Người lính Cụ Hồ và sự "trở về" kì diệu sau gần nửa thế kỉ nằm lại chiến trường Quảng Trị

10:11 26/02/2020

“Kì lạ lắm các anh ạ!” – ông Đỗ Minh Mẫn, anh ruột liệt sĩ Đỗ Văn Triệu nhắc đi nhắc lại khi kể về giấc mơ của mình trước ngày hài cốt người em trai được tìm thấy tại Quảng Trị. Gia đình ông Mẫn nhận giấy báo tử người em trai khoảng đầu năm 1973, ghi ngày hi sinh là tháng 7/1972. Từ một sự ngẫu nhiên, sau gần nửa thế kỉ, hài cốt liệt sĩ Đỗ Văn Triệu được phát hiện ngày 16/2/2020. Với tinh thần làm việc khẩn trương, trách nhiệm của các cơ quan chức năng và gia đình, anh đã trở về và an nghỉ trên cánh đồng quê hương…

Chí trai thời khói lửa

Sáng thứ bảy 22/2/2020 là một ngày đặc biệt với bà con thôn Bình Lương (xã Tân Quang, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên). Từ sớm, bà con chòm xóm đã tề tựu tại nhà văn hóa thôn để chuẩn bị lễ viếng, truy điệu và an táng hài cốt người con của quê hương đã hi sinh vì sự nghiệp thống nhất đất nước - liệt sĩ Đỗ Văn Triệu.

Không khí trang nghiêm và xúc động. Đến dự buổi lễ, có người là bạn thân với ông Triệu từ nhỏ, cũng như thân nhân liệt sĩ, họ đều không nghĩ sẽ có ngày tìm được hài cốt của ông Triệu. Bởi từ khi ông Triệu hi sinh vào mùa hè năm 1972 tại chiến trường Quảng Trị, ngoài tấm giấy báo tử, gia đình, bạn bè không có thêm thông tin nào về mộ phần liệt sĩ.

Gia đình, bè bạn và đồng đội viếng liệt sĩ Đỗ Văn Triệu.

Ông Đỗ Văn Triệu sinh năm 1950, là con thứ 6 trong gia đình có tới 8 anh chị em. Cũng như bao gia đình Việt Nam, nhà cụ Đỗ Vương Khải - Nguyễn Thị Mận (bố mẹ đẻ của liệt sĩ Triệu), trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ có nhiều người tòng quân ra trận. Đến năm 1970, gia đình có hai người con (ông Đỗ Minh Mẫn và Đỗ Xuân Ẩn, anh và em trai ruột của ông Triệu) đang chiến đấu tại mặt trận phía Nam. Trong gia đình cũng có tới hai người cậu ruột hi sinh trong kháng chiến chống Pháp. Bởi vậy, ông Đỗ Văn Triệu thuộc diện được miễn đi bộ đội.

Lễ truy điệu liệt sĩ Đỗ Văn Triệu được tổ chức trang trọng tại thôn Bình Lương (xã Tân Quang, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên).

Học hết phổ thông, ông Triệu đi học nghề và trở thành thợ cơ khí Trạm sửa chữa máy kéo huyện Bình Giang (tỉnh Hải Hưng). Đối diện nhà ông Triệu là nhà ông Nguyễn Quý Trúc (hiện là chi hội trưởng Chi hội CCB thôn Bình Lương). Nhớ về người bạn thân thiết thuở nhỏ, ông Trúc kể: “Chúng tôi vừa là bạn bè, vừa là anh em họ. Thuở chăn trâu cắt cỏ, hai anh em hay chơi bi, đánh đáo. Nhiều hôm hai thằng thả mình bơi trên dòng sông Đình Dù chảy qua làng. Tôi vốn sợ chuột nhưng anh Triệu thì rất cứng cỏi, dũng cảm. Khi đi bắt chuột, tôi chỉ nhận việc hun khói, còn anh Triệu đặt rọ, thậm chí dùng tay vồ chuột chạy ra khỏi hang. Một lần, tôi đang hun khói thì con chuột lao ra, trúng vào người; tôi sợ quá ngã nhào, may anh Triệu đỡ được nên tôi không bị đau; hai thằng cười ra nước mắt nước mũi”.

Ông Đỗ Minh Mẫn (bìa trái, anh trai liệt sĩ Triệu) kể với PV về giấc mơ kì lạ.

