Tình người nơi tuyến đầu chống dịch

07:30 17/05/2021
Dịch bệnh COVID-19 diễn biến khá phức tạp với 3 “điểm nóng”, hơn 120 ca lây nhiễm ngoài cộng đồng; số người phải khẩn cấp xét nghiệm có ngày lên đến 17.700 trường hợp. Từ đầu tháng 5/2021 đến nay, toàn TP Đà Nẵng đã có đến 115.436 trường hợp phải khẩn cấp xét nghiệm COVID-19 vì liên quan đến các “ổ dịch”…

Người Đà Nẵng hiện luôn nhắc nhở nhau rằng, khó tránh khỏi khả năng những F1, F2 trong cộng đồng. Lực lượng tuyến đầu chống dịch có nhiều lúc mệt rã rời sau liên tiếp nhiều đêm trắng đi từng nhà, gõ từng khu phố, truy từng ca bệnh, vận động xét nghiệm, truy vết. Các cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Công an luôn phải căng mình vì trực chốt kiểm soát y tế, khu vực phong tỏa, đảm bảo ANTT tại các “điểm nóng” phải phong tỏa; song không vì thế mà lơi lỏng nhiệm vụ.

Cùng với công tác đảm bảo ANTT, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh là việc hỗ trợ kịp thời nhu yếu phẩm, hỗ trợ tinh thần cho người bệnh, cho người đang phải cách ly là một việc làm cấp thiết. Và, thật may mắn khi trong cơn hoạn nạn đã có nhiều sự đồng hành, sẻ chia của chính người dân và những tấm lòng hảo tâm.

Nhóm Thiện nguyện Đà Nẵng và những người bạn trao hỗ trợ nhu yếu phẩm cho Công an quận Sơn Trà.

Tích cực nhất phải kể đến Nhóm thiện nguyện Đà Nẵng và những người bạn do anh Nguyễn Hữu Quốc Bảo làm trưởng nhóm. Ngay từ đầu tháng 5-2021, khi dịch bệnh COVID-19 tái bùng phát tại Đà Nẵng, xác định quan điểm “không đứng ngoài cuộc chiến”, nhóm thiện nguyện này đã quyên góp hơn 300 triệu đồng, gồm nhu yếu phẩm, mỳ tôm, sữa, nước đóng chai...

Trong những ngày qua, các thành viên của nhóm đã đến tất cả những “điểm nóng”, nơi thu dung và điều trị các bệnh nhân mắc COVID-19, như Bệnh viện Phổi, các Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang, quận Sơn Trà để kịp thời hỗ trợ cho các y bác sĩ, bệnh nhân đang được cách ly điều trị. Trong 2 ngày 15 và 16/5, các thành viên của Nhóm Thiện nguyện Đà Nẵng và những người bạn, cùng những chuyến xe chất đầy thực phẩm, nước uống… đến hỗ trợ cho CBCS Công an quận Sơn Trà, cùng Công an 7 phường và 11 điểm cách ly, Trung tâm Y tế quận Sơn Trà.

Chị Thu Trang, thành viên của Nhóm chia sẻ: “Dịch bệnh COVID-19 lần này phức tạo khó lường, số ca bệnh lan nhanh ra cộng đồng. Để đổi lấy sự bình yên, sức khỏe an toàn của người dân thành phố, các CBCS Công an, các y bác sĩ tuyến đầu chống dịch COVID-19 đã rất vất vả và đối mặt với nhiều rủi ro, nguy hiểm. Chính vì vậy, nhóm thiện nguyện chúng tôi mong muốn được đồng hành để tiếp thêm tinh thần, động viên các CBCS Công an hoàn thành nhiệm vụ”.

Trong đợt dịch COVID-19 năm 2020, nhóm thiện nguyện của anh Quốc, chị Trang đã kêu gọi vận động được hơn 4 tỉ đồng hỗ trợ cho các điểm cách ly, bệnh viện, các y bác sĩ và lực lượng Công an tuyến đầu tại TP Đà Nẵng. 

