Vốn cổ cần được truyền cho hậu thế

16:49 17/03/2008
Trong cơn lốc hội nhập, nhiều thanh niên người Dao của Yên Sơn đã rời làng đi làm việc ở nơi khác. Chính bởi vậy, những bài thuốc gia truyền gắn liền với sự sống còn của dòng họ của ông Nguyên không thể được truyền cho ai khác nên ông "cũng chưa nghĩ đến việc tìm đệ tử chân truyền".

Qua lời giới thiệu dẫn dụ của Bí thư Huyện ủy Ba Vì Hoàng Thanh Vân: "Đến đó không ai muốn về", chúng tôi đến Yên Sơn - một thôn người Dao nổi tiếng với nghề thuốc của xã Ba Vì. Men theo những ngôi nhà nằm chênh vênh nơi sườn đồi đỏ au màu đất, chúng tôi đến nhà Trưởng thôn Triệu Văn Quang. Phải đợi đến tối, mẹ của ông Quang mới về vì ngày nào bà cũng đi bán thuốc ở Ao Vua.

Những bài thuốc gắn liền với bí mật dòng họ

Nhắc đến bài thuốc tắm cho phụ nữ sau khi sinh, ánh nhìn của bà Dương Thị Lưu - mẹ của ông Quang lộ rõ sự tự hào về chuyện phụ nữ Dao chỉ cần sinh sau vài ngày là có thể đi rừng, lên nương mà vẫn địu con - điều không thể tưởng tượng được của phụ nữ dưới xuôi. Đó chính là công hiệu của bài thuốc với thành phần chính là cây đìa giản.

Theo bà Lưu, người Dao ở đây có hơn 360 vị thuốc được phơi, sao từ hơn 360 loài cây sống trên núi Tản. Người làm thuốc có nghề nhiều đời như bà Lưu cũng không thể biết được có tất cả bao nhiêu bài thuốc từ những vị thuốc trên. Mỗi một dòng họ người Dao trong quá trình làm thuốc đã sáng tạo ra những bài thuốc cho riêng mình.

Được biết, có tới 60% người Dao ở Yên Sơn biết làm thuốc và sống được nhờ nghề thuốc, có nhiều người còn giàu lên nhờ thuốc. Chợt nhớ đến hồi chiều, chúng tôi đã ngạc nhiên khi chị văn phòng kéo ra ngắt một cây cỏ mọc ngay trong sân ủy ban và nói về tác dụng chữa bệnh của nó. Thế mới biết, làm thuốc và chữa bệnh dường như đã trở thành máu thịt của người Dao, làm nên bản sắc của người Dao. Trong tay họ, dường như cỏ cây hoa lá đều có thể trở thành vị thuốc.

Người tiên phong sáng tạo bài thuốc gia truyền

Ông Lý Văn Nguyên - một người thành công trong nghề thuốc cho biết, những bài thuốc của người Dao gần như khác hoàn toàn với những bài thuốc của Hải Thượng Lãn Ông. Sự độc đáo của những bài thuốc nơi đây chính là sự kết tinh của hồn thiêng sông núi bởi vì có những loài cây chỉ ở núi Tản, nhiều loài cây trong số đó các chuyên gia cũng không thể nhận diện được.

Nhìn thấy những hạn chế của những bài thuốc cổ truyền, ông Nguyên đã quyết phải tạo ra một sức sống mới cho bài thuốc dân tộc mình. Lặn lội xin được tham gia lần lượt các lớp học sơ cấp, trung cấp, chuyên sâu và cuối cùng là lớp chuẩn hoá lương y quốc gia về Đông y của Bộ Y tế, ông Nguyên có điều kiện tiếp nhận những kiến thức về cách chữa bệnh một cách khoa học.

Trưởng thôn Triệu Văn Quang giới thiệu cây thuốc trong vườn nhà (ảnh trái). Ông Lý Văn Nguyên làm việc trong kho thuốc gia đình.

Gõ cửa khắp nơi xin xác nhận để được đi học, ông mới thấm thía vô cùng sự đơn thương độc mã của một người tiên phong. Đó chính là lý do ông cùng với một số người tâm huyết đã sáng lập ra Hội Đông y Ba Vì. Nhờ có Hội Đông y này mà rất nhiều người thuộc thế hệ sau ông có điều kiện được đi học để làm phong phú thêm cho những bài thuốc gia truyền dân tộc.

Để truyền được cho hậu thế

Mỗi năm, cơ sở làm thuốc của ông Lý Văn Nguyên tiêu thụ tới hơn 3 tấn thuốc tươi chủ yếu do nhân dân các nơi lên núi kiếm rồi về bán lại cho ông. Khi mà cây thuốc ở núi Tản ngày càng trở nên hiếm đi, ông phải mở rộng phạm vi thu mua đến các tỉnh lân cận như Hoà Bình, Sơn La, Tuyên Quang, Phú Thọ…

Thậm chí ông còn huy động các thành viên trong gia đình vào rừng kiếm thuốc. Cũng theo ông Nguyên thì có ngày cao điểm ông phải kê tới 300 thang thuốc, cứ với tốc độ như vậy thì nguy cơ cạn kiệt nguồn thuốc là không thể tránh khỏi.

