các hội nghị, hội thảo có GS Hoàng Tụy phát biểu. Bài phát biểu của GS thường rất thẳng thắn, không né tránh. Có những bài viết của GS đã khiến nhiều nhà quản lý giáo dục ngày đó rất “sốc”, nhưng với những ai thực tâm với giáo dục nước nhà, họ đều ủng hộ GS, như chúng tôi ủng hộ ông. 

GS Hoàng Tụy có lần nói: "Hôm nay, cô hỏi tôi rằng, cứ kiến nghị mãi những giải pháp chấn hưng giáo dục mà chưa có lời giải, tôi có chán nản không? Nếu bảo không thì là tôi tự dối lòng mình. Có lúc tôi cũng chán nản, mệt mỏi, muốn buông xuôi, nhưng chỉ được một thời gian là tôi lại thấy người day dứt. Tôi lại lao vào viết và tiếp tục đề xuất những ý tưởng nhằm cải thiện, chấn hưng giáo dục nước nhà". 

Nhiều năm nay, GS Hoàng Tụy luôn nhất quán quan điểm khi cho rằng, hơn ba thập kỷ nay giáo dục là "chỗ nghẽn" lớn nhất trong phát triển của xã hội Việt Nam. 

Vì vậy, cải cách giáo dục mạnh mẽ, toàn diện và triệt để là mệnh lệnh khẩn cấp của cuộc sống hiện nay. Ông luôn trăn trở học sinh cứ miệt mài, nhồi nhét nhiều thứ vô bổ, nhưng lại bỏ qua nhiều điều cần thiết trong đời sống hiện đại. Theo ông, việc quan trọng là phải nghiên cứu giải phóng nhà trường khỏi tình trạng giáo điều, kinh kệ. Giáo dục không được "đổi mới cục bộ"…

Thu Phương

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

Ý thức được việc làm của mình là sai trái, qua sự động viên giải thích của Công an, vợ chồng người con trai chiếm nhà của bà cụ Phạm Thị Trơn (phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ) đã viết giấy trả nhà. Việc giao trả diễn ra trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương.

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

Một nhánh cây cổ thụ dài hàng chục mét gãy đổ chắn ngang lòng đường Quốc lộ 12B thuộc thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, đã được lực lượng CSGT cùng cơ quan chức năng dọn dẹp, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文