Vào Nậm Giải nghe chuyện “không ba”

20:17 29/05/2007

"Không ba" là không trọng án; không ma tuý và không con nghiện! Già làng, trưởng bản bảo rằng ở đây đã lâu lắm rồi không có bàn đèn nữa, không có cái bột chết người cũng như không có một kẻ nào phải đi tù vì giết người cướp của cả.

Leo hết 3 con dốc, tôi thở bằng tai, trong khi nguyên Chủ tịch xã Ngân Đình Tiến vẫn cười nói như thường: "Cả vùng biên này mình thuộc làu làu từng cái dốc, cái đèo. Người Thái đi nhiều cái chân nó cũng dẻo như cái suối Nậm Giải vậy".

Ngôn từ lạ thế, gì với anh cũng là "cái" kể cả là những đoàn các mế (mẹ), những mè nhính (con gái), pò chái (con trai) phong phanh mảnh áo thổ cẩm lên nương. "Cái không ba à - đi rồi sẽ biết" - anh hồ hởi.

Vào Nậm Giải phải qua cầu Hạt Xâm Bông! Một bên thăm thẳm dốc cao và bên kia là nghiêng nghiêng đèo đá dựng, con đường đi giữa cũng khúc khuỷu, chung chiêng như giữa sương mờ của một đêm Sapa tháng mười.

Con đường xuyên qua những khe sâu, thác lớn, những núi cao trập trùng mà cái tên đã gờn gợn về một thế giới khác lạ, mênh mang như Huôi Tả Noi, mờ mờ như Bù Gian, trúc trắc như Bò Khe Cộ…

Càng lúc càng quanh co, gập ghềnh và điểm cuối cùng của con đường này sẽ là biên giới, giáp với bản Nậm Bống, bản Phăn Thoong, huyện Sầm Tớ, thuộc tỉnh Hủa Phăn của nước bạn Lào.

Là xã biên giới của huyện Quế Phong (Nghệ An), Nậm Giải có 306 hộ dân với chưa đầy 1.600 nhân khẩu, đa phần là đồng bào dân tộc Thái, sống quần tụ quanh những nếp nhà sàn kiểu cổ, mái lợp gianh rừng hoặc gỗ sa-mu.

Cả xã có 6 bản là Cán, Pòng, Tóng, Mờ, Méo và Pục thì sầm uất nhất như bản Pòng cũng chỉ có 71 hộ với 316 nhân khẩu, bản Mờ 61 hộ với 306 nhân khẩu, còn lại dân cư chỉ thưa thớt ba bốn chục nóc nhà.

"Không ba" là nói theo cách của anh Tiến. Trong đó, "không một" là không trọng án; "không hai" là không ma tuý và "không ba" là… không con nghiện! Già làng, trưởng bản bảo rằng ở đây đã lâu lắm rồi không có bàn đèn nữa, không có cái bột chết người cũng như không có một kẻ nào phải đi tù vì giết người cướp của cả.

Trưởng Công an xã Ngân Văn Tường thì xuýt xoa rằng: "Hồi lâu lắm rồi, xã cũng có cái đường vận chuyển ma tuý đấy, có tội phạm phải đi tù, có 32 "nghiện giả" (người nghiện - tiếng Thái) chớ, giờ thì không rồi!".

Cái hồi lâu lắm mà anh Tường nói đó là những năm 1990 - 1999, lúc đó nhiều cụ già Nậm Giải vẫn suốt ngày nằm bẹp bên bàn đèn, nghiện hàng chục năm trời không sao cai dứt. Ban đầu chỉ người già mới nghiện, sau đến thanh niên thấy hay hay cũng tập tọng đi xin sái. Cái giống này thử dăm ba lần đâm quen, không có không chịu được. "Thế là thành nghiện giả thôi!" - Ngân Văn Tường bảo vậy!

Vào những năm 1995 -1996, cả xã có đến gần 40 con nghiện ma tuý có thâm niên, trong đó thanh, thiếu niên đã chuyển dần sang hít heroin và chích thuốc nước thay vì ngậm xe điếu như trước.

Tháng 10/1999, Công an tỉnh Nghệ An về bắt một vụ buôn bán vận chuyển ma tuý lớn trên địa bàn với nhiều đối tượng như Quang Văn Châu, Hà Văn Chiến ở bản Pục, Lô Văn Sơn ở bản Méo. Rồi Công an Quế Phong lại bắt tiếp Hà Văn Nghe ở bản Pục về tội buôn bán heroin.

Các vụ án này sau đó đều được đem ra xét xử lưu động trên địa bàn và tuyên mức án 7 năm tù giam cho mỗi bị cáo. Đảng ủy, UBND xã nghĩ ra cách mời các già làng, trưởng bản, các con nghiện lâu năm đến xã, tổ chức cho đi xem xét xử lưu động để qua đó thay đổi nhận thức của họ.