Chiều 15/5, theo chân các hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) TP Đà Nẵng đến các “điểm nóng” phong tỏa cách ly chống dịch. Ở phường Nại Hiên Đông, 155 hộ dân trong các điểm thiết lập cách ly y tế đã được hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm với tổng giá trị 46 triệu đồng (mỗi suất 10kg gạo, 1 chai dầu ăn, trứng, mỳ tôm, trị giá khoảng 300 nghìn đồng). Sự hỗ trợ và chia sẻ của các tổ chức, cá nhân hảo tâm là nguồn động viên lớn để người dân yên tâm thực hiện tốt quy định phòng, chống dịch bệnh.

Chị Lê Hoàng Yến, Chủ tịch Hội LHPN phường Thuận Phước (quận Hải Châu) cho biết, trên địa bàn phường hiện có 7 điểm chốt cách ly và cơ sở y tế. Hằng ngày, dù bận rộn công việc nhưng chị em hội viên luôn sắp xếp, tranh thủ thời gian tham gia nấu 3 bữa sáng, trưa, tối với khoảng 200 suất ăn để gửi đến lực lượng Công an, y tế, dân quân làm việc tại các điểm chốt và cơ sở y tế. Những suất ăn luôn bảo đảm dinh dưỡng, ngon miệng nhất để tiếp sức cho lực lượng làm nhiệm vụ.

Người dân TP Đà Nẵng, các nhà hảo tâm đồng hành cùng lực lượng tuyến đầu chống dịch.

Không chỉ vậy, đội “Shiper áo xanh - Đi chợ giúp dân” của Đoàn Thanh niên phường Thuận Phước (quận Hải Châu) đã nhận được rất nhiều lời ngợi khen, cảm kích của người dân ở các khu dân cư bị phong tỏa, điểm cách ly. Chị Lê Thị Bích Hiền, Bí Thư Đoàn phường Thuận Phước cho hay, ngay từ những ngày đầu trên địa bàn phường có khu vực phải phong tỏa và các trường hợp F2 phải cách ly tại nhà. Hiểu được nhu cầu thiết yếu của các hộ dân, Đoàn phường nhanh chóng huy động lực lượng và thành lập mô hình “Shiper áo xanh - Đi chợ giúp dân” để giúp các hộ đang cách ly, phong tỏa mua thực phẩm, vật dụng cần thiết.

Để các hộ dân biết về mô hình, Đoàn phường thông báo đến lực lượng tại các chốt trực và nhóm Zalo của các hộ trong khu phong tỏa, cách ly; đồng thời công khai số điện thoại để những hộ có nhu cầu liên hệ. Từ đó, các hộ có nhu cầu mua thực phẩm, vật dụng, chỉ cần gọi điện thoại, Đoàn phường sẽ cử thành viên đến các chợ mua và mang về. Các đoàn viên trong quá trình mua và trao thực phẩm cho các hộ luôn tuân thủ quy tắc 5K trong phòng, chống dịch để bảo đảm an toàn.

* Hơn 1 tuần nay, khu cách ly T4 đóng tại Trường Nghiệp vụ Thuế thuộc xã Phú Thượng, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên- Huế, đã lần lượt đón 530 công dân (trong đó hơn 370 F1) đến cách ly tập trung. Lực lượng làm nhiệm vụ tại khu cách ly này phải làm việc liên tục trong điều kiện nguy cơ lây nhiễm COVID-19 rất cao, nhất là các y, bác sĩ. Tuy nhiên, không một ai kêu ca, nản lòng. Mọi người chung sức quyết tâm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.  

1h sáng, nhận được tin có 2 bệnh nhân F1 liên quan đến ca dương tính COVID-19 ở xã Phong Hiền (huyện Phong Điền, Thừa Thiên-Huế) đang trên đường được xe chở đến khu cách ly T4; các y, bác sĩ trong trang phục bảo hộ, sẵn sàng tiếp nhận công dân. Người phụ nữ được đưa đến là chị H. (37 tuổi, trú xã Phong Hiền) đang mang thai ở tuần 37. Chị H. đến cùng với con nhỏ 3 tuổi. Chị H. liên quan đến ca F0 trong khi đi làm căn cước công dân tại địa bàn xã Phong Hiền.

