xã Đa Chais, Lạc Dương, Lâm Đồng:

Trăn trở thoát đói nghèo

08:58 30/03/2009
Là địa bàn cư trú lâu đời của người Cil (một nhánh của người K'Ho), Đa Chais là xã vùng sâu, xa về sự nghèo khó của huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng. Trên vùng non cao này, sự nghèo đói và tập tục sống lạc hậu đã thiêu rụi con suối Đa Mưng, làm mất đi những khát vọng bừng sáng của người dân Đa Chais trong sự cùng quẫn...

Xẻ thịt thần suối

Cách trung tâm TP Đà Lạt chưa đầy 70km, núi rừng Đa Chais đón khách bằng tiếng gầm của con suối Đa Mưng do bị người ta "băm vằm, tùng xẻo". Ông Huỳnh, cựu thanh niên xung phong hiện sinh sống tại thị trấn Lạc Dương, người đã có những năm tháng "sát cánh cùng anh em K'Ho, Cil đánh Pháp, đuổi Mỹ", thở dài: "Suối Đa Mưng bắt nguồn từ đỉnh núi Bà (tiếng người Cil là Bidoup), đổ dài rồi phân nhánh qua đây. Mươi năm trước, khi trào lưu khui rừng tìm quặng chưa nổ ra thì suối đẹp lắm! Nước suối trong vắt chảy xuyên rừng già, len lỏi qua những ghềnh gộp tắm mát các triền núi đồi. Bây giờ thì…".

Đứng trên cầu Long Lanh, vừa dứt mạch chuyện, ông Huỳnh chỉ tay xuống phía dưới, nơi có lố nhố dáng người đang cúi khom tắm giặt, bươi móc, bới đào, sàng sẩy trên một dòng chảy ngổn ngang sỏi đá và những hầm hố lởm chởm. "Suối Đa Mưng trữ tình ngày nào đó" - ông ta thán: "May chỉ là quặng thiếc nó còn thảm hại vầy. Chứ nếu là quặng vàng ở Trường Xuân (tỉnh Đắk Nông) hay đá quý ở Hồng Liêm (Bình Thuận) chắc thê thảm hơn nữa!".

Lần theo lối mòn dẫn xuống triền núi do nhiều người đi lại lâu năm mà thành, chúng tôi tận mắt chứng kiến cảnh con người khai tử thần suối. Để sở hữu những hạt quặng thiếc đen xỉn, nhỏ li ti, nhiều người ra sức dấn xẻng sâu vào lòng suối. Sái quặng thiếc như sái đá saphia mà chúng tôi suýt bỏ mạng khi cùng ăn, cùng đào với dân tầm đá ở Hồng Liêm, sền sệt, có màu ngà lẫn sỏi đá li ti. Ngay khi vừa được trục xuất dưới hố sâu, từng chiếc xẻng trĩu đầy sái được đổ vào những sàng đãi bằng thiếc được uốn tròn hình chiếc chảo thủng đáy do những phụ nữ đảm nhiệm.

Bao giờ người Cil ở Đa Chais mới thoát nghèo?

Xuyên suốt 4 thôn ở Đa Chais gồm Tu Bó, Đưng K'si, Tu Mang và K'Long K'Lanh và từ chuyến thực địa trên con suối Đa Mưng, chúng tôi ghi nhận một thực trạng đau lòng, có quá nhiều trẻ em đang tuổi ăn tuổi học phải đấu vật với gánh nặng "kiếm cơm bỏ bụng".

Người dân đổ đi khai thác quặng.

Chị K'Liên, mẹ của 6 đứa con nhỏ mà đứa lớn nhất chưa vượt ngưỡng 12 tuổi, vô tư trò chuyện: "Chỉ có cái chữ chưa giúp được gì đâu. Phải đi rừng, xuống suối mới có cái ăn chứ!". K'Liên cho biết gần một tháng nay, sáng nào mấy mẹ con chị cũng ăn bắp thay cơm. Bắp phơi khô từ mùa rẫy trước. Để dễ ăn, mấy mẹ con cho vào cối giã tróc mầy, giã nhuyễn làm thành bột để mỗi khi ăn, chỉ cần cho vào nồi, đổ nước đun nóng rồi húp.

Anh YB'dap, người có thâm niên gần chục năm kiếm tìm sái quặng nói tiếng Kinh lơ lớ, thật thà: "Ô, đào đãi như mình Nhà nước cấm đó. Nhưng không làm thì không có cái bỏ bụng đâu". Dứt lời, anh ra hiệu cho một cậu bé tên Y D'duôn là "con mình" chui vào chiếc rãnh ăn sâu mép con suối hơn 3m khoắng sái do "cái xẻng không tới". Lúc cậu con trai chui ra với thau sái quặng trĩu nặng, nghe hỏi "chui sâu không sợ sao" thì hai cha con cùng cười: "Sợ đói hơn mà!".

