"Trái bom" ô nhiễm môi trường

14:10 01/10/2010
Sau gần 2 năm hoạt động, nhà máy Phân bón DAP Đình Vũ mới chỉ khai thác được 1/3 công suất thiết kế, mức ngân sách nộp thấp hơn cả trăm lần so với dự kiến. Đây còn là địa chỉ tập trung nhiều đơn thư khiếu nại về hành vi gây hại cho môi trường.

Nhà máy Phân bón DAP Đình Vũ (thuộc Tổng Công ty Hóa chất Việt Nam) được khánh thành đưa vào sử dụng với kỳ vọng đem về cho ngân sách từ 200-300 tỷ đồng mỗi năm. Song cho đến nay, sau gần 2 năm hoạt động, nhà máy chỉ khai thác được 1/3 công suất thiết kế, mức ngân sách nộp thấp hơn cả trăm lần so với dự kiến. Đây còn là địa chỉ tập trung nhiều đơn thư khiếu nại về hành vi gây hại cho môi trường.

Ngay sau khi Nhà máy Phân bón DAP Đình Vũ vận hành, hàng trăm hộ dân trong vùng, hàng chục doanh nghiệp gần kề đã có ý kiến, đơn từ phản ánh về hiện tượng lạ: Cả khu vực nhuốm đầy bụi trắng (nghi ngờ là bụi từ bã Gyp, loại chất thải đặc trưng của công nghệ sản xuất phân DAP).

Khí thải từ nhà máy có mùi tanh nồng, hăng, cay gây, buồn nôn, khó thở. Sự khó thở không chỉ là cảm giác, nhiều người già, trẻ em và cả người sức vóc bình thường đã phải nhập viện rồi cũng chẳng biết là bệnh gì. Với kiến thức thông thường, người dân không biết mùi lạ như tà khí là loại chất thải gì, nhưng họ biết chắc chúng phát ra từ vị trí Nhà máy Phân bón DAP theo cách loại suy: Trước đây, khi chưa có nhà máy, chưa bao giờ khu vực này có mùi lạ như thế cả.

2 tháng sau đó, nhiều hộ dân nuôi trồng thủy sản lưu vực sông Cấm thuộc xã Tân Dương, huyện Thủy Nguyên bị thảm họa cá chết hàng loạt. Một năm sau, hiện tượng cá chết hàng loạt lan rộng ra các xã khác liên quan tới nguồn nước sông Cấm.

Theo Phòng Nông nghiệp huyện, mức độ thiệt hại là rất lớn. Đầu mối nghi ngờ nguyên nhân gây ra cái chết hàng loạt cho cá từ phía người nông dân đều hướng về Nhà máy Phân bón DAP Đình Vũ với suy luận: Việc lấy nước sông Cấm là chuyện bình thường từ bao đời nay. Nhưng hiện tượng cá chết tập thể chỉ xảy ra sau khi Nhà máy Phân bón DAP ở vị trí đầu nguồn hoạt động. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng đã coi đó là suy diễn thiếu căn cứ và không tiến hành bất cứ hoạt động quan trắc nào để xem có điều gì liên quan giữa nước trong ao cá chết và nước thái, chất thải từ Nhà máy DAP.

Khu vực chứa bã thải Gyp vẫn... thiên nhiên giữa trời.

Trong khi đó, ngay trong luận chứng kinh tế kỹ thuật thì đã cho thấy, Nhà máy Phân bón DAP Đình Vũ có 4 khối sản xuất chính tạo ra các loại khí, chất thải thuộc diện rất độc hại như: khí SO2, mù axít sunfuric; khí thải chứa hợp chất flo từ các công đoạn phản ứng, lọc và cô đặc; NH3, bụi và flo; lưu huỳnh, nước thải, chất thải rắn không thể phân hủy có tên là bã Gyp…

Tháng 11/2009, ông Đan Đức Hiệp, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng khi đến làm việc tại Nhà máy đã yêu cầu lãnh đạo cần lưu ý đến việc đầu tư hoàn chỉnh công nghệ xử lý môi trường.

Tháng 4/2010, Đoàn công tác của HĐND TP giám sát việc thực hiện Luật Bảo vệ môi trường cũng đã yêu cầu nhà máy sớm có phương án khắc phục một số tồn tại của bãi thải Gyp như phải che chắn, phủ lớp chống thấm, trồng thêm nhiều cây xanh; có phương án xử lý mùi của bãi Gyp trong mùa khô, không để ảnh hưởng tới các doanh nghiệp chung quanh; thực hiện tốt hơn nữa việc quan trắc định kỳ và có thông tin kịp thời tới các ngành chức năng về tình hình môi trường.

