Tưng bừng ngày hội bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp

08:52 23/05/2011
Ngày 22/5, trong không khí náo nức của ngày hội toàn dân, tại 91.438 khu vực bỏ phiếu ở 63 tỉnh, thành phố trong cả nước đã diễn ra cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2011-2016.

Đây là lần đầu tiên, cuộc bầu cử được kết hợp thực hiện cùng một ngày giữa bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu HĐND các cấp. Cuộc bầu cử lần này là dịp để tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Vì vậy, việc lựa chọn, bầu ra những đại biểu tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân vào Quốc hội - cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước, và bầu cử đại biểu vào HĐND - cơ quan quyền lực ở địa phương, là sự kiện trọng đại của toàn dân tộc. Cuộc bầu cử lần này diễn ra tại thời điểm có ý nghĩa đặc biệt: Năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, với mong muốn của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân tiếp tục thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, sớm đưa đất nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020.

Trong cuộc bầu cử này, cả nước có hơn 62 triệu cử tri đi bỏ phiếu, bầu ra 500 đại biểu Quốc hội và 306.090 đại biểu HĐND các cấp.

Ngay từ đầu giờ sáng, trên khắp mọi miền đất nước, đông đảo cử tri đã có mặt tại các địa điểm bỏ phiếu với ý thức trách nhiệm cao về quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong việc lựa chọn những đại biểu tiêu biểu về đức, tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước bỏ phiếu bầu cử

Ngay sau các nghi lễ khai mạc của cuộc bầu cử tại khu vực bỏ phiếu số 3, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Quân ủy Trung ương, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử đã bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016. Trả lời phỏng vấn của phóng viên báo chí trong nước và nước ngoài ngay sau khi bỏ phiếu bầu cử, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng bày tỏ niềm vui, niềm tự hào được thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của mình. Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng khẳng định, cuộc bầu cử lần này có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp diễn ra cùng một thời điểm nên nhân dân được thực hiện quyền tổng tuyển cử trọn vẹn cả ở cấp Trung ương và cấp địa phương.

"Cuộc bầu cử lần này diễn ra vào thời điểm đất nước đã trải qua 25 năm thực hiện công cuộc đổi mới, bước vào giai đoạn phát triển mới, thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, tạo được nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Triển khai Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng và Đại hội Đảng bộ các cấp, cuộc bầu cử lần này có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực sự của dân, do dân, vì dân, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, mở cửa hội nhập quốc tế" - Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nêu rõ.

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội bỏ phiếu tại Khu vực bỏ phiếu số 3, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội). Ảnh: TTXVN.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội tin tưởng, với truyền thống đại đoàn kết của dân tộc ta, với ý chí và lòng yêu nước nồng nàn, với tinh thần phát huy quyền làm chủ của nhân dân, vào thời điểm quan trọng này, cử tri sẽ sáng suốt lựa chọn những người xứng đáng nhất vào cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất ở Trung ương và ở địa phương.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết bỏ phiếu tại khu vực bầu cử số 38, 24 đường Kỳ Đồng, phường 9, quận 3, TP Hồ Chí Minh. Chủ tịch nước bày tỏ niềm vui mừng, phấn khởi, tự hào khi thực hiện nghĩa vụ công dân của mình, đồng thời nhấn mạnh ý nghĩa và tầm quan trọng của ngày trọng đại này của dân tộc. Tại khu vực bỏ phiếu, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ân cần thăm hỏi cử tri đang thực hiện nghĩa vụ công dân và bày tỏ niềm tin tưởng rằng, cử tri sẽ đi bầu đông đủ với tinh thần trách nhiệm cao, sáng suốt lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu nhất, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ mới…

Cùng với cử tri cả nước náo nức tham gia ngày hội bầu cử, đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và HĐND các cấp tại khu vực bầu cử số 3 thuộc xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng. Trò chuyện với cử tri tại khu vực bỏ phiếu, Thủ tướng tin tưởng cử tri sẽ hăng hái, nô nức tham gia ngày hội bầu cử và lựa chọn những người xứng đáng nhất, đủ đức, đủ tài để đại diện cho nhân dân, đảm đương việc nước, tham gia xây dựng Quốc hội thực sự là cơ quan quyền lực cao nhất, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân cả nước...

