Âm vang nghĩa trang Trường Sơn

09:00 08/08/2015
Khi tôi vừa bước đến chân đồi nghĩa trang, tiếng chuông đã thỉnh lên như lời đánh thức hương hồn các liệt sĩ chào đón những người thân lên thăm. Đó là cuộc gặp gỡ của những người thân trở về thường ngày. Tôi chợt nhớ đến câu thơ của Giáo sư Vũ Khiêu được khắc lên thành chuông: “Bát ngát Trường Sơn hồn liệt sỹ. Dạt dào Đông Hải khí anh linh. Ba hồi chiêu mộ rung tâm trí. Muôn dặm non sông nặng nghĩa tình”. Đúng là tiếng chuông ngân bát ngát Trường Sơn.

Những kí ức rừng xanh nghĩa trang tuổi trẻ

Hàng chục ngàn liệt sĩ ở lứa tuổi đôi mươi đã nằm lại nơi đây trên những quả đồi thôn Bến Tắt. Họ ở mọi miền quê và hội tụ tại dãy núi Trường Sơn, thuộc Gio Linh. Quảng Trị với những khát vọng vẫn còn ấp ủ cùng với những khúc ca bi tráng, khi đã hy sinh anh dũng cho Tổ quốc. 

Người quản lý nghĩa trang Trường Sơn, ông Hồ Tất Ái kể về người đã tìm ra mảnh đất này là ai. Khi ấy Tướng Đồng Sỹ Nguyên đã lệnh cho đơn vị phải thiết kế và xây dựng một nghĩa trang cho hơn chục ngàn liệt sĩ phải trở thành một công viên tâm linh. Nghĩa trang Trường Sơn phải vừa đẹp, vừa có quy mô xứng tầm với sự hy sinh to lớn của các Anh hùng, Liệt sĩ Trường Sơn. Đúng là một công viên tâm linh cho những trái tim mãi mãi tuổi hai mươi, đầy khát vọng và dâng hiến cho Tổ quốc độc lập tự do. Phần lớn liệt sĩ hy sinh trên Trường Sơn đều nằm trên đất bạn Lào-phía Tây Trường Sơn.

Tượng đài và cây đề thiêng.

Người được giao nhiệm vụ đi tìm địa điểm để tạo nên một công viên tâm linh ấy là ông Nguyễn Lương Cảnh, người ở Nam Lý, Đồng Hới, Quảng Bình. Ông Cảnh chính là người đã từng vẽ bản đồ đường 559 để báo cáo với Bác Hồ, nên rất thuộc núi rừng Trường Sơn ở Gio Linh, Quảng Trị. Đã từng khảo sát nhiều địa chỉ núi rừng, cuối cùng ông Cảnh bất ngờ từ đồi cao ở khu vực Bến Tắt, trên đường 15, phát hiện ra xung quanh có 7 quả đồi tạo nên những dáng hình các chiến sĩ gác súng ngồi nghỉ, giữa núi non trùng điệp, với cánh rừng xanh êm đềm thơ mộng. 

Thêm nữa từ ngọn đồi trông xuống là những vạt thông reo xanh ngút ngàn, trên mấy nhánh sông uốn lượn, cùng những mặt hồ lung linh, đậm ánh sắc trầm tư. Thế là ông Cảnh quyết định chọn nơi này để dựng Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn. 

Hơn nữa nơi đây đã từng là căn cứ của Bộ Tư lệnh Trường Sơn. Nên thế vững trụ, non xanh nước biếc, phong thủy tâm linh thanh thản. Những vần thơ của người chiến sĩ sau này như nói hộ cho những người xây dựng nghĩa trang. Một lời nhắn gửi nặng trĩu tâm tư: “Mãi mãi vẫn còn đây. Nơi yên nghỉ của các anh giờ quây quần nắng gió. Có núi, có sông, có hoa rừng thắm đỏ. Và vang vọng phía cuối trời có tiếng mẹ ru...”.

Tổng diện tích toàn khu nghĩa trang rộng 14ha được xây dựng đúng với một công viên tâm linh tuổi trẻ, quy tụ mộ chí của các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh trên đường mang tên Bác. Công viên này được phân bổ chi tiết với khu trồng cây xanh rộng 6ha, còn khu hồ là 2,3ha, khu tượng đài rộng 0,7ha. Đặc biệt khu đất mộ được dành phần khá rộng rãi 2,3ha và được phân thành 10 khu vực chính, theo quy hoạch từng mọi miền quê khác nhau để dễ thăm viếng... Như vậy là 10.327 ngôi mộ liệt sĩ nằm trải dài trên 5 quả đồi, uốn lượn theo hình vòng cung hướng về phía Tây.

Cùng với công viên cây xanh và hoa nở quanh năm, theo bốn mùa, còn có khu vườn tượng được thiết kế và dựng khá công phu. Nhất là tượng đài chính nằm ở độ cao hơn 30m. Đây là tượng đài bằng đá trắng có hình một ngọn lửa đang cháy, cao vút uy nghiêm. Mọi người đến đây đều thắp hương ở tượng đài này trước khi đi thăm mộ người thân. 

