Giải bài toán sạt lở ngày càng khốc liệt ở Tây Nam Bộ:

Truy đúng nguyên nhân, giải pháp hiệu quả

07:25 08/07/2020
Sạt lở đất bờ sông ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) diễn biến ngày càng khốc liệt, với tốc độ nhanh và thiệt hại nhiều hơn. Trong vành đai sạt lở, bên cạnh hậu quả hàng ngàn căn nhà, công trình bị tụt xuống sông, cuốn trôi, tính mạng của nhiều người dân bị đe dọa...


Việc khắc phục nạn sạt lở lâu nay thường rất kém nhưng không mấy công trình mang lại hiệu quả lâu dài. Một trong những giải pháp dài hạn để hạn chế sạt lở được đưa ra là nạo vét khơi thông, chỉnh trị dòng chảy; kèm với đó là việc chấn chỉnh, siết chặt, xử lý nghiêm nạn khai thác cát trái phép… Để có thêm nguồn lực, cần ưu tiên những cơ chế chính sách kêu gọi đầu nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư các cụm, tuyến dân cư phục vụ di dời dân cư vùng sạt lở. Không để phát sinh, cải tạo gia tăng tải trọng nhà ở, công trình trên bờ sông, kênh, rạch trái phép…

Kỳ 1: Còn đâu bên lở, bên bồi…

Sạt lở bờ sông xảy ra hầu hết các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL. Đặc biệt nghiêm trọng ở TP Cần Thơ và các tỉnh: An Giang, Hậu Giang, Tiền Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng...  Theo tìm hiểu của PV Báo CAND, 6 tháng đầu năm 2020, tại  ĐBSCL đã xảy ra hàng trăm vụ sạt lở từ trong nội đồng đến các tuyến sông lớn, đe dọa đến đời sống hàng chục ngàn hộ dân, chia cắt giao thông từ nông thôn đến quốc lộ.

Mất nhà sau một đêm

2h sáng 23-6, 5 căn nhà ven sông Cần Thơ, phường An Bình (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) xảy ra sạt lở, sụp một phần xuống sông. Một số hộ dân đã được cảnh báo, di chuyển đến nơi an toàn nên không gây thiệt hại về người. Ông Hồ Hùng – người có nhà bị ảnh hưởng, thở dài: “Căn nhà tôi sống mấy chục năm qua sau vụ sạt lở hôm đó giờ chỉ còn lại phòng khách nhưng chắc cũng sẽ trôi luôn”.

Trước khi 5 căn nhà này sạt lở, 3 tháng trước, cũng tại khu vực này, 5 căn nhà khác đã bị “hà bá” kéo tụt xuống sông. “Khoảng 10h hôm đó, tôi với con gái đang nấu cơm sau bếp. Còn ông chồng tôi đang sửa ống nước cạnh mé sông thì nghe tiếng răng rắc từ hướng nhà bên cạnh. Vài phút sau, căn nhà này sụp ầm xuống sông. Vợ chồng, con cái hoảng hồn chạy ra ngoài. Căn nhà bếp của tôi cũng sụp xuống luôn”, bà Lê Thị Hải, hộ dân bị ảnh hưởng kể lại.

Sạt lở bờ sông đang uy hiếp QL91 – tuyến đường giao thông huyết mạch của tỉnh An Giang.

Trở lại với hiện trường 5 căn nhà sạt lở vào rạng sáng 23-6, khu vực này cách cầu Cái Răng chừng 500, gần với chợ nổi Cái Răng, nơi tàu bè qua lại thường xuyên để đưa đón khách du lịch. Sau khi một phần căn nhà bị sụp, các hộ dân di dời tài sản đến nơi khác, tiến hành tháo dỡ mái tôn, những thứ có thể tận dụng hoặc mang bán ve chai.

Vài ngày sau, khu vực sạt lở tiếp tục xuất hiện các vết nứt mới, ăn sâu vào đất liền. 5 căn nhà của người dân sụp hoàn toàn xuống sông, đường giao thông nội bộ và các căn nhà đối diện bị đe dọa, với vết sạt lở ăn sâu khoảng 15m, dài 50m. Cơn mưa lớn trong các ngày cuối tháng sáu vừa qua khiến khu vực này xuất hiện thêm các vết rạn nứt, ăn sâu vào tim đường nội bộ.

“Ai dọn đồ xong rồi thì yên tâm, những người chưa đi được lo lắm. Đêm nằm bất an, có ai ngủ được đâu”, ông Nguyễn Công Quy rầu rĩ, chỉ tay về phía khu vực sạt lở. Chính quyền địa phương đã giăng dây cảnh báo khu vực nguy hiểm, sơ tán các hộ dân bị ảnh hưởng đến nơi an toàn.

