50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước

Bài 2: Ký ức hào hùng về trận đánh ở chiến dịch Tây Nguyên

07:03 02/04/2025

Trong cuộc đời quân ngũ, Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Đoàn Sinh Hưởng là một vị tướng khá đặc biệt. Ông xem đời mình như số phận đặt vào tay những trận chiến khốc liệt. Năm 18 tuổi, ông được tuyên dương là Dũng sĩ diệt Mỹ, đến 26 tuổi ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND…

Từ khát khao trở thành người lính

Đã 50 năm trôi qua, song ký ức về những ngày máu lửa tháng 3/1975 luôn còn mãi trong tâm khảm của mỗi người lính trực tiếp tham gia trận đánh mở màn tại Buôn Ma Thuột. Để rồi, mỗi lần nhớ lại lòng bồi hồi xúc động về một thời trai trẻ được hoà vào dòng chảy của lịch sử, được góp một phần nhỏ bé cùng dân tộc làm nên đại thắng mùa Xuân 1975.

Trung tướng, Anh hùng LLVTND Đoàn Sinh Hưởng kể về chiến dịch Tây Nguyên.

Với Trung tướng, Anh hùng LLVTND Đoàn Sinh Hưởng cũng không ngoại lệ. Mặc dù 50 năm đã qua nhưng trong ký ức của người lính Cụ Hồ năm xưa, đặc biệt ông là người được trực tiếp tham gia Chiến dịch Buôn Ma Thuột, được có mặt ở thời khắc lịch sử ấy là một kỷ niệm khó phai, kỷ niệm đó sẽ còn mãi với thời gian.

Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng sinh ra trong một gia đình nông dân ở xã Bình Ngọc, thị xã Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Ông kể rằng, từ nhỏ mình  đã có một khát khao được vào quân ngũ. Bởi vậy, khi mới 17 tuổi, chưa đủ tuổi đi bộ đội, người chỉ nặng vỏn vẹn 41kg, bị huyết áp cao, người thấp bé, ông đã đến buổi xét tuyển nhập ngũ ở xã với tinh thần “kiểu gì cũng phải đi bộ đội bằng được”. “Hôm đó, toàn xã có 29 người được gọi nhập ngũ nhưng theo danh sách bị khuyết một người do không đủ điều kiện sức khỏe. Thấy vậy, tôi liền xin thế tên. Vậy là mọi chỉ số về tiêu chuẩn nhập ngũ đã được cán bộ tuyển quân “lén” chỉnh sửa cho phù hợp để tôi được đi đợt ấy. Ngày 28/9/1966, tôi tạm biệt gia đình, quê hương, gửi lại một thời ấu thơ đầy ắp kỷ niệm háo hức vào chiến trường”, Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng nhớ lại.

Những ngày đầu vào quân ngũ là chiến sĩ của Sư đoàn 308 - sư đoàn quân Tiên phong và chiến dịch đầu tiên trong đời lính là chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh, trận chiến vẫn được mệnh danh là “Điện Biên Phủ thứ hai”, ác liệt và đau thương. Khe Sanh với ông là “khe tử” nhưng cũng là một niềm vinh dự. “Đây là lần đầu Sư đoàn 308 trực tiếp đánh Mỹ, thắng Mỹ, cũng là lần đầu tiên tôi ra trận cùng đồng đội được trực tiếp chiến đấu đánh quân chủ lực tinh nhuệ Mỹ, đội quân có trang bị vũ khí hiện đại nhất. Và chúng tôi đã thắng”, Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng kể.

