Vụ án oan có giá 23 tỉ đồng

08:36 17/08/2006

Ngay khi ông Lương Ngọc Phi được minh oan, lẽ ra các cơ quan tố tụng phải họp bàn với nhau để tìm giải pháp giải quyết vụ việc thì họ lại tìm cách đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Do vậy, từ mức đòi bồi thường oan sai là 18,3 tỉ đồng năm 2004, đến nay mức đòi bồi thường đã lên đến con số hơn 23 tỉ đồng.

Ngày 13/6/2006, TAND tỉnh Thái Bình đã chính thức tổ chức buổi xin lỗi doanh nhân Lương Ngọc Phi, Giám đốc Công ty Khai thác chế biến nông hải sản xuất nhập khẩu Hòa Bình (Thái Bình) vì đã kết án oan sai ông Phi hai tội danh "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN" và "Trốn thuế". Hậu quả của sự tắc trách trong điều tra, xét xử của các cơ quan tố tụng đã khiến ông Phi lâm vào vòng lao lý và doanh nghiệp của ông bị phá sản hoàn toàn.

Khởi đầu của vụ án

Thành lập năm 1992, Công ty Khai thác chế biến nông hải sản xuất nhập khẩu Hòa Bình (sau đây viết tắt là Cty Hòa Bình), do ông Lương Ngọc Phi làm giám đốc đã trở thành một trong số ít công ty lớn ở Thái Bình hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Ông Lương Ngọc Phi đã thay mặt công ty viết dự án có tên “Sản xuất nông sản xuất khẩu kê hạt - vừng đen (mè) 1996 - 2001”.

Với những nghiên cứu khoa học về điều kiện tự nhiên, khí hậu, đầu ra sản phẩm... cùng những ý định rất tốt đẹp, rất tâm huyết với quê hương thể hiện trong dự án, cá nhân ông Phi cùng Cty Hòa Bình được sự ủng hộ rất nhiệt tình của các lãnh đạo trong UBND tỉnh Thái Bình. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Duy Tảo đã làm công văn gửi đến các huyện, các ngành trong tỉnh, yêu cầu giúp đỡ để Cty Hòa Bình triển khai dự án trên.

Nhận thấy dự án của ông Phi có hiệu quả và đúng chủ trương chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp của tỉnh nên Ngân hàng Công thương Thái Bình đã cho Cty Hòa Bình vay tổng số tiền gần 5,5 tỉ đồng. Có tiền, Cty ký hàng loạt hợp đồng xuất khẩu mặt hàng hạt kê vàng, vừng đen sang Nhật Bản và Hàn Quốc. Để triển khai dự án và có hàng cung ứng cho đối tác, Cty đã đầu tư vốn cho hàng ngàn hộ nông dân của 27 HTX trong địa bàn 4 huyện để trồng hai sản phẩm nông sản nói trên.

Bước đầu dự án rất hiệu quả nên đến năm 1998, Cty đã triển khai được cả một vùng đất trồng nguyên liệu rộng hơn 700ha. Trong quá trình chờ các vùng nguyên liệu đến ngày thu hoạch, để đồng vốn vay ngân hàng không bị ứ đọng, cũng là để có thêm nguồn hàng xuất khẩu, ông Phi lần vào các tỉnh phía Nam thu mua hạt ý dĩ và ông đã xuất khẩu được 105 tấn hàng. Còn 370 tấn hạt ý dĩ đủ tiêu chuẩn đang nằm chờ trong kho để tiếp tục xuất khẩu theo hợp đồng đã ký kết với phía Nhật Bản.

Sau vụ xử oan, Công ty Hoà Bình thành quán trà.

Do bị một số đối tác chậm thanh toán nên Cty Hòa Bình gặp khó khăn và đã phát sinh nợ quá hạn đối với Ngân hàng Công thương Thái Bình số tiền 5,5 tỉ đồng.