Đáng chú ý là phía sau tượng đài lớn là một cây đề đã được trồng từ năm 1976, vào thời kỳ mới hoàn thành công viên nghĩa trang. Đến nay cây đề đã lớn tỏa bóng mát một vùng rộng lớn quanh tượng đài, tạo nên một không gian tâm linh thanh thản bình yên cho những hương hồn liệt sĩ mỗi lần khi có người thân lên thăm nom và chăm sóc mộ phần. 

Cùng với bố cục khá hoàn chỉnh với mỗi khu đều có nhà tưởng niệm còn có những tác phẩm điêu khắc của nhiều tác giả sắp đặt tạo nên một vẻ đẹp hết sức gợi cảm và chia sẻ với những thân chủ đúng với nghĩa của một công viên tâm linh cho các liệt sĩ. Vậy nên mọi người lên đây có cảm giác như được về nhà với con cháu và trò chuyện với những người thân đã khuất.

Ký ức và tâm linh

Việc nói chuyện với những hương hồn quanh quất đâu đây tưởng như những giả định tâm linh thầm kín, nhưng theo như ông Ái kể có đoàn chiến sĩ thương binh Hà Nội, năm nào cũng lên đây, ngủ đêm với những nấm mộ liệt sĩ. Mới đây thôi, sau lễ cầu siêu cách đây hai tháng, một số thương bệnh binh Thủ đô đã có mặt để trò chuyện với đồng đội, những liệt sĩ Hà Nội nằm yên nghỉ nơi đây. Có anh mù hai mắt, hoặc có người cụt hai chân... họ đã về đây thăm lại chiến trường xưa, thăm lại đồng đội cũ. Các anh thường ngủ lại giữa nghĩa trang. Đốt lửa. Đàn và hát cùng với đồng đội như ngày nào còn bên nhau. Dường như đó là lời gọi và cùng sống lại những năm tháng hào hùng và đầy cam go ngày nào. Đó là những bài ca không bao giờ quên.

Tượng chiến sĩ Trường Sơn.

Thấy chúng tôi hết sức ngạc nhiên về những câu chuyện lạc quan và đầy bí ẩn này, ông Ái còn kể chính những người trông coi nghĩa trang đều gặp gỡ những cảnh tâm linh huyền bí, trong đêm tối. Ban quản lý nghĩa trang chỉ có hơn hai mươi người. Ngoài chuyện chăm sóc công viên nghĩa trang hàng ngày, họ còn thường xuyên thắp hương cho mỗi ngôi mộ vào những ngày rằm và mùng một hàng tháng. Nghĩa là mỗi người phụ trách cả khu mộ có khi phải huy động cả người nhà đi thắp hương suốt ngày mới hoàn thành.

Điều ngạc nhiên hơn nữa là, những người quản trang ở đây có thể nhớ hết tên và vị trí của tất cả các ngôi mộ liệt sĩ trong khu vực có hàng ngàn địa chỉ khác nhau, tùy theo từng địa phương. Chính vì thế khi người nhà lên thăm mộ con cháu thường được các anh chị chỉ dẫn đến nơi đến chốn.

Còn chuyện hồn chiến sĩ thường hiện về trò chuyện hay báo mộng, thì không ít người đã gặp phải nhưng đều là điều lành và thân thiện. Tuy đôi khi có e ngại nhưng ai cũng đều thấy ấm áp tình người. 

Chị Trần Thị Thê, nhân viên ở đây đã hơn hai mươi năm tâm sự, hồi đầu chị em thường đêm đêm, nằm nghe tiếng các anh liệt sĩ hiện lên, cười đùa và hát ca giữa nghĩa trang cũng hoảng lắm. Sau dần quen và thậm chí có những sáng chị còn nghe thấy tiếng các anh gọi nhau tập thể dục thể thao, hoặc chào cờ. Đầu tiên là ngạc nhiên, không tin, ngỡ như ngủ mơ giữa ban ngày vậy. Nhưng dù là sự ám ảnh với ảo giác, hay mộng du trong tâm tưởng mỗi người, ai nấy đều coi mỗi nấm mộ đều là người thân và thường xuyên thắp hương và cầu khấn cho mọi sự bình an. Nên mỗi người đều như có thể lắng nghe các liệt sĩ tâm tình chính từ lòng mình. Tâm linh và lắng nghe trong cõi thinh không là thế.

Do sự linh thiêng của những hương hồn liệt sĩ đã phù hộ cho mọi người đều khỏe mạnh và may mắn nên nhiều người quản trang mỗi khi có việc gì đều đến lễ và xin các anh phù hộ thành đạt. Từ việc làm nhà đến cưới xin và chọn đất làm mộ cho người thân. Ai cũng gặp may mắn và đạt ý nguyện. 

