Trở lại vùng xả lũ Nho Quan (Ninh Bình)

10:57 01/03/2008
Mọi năm, thời điểm này lúa đã xanh đồng, bắt đầu giáp hạt, nhưng năm nay, trên từng thửa ruộng của cánh đồng Mả Phú (thuộc địa phận xã Lạc Vân, huyện Nho Quan, Ninh Bình) nước vẫn ngập trắng băng. Từng đàn cò trắng gầy guộc đang lội chân dưới bùn. Thấp thoáng bóng những người nông dân đang khom lưng cấy lúa.

"Thống kê về đợt rét đậm vừa qua tại tỉnh Ninh Bình cho thấy, huyện Nho Quan luôn đứng đầu về thiệt hại, nhiều hơn hẳn các huyện khác. Đàn gia súc của tỉnh chết 256 con thì 240 con là của Nho Quan. Toàn tỉnh có hơn 3.920ha lúa bị chết rét, chỉ riêng Nho Quan mất 2.740ha. Trong 743ha lạc, 391ha ngô bị chết rét của toàn tỉnh, vẫn chủ yếu là huyện Nho Quan.

Vừa chịu thiệt hại nặng nề vì lũ lụt sau cơn bão số 5 năm ngoái, chưa kịp khắc phục thì lại tiếp tục hứng chịu thiệt hại nặng vì đợt rét đậm rét hại này, đời sống của bà con nông dân Nho Quan đang đứng trước những khó khăn rất lớn" - ông Phan Văn Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Ninh Bình rầu rầu thông báo.

Những khó khăn chồng chất

Buổi sáng, mưa phùn, giá rét. Mọi năm, thời điểm này lúa đã xanh đồng, bắt đầu giáp hạt, nhưng năm nay, trên từng thửa ruộng của cánh đồng Mả Phú (thuộc địa phận xã Lạc Vân, huyện Nho Quan) nước vẫn ngập trắng băng.

Từng đàn cò trắng gầy guộc đang lội chân dưới bùn. Thấp thoáng bóng những người nông dân đang khom lưng cấy lúa. Tôi tháo găng, thử thọc tay xuống bùn. Bùn ấm, nước ấm. Nhưng khi rút tay lên, bàn tay cóng buốt, quai hàm cứng lại không nói nên lời.

Như nhiều nông dân khác của thôn Lạc 2, xã Lạc Vân, chị Quách Thị Lụa (47 tuổi) đang dầm mình trong mưa rét, khẩn trương gieo cấy. Đầu đội mê nón, trên người chằng buộc một bộ áo mưa, chân xỏ đôi ủng nhựa cao quá gối giá 25.000 đồng, cô con gái Đinh Thị Ngọc (học sinh lớp 11) cũng tranh thủ ra đồng phụ giúp mẹ.

Vẫn thoăn thoắt thọc tay trần xuống bùn, chị Lục nói: "Nhà tôi nhận hơn 2 mẫu (0,7ha) ruộng khoán, đã cấy được hơn 1,5 mẫu từ trước Tết, nhưng đợt rét hại vừa qua làm lúa chết sạch, không sống sót lấy một cây. Số mạ chưa kịp cấy cũng chết rét hết, chúng tôi phải gieo hơn 40kg giống để cấy lại cho kịp thời vụ.

Dịp xả lũ tháng 10 năm ngoái, xóm làng đồng ruộng ngập trắng, nhà tôi đã bị chết 4 con lợn, 2 con chó, hư hại hơn 5 tạ lúa. Nay lại như thế này, chúng tôi cũng chẳng biết xoay xở thế nào mà sống".

Rồi chị cho biết thêm, không chỉ mình nhà chị, hầu như gia đình nào của thôn cũng mất trắng số lúa đã cấy trên cánh đồng chiêm trũng rộng hơn 60 mẫu Bắc Bộ chỉ có thể gieo trồng được một vụ lúa này.