Hôm ấy, chúng tôi gặp được ông Nguyễn Văn Hậu, trưởng thôn K'Long K'Lanh khi ông vừa đi rẫy về. Nghe nhắc đến mấy người đào đãi quặng thiếc, ông nói: "Toàn thôn có 120 hộ, trong đó hộ người Kinh 18 hộ, còn lại là hộ đồng bào. Những người đào quặng đều nghèo khổ. Xã đã có lệnh cấm đào đãi quặng mấy năm nay vì nghề đó vừa nguy hiểm vừa tàn phá môi trường. Để kiếm được sái quặng, lắm khi người ta phải bươn theo thành vách 2 bên làm lòng suối ngày càng mở rộng, sâu hóm khiến mùa mưa đến, đất bị lở cuốn trôi nhiều ruộng vườn. Lắm khi người và gia súc băng suối bị sụp hầm phải bỏ mạng".

Ông Hậu thở dài: "Vào mùa khô là thời điểm xã phải lo cứu đói cho bà con. Mùa này nhà nào còn có bắp ăn là giỏi hơn nhiều người lắm rồi. Có nhiều gia đình, ngày nào cũng tìm sái, tháng nào, năm nào cũng kiếm quặng nhưng đến giáp hạt là Nhà nước phải lo cứu đói mãi đó!".

Trong kháng chiến, dân Đa Chais sớm giác ngộ cách mạng rủ nhau đi du kích, làm giao liên, cứu thương, tải binh lương ra chiến trường … Tinh thần chiến đấu ngoan cường ấy đã được Nhà nước ghi nhận bằng việc phong tặng quân dân xã danh hiệu Anh hùng.

Ông Hậu chùn giọng: "Vậy nhưng dân Đa Chais không thể vượt qua cuộc chiến chống đói nghèo. Đất đai cằn cỗi, phương thức sản xuất lạc hậu lại phụ thuộc vào nguồn nước trời nên năng suất thu hoạch rất kém".

Cuộc sống hiện tại bần cùng, cơ hàn đã đành, một ngày mai bớt khổ đối với bà con người Cil ở Đa Chais cũng quá xa vời. Ông Hậu than buồn: "Lớn lên một chút, mấy đứa nhỏ sẽ bị dựng vợ gả chồng rồi đẻ một đống con. Không được ăn học, mấy đứa con lớn lên một chút rồi lại lấy vợ, lấy chồng. Không thoát khỏi cái vòng này, dân Đa Chais mình sẽ khổ mãi!". Thế nhưng, nếu có sự giúp đỡ của chính quyền, của cả nước, sẽ đến ngày người Cil ở Đa Chais thoát khỏi vòng quay khắc nghiệt đó

T.Dũng

Tổng thống Vladimir Putin khẳng định ông đặt "lợi ích và sự an toàn của người dân Nga lên trên hết", đồng thời tin tưởng Nga sẽ vượt qua mọi khó khăn một cách tự trọng và trở nên mạnh mẽ hơn.

Từ thắng lợi Điện Biên Phủ chấn động địa cầu năm 1954 đến đại thắng mùa xuân năm 1975 là 21 năm đằng đẵng với bao mất mát, hy sinh của dân tộc Việt Nam. Trong hành trình ấy, nhân dân Việt Nam đã đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng cách mạng chân chính và vững niềm tin để thực hiện khát vọng cháy bỏng: Non sông liền một dải, hòa bình, độc lập và xây dựng đất nước hùng cường.

Bước vào nghề với những hoàn cảnh khác nhau, nhưng những người phụ nữ ngành Điện đã vượt qua nhiều khó khăn trở ngại, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, kể cả những công việc tưởng chừng chỉ dành cho nam giới.

Giả danh cơ quan Công an gọi điện để lừa đảo chiếm đoạt tài sản không phải thủ đoạn mới nhưng nhiều người vẫn mất cảnh giác, sập bẫy. Mới đây, Công an quận Hà Đông, TP Hà Nội đang điều tra, xác minh vụ giả danh cán bộ Công an, lừa đảo chiếm đoạt tài sản 15 tỷ đồng.

Ngày 7/5, Công an huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai đã phối hợp với các phòng nghiệp vụ để điều tra, làm rõ nguyên nhân một nam công nhân tử vong trong lúc làm việc tại xưởng sản xuất…

Trở lại Việt Nam vào những ngày cuối tháng tư, nữ nhà văn người Mỹ Lady Borton đang gấp rút duyệt bản thảo lần cuối cho cuốn sách mới bằng tiếng Anh viết về Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Gắn bó với Việt Nam hơn nửa thế kỷ, người phụ nữ 82 tuổi này đã chứng kiến nhiều thăng trầm của Việt Nam, coi đây là quê hương thứ hai của mình.

Bộ Công an Việt Nam và các cơ quan chức năng Australia đang tiến hành các thủ tục để chuẩn bị tổ chức Đối thoại An ninh cấp Bộ trưởng Việt Nam - Australia lần thứ nhất vào cuối năm 2024. Đây là sự kiện quan trọng góp phần nâng tầm hợp tác hai bên trong lĩnh vực an ninh và thực thi pháp luật.

Với việc hóa thân thành ông lão 72 tuổi để nói về việc trẻ em thiếu tình thương, em Nguyễn Đỗ Quang Minh, học sinh lớp 9, Trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng đã vượt qua 1,5 triệu bài viết, giành giải Nhất quốc gia cuộc thi Viết thư UPU lần thứ 53.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文