Đến ký ức trận đánh then chốt Buôn Ma Thuột

Trong chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh, Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng là Tiểu đội trưởng Đại đội súng cối 82 ly (Trung đoàn 88, Sư đoàn 308) đã trực tiếp chiến đấu 14 trận, đánh sập 5 lô cốt, phá hủy 1 đại liên, tiêu diệt 15 lính Mỹ, được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ; Dũng sĩ diệt xe cơ giới. Ông được kết nạp Đảng tại trận địa khi tròn 19 tuổi. Sau chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh, ông cùng đồng đội tham gia nhiều trận đánh và nhiều chiến dịch lớn khác. Tuy nhiên, với ông trận đánh vào Buôn Ma Thuột, trận then chốt trong Chiến dịch Tây Nguyên mang mật danh “Chiến dịch 275” là những tháng ngày đẹp đẽ nhất trong cuộc đời binh nghiệp của ông.

Lực lượng quân giải phóng cắm cờ sau khi chiếm được Sở chỉ huy của địch ngày 10/3/1975. Ảnh nhân vật cung cấp

Rồi ông kể, vào ngày 17/1/1975, Trung đoàn Tăng - Thiết giáp 273 của đơn vị ông được lệnh hành quân di chuyển đội hình xuống phía nam Tây Nguyên. Đại đội 9 của ông trong đội hình Trung đoàn bí mật vượt qua 300km an toàn đến vị trí tập kết ở Buôn Gia Wầm, cách Buôn Ma Thuột 40km về phía bắc, sẵn sàng tiến công giải phóng mục tiêu then chốt quyết định là Buôn Ma Thuột.

“Lúc ấy, mọi công tác chuẩn bị hết sức công phu, cả về kỹ thuật và chiến thuật. Đại đội 9 được trang bị toàn bộ xe tăng T-54B thế hệ mới, chúng tôi tổ chức cho từng kíp xe tăng luyện tập kỹ và quyết tâm bảo đảm tác chiến nhanh, chính xác. Lực lượng kỹ thuật tổ chức sấy máy bằng than củi, sấy máy bằng thủ công bảo đảm thông tin được thông suốt”, Trung tướng Hưởng nhớ lại.

Tại vị trí tập kết, ông Hưởng sáng kiến gia cố thêm 10 viên đạn pháo cho mỗi xe tăng, nâng tổng số đạn từ 34 lên 54 viên, đồng thời bổ sung 10 viên cho mỗi xe thiết giáp K-63. Điều này giúp tăng khả năng tác chiến kéo dài và bắn không hạn chế vào các mục tiêu nghi ngờ có địch. Ngoài gia cố đạn, ông Hưởng đề nghị cấp thêm lựu đạn cho xe tăng, riêng xe ông được ưu tiên hai thùng và sử dụng hết trong sáng 10/3/1975 để diệt địch. Ngoài ra, với kinh nghiệm chiến đấu, ông đề xuất, xuất phát sớm hơn lệnh 15 phút, từ 1h45 thay vì 2h sáng.

Cuộc tiến công Buôn Ma Thuột bắt đầu, khi pháo binh và đặc công đánh sân bay, kho Mai Hắc Đế, sân bay Hòa Bình, Đại đội 9 do ông chỉ huy gồm 10 xe T-54B, 10 xe K-63 tổ chức thành 4 thê đội. Ông chỉ huy thê đội 2 và chung cả đội hình, giữ bí mật đến phút chót, địch không hay biết.

“Khoảng 5h30 sáng ngày 10/3/1975, khi pháo binh chuyển làn bắn, xe tăng và cơ giới ta mở tốc lực, húc đổ cây tiến thẳng vào Buôn Ma Thuột. Nhận thấy địch hoang mang cực độ, tôi lệnh bật đèn xe. Đại đội 9 làm theo, các đơn vị khác cũng bật đèn, biến núi rừng Tây Nguyên thành biển lửa, khích lệ quân ta, khiến địch khiếp đảm. Theo kế hoạch chiến đấu, thê đội 1 dẫn đầu đột phá vào cửa mở, để thê đội 2 do tôi chỉ huy thọc sâu vào Sở chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy. Bị dồn vào chân tường, địch chống cự quyết liệt...”, Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng kể.