Cùng với xã Lạc Vân, Đức Long là một trong những xã chịu thiệt hại nặng nề nhất trong đợt lũ lụt tháng 10 năm ngoái, khoảng hơn 5 tỷ đồng. Diện tích đất tự nhiên của xã là 1.023,6ha, trong đó, đất nông nghiệp là 520ha, nhưng chỉ một nửa diện tích đất trong đê phân lũ có thể trồng lúa 2 vụ, còn lại thì trồng lúa 1 vụ. Toàn xã có 1.271 hộ với 5.378 nhân khẩu sống trong 12 thôn, chủ yếu độc canh cây lúa, tập trung vào vụ chiêm xuân này.

Thấy khách hỏi chuyện mùa vụ, chẳng cần giở sổ, ông Đinh Tiến Khích, Phó Chủ tịch phụ trách kinh tế của UBND xã Đức Long nói ngay: "Vào vụ chiêm xuân năm nay, rét đậm rét hại khiến 15,1ha lúa trên tổng số 17,64ha vừa gieo cấy xong trước Tết bị chết rét. Tổng số mạ gieo là 39,8ha thì đã chết mất 21,9ha, nên chúng tôi đang cứu rét cho số mạ còn sót lại, đồng thời cung cấp giống để gieo bổ sung, cố gắng cấy kịp thời vụ. Bởi vào tháng 4 hằng năm, Đức Long thường bị lũ tiểu mãn phá hoại mùa màng, nếu không cấy xong trước ngày 5-3 thì coi chừng tay trắng".

Rồi ông Khích tiếp tục nói về những công việc bề bộn của nhà nông mùa rét hại, như "chưa được nhổ mạ đi cấy, phải che phủ cẩn thận, nghe ngóng thời tiết, bởi nếu mạ lại chết thì không thể khắc phục sản xuất tiếp được"…

Tôi chỉ ngắt lời vị Phó Chủ tịch xã này khi nghe ông thông báo: Toàn xã còn 157 hộ (516 khẩu) là hộ nghèo, tính theo tiêu chuẩn hộ nghèo mới; gần 600 lao động của xã phải đi làm ăn ngoài tỉnh, chủ yếu làm công việc phổ thông như khai thác đá và làm đường.

"Ông thử tính giúp tôi tất cả những khoản đầu tư của người nông dân trên một sào ruộng đến khi có thể đổ thóc vào bồ?" - tôi bảo.

Ông Khích vừa bấm ngón tay vừa lẩm nhẩm tính: "Để làm được 1 sào lúa… Ừm, tôi tính tất tần tật nhé. Đức Long ít trâu bò, phải thuê máy về cày bừa hết 25.000 đồng. Tiếp đó cần 1,5kg thóc giống, trung bình là 38.000 đồng. Lân hết 20kg, khoảng 30.000 đồng. Đạm 7kg, 42.000 đồng. Kali khoảng 3kg, 40.000 đồng. Thêm ba công cấy, mỗi công 60.000 đồng, vị chi là 180.000 đồng.

Tiếp đó là 5.000 đồng thuốc trừ sâu. Lúa chín, cần hai công gặt hết 120.000 đồng. Đem lúa về phải vò, phơi chừng 10.000 đồng. Ngoài ra, ở Đức Long năm nay còn có thủy lợi phí là 13.000 đồng, phí xây dựng kênh mương 42.000 đồng, phí bảo vệ đồng là 1kg thóc, quy đổi thành 4.200 đồng".

Khi ông Khích tính xong mười mấy chi phí đó thì trên máy tính của tôi cũng hiện ra con số: 526.200 (đồng). Ngần ngừ một chút, ông nói tiếp: "Nếu tính cả ni lông che rét cho mạ thì thêm từ 30.000 - 40.000 đồng nữa".

Nếu mưa thuận gió hòa, những ruộng lúa chỉ trồng một vụ chiêm như ở Đức Long, bình quân cho năng suất từ 1,8 đến 2,2 tạ/sào. Lấy giá thóc hiện tại là 4.200 đồng/kg, nhân với trung bình 2 tạ/sào sẽ đạt 840.000 đồng/sào/vụ. Trong khi đó, để vụ chiêm xuân này được thu hoạch, người dân Đức Long đã phải chi khoảng 560.000 đồng cho một sào ruộng, cùng suốt 5 - 6 tháng bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, thấp thỏm chờ mong mưa thuận gió hòa.