Ông Trúc nhập ngũ từ năm 1966, đóng quân ở huyện Cẩm Giàng và thi thoảng được về thăm nhà, nên ông Triệu hay sang chơi, rồi lại bịn rịn tiễn ông Trúc ngày trở về đơn vị. Mỗi lần gặp nhau, ông Triệu hỏi rất nhiều về cuộc sống quân ngũ và bày tỏ mong muốn được lên đường ra trận.

Ông Trúc bồi hồi nhớ lại: “Anh ấy dứt khoát xin thôi công việc ở Trạm sửa chữa máy kéo để nhập ngũ. Khoảng cuối năm 1970, anh Triệu hành quân vào đến Quảng Bình và có viết cho tôi một lá thư. Anh bày tỏ niềm vui khi được thỏa chí trai, trở thành người lính đi vào nơi mũi tên, hòn đạn… Từ đó, chúng tôi bặt tin nhau. Sau khi anh Triệu hi sinh, tôi và gia đình chả ai nghĩ sẽ có ngày tìm được hài cốt của anh”.

Ông Trúc bùi ngùi: “Anh Triệu rất đẹp trai. Trước khi đi bộ đội, anh ấy cũng có người yêu là một nữ sinh viên Đại học sư phạm Hà Nội sơ tán về quê tôi”.

Di ảnh liệt sĩ Đỗ Văn Triệu.

Những giấc mơ kì lạ

Trong số các anh trai của liệt sĩ Đỗ Văn Triệu, có ông Đỗ Minh Mẫn (SN 1937, bệnh binh mất sức 61%). Ông Mẫn cùng người anh cả là Đỗ Xương Căn (SN 1935) và các con, cháu vừa từ Quảng Trị trở về, mang theo hài cốt liệt sĩ Đỗ Văn Triệu.

Ông Mẫn kể: “Ngày nhận được giấy báo tử chú Triệu, bố mẹ tôi buồn và suy sụp lắm. Ngoài chú Triệu hi sinh, còn mấy anh em tôi cũng đang ở chiến trường, chả có tin tức gì. Bố tôi cả nghĩ nên có lúc như lẩn thẩn… Chú Triệu thuộc diện được miễn đi bộ đội nhưng chú cứ nằng nặc xin đi nên xã, huyện cũng phải chấp thuận. Chú ấy mất khi còn trẻ, chưa có vợ con. Cũng may là còn tìm được hài cốt”.

Công văn của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Quảng Trị trả lời danh tính liệt sĩ ghi trên giờ giấy trong lọ thủy tinh tùy táng.

Gia đình ông Mẫn đã nhiều năm tìm hỏi thông tin về mộ phần liệt sĩ Đỗ Văn Triệu nhưng không thu được kết quả. Hai cụ thân sinh trước lúc nhắm mắt xuôi tay vẫn đau đáu nỗi niềm chưa tìm được hài cốt đứa con dứt ruột sinh ra.

“Dù thương xót em nhưng tôi cũng hiếm khi nằm mơ thấy chú Triệu. Bỗng đêm 15 rạng ngày 16/2/2020, tôi mơ thấy chú về. Chú ấy nói: Em nhắn thằng Tới (hay Đới gì đó – lời ông Mẫn) từ 4 ngày trước, về báo với gia đình là em sẽ về mà nó không nói gì à?” – ông Mẫn nhớ lại giấc mơ kì lạ của mình. Cùng thời điểm đó, tại một căn nhà ở Khối 3A, thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa, gần Trung tâm GDTX huyện huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, có 2 vợ chồng chuẩn bị xây nhà. Theo lời ông Mẫn, khi gia đình ông vào nhận hài cốt liệt sĩ Triệu, có gặp người vợ chủ nhà kể lại: Sau tết Nguyên đán Canh tý, bà chủ nhà mơ thấy một anh bộ đội hiện về, bảo: “Nhà này xây lên tôi rồi. Tôi phải chui qua tường”.

Linh cảm giấc mơ của mình là sự thật, bà vội báo cho cơ quan chức năng và chỉ nơi có thể có mộ phần liệt sĩ. Đúng lúc này, một công trình xây dựng kế bên cũng đang được tiến hành. Đoàn kinh tế Quốc phòng 337 nhanh chóng triển khai phương án tìm kiếm và phát hiện một bộ hài cốt ở độ sâu khoảng 1,7 mét, vẫn còn nguyên tăng võng, đế giày bộ đội, cúc áo và một lọ thủy tinh pinicilin có chứa mảnh giấy ghi thông tin liệt sĩ. Đó là ngày 16/2/2020.

