Vượt lên thương tật nuôi con trưởng thành

12:00 29/07/2011
Nhân ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7), tôi đến thăm Trung tâm Điều dưỡng thương binh huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh và đã gặp được những thương binh giàu nghị lực.

Có thể nói, 97 bác thương binh ở đây có 1 điểm chung là đều đã vào sinh ra tử nhiều lần nơi chiến trường và luôn vượt lên thương tật để xây dựng cuộc sống. Người đầu tiên phải kể đến là bác Trần Thị Hồng, thương binh hạng ¼ thời chống Mỹ, đã gửi lại chiến trường đôi cánh tay.

Năm 1969, bác kết hôn cùng với bác Hoàng Văn Uyên là bộ đội. Năm 1970, bác được chuyển về Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành, nhưng bác Uyên vẫn chiến đấu trong miền Nam. Mãi đến năm 1977, bác Uyên mới xin được ra miền Bắc để gia đình đoàn tụ.

Bà Hồng quét sân dù đôi bàn tay không còn.

Một năm sau ngày cưới, bác Hồng sinh được người con trai đầu. Không còn đôi cánh tay nên mọi hoạt động chăm như: bế con, cho con ăn, cho con bú… bác phải trông cậy vào chồng và họ hàng. Sinh con nhưng không có sữa phải nuôi con bằng sữa ngoài rất vất vả, nhưng bác vẫn vượt qua.

Người con thứ hai ra đời, bác cũng lo lắng tưởng chừng phát ốm, mỗi khi con ốm đau. Đến khi 2 con tới tuổi đi học, bác mua vở tập viết về dạy cho con. Không thể trực tiếp uốn nắn con từng nét chữ, bác dùng sợi dây buộc bút vào ống tay rồi viết những con chữ đơn giản nhất, cho con tập đọc. Khi con đi học, phát sinh thêm nhiều chi phí: sách vở, quần áo, đồ dùng học tập… hoàn cảnh khó khăn, càng khó khăn hơn. “Hồi đó trợ cấp của tôi chỉ có 35 đồng/tháng. Tiền ăn đã 21 đồng, 14 đồng còn lại để nuôi con ăn học thì đủ để biết vất vả như thế nào” – bác kể lại.

Hàng ngày, bác và chồng phải làm nhiều công việc như: bán chè vào các phiên chợ, làm thảm bẹ ngô… kiếm thêm nguồn thu nhập nuôi con ăn học.

Sinh ra và trưởng thành trong thiếu thốn, nhưng 2 người con của bác Hồng học hành giỏi giang. Anh con cả đỗ vào khoa toán – ĐH Sư phạm Hà Nội và trở thành thạc sĩ toán học, hiện đang công tác tại Trường THPT chuyên Bắc Ninh.

Anh thứ hai cũng thi đỗ ĐH Giao thông vận tải, sau học thạc sĩ kinh tế và hiện đang công tác tại Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh. Giờ đây khi tuổi đã cao và sức khỏe yếu dần, bác Hồng không còn mấy khi đi chợ bán chè nữa. Hàng ngày, bác ở nhà và vui vầy với đứa cháu nội 5 tuổi.

Không bỏ lại phần thân thể nào nơi chiến trường nhưng bác Nguyễn Văn Yểng lại luôn phải gánh chịu những cơn đau cột sống. Hàng ngày bác phải di chuyển khó khăn trên chiếc xe lăn. Bác kể lại: tháng 4/1969, khi đang kéo pháo vào trận địa thì bị trúng bom. Bác được đưa đi phẫu thuật, nhưng hiện giờ mảnh đạn vẫn nằm trong cột sống, không lấy ra được và những cơn đau luôn hành hạ bác.

Đầu năm 1976, bác được chuyển về Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành. Tại đây bác gặp và đem lòng yêu mến cô hộ lý đảm đang mang tên Nguyễn Thị Lịch. Bác kể: “Mới đầu mình cũng nghĩ bản thân bị thương tật nặng thì ai dám lấy mình, nhưng được đồng đội, bạn bè động viên, giúp đỡ, mình đã mạnh dạn thổ lộ với Lịch”. Một đám cưới ấm cúng diễn ra sau đó không lâu.

Bác Yểng cùng vợ và 2 cháu ngoại, nội.