Đặc biệt, phải có phương án tái chế bã Gyp thành sản phẩm tiêu thụ được như đã cam kết. Nhà máy cũng cần tăng cường hơn nữa ý thức trách nhiệm của CBCNV trong quá trình vận hành sản xuất, bảo đảm thực hiện đúng các quy định về bảo vệ môi trường…

Các hoạt động nêu trên là cần thiết nhưng chưa đủ để bắt buộc Nhà máy Phân bón DAP Đình Vũ thực hiện nghiêm công tác bảo vệ môi trường.

Người dân cho biết, sau mỗi lần có đoàn này, đơn vị nọ đến kiểm tra, tình hình môi trường rất dễ chịu, nhìn lên mới biết là do... ống khói nhà máy im tịt. Nhưng sau đó, nhất là về đêm, không khí rất ngột ngạt, tương ứng với tiếng động cơ, máy móc nhà máy vận hành gầm rít.

Cho đến giờ, đống bã Gyp nằm giữa bãi đất trống phía đối diện nhà máy chẳng những không hề được tái chế thành loại sản phẩm nào đó như lời hứa ban đầu; càng về sau càng chất cao như núi, trắng toát chứa đầy những mối đe dọa sẽ xảy ra thảm họa môi trường nghiêm trọng như ô nhiễm nước ngầm, nước mặt, mưa axit. 

Khi tìm hiểu về vấn đề này, nhiều hộ dân sống gần nhà máy cho biết sẽ có đơn thỉnh nguyện đưa vấn đề ô nhiễm môi trường, đánh giá lại hiệu quả KTXH của Nhà máy Phân bón DAP Đình Vũ ra thảo luận trước Đại hội Đảng bộ TP Hải Phòng sắp tới.

Cho dù đó chỉ là ý kiến của một số ít người dân, song những "tai tiếng" liên tục về ô nhiễm môi trường tại Nhà máy Phân bón DAP Đình Vũ suốt từ khi chạy thử, làm thật cho đến nay cũng đáng để các cơ quan chức năng tiến hành những cuộc khảo nghiệm, đưa ra những con số chứng minh có hay không ô nhiễm, ô nhiễm đến đâu và phải xử lý theo mức độ nào. Đừng để quần chúng nhân dân cho rằng có điều gì đó đáng sợ hơn cả các chất độc hại từ công nghệ làm phân bón DAP khiến chẳng ai dám vào cuộc một cách chính thống, minh bạch

Lê Minh Triết

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết, dự kiến sẽ đồng loạt triển khai thu phí không dừng từ ngày 5/5 tại 5 sân bay lớn gồm Nội Bài, Cát Bi, Phú Bài, Đà Nẵng và Tân Sơn Nhất.

Ngày 3/5, Cơ quan CSĐT Công an huyện Đại Lộc (Quảng Nam) cho biết, vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Văn Phú (SN 1996, trú xã Điện Hồng, thị xã Điện Bàn) để tiếp tục điều tra về hành vi chống người thi hành công vụ.

Công an tỉnh Bình Thuận cho biết, sáng 3/5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh phân công 3 tổ công tác đồng loạt thi hành lệnh khám xét tại 3 điểm sản xuất, mua bán phân bón liên quan đến Công ty TNHH Hasa Mặt Trời tại huyện Hàm Tân.

Chiều 3/5, Văn phòng cơ quan CSĐT Công an Tây Ninh đã tạm giữ hình sự Trần Lập Duy (SN 1994, ngụ ấp Nam Bến Sỏi, xã Thành Long, huyện Châu Thành) để điều tra, làm rõ về hành vi giết người. Nạn nhân là con gái ruột của đối tượng và mới được 9 tháng tuổi.

Tối 2/5, trận mưa đá kéo dài chừng 30 phút tại một số địa bàn như Mai Sơn, TP Sơn La đã gây thiệt hại về tài sản và hoa màu của người dân.

Ngày 3/5/2024, Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) và ông Kim Sang-sik (quốc tịch Hàn Quốc) đã đạt được sự đồng thuận và thống nhất đối với các nội dung liên quan đến vị trí HLV trưởng Đội tuyển Nam và Đội tuyển U23 Quốc gia Việt Nam, trong bản hợp đồng có thời hạn 2 năm (từ 1/5/2024 đến 31/3/2026). 

Hàng ngàn mét vuông đất công bị lấy chiếm, quán cà phê chòi, xưởng sản xuất, nhà hàng…cùng hàng trăm ngôi nhà mọc lên từ nhiều năm nay trong khuôn viên Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, Phân hiệu tại TP Hồ Chí Minh (261 Hoàng Hữu Nam, phường Tân Phú, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) khiến nhiều người bức xúc.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文