Hài cốt liệt sĩ Đỗ Văn Triệu khi được tìm thấy.

Chiều cùng ngày, Đoàn 337 đã chuyển lọ thủy tinh trên tới Công an tỉnh Quảng Trị đề nghị giám định. Với tinh thần trách nhiệm cao và đáp ứng nguyện vọng của thân nhân liệt sĩ, Ban Giám đốc Công an tỉnh đã giao Phòng Kỹ thuật hình sự khẩn trương tiến hành giám định, bảo đảm khách quan, chính xác.

Sau thời gian tích cực làm việc, đơn vị chức năng đã phục hồi được nội dung thông tin về liệt sĩ trong chiếc lọ pinicilin. Tại công văn trả lời kết quả giám định do Đại tá Ngô Văn Quả, Trưởng Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Quảng Trị kí ngày 18/2, nêu rõ: Thông tin ghi trong tờ giấy về liệt sĩ có tên “Đỗ Văn Triệu, H1, A Trưởng, sinh năm 1950, ngày nhập ngũ: 10/4/1970. Quê quán: Thọ Bình, Tân Quang, Hải Hưng. Con ông: Đỗ Vương Khải. Con bà: Nguyễn Thị Mận. Hy sinh ngày 18/7/72”.

Theo Đoàn kinh tế Quốc phòng 337, ký hiệu H1 và A trưởng nghĩa là cấp bậc hạ sĩ, tiểu đội trưởng. Như vậy, danh tính của liệt sĩ được tìm thấy là hạ sĩ, tiểu đội trưởng Đỗ Văn Triệu. Ngay lập tức, thông tin được chuyển tới Bộ Chỉ huy Quân sự và Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hưng Yên. Đồng thời, qua báo chí, gia đình cũng biết tin tìm được hài cốt liệt sĩ Đỗ Văn Triệu. Mọi thông tin ghi trong tờ giấy tùy táng đều trùng khớp, chính xác tuyệt đối với quê quán, nhân thân của liệt sĩ.

Ông Mẫn kể, sau giấc mơ kì lạ đó, tôi cứ bần thần cả người. Đến sáng 18/2, người hàng xóm là ông Khoán đọc báo, biết được tin liền sang nhà tôi thông báo: “Thấy báo đăng đã tìm được hài cốt của anh Triệu. Đúng cả tên tuổi, tên cha mẹ, quê quán!”. Cũng trong ngày, gia đình tôi nhận được tin báo từ Bộ chỉ huy quân sự tỉnh và Sở Lao động, Thương binh và xã hội Hưng Yên. Các cơ quan trên đã phối hợp rất chu đáo với gia đình để tổ chức tiếp nhận hài cốt của chú Triệu. Gia đình tôi thuê một xe 45 chỗ ngồi, tôi và bác cả và các con, cháu gồm 40 người đi vào Quảng Trị. Tỉnh đội và Sở Lao động, Thương binh và xã hội cũng cho một xe 21 chỗ người đi Quảng Trị. Tối 20/2, gia đình vào đến Quảng Trị, tiếp nhận và đưa hài cốt em tôi về quê.

Mảnh giấy ghi thông tin liệt sĩ trong lọ pinicilin tùy táng.

Là một cựu binh, ông Mẫn hiểu rõ sự may mắn của gia đình mình. Ông tâm sự: “Tôi cũng chiến đấu ở Cam Lộ, Quảng Trị và từng chôn cất nhiều đồng đội, có đánh dấu, có ghi thông tin bằng cách này cách khác nhưng về sau rất khó tìm được hài cốt. Không ít trường hợp tìm được hài cốt, nhưng cũng không thể xác định được danh tính liệt sĩ, vì tờ giấy ghi thông tin trong lọ thủy tinh rất dễ bị mủn ra khi gặp không khí. May mắn thay, chiếc lọ pinicilin có tờ giấy ghi thông tin về em tôi đã được đồng đội phết loại dầu mỡ lau súng đạn, đóng nút chặt nên chưa bị phân hủy. Nhờ vậy mà Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Quảng Trị có thể phục hồi, đọc được thông tin ghi trên tờ giấy trùng khớp với thông tin về em tôi. Tôi rất cảm ơn các đồng chí Công an tỉnh Quảng Trị đã giám định, giúp gia đình tôi tìm được hài cốt của chú Triệu”.