Cũng theo lời Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng, thời khắc đó hầu hết xe tăng của chúng ta đều có người bị thương, xe tăng 980 do đích thân Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng chỉ huy bị trúng đạn. Trong giây phút đó, người lái xe bị gãy tay, ông liền cho xe lùi lại, đưa đồng chí lái xe ra tuyến sau cấp cứu và điều người khác từ xe 703 lên thay. Từ 5h30 đến 10h30 ngày 10/3, quân ta liên tiếp quần nhau với địch. Pháo phòng không 232 và 234 bảo vệ chặt đội hình tiến công. Tối 10/3, Đại đội 9 và bộ binh áp sát Sư đoàn bộ Sư đoàn 23 ngụy. Theo lệnh, đơn vị dừng lại để củng cố, bổ sung đạn. Ông Hưởng cùng đồng đội trinh sát, chuẩn bị đánh sớm hôm sau. “6h sáng 11/3, khi đơn vị sẵn sàng xuất kích, phát hiện xe địch, tôi lệnh nổ súng, bắn cháy 2 xe M-113 và M-41. Lợi dụng địch hoảng loạn, tôi chỉ huy truy đuổi, bắt Tỉnh phó Đắk Lắk. Xe tăng ta tiếp tục đánh chiếm Sở Chỉ huy Sư đoàn 23, sào huyệt cuối cùng của địch ở Buôn Ma Thuột. Đến 10h, các hướng đồng loạt tấn công, 10h30, xe tăng, bộ binh áp sát cột cờ, Đại đội 9 chốt giữ trận địa, hỗ trợ Tiểu đoàn 4 hạ cờ ngụy quyền Sài Gòn, kéo cờ giải phóng trong niềm vui chiến thắng”, Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng hào hứng kể lại.

Nói đến đây, ông Hưởng nghẹn ngào: “Trong cuộc đời quân ngũ, tôi đã trải qua nhiều trận đánh, tham gia nhiều chiến dịch. Mỗi trận đánh là một thử thách về lòng dũng cảm, sự ác liệt, hy sinh. Giờ đây, chiến tranh đã lùi xa, đồng đội thế hệ tôi người còn, người mất. Trên chính mảnh đất Tây Nguyên hùng vĩ này, biết bao đồng đội tôi đã không may nằm lại, linh hồn và thân thể các anh đã hòa vào đất đỏ Tây Nguyên. Họ đã ngã xuống để đất nước ta ngày càng tươi đẹp, trường sinh”.

Trung tướng, Tiến sĩ Khoa học quân sự Đoàn Sinh Hưởng (nguyên Lữ đoàn trưởng xe tăng 273, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 320, Tư lệnh tăng thiết giáp, Tư lệnh Quân khu 4). Ông sinh năm 1949, tại xã Bình Ngọc, thị xã Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Nhập ngũ năm 1966 khi tròn 17 tuổi. Được phong danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ; Dũng sĩ diệt xe cơ giới và được kết nạp Đảng ngay tại trận địa khi mới 18 tuổi. Ông được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND tháng 9/1975, khi mới 26 tuổi.

Văn Thành

Sau bài viết "Thanh tra tỉnh Bình Dương nói gì về hướng giải quyết dứt điểm vướng mắc Dự án Roxana Plaza", Báo CAND đã nhận được một số ý kiến phản hồi của bạn đọc xưng danh là người mua nhà tại dự án này và cho rằng mình bị lừa, phải khổ sở chờ đợi trong nhiều năm hoặc bị ép trả thêm tiền mua nhà… Để rộng đường dư luận, chúng tôi tiếp tục tìm hiểu, thông tin thêm xung quanh vụ việc này.

Phán quyết phế truất Tổng thống Yoon Suk-yeol hôm 4/4 không chỉ khép lại một chương đầy tranh cãi trong lịch sử chính trị Hàn Quốc, mà còn mở ra một giai đoạn mới đầy bất định. Quyết định này đánh dấu lần thứ hai trong lịch sử hiện đại, một tổng thống dân cử bị phế truất thông qua luận tội (trước đó là bà Park Geun-hye năm 2017).