Cùng với chiến lược phát triển của Vườn quốc gia Ba Vì đối với việc ưu tiên phát triển cây lâu năm thì nguồn thuốc tự nhiên từ vùng núi Tản đã khan hiếm lại càng khan hiếm. Ông Nguyên từ lâu đã nghĩ đến việc xây dựng một vườn ươm giống những cây thuốc quý. Đó là một vườn ươm diện tích khoảng 1ha trên độ cao khoảng 400m của núi Tản.

Không dám kỳ vọng vườn ươm có thể cung cấp nguyên liệu làm thuốc cho việc sử dụng hằng ngày, ông Nguyên chỉ dám nghĩ tới việc biến nó thành vườn giống giúp nhận dạng và bảo tồn nguồn gen những vị thuốc quý.

Những vị thuốc quý thường ẩn mình trong tận rừng sâu núi thẳm, để lấy được chúng về nhà từ núi Tản hùng vĩ quả là cả một kì công. Bà Lưu kể lại: "Đi lấy thuốc trong rừng vất vả lắm. Phải lội suối, leo núi, có khi phải ở lại hàng tuần trong rừng mới tìm được những cây thuốc quý".

Bàn chân dẻo dai của người phụ nữ Dao này đã đi qua không biết bao nhiêu cánh rừng, bao nhiêu khe suối, không biết có phải vì thế mà mặc dù đã ở tuổi "xưa nay hiếm" bà vẫn nhanh nhẹn và minh mẫn lắm.

Trong số những vị thuốc bà nhắc đến, cây máu người là loài cây được cho là quý, hiếm nhất hiện nay. Sở dĩ có cái tên ấy là vì khi cắt vào thân cây, nhựa chảy ra có màu đỏ như máu người, trong những bài thuốc quý đều có mặt của vị thuốc này.

Trong cơn lốc hội nhập, nhiều thanh niên người Dao của Yên Sơn đã rời làng đi làm việc ở nơi khác. Các con của ông Nguyên đều được ông truyền dạy nghề thuốc nhưng người con trai ông tin tưởng có thể kế nghiệp ông đã đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc.

Những bài thuốc gia truyền gắn liền với sự sống còn của dòng họ không thể được truyền cho ai khác và ông "cũng chưa nghĩ đến việc tìm đệ tử chân truyền". Công sức học hành và kinh nghiệm tích lũy cả đời của ông Nguyên rất có thể sẽ không có người tiếp nối. Và đồng nghĩa với nó, những bài thuốc quý của dân tộc Dao sẽ không thể được truyền lại cho hậu thế

Hân Thanh

Chiều 4/5, thông tin từ Tổng Công ty quản lý Cảng hàng không cho biết, nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) và triển khai các hoạt động của năm du lịch quốc gia, lượng hành khách đi/đến Điện Biên đã tăng mạnh trong những ngày vừa qua, có ngày khách qua Cảng hàng không Điện Biên tăng gấp 5 lần so với ngày thường.

Ngày 4/5, thông tin từ Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước cho biết, trên địa bàn các xã: Lộc Thái, Lộc Hưng và thị trấn Lộc Ninh vừa có 4 nạn nhân cùng 4 con chó khác bị một con chó dại cắn bị thương, gây xôn xao dư luận.

Thời gian gần đây, qua công tác nắm tình hình, lực lượng Công an phát hiện tình trạng một số đối tượng lừa đảo đã lập các nhóm chat (group), giả danh các “chuyên gia” dụ dỗ nhà đầu tư tham gia hội nhóm kín trên mạng xã hội, cài đặt website, app, gửi tiền đầu tư chứng khoán. Khi nạn nhân không còn khả năng gửi thêm tiền hoặc phát giác, nghi ngờ, các đối tượng khóa tài khoản, chiếm đoạt số tiền của bị hại. Về vấn đề này, Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an đã có những thông tin khuyến cáo đối với người dân và nhà đầu tư.

Sau nhiều tháng trời nắng như đổ lửa, trong ngày 3 và 4/5, tại một số quận huyện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã có những cơn mưa giải nhiệt. Tuy nhiên, do mưa nhỏ, lượng nước ít kèm theo dông lốc nên đã xảy ra một số sự cố…

Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) vừa đưa ra cảnh báo về một số chiêu thức lừa đảo mới mà người dân cần cảnh giác như mạo danh nhân viên công ty sổ số, lừa đảo cấp chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế để chiếm đoạt tiền của các nạn nhân.

Nhà đạo diễn kiệt xuất Roman Carmen đã cùng các đồng nghiệp Xôviết đến Việt Nam năm 1954 và làm bộ phim “Việt Nam”, ghi lại chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử của dân tộc ta.

Những suất quà chứa đựng nhiều tình cảm của cán bộ, chiến sĩ Báo CAND và nhà hảo tâm, với mong muốn đồng hành cùng các em học sinh và giáo viên trường Tiểu học Sơn Lâm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh; qua đó cùng chung tay, góp sức nâng bước các em đến trường.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文