Ông Hồ Tất Ái còn nói cho chúng tôi biết, những năm gần đây có nhiều đôi uyên ương đã đến lễ và cầu xin các liệt sĩ phù hộ cho duyên đẹp tình son. Sau đó họ mới làm hôn lễ. Hoặc ông còn nói nhân viên ông còn được nghe các liệt sĩ về báo mộng trước rằng, hôm sau có người nhà tìm đến. Quả nhiên không ít trường hợp báo mộng đều đúng.

Chính vì thế các quản trang viên ở đây khá tin vào những chuyện tâm linh. Họ đã sống hàng chục năm với hương hồn của hàng ngàn liệt sĩ nên có sự thấu hiểu về một cõi thiêng và chuyện nghe được người chết nói chuyện đối với họ không còn là chuyện kỳ lạ hoặc hoang đường như nhiều người thường nghĩ. 

Được chia sẻ về cõi tâm linh nơi hàng chục ngàn liệt sĩ nơi đây, nhà thơ Đặng Quang Vượng, từ Hà Giang về viếng đã làm một bài thơ về cây đề trong nghĩa trang. Ông viết: “Cây bồ đề có từ khi những linh hồn liệt sĩ về đây yên nghỉ. Cây cứ lớn xanh-xanh màu áo lính. Tán lá tỏa rộng-vòng tay mẹ chở che con khuya sớm. Trong gió rì rào-tiếng mẹ ru...”

Lễ cầu siêu

Ý tưởng hình thành công viên tâm linh đã trải qua 40 năm. Nơi đây gắn bó với Lễ hội Trường Sơn huyền thoại trong hoạt động kỷ niệm ngày Thương binh liệt sĩ hàng năm (27/7) thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn và tình cảm của mọi người đối với sự hy sinh của hàng vạn chiến sĩ đã nằm lại trên dãy núi Trường Sơn. Mới đây trong lễ cầu siêu, hồi tháng 5/2015, các nhà sư đã làm lễ cầu mong cho hương hồn các liệt sĩ được siêu thoát và sống mãi trong lòng mọi người. Sự hy sinh của  các liệt sĩ đã đem lại sự bình yên cho đất nước.

Vừa qua các văn nghệ sĩ Thành phố Hồ Chí Minh đã bày tỏ lòng biết ơn đối với các liệt sĩ qua những tác phẩm nghệ thuật với chủ đề: “Khi được sống hòa bình, hãy nhớ tới anh...”. Họ đã hát lên những bài ca không bao giờ quên. Nghe như “Bài ca Trường Sơn” bỗng vang lên trong lòng tôi. Khi đứng bên tượng các bà mẹ anh hùng, tôi bất ngờ ngỡ như các liệt sĩ vụt đứng dậy. Người cầm đàn, người vỗ trống và ai cũng hát lên những lời, như ngày nào họ còn đang bay bổng ở tuổi hai mươi trong sáng: “Trường Sơn ơi, ơi Trường Sơn ơi đèo vút cao vượt qua mây gió, đạp đá tai mèo bằng sức gió ngàn cân. Đi ta đi những trai làng Phù Đổng, còn gì vui hơn đường ra trận mùa xuân...”

Lương Sử

Trong 11 tháng đầu năm 2024, số ca chết não hiến tạng ở Việt Nam tăng gấp đôi năm 2023. Kể từ ca hiến tạng từ người cho chết não đầu tiên được thực hiện ở Việt Nam vào năm 2008, đây là năm đạt kỷ lục cao nhất về số người chết não hiến tạng.

Chiều 15/11, Công an huyện Thăng Bình (Quảng Nam) cho biết, đã chuyển hồ sơ cùng 2 đối tượng Hồ Xuân Tâm (SN 1998) và Bùi Vinh Quang (SN 1993, cùng trú xã Bình Nguyên, huyện Thăng Bình) đến Phòng ANĐT Công an tỉnh Quảng Nam để tiếp tục điều tra, làm rõ về hành vi tàng trữ tiền giả.

Với chủ đề “Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái”, ngày 15/11, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Công an và Cơ quan của Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2024.

Trong lúc nam thanh niên cầm lái xe máy chở người cha ruột ôm hai bình rượu rắn đi giao cho khách hàng thì bị phát hiện. Khám xét nơi ở của đối tượng, cơ quan điều tra thu giữ thêm nhiều tang vật có liên quan, nhưng phải 4 tháng sau đó, khi có kết luận giám định từ cơ quan chức năng mới khởi tố vụ án và bị can.

Ngày 14/11, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ninh đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với Vũ Đình Kiên - Giám đốc Công ty Cổ phần Thiên Nam về tội “Vi phạm các quy định về khai thác tài nguyên”

Ngày 15/11, Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, quá trình đấu tranh mở rộng chuyên án “Tổ chức đánh bạc và đánh bạc trên không gian mạng” liên quan đến đối tượng Shen Chia Chi (SN 1980, quốc tịch Đài Loan; tạm trú TP Hà Nội) mà Báo CAND đã đưa tin, đến nay cơ quan này đã khởi tố thêm 11 bị can.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文