Vụ án Minh Phụng - Epco sau 10 năm nhìn lại (phần 1)

09:32 25/12/2007
Cho đến tận bây giờ, vụ án Minh Phụng - Epco vẫn đang giữ khá nhiều kỷ lục, đặc biệt về giá trị tài sản phải thi hành án, theo đó các bị cáo và các doanh nghiệp thuộc 2 nhóm Epco và Minh Phụng phải bồi thường và thanh toán các khoản nợ cho 6 Ngân hàng Thương mại.

Cách đây 10 năm, vụ án hình sự Minh Phụng - Epco ngay trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử theo luật pháp hiện hành đã thu hút được sự chú ý cao độ của xã hội. Và sau đó, hậu vụ án này cũng làm tốn không biết bao nhiêu giấy mực của các nhà nghiên cứu pháp lý và báo chí, trong quá trình xử lý phần phát sinh của vụ án liên quan đến thi hành án phần tài sản.

Tuy nhiên, sau 10 năm, có nhiều vấn đề về pháp lý, về kinh tế xung quanh vụ án Minh Phụng - Epco được nhìn nhận toàn diện hơn và ý nghĩa thời sự của vụ án vẫn còn nóng hổi, đặc biệt là trong lĩnh vực đầu tư và kinh doanh bất động sản. Báo CAND xin trở lại vụ án này qua phóng sự điều tra của tác giả Nguyễn Công Long, xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Hẳn rất nhiều người còn nhớ, mười năm trước đã xảy ra một vụ án gây chấn động dư luận với hàng loạt đại gia và cán bộ ngành Ngân hàng phải hầu tòa, đó là vụ Minh Phụng - Epco.

Cho đến tận bây giờ, vụ án này vẫn đang giữ khá nhiều kỷ lục, đặc biệt về giá trị tài sản phải thi hành án, theo đó các bị cáo và các doanh nghiệp thuộc 2 nhóm Epco và Minh Phụng phải bồi thường và thanh toán các khoản nợ cho 6 Ngân hàng Thương mại: Công thương Việt Nam (Incombank), Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Thương mại cổ phần xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), Sài Gòn Công thương Ngân hàng; Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Nam; Ngân hàng Thương mại cổ phần Gia Định, tổng số tiền gần 6.000 tỷ đồng và 32,6 triệu USD.

Bên cạnh đó, số tài sản phải xử lý để bảo đảm thi hành án cũng đứng hàng "top ten" với trên 390 danh mục gồm 476 đơn vị tài sản là nhà xưởng, dây chuyền sản xuất, máy móc, kho tàng, văn phòng, biệt thự v.v… khối tài sản này Tòa án xác định tại thời điểm xét xử trị giá trên 2.232 tỷ đồng.

Nội tình vụ việc đã tiêu tốn không ít giấy mực của báo giới, nhiều tờ báo, tạp chí, kể cả các báo, tạp chí có uy tín trước đó quảng cáo rất màu mè cho Công ty Minh Phụng và Công ty Epco (và dĩ nhiên, tiêu tốn của các doanh nghiệp này không ít tiền), đến khi vụ án xảy ra thì chính các báo, tạp chí này lại là người buộc tội các bị cáo đanh thép nhất (!).

Dưới đây, chúng tôi sẽ không nêu lại những tình tiết của vụ án, bởi các hành vi phạm tội của Tăng Minh Phụng và các bị cáo đã được Tòa án phán xử, các bị án cũng đã phải chịu những hình phạt nghiêm khắc nhất, vả lại, toàn bộ diễn biến cũng như nội tình vụ án đã được báo chí phân tích, mổ xẻ rất kỹ lưỡng trong thời gian dài.

Điều mà chúng tôi muốn nói ở đây là qua thời gian mười năm, những chiêm nghiệm và kiểm chứng qua thực tế cho phép chúng ta có thể đánh giá sự sụp đổ của Minh Phụng với cái nhìn khách quan hơn. Liệu sự thất bại của Minh Phụng, của Epco có giúp gì đôi chút kinh nghiệm cho các nhà đầu tư, các ngân hàng và cả người dân hiện vẫn đang say trong cuộc chơi bất động sản được thua như đánh bạc hiện nay hay không? Và liệu từ thực tiễn điều tra, xét xử, thi hành vụ án này, các cơ quan tố tụng có thể đúc rút được điều gì?