Là một doanh nhân làm ăn chân chính, không hề có ý đồ quịt nợ, hơn nữa ông Phi xác định chắc chắn sẽ trả được nợ ngân hàng khi thanh lý các hợp đồng, nên ông Phi đã thay mặt Cty làm văn bản cam kết sẽ trả hết nợ cho ngân hàng sau khi thu hoạch vụ kê vàng, vừng đen trong năm 1998 và xuất nốt lô hàng trong kho. Ngân hàng đã cử cán bộ đi xác minh và xác định số tài sản của Cty Hòa Bình lớn hơn nhiều so với số nợ ngân hàng, vả lại Cty vẫn đang hoạt động bình thường, chưa mất khả năng thanh toán và việc Cty cam kết trả nợ vào thời điểm cuối năm 1998 là hoàn toàn có thể.

Việc làm ăn của Cty Hòa Bình đang suôn sẻ thì Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Thái Bình ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can Giám đốc Lương Ngọc Phi về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN”. Ngày 1/5/1998, ông Phi bị bắt khẩn cấp và đến ngày 6/7/1998, Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Thái Bình tiếp tục khởi tố ông Phi thêm tội “Trốn thuế”.

Mặc dù vụ án còn đang điều tra, nhưng công an đã phát mại hàng loạt tài sản bị kê biên của Cty gồm 20 tấn kê giống, 1 tấn vừng, 10 tấn kê xuất khẩu trị giá 1,4 tỉ đồng, nhưng chỉ được hội đồng định giá bán hơn 28 triệu đồng; lô hàng ý dĩ 290 tấn trị giá hơn 2 tỉ, nhưng chỉ phát mại được 300 triệu đồng; chiếc xe ôtô vừa mua xong của ông Phi trị giá 25.000USD bị bán với giá rất vô lý: 120 triệu đồng.

Với những “tội danh” trên, ông Phi đã bị TAND tỉnh Thái Bình tuyên phạt 14 năm tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN” và 3 năm tù tội "Trốn thuế". Tổng mức hình phạt mà ông Phi phải chấp hành là 17 năm tù và buộc ông phải bồi hoàn số tiền 475 triệu đồng tiền “trốn thuế”.--PageBreak--

Từ một doanh nhân thành đạt, đang điều hành một công ty có nhiều triển vọng phát triển mạnh mẽ, là chỗ dựa tin cậy của hàng ngàn gia đình nông dân, ông Phi đã trở thành tù nhân và bị trắng tay. Điều đau xót hơn nữa là các cơ quan pháp luật đã thu hồi con dấu và các giấy tờ pháp nhân của Cty Hòa Bình do vậy Cty không hoạt động được và lâm vào cảnh bị phá sản hoàn toàn.

Khi ông Phi đang chấp hành hình phạt tù thì ngày 26/4/2000, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội đã xử phúc thẩm vụ án nói trên. Sau khi xem xét, nghiên cứu hồ sơ, Hội đồng xét xử đã kết luận: “Việc ông Phi chưa trả tiền cho Nhà nước là do các nguyên nhân khách quan, các nguyên nhân này là có thật và chính đáng. Do đó, hành vi của ông Phi không cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN. Số tiền ông Phi còn nợ ngân hàng, trách nhiệm của ông Phi cùng với Cty Khai thác chế biến nông hải sản xuất khẩu Hòa Bình phải thanh toán, nhưng đó chỉ là trách nhiệm dân sự”. Còn với tội “Trốn thuế”, Tòa án tối cao trả hồ sơ về Tòa án tỉnh Thái Bình để “giải quyết lại vụ án từ giai đoạn điều tra”.

Tuy nhiên, các cơ quan công quyền của Thái Bình vẫn cố tình trốn tránh trách nhiệm bằng cách “bới bèo tìm bọ” để “moi” bằng được tội lỗi của ông Phi. Tuy nhiên, với 2 lần Tòa tối cao trả lại hồ sơ, Công an Thái Bình đã phải vào cuộc thực sự và ra bản kết luận chính xác: “Cty Hòa Bình chỉ thiếu 4,8 triệu đồng tiền thuế”.