Bác sĩ Ngô Xuân Tiến, phụ trách y tế tại khu cách ly T4 nhớ lại, ban đầu đến đây, chị H. rất lo sợ. Biết chị H. đang mang thai, sắp sinh và tâm lý những trường hợp này thường bất ổn nên cán bộ y tế động viên, chia sẻ và tìm hiểu về hoàn cảnh của chị. Ngay sau đó, kỹ thuật viên đã khẩn trương lấy mẫu PCR của mẹ con chị H. để đưa đi xét nghiệm. Hiện tại, tổ y tế của khu cách ly cũng đã lên phương án, kế hoạch chuẩn bị cho việc sinh nở của chị H. và chăm sóc cháu bé 3 tuổi của chị.

“Các y, bác sĩ làm thủ tục, lấy mẫu đã rất nhẹ nhàng, tạo cho em tâm lý thoải mái, không còn cảm giác lo sợ như trên đường được đưa đến đây. Cứ vào đêm khuya, hễ có việc gì cần hỗ trợ thì nhân viên y tế, bác sĩ ngay lập tức có mặt và tận tình giúp đỡ. Không chỉ em, mà các trường hợp cách ly ở đây đều được các y, bác sĩ giúp đỡ như chính người thân của họ”, chị H. chia sẻ.

Bác sĩ của tổ y tế khu cách ly T4 thăm khám cho cụ già mắc bệnh nền đang cách ly.

Bác sĩ Ngô Xuân Tiến kể tiếp: “Vừa lấy mẫu PCR cho mẹ con chị H. xong, khoảng 15 phút sau, chúng tôi lại nhận thông báo, có 56 trường hợp F1 đang được chở từ huyện Phú Lộc đến. Thế là chia nhau đón tiếp, phun xử lý xe và hành lý, làm thủ tục nhận hồ sơ công dân từ nơi giao, kiểm tra nhiệt độ các F1, hướng dẫn viết tờ khai và điều tra dịch tễ, phổ biến nội quy của khu cách ly, phân phòng cho công dân, lấy mẫu PCR… Sau khi lấy mẫu PCR cho 56 trường hợp F1 xong thì mặt trời cũng vừa ló dạng. Để chiến đấu với dịch bệnh, cả tuần nay, chúng tôi cùng các lực lượng làm nhiệm vụ tại khu cách ly đã làm việc không ngừng nghỉ”.

Đã nhiều ngày thiếu ngủ, đôi mắt của kỹ thuật viên Nguyễn Thị Nhân thâm quầng. Chị kể, có đêm cả tổ y tế lấy mẫu PCR để đi xét nghiệm cho trên 150 trường hợp F1. Trong số đó, có nhiều người già, nhiều người bệnh nền và nhiều em nhỏ nên việc lấy mẫu khó khăn hơn nhiều. Song không vì thế mà các y, bác sĩ nản lòng mà ngược lại phải luôn vui vẻ, động viên và tuyên truyền mỗi công dân cố gắng thực hiện tốt phòng, chống dịch bệnh, để sớm trở về nhà.

Bên cạnh những công việc thầm lặng của đội ngũ y, bác sĩ đang làm nhiệm vụ kiểm soát, chống dịch tại khu cách ly T4 thì hàng chục cán bộ, chiến sĩ của Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh hàng ngày vẫn chạy đua với thời gian để phục vụ ngày 3 bữa ăn cho 530 công dân cách ly và đảm bảo ANTT. Thượng tá Ngô Nam Cường, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, công dân cách ly được Nhà nước hỗ trợ mỗi ngày 80 ngàn đồng/3 bữa ăn. Ngoài ra, khi công dân mới đến cách ly còn được cấp phát các dụng cụ vệ sinh cá nhân.