“Thời xa xưa, những người già có đúc kết rằng, sông sâu bên lở bên bồi. Tức theo quy luật tự nhiên, bất cứ dòng sông nào, hễ có một bên lở thì đương nhiên bên còn lại sẽ bồi. Và họ sẽ định cư, cất nhà, trồng trọt nhiều ở bên bờ bồi. Nhưng giờ, quy luật ấy đã không còn đúng nữa khi có nhiều con sông, bên nào cũng lở…”, ông Hồ Hùng cho hay và cho biết rất tiếc nuối căn nhà đã sống cùng gia đình mấy chục năm, giờ chỉ còn lại trong ký ức.

Dù mùa mưa chỉ mới bắt đầu khoảng một tháng qua nhưng trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, tình trạng sạt lở đất bờ sông đang diễn biến rất phức tạp. Sáu tháng đầu năm 2020 đã xảy ra 33 điểm sạt lở, với tổng chiều dài gần 900m, diện tích mất đất gần 4.700 m2, ước tổng thiệt hại hơn 2,3 tỷ đồng. Có những ngày tại địa phương này xảy ra 4, 5 vụ sạt lở. Nhiều vụ sạt lở gần đây thường xảy ra vào nửa đêm về sáng, khiến người dân rất lo lắng bởi đây là thời điểm mọi người đang ngủ.

Anh Nguyễn Tấn Ngọc (ngụ ấp Phú Thạnh, xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A) vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại vụ sạt lở đất bờ sông cách nay hơn 10 ngày. Vụ sạt lở xảy ra vào lúc 3h sáng với chiều dài gần 24m, chiều rộng gần 8m, chiều sâu gần 4m, diện tích mất đất gần 200m2, khiến căn nhà của anh Ngọc cùng 4 căn nhà của hàng xóm kề bên bị nứt, có căn sụp hoàn toàn xuống sông.

Ông Nguyễn Văn Kiệt, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Châu Thành cho biết, do nằm dọc theo sông Hậu nên đây là địa phương xảy ra nhiều vụ sạt lở nhất của Hậu Giang. Đầu năm đến nay, toàn huyện đã xảy ra hơn 30 điểm sạt lở.

Ngày càng khốc liệt

Quốc lộ 91 (QL91), đoạn đi qua địa bàn tỉnh An Giang được xem là “điểm nóng” của tình trạng sạt lở tại ĐBSCL. Cách nay gần một năm, đêm rạng sáng 1-8-2019, trên tuyến QL91, đoạn đi qua ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang liên tục xảy ra sạt lở đất.

Hậu quả làm 1/2 mặt đường nhựa với chiều dài hơn 85m về phía hạ lưu bị sụp hoàn toàn xuống sông Hậu, 26 hộ dân buộc phải di dời khẩn cấp; tuyến giao thông huyết mạch của tỉnh bị tê liệt. Kết quả quan trắc cho thấy, tại vị trí sạt cách bờ 70m có hố xoáy sâu 25m. Đến nay, tỉnh An Giang đã chi hơn 25 tỷ đồng để xử lý sạt lở khẩn cấp.

Đặc biệt, điểm sạt lở này cách địa điểm sạt lở vào tháng 3-2010 khoảng 150m về phía thượng lưu. Dù đã triển khai nhiều giải pháp, nhưng mới đây, ngày 27-5, cũng trên tuyến QL này, cách vị trí sạt lở cũ khoảng 80m về phía hạ lưu, lại tiếp tục bị “hà bá” nuốt đường, với chiều dài hơn 40m, đe dọa đến 81 hộ dân, trong đó có 29 hộ dân phải di dời khẩn cấp.

Sau các vụ sạt lở, Sở TN&MT An Giang đã tiến hành khảo sát, đo đạc thực địa, hiệu chỉnh, tính toán và phân tích số liệu nội nghiệp tổng chiều dài 169.330m đối với các tuyến sông, kênh, rạch chính như: sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Nao, sông Bình Di, sông Châu Đốc, sông Cái Vừng, kênh Xáng Tân An, rạch Ông Chưởng, rạch Cái Sắn... Kết quả, có 52 đoạn sông cảnh báo nguy cơ sạt lở từ mức độ bình thường đến rất nguy hiểm, trong đó có 6 đoạn rất nguy hiểm đặc biệt cần chú ý, 41 đoạn ở mức độ nguy hiểm.

Ông Nguyễn Quý Ninh, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) TP Cần Thơ cho biết, tính đến ngày 30-6, thành phố xảy ra 23 điểm sạt lở, làm sạt hoàn toàn 10 căn nhà xuống sông, 65 căn nhà bị sạt một phần và bị ảnh hưởng. Tổng chiều dài ảnh hưởng do sạt lở 1.260m, thiệt hại ước khoảng 15 tỷ đồng.

So với 6 tháng đầu năm 2019, tăng 16 vụ sạt lở, mức độ và quy mô thiệt hại ngày càng lớn hơn. Riêng trong tháng 6, Cần Thơ xảy ra 5 điểm sạt lở, làm sụp hoàn toàn 5 căn nhà, 13 căn nhà bị sạt lở một phần và bị ảnh hưởng, với tổng chiều dài ảnh hưởng do sạt lở 220m với tổng thiệt hại ước khoảng 2,5 tỷ đồng.