Năm 1978, vợ chồng bác sinh con trai đầu lòng. Hai năm sau, cô con gái cất tiếng khóc chào đời. Để có tiền nuôi con, hàng ngày ngoài công việc hộ lý trong trung tâm, bác Lịch phải đi lấy thịt lợn ở Hà Nội về bán. Bác Yểng kể: “Tôi thương nhà tôi lắm mà không thể đi lấy hàng giúp bà ấy được. Từ tinh mơ bà ấy phải thức dậy, đạp xe lên Hà Nội. Có lần bà ấy ngủ gật lao hẳn xe lên đường tàu, may mà không sao. Nhiều lúc mưa to gió lớn, sấm chớp đùng đùng… bà ấy vẫn đi bán thịt lợn”.

Ngoài việc bán thịt lợn, hai vợ chồng bác Yểng còn phải làm nhiều việc khác để có đồng ra đồng vào như: làm kẹo vừng, nấu rượu, nuôi lợn… Thương bố mẹ nhọc nhằn nuôi mình khôn lớn, 2 con bác đều ngoan ngoan và gắng sức học hành. Anh cả đậu vào ĐH Quốc gia Hà Nội, hiện đang làm Giám đốc Ngân hàng BIDV của huyện Thuận Thành. Cô con gái học Trung cấp Kế toán và cũng đã hoàn thành liên thông lên Cao đẳng.

Giờ đây, khi đã vào cái tuổi gần đất xa trời, hằng ngày hai bác ở nhà an dưỡng tuổi già. Bác nói vui: “Tôi bảo bà nhà tôi bán thịt lợn đến năm 2000 thì “nghỉ hưu”, khi đó đứa con gái cũng đi làm rồi. Thế mà bà ấy vẫn cố gắng bán đến hết năm 2001 mới thôi”.

Chia tay bác Hồng, bác Yểng, tôi vô cùng cảm phục nghị lực vượt lên thương tật của hai bác để xây dựng cuộc sống gia đình, nuôi dạy con cái trưởng thành và cầu chúc hai bác và gia đình luôn mạnh khỏe, hạnh phúc

Phan Phương Thảo

Ngày 6/5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai đã khởi tố bị can, thực hiện Lệnh bắt tạm giam ông Trần Minh Lợi, Phó giám đốc - Phụ trách Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới Đồng Nai (60-01S) để phục vụ công tác mở rộng điều tra vụ án đưa và nhận hối lộ.

Như thông tin đã đưa, khoảng 3h sáng ngày 6/5, tại số nhà 01B/17 Kiều Đại, phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hoá xảy ra vụ cháy nhà riêng khiến 2 người tử vong. Qua kiểm tra hiện trường, bước đầu cơ quan chức năng nhận định, Bùi Văn G đã phóng hỏa đốt nhà khiến mẹ đẻ ngủ dưới tầng 1 chết cháy, sau đó dùng dao tự sát.

Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an vừa phối hợp Công an tỉnh Nam Định triệt xóa thành công nhóm đối tượng sản xuất, phát tán mã độc trên không gian mạng nhằm mục đích chiếm đoạt tài khoản cá nhân, dữ liệu người dùng trên địa bàn toàn quốc và các quốc gia trên thế giới, bắt giữ 22 đối tượng.

Hội Cựu CAND Việt Nam vạch ra nhiều giải pháp thiết thực nhằm thống nhất trong toàn thể hội viên về nhận thức và hành động, phấn đấu thực hiện mục tiêu giữ gìn và phát huy bản chất tốt đẹp của CAND Việt Nam; đồng thời phát huy nhiệt huyết, trí tuệ, kinh nghiệm, tích cực tham gia các phong trào ở cơ sở, nhất là phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ.

Ngày 6/5, ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tỉnh Ninh Thuận cho biết, cơ quan này đang phối hợp UBND, Công an huyện Ninh Hải và Đồn biên phòng Vĩnh Hải tiến hành kiểm tra, xác minh, xử lý vụ việc nữ du khách đến từ Hà Nội bị hành hung tại bãi Kinh ở xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải.

Trong lúc đang đánh cá trên biển, do lốc xoáy, sóng to đã làm 4 tàu cá ở Quảng Bình gặp tai nạn, trong đó có 3 tàu bị chìm, 1 tàu mất liên lạc. Hiện 11 ngư dân vẫn còn mất tích. Công tác tìm kiếm, cứu nạn các ngư dân mất tích đang được triển khai rất khẩn trương

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文