Sự sụp đổ của một "đế chế"

Vào thời gian năm 1993-1996, qua các phương tiện thông tin đại chúng, người ta có thể thấy Công ty Minh Phụng nổi lên như là một "tập đoàn" kinh tế năng động và rất thế lực. Mức độ tăng trưởng và sự bành trướng các lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp này thể hiện qua số liệu các trang quảng cáo của rất nhiều tờ báo, tạp chí làm cho không ít người kinh ngạc.--PageBreak--

Thực tế thì sự cả tin vào tiềm lực của Minh Phụng không phải là không có căn cứ. Hình thành từ những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước, với chức năng chủ yếu là sản xuất, gia công hàng may mặc, giày dép xuất khẩu, giai đoạn đầu Công ty Minh Phụng có những bước phát triển rất ổn định, doanh số có năm lên tới nhiều triệu USD.

Tính đến trước khi xảy ra vụ án, Minh Phụng có tới 15 phân xưởng sản xuất gồm 10 phân xưởng may mặc, 1 phân xưởng chuyên ngành nhựa, một phân xưởng dệt gòn, một phân xưởng bao bì PP, 1 phân xưởng thiết kế mỹ thuật cho hàng hóa ngành may và 1 phân xưởng thiết kế vi tính. Quy mô sản xuất thời điểm cao nhất có trên 9.000 lao động.

Ngày nay, khi đề cập đến lĩnh vực kinh doanh BĐS, bất cứ doanh nghiệp nào dù nhỏ hay lớn đều có thể nói vanh vách về quy hoạch, về dự án v.v… (còn các chiêu thức "thổi giá" như các nhà kinh doanh BĐS đang làm thì mê hồn trận!).

Nếu xem lại quá trình kinh doanh của Minh Phụng, hẳn không ít người sẽ cho nó là ấu trĩ, nhiều người sẽ đặt ra câu hỏi vì sao lựa chọn kinh doanh BĐS bằng toàn bộ vốn vay ngân hàng mà Minh Phụng lại đầu cơ số lượng lớn, tạo ra sự tăng trưởng nóng trong thời gian ngắn đến như vậy, và tại sao, vay đầu tư BĐS mà hầu hết là vay ngắn hạn, chứ không vay trung hay dài hạn?

Hơn nữa, kinh doanh BĐS mà lại không định hướng rõ ràng, không xác định được vùng trọng điểm, bạ đâu làm đấy, xem danh mục BĐS mà Minh Phụng đã đầu tư trải dài suốt từ Đà Lạt, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, thậm chí cả Hà Nội, thì hẳn rất nhiều người sẽ có chung nhận xét, dù có tài ba đến mấy thì một bộ máy như Minh Phụng khó có thể quản lý hết được hàng triệu mét vuông đất chuyên dùng, không thể cùng một lúc triển khai hàng trăm dự án về hạ tầng khắp các tỉnh, thành trong cả nước, làm ăn như thế không sập tiệm mới là lạ.

Nhưng hãy lùi lại khoảng thời gian đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, trong khi thị trường BĐS chưa hình thành rõ nét, cơ chế, chính sách về đất đai không đồng bộ, tình trạng tranh mua, tranh bán rất phổ biến. Những đợt sốt đất đầu những năm 90 làm lóa mắt không ít người, thực tế cũng có nhiều kẻ phất lớn từ đất đai.

 Cũng giống nhiều doanh nghiệp khác, Minh Phụng mong muốn nhanh chóng chớp thời cơ, tích lũy được càng nhiều đất càng tốt, chờ cơ hội sẽ bán ra được với giá cao hơn, điều này không phải là không có lý, vì đất đai không thể đẻ ra được. Ngay từ đầu Minh Phụng đã xác định đầu tư trên quy mô lớn, nhất quyết không làm ăn cò con, sự tăng trưởng quá nóng vô hình trung đã biến Minh Phụng trở thành một "đại lý" về địa ốc, la liệt nhà, đất khắp nơi.

Phương thức kinh doanh địa ốc theo kiểu hàng xén như vậy, hẳn nhiên sự bất trắc là không thể tránh, bởi cũng giống như tất cả các đợt "sốt" trên thị trường, thời điểm Minh Phụng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất là đỉnh điểm của cơn sốt, khi qua cơn sốt thì bán không có người mua.

Cha ông ta đã đúc kết buôn tài không bằng dài vốn, nếu thực sự có khả năng đầu cơ đất đai chờ đến chu kỳ sốt tiếp theo, hẳn là Minh Phụng đã phát tài. Song toàn bộ khối tài sản là từ vốn vay, giả sử có chờ được cơn sốt tiếp theo, thì khoản lợi nhuận thu được cũng khó có thể bù đắp cho số lãi mẹ đẻ lãi con, có lẽ bi kịch bắt đầu từ đây.--PageBreak--

Về hình thức huy động vốn, có người cho Minh Phụng thật điên khùng khi vay ngân hàng để đầu tư vào BĐS mà chủ yếu là vay ngắn hạn lãi suất cao. Tuy nhiên, vào thời điểm trên, các định chế về bảo đảm tiền vay rất bó buộc.