Theo ông Huỳnh Minh Đường, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Đồng Tháp, chỉ ven bờ sông Tiền, sông Hậu, năm 2019, nạn sạt lở đã xảy ra tại 18 xã, phường, thị trấn của 7 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh.

Vụ sạt lở lúc nửa đêm về sang bờ sông Tiền, đoạn qua khóm Sở Thượng, phường An Lạc, thị xã Hồng Ngự năm ngoái đã làm một phụ nữ lớn tuổi thiệt mạng, nhiều người trong cùng gia đình suýt chết. Trong nội đồng, sạt lở xảy ra tại 21 xã, phường, thị trấn thuộc các huyện Cao Lãnh, Thanh Bình, Châu Thành và Lai Vung, với tổng chiều dài gần chục kilomet, ảnh hưởng trực tiếp hàng chục hộ dân.

Chánh Văn phòng Ban chỉ huy PCTT&TKCN TP Cần Thơ cho biết, từ năm 2010 đến 2019, trên địa bàn đã xảy ra 196 điểm sạt lở, với chiều dài hơn 7.300m, làm chết 4 người, tổng số nhà bị hư hại hoàn toàn và bị ảnh hưởng là 146 căn. Đối với 3 điểm sạt lở nguy hiểm (trên sông Bến Bạ, phường Tân Phú, quận Cái Răng;  sông Trà Nóc, phường Trà Nóc, quận Bình Thủy và sông Bình Thủy - Rạch Cam), UBND TP Cần Thơ đã thuê Viện Khoa học thủy lợi miền Nam (Bộ NN&PTNT) thực hiện khảo sát hiện trường toàn bộ khu vực bị ảnh hưởng, để phân tích, đánh giá, tình ra nguyên nhân, từ đó đề xuất các giải pháp chống sạt lở hiệu quả.
Văn Vĩnh – Trần Lĩnh

Tổng thống Vladimir Putin khẳng định ông đặt "lợi ích và sự an toàn của người dân Nga lên trên hết", đồng thời tin tưởng Nga sẽ vượt qua mọi khó khăn một cách tự trọng và trở nên mạnh mẽ hơn.

Từ thắng lợi Điện Biên Phủ chấn động địa cầu năm 1954 đến đại thắng mùa xuân năm 1975 là 21 năm đằng đẵng với bao mất mát, hy sinh của dân tộc Việt Nam. Trong hành trình ấy, nhân dân Việt Nam đã đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng cách mạng chân chính và vững niềm tin để thực hiện khát vọng cháy bỏng: Non sông liền một dải, hòa bình, độc lập và xây dựng đất nước hùng cường.

Giả danh cơ quan Công an gọi điện để lừa đảo chiếm đoạt tài sản không phải thủ đoạn mới nhưng nhiều người vẫn mất cảnh giác, sập bẫy. Mới đây, Công an quận Hà Đông, TP Hà Nội đang điều tra, xác minh vụ giả danh cán bộ Công an, lừa đảo chiếm đoạt tài sản 15 tỷ đồng.

Ngày 7/5, Công an huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai đã phối hợp với các phòng nghiệp vụ để điều tra, làm rõ nguyên nhân một nam công nhân tử vong trong lúc làm việc tại xưởng sản xuất…

Trở lại Việt Nam vào những ngày cuối tháng tư, nữ nhà văn người Mỹ Lady Borton đang gấp rút duyệt bản thảo lần cuối cho cuốn sách mới bằng tiếng Anh viết về Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Gắn bó với Việt Nam hơn nửa thế kỷ, người phụ nữ 82 tuổi này đã chứng kiến nhiều thăng trầm của Việt Nam, coi đây là quê hương thứ hai của mình.

Bộ Công an Việt Nam và các cơ quan chức năng Australia đang tiến hành các thủ tục để chuẩn bị tổ chức Đối thoại An ninh cấp Bộ trưởng Việt Nam - Australia lần thứ nhất vào cuối năm 2024. Đây là sự kiện quan trọng góp phần nâng tầm hợp tác hai bên trong lĩnh vực an ninh và thực thi pháp luật.

Với việc hóa thân thành ông lão 72 tuổi để nói về việc trẻ em thiếu tình thương, em Nguyễn Đỗ Quang Minh, học sinh lớp 9, Trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng đã vượt qua 1,5 triệu bài viết, giành giải Nhất quốc gia cuộc thi Viết thư UPU lần thứ 53.

Liên quan đến thông tin một số khán giả cho rằng, trang phục biểu diễn của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng có cài huy hiệu lạ, nhạy cảm trong đêm nhạc “Ngày em thắp sao trời”, chiều 7/5, ông Nguyễn Danh Hoàng Việt, Chánh Văn phòng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nắm được vụ việc và chỉ đạo kiểm tra.

Những ngày qua có 4 tàu cá cùng 11 ngư dân của Quảng Bình bị nạn trên biển do lốc xoáy, sau 5 ngày nỗ lực liên lạc, tìm kiếm, 4 ngư dân đã được đưa vào bờ an toàn trong niềm vui vỡ oà của người thân.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文