Tiễn đưa liệt sĩ Đỗ Văn Triệu về nơi an nghỉ tại cánh đồng quê hương.

Sau lễ viếng và lễ truy điệu tổ chức trọng thể, trang nghiêm vào trưa ngày 22/2/2020, hài cốt liệt sĩ Đỗ Văn Triệu được an táng tại nghĩa trang quê nhà. Anh đã trở về cố hương, an nghỉ trên cánh đồng nơi anh lớn lên, chăn trâu cắt cỏ và trưởng thành. Sau gần nửa thế kỉ nằm lại nơi chiến trường khốc liệt Quảng Trị, liệt sĩ Đỗ Văn Triệu đã trở về nơi chôn nhau cắt rốn như một khúc ca bi tráng của con tạo xoay vần.

Có mặt tại lễ viếng liệt sĩ Đỗ Văn Triệu, ông Đặng Văn Diên, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hưng Yên cho biết: “Ngay khi có thông tin phát hiện hài cốt liệt sĩ Đỗ Văn Triệu, Sở đã liên hệ với Bộ Chỉ huy quân sự các tỉnh Hưng Yên, Quảng Trị, các đơn vị chức năng và gia đình để thống nhất công tác tổ chức, đưa hài cốt liệt sĩ về quê hương. Chúng tôi rất cảm ơn Công an tỉnh Quảng Trị, Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh đã giám định thông tin ghi trên tờ giấy trong lọ thủy tinh chôn cất cùng thi hài liệt sĩ. Qua đó, xác định chính xác danh tính, quê quán, cha mẹ… của liệt sĩ. Việc xác định danh tính liệt sĩ có những quy định rất chặt chẽ và trường hợp thông tin rõ ràng khi phát hiện hài cốt như liệt sĩ Triệu là rất may mắn”.
Duy Hiển – Anh Hiếu

Sau hơn 6 giờ nỗ lực tìm kiếm, lực lượng chức năng cùng người dân đã phát hiện, vớt thành công thi thể của 2 mẹ con nhảy cầu tự tử vào trưa cùng ngày.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump mới đây đã cáo buộc Panama tính phí quá cao khi sử dụng kênh đào Panama và cho biết nếu Panama không quản lý kênh đào theo cách chấp nhận được, ông sẽ yêu cầu đồng minh này của Mỹ giao lại kênh đào.

Tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024, nhiều loại vũ khí trang bị hiện đại của QĐND Việt Nam đã được trưng bày, nổi bật là vũ khí lục quân đã thu hút sự quan tâm của các đoàn khách quốc tế và đông đảo người dân.

Sáng 22/12, cầu thủ Văn Toàn đã được đưa đi kiểm tra y tế sau chấn thương gặp phải trong trận đấu với đội tuyển Myanmar. Kết quả kiểm tra cho thấy cầu thủ này có thể phải ngồi ngoài sân trong các trận đấu còn lại của ASEAN Cup 2024.

Sau 12 năm kể từ ngày được khởi công và 17 năm kể từ ngày dự án được phê duyệt, lúc 10h sáng ngày 22/12, tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) của TP Hồ Chí Minh đã chính thức vận hành thương mại để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân…

Sau cơn lũ dữ, làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai) đang dần hồi sinh với những đổi thay tích cực. Trong khung cảnh núi rừng xanh thẳm, tiếng cười nói hồn nhiên của trẻ thơ vang lên từ những điểm trường nhỏ, như khúc nhạc vui thổi bừng sức sống mới. Những mái trường giản dị nay trở thành nơi khơi dậy hy vọng, nơi ươm mầm tri thức cho thế hệ tương lai của làng Nủ – một biểu tượng cho sự kiên cường và tinh thần vượt khó của bà con nơi đây.

Thời tiết tại các tỉnh thành miền Bắc tiếp tục duy trì giá rét với nền nhiệt đêm và sáng sớm ở mức thấp 11-13 độ C, trong ngày tăng lên mức 18-22 độ. Một số nơi có thể có mưa bất chợt.

Quân đội Mỹ đã tiến hành các cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu có liên quan đến phiến quân Houthi tại thủ đô Sanaa của Yemen, bao gồm một cơ sở lưu trữ tên lửa và một địa điểm "chỉ huy và kiểm soát".

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文