Trên những cung đường Trường Sơn huyền thoại - Bài 5

11:07 16/05/2019
Chiến tranh lùi xa đã gần nửa thế kỷ, song những ký ức hào hùng của một thời bom đạn “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, mở đường phục vụ kháng chiến vẫn còn in đậm trong tâm trí những những cán bộ lão thành cách mạng, cựu TNXP, dân công hỏa tuyến năm xưa.

  Bến Giằng mở lối Tây Nguyên

Ngày ấy, đường Trường Sơn mở qua địa phận tỉnh Quảng Nam, nối từ A Lưới, A Roàng (Thừa Thiên-Huế) qua huyện Hiên (nay là 2 huyện Tây Giang và Đông Giang), rồi huyện Giằng (nay là huyện Nam Giang), đến Phước Sơn. Trong trí nhớ của già Zơ Râm Ul (75 tuổi), Chủ tịch Hội Cựu TNXP huyện Nam Giang, thì những năm tháng kháng chiến, tham gia mở đường Trường Sơn là ký ức không thể nào quên…

Ngã ba Bến Giằng, huyện Nam Giang, điểm nối đường Hồ Chí Minh lên Tây Nguyên.

Đó là giai đoạn 1965-1975, huyện Giằng là vùng hậu cứ quan trọng góp phần giải phóng Quảng Nam - Đà Nẵng, tạo tiền đề cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 sau này. Vì thế, giặc thường xuyên đánh phá, càn quét; chiến sự luôn căng thẳng và khốc liệt. Năm 1965, già Zơ Râm Ul mới 22 tuổi đã hăng hái cùng đồng đội tham gia mở đường Trường Sơn, vận chuyển lương thực, thực phẩm. Khu vực Bến Giằng, nơi giao nhau giữa đường Trường Sơn và quốc lộ 14D, lúc bấy giờ là một trong những trọng điểm đánh phá ác liệt của địch nên việc mở đường ở đây gặp vô vàn khó khăn. 

“Để mở đường Trường Sơn, chúng tôi phải hứng chịu rất nhiều gian khổ, một phần do thời tiết khắc nghiệt của vùng rừng núi Trường Sơn mang lại, một phần do mưa bom, bão đạn của kẻ thù. Song, với quyết tâm mở đường Trường Sơn phục vụ kháng chiến, tôi cũng như nhiều đồng chí, đồng đội không quản ngại ngày đêm bám đường. Địch đánh phá, đường bị hư hỏng, chúng tôi tranh thủ lúc địch ngớt thả bom là xông ra sửa đường, vá đường để các chuyến xe ra tiền tuyến được thông suốt”, già Zơ Râm Ul tâm sự.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân và dân huyện Giằng đã đóng góp hàng vạn ngày công mở đường Trường Sơn huyền thoại, xây dựng kho tàng, vận chuyển gạo muối, thuốc men, vũ khí… 

Đặc biệt là bảo vệ an toàn cho tuyến đường Trường Sơn. Nhiều trận đánh lớn đã diễn ra ở ven tuyến đường này, trong đó phải kể đến các cuộc đấu tranh của đồng bào Bến Yên, Tà Lào đối phó với chiến dịch “thượng du vận” chống đưa dân vào khu dồn Thạnh Mỹ; phụ nữ Pà Dương đấu tranh không cho địch càn quét bắt người vô cớ; hay những trận đánh của du kích vào các đồn địch… 

Chiến tranh kết thúc, đã có 149 người con huyện Giằng anh dũng hy sinh, gần 160 thương, bệnh binh và trên 80 nạn nhân bị ảnh hưởng chất độc da cam. Thế nhưng, dù phải trải qua nhiều đau thương, mất mát, đồng bào các dân tộc thiểu số ở huyện Giằng vẫn cùng chung một ý chí, chung chiến hào đánh giặc, không quản ngại hy sinh, gian khổ vì sự nghiệp giải phóng quê hương, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước…

Đường Trường Sơn được mở nối liền từ Bắc vào Nam. Đoạn qua địa bàn tỉnh Quảng Nam, ngay ngã ba Bến Giằng, tuyến đường kéo dài đến huyện Phước Sơn rồi vượt đèo Lò Xo để lên đất rừng Tây Nguyên rộng lớn. 