Tính từ đầu mùa dịch đến nay, các khu cách ly y tế tập trung do Bộ CHQS tỉnh tiếp quản đã tiếp nhận, cách ly 14.427 công dân. Quá trình theo dõi dịch tễ, đã có 13.705 công dân đủ điều kiện sức khỏe để hòa nhập cộng đồng. Đến 14h ngày 15/5, tại 3 khu cách ly đang có hơn 800 công dân từ vùng dịch trở về, sức khỏe tất cả công dân đều ổn định. Trước tình hình diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh, Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên- Huế đã kích hoạt thêm 3 khu cách ly tập trung để sẵn sàng khi có yêu cầu.

Thượng tá Ngô Nam Cường lưu ý, các khu cách ly cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, có phương án để bảo vệ hàng hóa, tài sản cho công dân và thực hiện công khai, minh bạch chế độ cho công dân trong thời gian cách ly; bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần; đảm bảo ANTT, an ninh y tế cả bên trong và bên ngoài khu cách ly, không được để xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo trong khu cách ly.

Hoài Thu – Hải Lan

Để thu hút cá nhân và doanh nghiệp, Hồ Quốc Thân (SN 1992, quê quán xã Bồng Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An) giới thiệu rằng anh ta đã được tiếp quản nguồn tài sản, di sản rất lớn từ "Tổng bộ Hồ Chí Minh"; đồng QFS được bảo chứng bằng di sản của nhiều nguồn, các gia tộc lưu lại trong hàng trăm năm qua, được 48 nước công nhận và sẽ được kích hoạt vào tháng 10, 11/2024 tại Việt Nam… Tham gia vào "hệ sinh thái" doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ vốn để tái cơ cấu, phát triển không phải thế chấp, không phải trả lãi suất. Vì thế, cho đến khi cơ quan Công an vào cuộc, đã có khoảng 100 doanh nghiệp và gần 400 cá nhân đã mua đồng QFS, với tổng giá trị hàng chục tỷ đồng.

Đêm 24/12, các tổ công an 141 Công an TP Hà Nội triển khai nhiệm vụ trên địa bàn toàn thành phố đảm bảo ANTT, phòng chống đua xe đêm Noel qua đó đã phát hiện, xử lý rất nhiều trường hợp "quái xế" ngổ ngáo có hành vi nẹt pô, lạng lách, đánh võng gây mất trật tự, an toàn giao thông.

Ngày 24/12, tại bản Mé Lếch, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Phòng CSĐT tội phạm về kinh tế, Công an tỉnh Sơn La chủ trì, phối hợp với Công an huyện Mai Sơn và Đội Quản lý thị trường (khu vực Mai Sơn, Yên Châu) đã kiểm tra, phát hiện Công ty trách nhiệm hữu hạn Bảo Châu Sơn La sản xuất, kinh doanh bánh mỳ tươi không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Xu hướng tiêu dùng thay đổi, thay vì thuê cửa hàng truyền thống với chi phí cao, nhiều doanh nghiệp, người kinh doanh thu hẹp và đóng cửa nhiều cửa hàng và chuyển dần sang bán hàng online qua các kênh, nền tảng thương mại điện tử, nhất là trong dịp Tết Ất Tỵ 2025.

Châu Âu đang đối mặt với những thách thức kinh tế và địa chính trị nghiêm trọng có thể làm xói mòn nền tảng thịnh vượng đã xây dựng suốt hàng thập niên qua. Sự trở lại của ông Donald Trump, cùng với căng thẳng thương mại gia tăng và sự suy thoái trong đổi mới, đang đẩy Liên minh châu Âu (EU) đối diện với bài toán sống còn.

Đội tuyển Việt Nam đang chuẩn bị cho trận bán kết lượt đi ASEAN Cup 2024. Lúc này cái tên Nguyễn Xuân Son được quan tâm nhiều hơn cả. Nhưng nên nhớ rằng, đội tuyển là một tập thể vẫn còn nhiều nhân tố quan trọng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文