Cũng trong sáng 22/5, đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã bỏ phiếu bầu cử tại khu vực bầu cử số 7, đơn vị bầu cử số 1, phường Tân Định, quận I, TP Hồ Chí Minh. Đồng chí Trương Tấn Sang khẳng định, ngày bầu cử 22/5 là sự kiện lịch sử đặc biệt quan trọng, là ngày hội non sông, ngày hội toàn dân. Đồng chí nhấn mạnh, mong muốn của nhân dân cả nước là kiện toàn cơ quan Nhà nước thực sự là của dân, do dân và vì dân...

Đại tướng Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy CATW, Bộ trưởng Bộ Công an bỏ phiếu tại đơn vị bầu cử số 3, phường 6, quận 3, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Phương Nam.

Đại tướng Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an TW, Bộ trưởng Bộ Công an đi bầu cử tại đơn vị bầu cử số 3, TP Hồ Chí Minh. Chúng tôi có mặt rất sớm tại phòng bỏ phiếu Tổ bầu cử số 26, đơn vị bầu cử số 01, gồm: quận I, quận 3, quận 4, TP Hồ Chí Minh. Nhưng trước đó, lúc 5h30', Đại tướng Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an TW, Bộ trưởng Bộ Công an đã có mặt tại phòng bỏ phiếu, thăm hỏi công tác bảo vệ bầu cử, thăm hỏi cử tri cao tuổi của tổ bầu cử là đồng chí Thái Doãn Mẫn, cán bộ lão thành cách mạng. Tại đơn vị bầu cử số 3, phòng bỏ phiếu Tổ bầu cử số 026, có danh sách 5 ứng cử viên được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội để cử tri chọn 3 đại biểu Quốc hội khóa XIII, nhiệm kỳ 2011-2016; đồng thời cử tri còn bầu cử đại biểu HĐND TP Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2011-2016 với 5 đại biểu được giới thiệu để cử tri chọn 3 người là đại biểu HĐND TP Hồ Chí Minh khóa VIII.

Tại phòng bỏ phiếu Tổ bầu cử số 078 số 258, đường Nguyễn Trãi, phường Nguyễn Cư Trinh, quận I, TP Hồ Chí Minh, đúng 6h40' ngày 22/5, hơn 2.000 cử tri đã có mặt trước phòng bỏ phiếu, từng đơn vị đứng theo khối để chờ lượt thực hiện quyền công dân tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND TP Hồ Chí Minh khóa VIII, nhiệm kỳ 2011-2016. Đến 11h cùng ngày, Tổ bầu cử 078 đã hoàn tất việc bỏ phiếu bầu cử.

Cử tri cả nước chung niềm tin, ý chí trong ngày hội lớn

Tại các địa phương trong cả nước, cử tri phấn chấn, nô nức đi bầu cử, thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân trong ngày hội lớn của đất nước.

Tại Thủ đô Hà Nội, từ đầu giờ sáng, cử tri đã nô nức đến các điểm bỏ phiếu để lựa chọn những người đủ đức, đủ tài nhất để đại diện ý chí và nguyện vọng của nhân dân trong các cơ quan quyền lực nhà nước. Nhiều khu vực bỏ phiếu hoàn thành từ sớm. Tại khu vực bầu cử số 4 (phường Trần Hưng Đạo), cụ Lê Châu Phương, sinh năm 1925, vừa nhận Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng, nguyên đại biểu Quốc hội khóa II, khóa III, khóa IV, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tâm sự: Nhớ lại lần đầu tiên được đi bầu đại biểu Quốc hội khóa I, kỷ niệm ngày đó đến giờ vẫn sâu sắc lắm: "Giờ đây thấy Quốc hội của mình ngày càng vững mạnh, nhất là về công tác giám sát, liên hệ với cử tri, HĐND các cấp khẳng định rõ vị trí, chức năng của mình, chúng tôi rất phấn khởi, tự hào".

Trung tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thứ trưởng Bộ Công an bỏ phiếu tại điểm bầu cử số 10, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân (Hà Nội). Ảnh: Công Gôn.

Tại TP Hồ Chí Minh: Cùng với cử tri cả nước, hơn 4,8 triệu cử tri TP Hồ Chí Minh đã bước vào ngày hội non sông với niềm phấn khởi và tự hào của những công dân thành phố mang tên Bác. Điều đặc biệt, đây cũng là dịp chào mừng 100 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước từ Bến cảng Nhà Rồng. Tại các khu vực bầu cử, nhiều cử tri tranh thủ dành thời gian đến sớm để xem lại lần nữa danh sách ứng cử viên trước khi quyết định gửi gắm sự tín nhiệm và kỳ vọng của mình qua lá phiếu.