Cách làm này hoá ra đã tạo được hiệu quả thật. Tình hình đã dần dần được ổn định, hầu hết 32 con nghiện đã tự cai thành công, trở lại với đời sống cộng đồng. Duy nhất có 2 người, một là già Lữ Văn Nhất người bản Méo, 30 năm thâm niên bàn đèn, xe điếu; cai rồi lại nghiện đi nghiện lại mấy lần. Xã giao chỉ tiêu cho chi bộ bản Méo phải vận động được già Nhất cai thành công thì mới… xét thi đua. Vậy là trong 3 năm trời đằng đẵng, từng cán bộ xã và bản này thay nhau đến vận động, đến cái Tết năm kia thì dứt hẳn.

Người thứ 2 ở bản Pòng, là đối tượng buôn bán ma tuý Lữ Văn Thiệu, sau khi bị phát hiện đã bỏ trốn và bị truy nã toàn quốc. Hôm đó, nhân biết tin mẹ Thiệu bị ốm nặng, đang giữa mùa mưa lũ, Trưởng Công an xã Lữ Văn Tiến và anh Ngân Văn Tường (lúc đó đang là Chủ tịch xã) đã cùng 2 Công an viên đóng bè vượt bản Pòng, bản Cán, qua suối Hội Cáng, Hội Choóng và nhiều con thác dữ vào nhà Thiệu thăm hỏi. Khi các anh đang lên cầu thang nhà sàn thì Thiệu lẻn ra cửa sau nấp khe liếp nhìn vào. Biết vậy song các anh vẫn lờ đi, chỉ ngồi xuống thăm bệnh, tặng quà và trò chuyện với mẹ Thiệu.

Lúc cán bộ xã nhắc đến Thiệu đang lặn lội ngoài mưa gió xa nhà, cơm trên núi không đủ no, áo giữa rừng không đủ ấm thì mẹ Thiệu bật khóc hu hu. Một tình huống bất ngờ: Thiệu cảm động nên cũng bật khóc theo và chui ra. Các anh để cho Thiệu ở nhà chăm sóc mẹ đến khi khỏi bệnh mới vào khuyên giải ra trụ sở UBND xã khai báo rồi ra đầu thú trước cơ quan Công an…

Bản Pòng nơi chúng tôi ghé chân nghỉ trưa đã có cả tivi, máy xát lúa, xe máy, có nhiều hộ dân có đàn trâu 8-9 con. Những người giàu nhất bản là ông Quàng Cư Thuấn có tới 25 con trâu, 2 con bò, 1 máy xát lúa, tivi, xe máy đủ cả, ông Lữ Cụ Chương có 7 con trâu, 1 con bò.

Phó bản Quang Văn Thi năm nay xấp xỉ 40 tuổi, ngoài việc xã còn tham gia cùng vợ trồng cấy hơn 1 mẫu lúa nương, thu hoạch mỗi mùa từ 1,5 - 2 tấn thóc. Song anh Thi lại hãnh diện vì có 3 con thì cả 3 đều đang được học hành tử tế: "Chừng đó lúa chỉ đủ ăn thôi, nhà tao nhiều cái chữ hơn cán bộ à!". Trong vô vàn cái lạ có lẽ câu nói mà tôi được nghe ở vùng cao biên giới này là lạ nhất!

Chí Long

Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an vừa phối hợp Công an tỉnh Nam Định triệt xóa thành công nhóm đối tượng sản xuất, phát tán mã độc trên không gian mạng nhằm mục đích chiếm đoạt tài khoản cá nhân, dữ liệu người dùng trên địa bàn toàn quốc và các quốc gia trên thế giới, bắt giữ 22 đối tượng.

Hội Cựu CAND Việt Nam vạch ra nhiều giải pháp thiết thực nhằm thống nhất trong toàn thể hội viên về nhận thức và hành động, phấn đấu thực hiện mục tiêu giữ gìn và phát huy bản chất tốt đẹp của CAND Việt Nam; đồng thời phát huy nhiệt huyết, trí tuệ, kinh nghiệm, tích cực tham gia các phong trào ở cơ sở, nhất là phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ.

Ngày 6/5, ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tỉnh Ninh Thuận cho biết, cơ quan này đang phối hợp UBND, Công an huyện Ninh Hải và Đồn biên phòng Vĩnh Hải tiến hành kiểm tra, xác minh, xử lý vụ việc nữ du khách đến từ Hà Nội bị hành hung tại bãi Kinh ở xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải.

Trong lúc đang đánh cá trên biển, do lốc xoáy, sóng to đã làm 4 tàu cá ở Quảng Bình gặp tai nạn, trong đó có 3 tàu bị chìm, 1 tàu mất liên lạc. Hiện 11 ngư dân vẫn còn mất tích. Công tác tìm kiếm, cứu nạn các ngư dân mất tích đang được triển khai rất khẩn trương

Ngày 7/5, tại trụ sở Liên hợp quốc ở Geneva (Thụy Sỹ), Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham gia phiên đối thoại về Báo cáo quốc gia của Việt Nam về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người theo cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.

Ngày 5/5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu chuyến công du châu Âu, với các chặng dừng chân ở Pháp, Serbia và Hungary. Chuyến đi được đánh giá có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy tổng thể mối quan hệ giữa Trung Quốc với 3 nước nói riêng cũng như với Liên minh châu Âu (EU) nói chung phát triển ổn định và lành mạnh, góp phần củng cố sự ổn định trong một thế giới đầy biến động.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文