Những động thái tích cực

Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Văn Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Ninh Bình cho biết: "Đến thời điểm này, khung thời vụ tốt nhất của vụ chiêm xuân đã qua, nhưng vẫn đang trong khung thời vụ cho phép. Vì vậy, chúng tôi đang dốc toàn lực để giúp nông dân toàn tỉnh, đặc biệt là huyện Nho Quan, có thể gieo cấy xong trước ngày 5/3, chậm nhất là ngày 10/3".

Ông Dũng cho biết thêm, để kịp thời vụ, tỉnh đã có chủ trương cho các trường THCS, THPT, TTGDTX căn cứ vào tình hình cụ thể của từng địa phương, có thể cho phép học sinh nghỉ học đến 3 ngày để tham gia phụ giúp gia đình cấy lúa kịp thời vụ. Để đối phó với lũ tiểu mãn có thể xảy ra vào tháng 4 hằng năm, UBND tỉnh đã có kế hoạch giúp bà con thu hoạch sớm, theo phương châm "xanh nhà hơn già đồng".

Về chính sách hỗ trợ về cây trồng, vật nuôi, huyện Nho Quan nhận được 700 triệu đồng để bù đắp lại những thiệt hại tiền tỷ. "Bên cạnh việc làm thật tốt, thật kịp thời chính sách hỗ trợ, chúng tôi cũng đã chỉ đạo bà con trồng các cây hoa màu ngắn ngày để cứu đói, ổn định chăn nuôi để tăng thêm nguồn thu nhập…, chủ động giải quyết những khó khăn trước mắt này" - ông Phan Văn Dũng cho biết

Lê Hồng Quân

Ngày 6/5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai đã khởi tố bị can, thực hiện Lệnh bắt tạm giam ông Trần Minh Lợi, Phó giám đốc - Phụ trách Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới Đồng Nai (60-01S) để phục vụ công tác mở rộng điều tra vụ án đưa và nhận hối lộ.

Như thông tin đã đưa, khoảng 3h sáng ngày 6/5, tại số nhà 01B/17 Kiều Đại, phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hoá xảy ra vụ cháy nhà riêng khiến 2 người tử vong. Qua kiểm tra hiện trường, bước đầu cơ quan chức năng nhận định, Bùi Văn G đã phóng hỏa đốt nhà khiến mẹ đẻ ngủ dưới tầng 1 chết cháy, sau đó dùng dao tự sát.

Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an vừa phối hợp Công an tỉnh Nam Định triệt xóa thành công nhóm đối tượng sản xuất, phát tán mã độc trên không gian mạng nhằm mục đích chiếm đoạt tài khoản cá nhân, dữ liệu người dùng trên địa bàn toàn quốc và các quốc gia trên thế giới, bắt giữ 22 đối tượng.

Hội Cựu CAND Việt Nam vạch ra nhiều giải pháp thiết thực nhằm thống nhất trong toàn thể hội viên về nhận thức và hành động, phấn đấu thực hiện mục tiêu giữ gìn và phát huy bản chất tốt đẹp của CAND Việt Nam; đồng thời phát huy nhiệt huyết, trí tuệ, kinh nghiệm, tích cực tham gia các phong trào ở cơ sở, nhất là phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ.

Ngày 6/5, ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tỉnh Ninh Thuận cho biết, cơ quan này đang phối hợp UBND, Công an huyện Ninh Hải và Đồn biên phòng Vĩnh Hải tiến hành kiểm tra, xác minh, xử lý vụ việc nữ du khách đến từ Hà Nội bị hành hung tại bãi Kinh ở xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải.

Trong lúc đang đánh cá trên biển, do lốc xoáy, sóng to đã làm 4 tàu cá ở Quảng Bình gặp tai nạn, trong đó có 3 tàu bị chìm, 1 tàu mất liên lạc. Hiện 11 ngư dân vẫn còn mất tích. Công tác tìm kiếm, cứu nạn các ngư dân mất tích đang được triển khai rất khẩn trương

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文