Trong dòng người náo nức đến khu vực bỏ phiếu số 30 trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3, TP Hồ Chí Minh, thật xúc động khi nhận ra nhà nữ cách mạng lão thành Ngô Thị Huệ (Bảy Huệ, phu nhân cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh), đảng viên 75 năm tuổi Đảng, đại biểu Quốc hội khóa I. Năm nay dù đã ở tuổi 93 nhưng cụ vẫn nhờ người nhà đưa ra tận nơi để trực tiếp bỏ phiếu. "Tôi hy vọng các đại biểu khi trúng cử phải cố gắng phản ánh được nguyện vọng của dân, phải thực sự sâu sát với dân" - cụ Ngô Thị Huệ tâm sự.

Tại Đà Nẵng, các tổ bầu cử đều được chuẩn bị kỹ. Ở tổ bầu cử số 1, 2 và 3 thuộc phường Tam Thuận, quận Hải Châu, nơi có nhiều giáo dân, không khí bầu cử rộn ràng. Trưởng ban đại diện giáo xứ Tam Tòa Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, những ngày qua, giáo dân đã tập trung nghiên cứu rất kỹ danh sách ứng cử viên và thể lệ bầu cử để chọn những người có tài, có đức vào các cơ quan quyền lực của Nhà nước. Ông Nguyễn Văn Cần, già làng thôn Phú Túc (xã Hòa Phú) bộc bạch: Nương rẫy nhà mình có còn trồng bắp hay chuyển sang cây trồng khác, con cháu mình có được hỗ trợ tiền đi học hay không, tất cả cũng do mình lựa chọn ai trong lá phiếu bầu cử để họ nói thay tâm tư, nguyện vọng của mình.

Tại các tỉnh Tây Nguyên, bà con tập trung tại các khu vực bỏ phiếu từ rất sớm, nghiên cứu các ứng viên trước khi đưa ra quyết định. Tại xã biên giới Ia O (huyện Ia Grai), bà con người J'rai với những bộ trang phục dân tộc truyền thống màu sắc rực rỡ tập trung đến các điểm bỏ phiếu rất đông trước giờ khai lễ. Già làng K'sor Bơng ở làng Bi bộc bạch: Già năm nay đã ngoài 70 tuổi, thấy dân làng hồ hởi đi bầu cử, già cũng vui lắm. Già nói, dân làng vững niềm tin với Đảng, với Bác Hồ để ra sức sản xuất và xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, không theo bọn xấu phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc... Anh Ksor Heleh, cử tri làng Kép, TP Pleiku, Gia Lai tâm sự: "Bà con dân làng mình đi bỏ phiếu thật sớm, chọn thật kỹ người xứng đáng để bầu. Ai cũng ý thức được quyền, nghĩa vụ cao cả khi đi bỏ phiếu".

Nhà giáo ưu tú Lưu Ô Y Nôm, Bí thư Chi bộ làng Kép, phấn chấn cho biết, làng có 438 cử tri, chủ yếu người J’rai, ai cũng náo nức, phấn khởi, tự hào. Tại các đồn biên phòng nằm trên địa bàn biên giới ở Tây Nguyên, việc bỏ phiếu cũng thực hiện rất sớm.Tỉnh Kon Tum có 12 xã thuộc 4 huyện vùng khó khăn gồm Sa Thầy, Đăk Glei, Tu Mơ Rông, Kon Plông được bầu cử trước 1 ngày (21/5). Trong ngày 22/5, xã Bờ Y, Ngọc Hồi, Kon Tum, xã biên giới giáp Lào và Campuchia có đồng bào 15 dân tộc anh em sinh sống, cũng đã hoàn thành bỏ phiếu bầu cử tại 9 đơn vị bầu cử. Trước đó, ngày 21/5, các đồn biên phòng ở Đắk Lắk đã hoàn thành bầu cử sớm để làm nhiệm vụ.