Ngày nay, tại thị trấn Khâm Đức, huyện Phước Sơn vẫn còn lưu giữ tấm bia di tích ghi lại những nét chính trong quá trình mở đường Trường Sơn, ghi rõ Khâm Đức là chỉ huy Sở tiền phương Bộ Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn từ năm 1972 đến năm 1974, xây dựng đường ống dẫn xăng dầu Khâm Đức-Ngọc Hồi. Nơi đây cũng là nơi đóng quân của Sư đoàn công binh 472, Sư đoàn vận tải 471 và các trung đoàn cao xạ ở Khâm Đức…

Trò chuyện cùng chúng tôi, già Hồ Văn Điều đã 79 tuổi, song vẫn còn nhớ như in quãng thời gian hoạt động cách mạng trong chiến tranh. Theo lời già Hồ Văn Điều, từ năm 1959, cách mạng đã cho bộ đội, dân công tham gia mở đường Trường Sơn phục vụ xe đạp thồ vận chuyển lương thực, vũ khí. 

Cao điểm năm 1969-1970, bộ đội mở đường Trường Sơn rộng hơn để ôtô vận tải có thể di chuyển, phục vụ kháng chiến ở khu vực Quảng Nam - Đà Nẵng và vùng Tây Nguyên. Già Hồ Văn Nhun (74 tuổi, trú thị trấn Khâm Đức) cũng kể về những năm tháng tham gia mở đường Trường Sơn đầy cam go, gian khổ. 

“Năm 1965, sau khi học tập và được kết nạp Đảng ngoài Bắc, tôi trở lại chiến trường miền Nam, tham gia đánh giặc trên quê hương Phước Sơn. Chính bộ đội ta, cũng như các lực lượng TNXP, dân công hỏa tuyến đã mở đường Trường Sơn, nối liền hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam, góp phần làm nên đại thắng mùa xuân 1975”, già Nhun nói như tâm sự với chính mình.

Trên tuyến đường Trường Sơn năm xưa, đường Hồ Chí Minh hôm nay, đoạn qua địa bàn tỉnh Quảng Nam giờ đây đã khoác lên mình tấm áo mới. Những bản làng, những thị trấn, thị tứ được hình thành với vóc dáng đô thị miền xuôi. Đường Hồ Chí Minh qua huyện Hiên năm xưa, nay là huyện Tây Giang, nơi có các bản làng trù phú của đồng bào Cơ Tu ở các xã A Vương, Bahlêê; là thị trấn Prao sầm uất của huyện Đông Giang. 

Vòng xuống huyện Nam Giang (huyện Giằng ngày trước) có thị trấn Thạnh Mỹ, ngã ba Bến Giằng; qua huyện Phước Sơn có thị trấn Khâm Đức, nơi được mệnh danh là thủ phủ của “thung lũng vàng”. Đường Hồ Chí Minh được thảm nhựa, mở rộng đã tạo động lực để rất nhiều bản làng, thị trấn dọc tuyến đường này phát triển kinh tế - xã hội, khởi sắc đi lên…

Ngọc Thi

Đến 16h chiều nay (8/11), Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng vẫn đang khám xét trụ sở Công ty TNHH MTV Tư vấn Đầu tư GFDI (92 đường 29/3, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) để thu thập hồ sơ, tài liệu liên quan đến các hoạt động có dấu hiệu vi phạm pháp luật của công ty này. Hiện có rất nhiều người dân đã tập trung xung bên ngoài tòa nhà văn phòng công ty theo dõi. Nhiều người kêu khóc, đòi Tổng giám đốc Nguyễn Quang Hoàng... “hiện hồn” trả lại tiền. Công an quận Cẩm Lệ đã huy động hàng chục CBCS để đảm bảo ANTT.

Chiều 8/11, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, đã khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam 2 đối tượng: Nguyễn Thị Kim Trang (SN 1970; cư trú quận 3) và Lê Văn Hòa (SN 1977; cư trú quận Tân Bình) là nhân viên tiệm vàng Đức Long (phường 5, quận Tân Bình) về hành vi “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”.

Trước ý kiến cho rằng vì chưa có quy định cụ thể về ngưỡng nợ thuế để áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh, điều này khiến cho nhiều doanh nghiệp và cá nhân không thể dự đoán được liệu mình có nằm trong diện bị tạm hoãn hay không, Bộ Tài chính cho biết sẽ cân nhắc để áp dụng.

Trưa ngày 8/11, Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng đồng loạt tiến hành khám xét khẩn cấp trụ sở chính của Công ty TNHH MTV Tư vấn Đầu tư GFDI và Sở giao dịch của Công ty này tại Đà Nẵng để thu thập tài liệu, chứng cứ liên quan đến việc huy động hàng ngàn tỷ đồng và các hoạt động có dấu hiệu vi phạm pháp luật của doanh nghiệp này.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文