Để có thể được chấp nhận vay vốn của ngân hàng, doanh nghiệp phải đáp ứng rất nhiều yêu cầu nhiêu khê, đó là chưa kể đến sự nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ biến chất tại các ngân hàng. Nếu đáp ứng đủ các yêu cầu này thì thời cơ đầu tư vào BĐS đã qua đi (do sự hỗn loạn mua bán trên thị trường).

Do vậy, để chớp thời cơ, Minh Phụng buộc phải chọn giải pháp cố đấm ăn xôi là "đẻ" thêm hàng chục công ty. Thực tế hàng chục công ty con của Minh Phụng thực chất là các doanh nghiệp "ma" không hề có thực, toàn bộ số vốn đều là ảo, giám đốc, kế toán đều là những người làm thuê, thậm chí đó là những người vốn là bảo vệ, lái xe, lao công, các công ty này có nhiệm vụ duy nhất được sinh ra để vay vốn ngân hàng, mọi hoạt động vẫn hoàn toàn do Tăng Minh Phụng điều hành.

Ngoài ra, để thỏa cơn khát vốn, Minh Phụng còn áp dụng các "chiêu" không ai tưởng tượng nổi, đó là ký các hợp đồng mua bán, nhập khẩu hàng hóa dù biết chắc thương vụ sẽ lỗ, mục đích nhằm thông qua các hợp đồng này các ngân hàng có "cớ" để mở L/C hoặc ký bảo lãnh cho Minh Phụng có tiền.

Sự "phối - kết - hợp" giữa Minh Phụng và một số cán bộ ngân hàng biến chất còn thể hiện ở việc nâng khống giá trị tài sản thế chấp lên nhiều lần, đến khi xét xử vụ án, Tòa án đã xác định giá trị tài sản thế chấp thấp hơn giá trị thực hàng ngàn tỷ đồng.

Với tất cả những điều này, viễn tưởng về sự thành công của mô hình Minh Phụng chỉ là điều ảo mộng và Minh Phụng đã phải trả giá đắt. Nhưng có lẽ điều có ý nghĩa nhất trong các sai lầm của Minh Phụng là cách thức điều hành, tổ chức hệ thống kinh doanh của Minh Phụng là đã cung cấp trong thực tế kinh nghiệm về mô hình "công ty mẹ - công ty con" khá hoàn chỉnh, mô hình mà sau đó ít lâu nước ta vận dụng.

Còn việc Minh Phụng cùng cán bộ ngân hàng tự định giá tài sản thế chấp, phải chăng từ đây đã hình thành cơ chế thỏa thuận về giá trị tài sản thế chấp giữa tổ chức tín dụng và bên thế chấp, trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức tín dụng mà hiện đang được các ngân hàng thương mại áp dụng?
(Còn nữa)

N.C.L.

Chiếc xe BMW X3 đời 2016 được đưa ra đấu giá cách đây hơn 3 năm với giá bèo nhưng chỉ có 2 hồ sơ tham gia. Người trúng đấu giá là một người thân quen của ông chủ công ty được lựa chọn đấu giá. Đến nay, chủ sở hữu chính thức của chiếc xe sang này không ai khác chính là chủ nhân của công ty đã tổ chức đấu giá.

Mỹ sẽ chính thức mở một căn cứ phòng không mới ở miền Bắc Ba Lan, khi Warsaw muốn trấn an người dân rằng NATO đảm bảo an ninh cho họ trong bối cảnh lo lắng sau chiến thắng bầu cử Tổng thống của ông Donald Trump.

Giá vàng thế giới tiếp tục giảm đã kéo giá vàng trong nước giảm sâu, vàng nhẫn chính thức rơi xuống dưới 80 triệu đồng/lượng.

Trong vài năm gần đây, Việt Nam xuất hiện một trào lưu đặc biệt: mua bán và sưu tầm thiên thạch. Nhiều người cho rằng loại đá này mang lại may mắn, phong thủy tốt và thậm chí là sức khỏe. Tuy nhiên, thực hư về giá trị của những mẩu đá này lại là một vấn đề phức tạp, đặt ra nhiều dấu hỏi về tính xác thực và cả những vụ lừa đảo lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Phòng CSĐT tội phạm về ma tuý Công an TP Hà Nội ngày 13/11 cho biết đã triệt phá thành công băng nhóm hoạt động mua bán trái phép chất ma túy với số lượng lớn và tàng trữ vũ khí quân dụng. Vật chứng cơ quan Công an thu giữ trong vụ án là gần 2 bánh heroin có trọng lượng 595,455 gram; 594,29 gram ma tuý tổng hợp các loại; 2 quả lựu đạn; 3 cân điện tử cùng một số đồ vật, tài sản khác có liên quan.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文