Tại đồng bằng sông Cửu Long, không khí bầu cử thực sự rộn ràng, bà con đến các khu vực bỏ phiếu từ rất sớm. Hơn 850 nghìn cử tri của tỉnh Cà Mau nô nức đi bầu cử tại 1.292 tổ bầu cử. Tại huyện đảo Phú Quốc, Kiên Giang, có hơn 10 nghìn cử tri tham gia bỏ phiếu tại 91 tổ bầu cử. Đối với ngư dân, Ban chỉ đạo bầu cử tổ chức cho bà con tham gia bầu cử đầy đủ, đúng luật ngay tại nơi tàu, thuyền ngư dân neo đậu. Tại Sóc Trăng, là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số nên hội đồng bầu cử kết hợp tuyên truyền bằng tiếng Việt và tiếng Khmer. "Tôi không rành tiếng Việt nhưng nhờ được tuyên truyền, giải thích bằng tiếng Khmer nên tôi biết rõ tiểu sử của các ứng viên, vì vậy lúc bầu rất thuận lợi để lựa chọn người mình tín nhiệm" - cử tri Trịnh Khết, trú tại ấp Sở Tại B, Vĩnh Phước, Vĩnh Châu, Sóc Trăng bày tỏ. Tại Hậu Giang, An Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ…, nhiều khu vực bỏ phiếu cũng hoàn thành bầu cử từ rất sớm.

Cử tri người dân tộc Khmer bỏ phiếu tại Tổ bầu cử số 7, phường An Cư, quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ). Ảnh: TTXVN.

Tại đồng bằng sông Hồng, cử tri nô nức trong ngày hội lớn. Gần 68 vạn cử tri Ninh Bình đi bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016. Tại Giáo xứ Phát Diệm, huyện Kim Sơn, đồng bào đều phấn chấn, ý thức trách nhiệm cao trong bầu cử. Chánh chương Đỗ Văn Bằng, xứ Trì Chính, Kim Sơn, sau khi bỏ phiếu bầu cử tại đơn vị bầu cử số 1, phố Kiến Thái, thị trấn Phát Diệm, phấn khởi nói: "Cùng với giáo dân của Xứ, tôi gửi gắm nhiều kỳ vọng và đặt niềm tin vào các đại biểu mình đã lựa chọn. Tôi và bà con trong Xứ nói riêng, cũng như cử tri cả nước nói chung, tin tưởng những người được bầu sẽ phát huy năng lực, trình độ của mình". Các tỉnh khác ở đồng bằng sông Hồng như Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Hưng Yên, Hải Dương…, nhiều khu vực bỏ phiếu, cử tri tham gia bầu cử từ sớm.

Tại đất mỏ Quảng Ninh, ngay từ 7h sáng, hơn 30 vạn công nhân đất mỏ đã nô nức đến các điểm bỏ phiếu. Sau khi hoàn thành việc bỏ phiếu, họ lại nhanh chóng có mặt tại các công trường hăng say lao động để lập thành tích chào mừng ngày hội non sông đất nước. Phó Giám đốc phụ trách sản xuất của Công ty Than Đèo Nai Nguyễn Ngọc Tùng cho biết, công ty đã bố trí các xe chở công nhân đi bầu cử, lịch làm việc các ca sẽ điều chỉnh cho phù hợp... Có mặt tại khai trường khu mỏ than của Công ty cổ phần Than Đèo Nai (thị xã Cẩm Phả), công nhân trẻ Vũ Hồng Hải, 22 tuổi, ở phân xưởng vận tải 6, hồ hởi cho biết, trong nhiều ngày qua, công nhân đất mỏ đã nghiên cứu kỹ tiểu sử và chương trình hành động của các ứng viên trước khi bỏ phiếu bầu cử.

Tại các tỉnh miền núi phía Bắc như Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái, Sơn La, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn…, nhiều khu vực dù địa hình đồi núi đi lại khó khăn, song nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, đông đảo cử tri đã có mặt tại khu vực bỏ phiếu từ sớm, tham gia với tinh thần trách nhiệm cao. Hơn 455 nghìn cử tri tỉnh Hà Giang nô nức đi bầu cử. Tại xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, mảnh đất cực Bắc địa đầu của Tổ quốc (nơi có 7 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó dân tộc Mông chiếm 87%), đồng bào ai nấy đều phấn khởi. Băng qua những cánh rừng, đi bộ hàng chục cây số để có mặt tại trụ sở UBND xã kịp dự lễ khai mạc ngày bầu cử, cụ Vàng Thị Mua, dân tộc Mông, 83 tuổi (ở thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú) phấn chấn nói: "Đây là lần thứ 13 trong đời, tôi được đi bầu cử Quốc hội, lần nào cũng dậy rất sớm và đi thật sớm". Tại khu vực bỏ phiếu phường Minh Khai, TP Hà Giang, kỳ bầu cử lần này có 116 trên tổng số 450 em học sinh của trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Hà Giang đủ tuổi lần đầu tiên tham gia bỏ phiếu. Em Lò Thị Lanh, dân tộc Lô Lô, học sinh lớp 12A, bày tỏ: "Em tin tưởng những người trúng cử sẽ quan tâm hơn nữa đến học sinh, đồng bào dân tộc thiểu số chúng em".