Điều đặc biệt là công an cũng làm rõ được hành vi biển thủ tờ hóa đơn thuế số 001692 của kiểm sát viên Viện Kiểm sát tỉnh Thái Bình Đặng Đình Liêm nhằm ép ông Phi có tội để truy tố bằng được. Cuối cùng thì ngày 12/12/2003, Viện trưởng Viện kiểm sát tỉnh Thái Bình đã phải ra quyết định đình chỉ điều tra đối với ông Phi về tội trốn thuế. Như vậy, ông Phi đã được minh oan sau 1.066 ngày ngồi tù và trong tình trạng mất sạch tài sản.

Những bài học đắt giá

Ngay khi ông Lương Ngọc Phi được minh oan, lẽ ra các cơ quan tố tụng phải họp bàn với nhau để tìm giải pháp giải quyết vụ việc thì họ lại tìm cách đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, do vậy vụ án oan sai lại càng trở nên phức tạp, khiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải đem ra thảo luận tại Quốc hội.

Sau đó TAND tỉnh Thái Bình mới “xuống nước” công khai xin lỗi ông Phi sau 3 năm trời ông được xác định rõ là bị xử oan. Cũng chính từ sự nhùng nhằng, đùn đẩy trách nhiệm đó mà thiệt hại dành cho vị doanh nhân này càng lớn. Do vậy, từ mức đòi bồi thường oan sai là 18,3 tỉ đồng năm 2004, đến nay mức đòi bồi thường đã lên đến con số hơn 23 tỉ đồng.

Tất cả những con số đòi bồi thường đều được ông Phi thống kê rành mạch, có cơ sở và dựa vào Nghị quyết 388 về bồi thường oan sai do Quốc hội đề ra. Với số tiền đòi bồi thường này, chắc rằng các cuộc thương lượng giữa TAND tỉnh Thái Bình và ông Phi sẽ khó có thể thành công, và như vậy thiệt hại cho ông Phi mỗi ngày một lớn hơn và con số ông đòi bồi thường cũng sẽ tăng theo thời gian.

Sau vụ án của ông Lương Ngọc Phi, được biết, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan tố tụng phải nghiêm túc kiểm điểm và quy trách nhiệm cụ thể cho những ai đã làm sai, đồng thời rút ra bài học kinh nghiệm để không còn xảy ra những trường hợp tương tự

PV

Thủ đô Hà Nội cùng với nhiều tỉnh thành ở miền Bắc được dự báo có mưa rào và dông rải rác, cục bộ mưa to về chiều tối, thời tiết mát mẻ. TP Điện Biên Phủ khả năng mưa diễn ra vào ban ngày.

Nếu có cơ hội đến Điện Biên dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, nhất định bạn không thể bỏ qua các di tích lịch sử gắn liền với một “thiên sử vàng” của dân tộc Việt Nam; là nơi các thế hệ đi trước đã  hy sinh của bao máu xương để làm nên chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, bằng các biện pháp nắm tình hình, thời gian qua, Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã chủ động trong công tác quản lý người nước ngoài (NNN) nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam; phát hiện, xử lý dứt điểm các vụ việc phức tạp, vi phạm pháp luật do người nước ngoài gây ra, không để trở thành vấn đề nóng, ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại cơ sở cũng như ảnh hưởng đến việc phát triển du lịch và quan hệ đối ngoại với các nước.

Là đơn vị chủ công trong công tác bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn các hoạt động kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ nói chung, Lễ diễu binh, diễu hành nói riêng; thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vòng trong cùng, các đơn vị của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ đã chủ động triển khai lực lượng, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác bảo vệ.

Ngày 5/5, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện KSND cùng cấp đề nghị truy tố Nguyễn Thanh Tâm (SN 1997, ngụ huyện Củ Chi) về tội: "Giết người" và "Cướp tài sản".

Ngày 4/5, Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đã có Thư khen gửi Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương; đồng chí Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao về thành tích triệt phá nhóm đối tượng hoạt động thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền với quy mô rất lớn, lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Hướng tới 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), 66 năm Ngày Truyền thống lực lượng An ninh chính trị nội bộ (10/5/1958 - 10/5/2024), từ ngày 3 - 5/5, Công an tỉnh Nghệ An tổ chức giao lưu, học tập kinh nghiệm giữa lực lượng làm công tác An ninh chính trị nội bộ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và TP Hà Nội.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文