Ngày 6/4, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã thông tin thêm về những sai phạm xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Chị Em Rọt và Công ty cổ phần Asia life liên quan sản phẩm kẹo Kera. Đáng lưu ý, nguyên vật liệu là rau phải được thu mua từ các nông trại của các nhà sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, nhưng lại mua sẵn bột rau có các hàm lượng dưới mức tiêu chuẩn.

Chiến thắng trước U17 Hàn Quốc của U17 Indonesia tại VCK U17 châu Á 2025 không phải tự dưng mà có. “Trái ngọt” ấy hình thành từ một hệ thống giải trẻ được thực hiện bài bản và quy củ tại đất nước vạn đảo, ngay từ cấp độ 17 tuổi. Đó có thể xem là chuẩn mực để U17 Việt Nam hay rộng hơn là bóng đá trẻ Việt Nam nhìn vào.

Vào những ngày tháng Tư lịch sử, không khí tại TP Hồ Chí Minh náo nhiệt hơn, nhất là khi những tiêm kích Su và trực thăng của Quân chủng Phòng không - Không quân Việt Nam bay tập luyện trên bầu trời thành phố, chuẩn bị cho chương trình kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam (30/4/1975 - 30/4/2025).

Gặp Đại uý Lê Quang Thành, cán bộ Đội phòng ngừa, điều tra tội phạm lĩnh vực sản xuất trái phép chất ma tuý (Đội 5), Phòng CSĐT tội phạm về ma túy - Gương điển hình tiên tiến Công an TP Hà Nội năm 2024; "Gương mặt trẻ Công an Thủ đô xuất sắc tiêu biểu" năm 2024, tôi vừa thấy quen vừa thấy lạ.

Giữa Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, người phụ nữ dáng gầy, tóc bạc trắng, lặng lẽ đặt bó hoa cúc vàng lên phần mộ, trên bia chỉ vỏn vẹn mấy dòng: "Liệt sĩ chưa biết tên, hy sinh năm 1972". Bà đứng lặng rất lâu, rồi khe khẽ gọi: "Có phải con không, Hưng?!".

Những ngày này, khuôn viên Trường THPT thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị rộn ràng hơn bao giờ hết. Cờ, hoa được giăng khắp các dãy nhà, âm thanh của những buổi tổng duyệt văn nghệ chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 50 năm thành lập trường vang lên khắp nơi.

Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật được Công an tỉnh Thanh Hoá ví như "liều vaccine" quan trọng, giúp trẻ vị thành niên tăng sức đề kháng mạnh mẽ trước tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật phát sinh trong đời sống xã hội.

Phong trào Hamas ngày 6/4 (giờ địa phương) tuyên bố đã bắn một loạt rocket vào các thành phố ở phía Nam Israel để đáp trả "vụ thảm sát" dân thường ở Dải Gaza - động thái có thể thổi bùng xung đột giữa hai bên.

Sau chỉ đạo “nóng” của Đại tá Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Công an tỉnh Phú Thọ, các hộ dân xây dựng công trình trái phép, có dấu hiệu trục lợi trong bồi thường, giải phóng mặt bằng công trình trọng điểm quốc gia đường dây 500KV Lào Cai – Vĩnh Yên đi qua địa bàn xã Yên Kiện, huyện Đoan Hùng đã tự nguyện tháo dỡ toàn bộ các công trình xây dựng vi phạm trên diện tích rộng hơn 2.000m2.

Chiều 6/4, tại Họp báo Chính phủ thường kỳ, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phạm Ngọc Thưởng đã giải đáp câu hỏi của phóng viên báo chí về thông tin các trường THCS, THPT sắp tới phải học 2 buổi/ngày, nhiều phụ huynh lo ngại con cái không có thời gian tự học, học kỹ năng mềm, hoặc cơ sở vật chất một số nơi chưa đáp ứng yêu cầu...

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文