Cử tri Mường Nhé nô nức đi bỏ phiếu

Trao đổi với phóng viên Báo CAND, Thiếu tá Giàng Páo Sính, Trưởng Công an huyện Mường Nhé, Điện Biên cho biết: Toàn huyện Mường Nhé có 16 xã, có 7 đơn vị bầu cử với 154 tổ bầu cử, hơn 29.000 cử tri. Tính đến 14h ngày 22/5, cử tri đã hoàn tất bỏ phiếu tại 103/154 tổ bầu cử; riêng hai xã Sen Thượng và Sín Thầu, 100% cử tri đã hoàn thành việc bỏ phiếu.

Cử tri ở bản Nậm Khon và cử tri ở các bản Nậm Mỳ I, Nậm Mỳ II, bản Cây Sặt, xã Mường Toong, 100 % cử tri đã đi bỏ phiếu, hoàn thành nghĩa vụ công dân của mình.

Nhóm PV Thời sự

Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã hoàn tất cáo trạng và chuyển hồ sơ sang Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đưa ra xét xử sơ thẩm 5 bị cáo gồm: Mai Thị Thanh Thủy (SN 1964, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Tài Thắng - Công ty Tài Thắng); Lê Tuấn Tú (SN 1987, con trai bị cáo Thủy, Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại Quốc tế Tuấn Phát - Công ty Tuấn Phát); 2 nhân viên kế toán 2 công ty gồm: Đinh Thị Lan Hương (SN 1980), Nguyễn Thị Phương (SN 1987); Trịnh Thị Thanh Hòa (SN 1984, thủ kho kiêm thủ quỹ 2 công ty) về tội "Vi phạm các quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" theo quy định tại Điều 221, khoản 1, khoản 3 - Bộ luật Hình sự.

Không thụ động chờ các chính sách ưu đãi từ Trung ương, ngày càng nhiều tỉnh, thành phố chủ động thu hút các đoàn làm phim nhằm tích cực đẩy mạnh quảng bá địa phương, thu hút khách du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội tại từng điểm đến. Đây là động thái cần thiết, không chỉ có lợi cho điện ảnh mà còn có lợi cho các địa phương, mặc dù, việc triển khai này bị cho là khá muộn so với nhiều quốc gia khác.

Kinh tế toàn cầu trong năm 2024 đã chứng tỏ khả năng phục hồi đáng kinh ngạc trước một loạt thách thức lớn. Từ những căng thẳng địa chính trị kéo dài ở Ukraine và Trung Đông, cho đến những vấn đề nội tại như lạm phát và bất ổn thị trường lao động, bức tranh kinh tế thế giới mang đến cả những tín hiệu tích cực lẫn bài học quý giá. Các nền kinh tế lớn và mới nổi đều tìm cách vượt qua nghịch cảnh, tạo động lực để tiếp tục tiến lên trong bối cảnh biến động không ngừng.

Từ năm 2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho phép các trường phổ thông được xây cao không quá 5 tầng, thay vì 3-4 tầng như hiện nay. Nhiều ý kiến cho rằng, sự điều chỉnh này là hướng mở phù hợp, cần thiết nhằm góp phần giải quyết bài toán quá tải trường lớp ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, nơi quỹ đất để xây trường trong nội thành ngày càng eo hẹp.

Cơ quan CSĐT Công an huyện Mê Linh, TP Hà Nội đang điều tra, xác minh vụ tai nạn giao thông xảy ra khoảng 5h10' ngày 27/11/2024 tại đường Mê Linh theo hướng từ đường Võ Văn Kiệt đi tỉnh Vĩnh Phúc thuộc xóm Soi, thôn Bạch Trữ, xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh, TP Hà Nội giữa xe ôtô BKS 29C - 733.12 với người đi bộ.

Sau hơn 6 giờ nỗ lực tìm kiếm, lực lượng chức năng cùng người dân đã phát hiện, vớt thành công thi thể của 2 mẹ con nhảy cầu tự tử vào trưa cùng ngày.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump mới đây đã cáo buộc Panama tính phí quá cao khi sử dụng kênh đào Panama và cho biết nếu Panama không quản lý kênh đào theo cách chấp nhận được, ông sẽ yêu cầu đồng minh này của Mỹ giao lại kênh đào.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文