Bi kịch của những bà mẹ tuổi teen ven biển Vĩnh Châu

07:18 04/04/2024

Vì nghèo khó, ít học, thiếu hiểu biết… nhiều cô gái đã có chồng, đông con ở thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) bị kẻ xấu lợi dụng, dụ dỗ lấy chồng Trung Quốc để đổi đời… nhưng suýt nữa rơi vào cạm bẫy của những kẻ buôn người.

Sau hơn 10 ngày trở về đoàn tụ cùng chồng, con, chị S.T.M (SN 2006, ngụ thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng) vẫn chưa hết bàng hoàng khi biết mình vừa thoát khỏi tay những kẻ buôn người. Trước đó, chị M gặp người đàn ông ngoài 30 tuổi cùng quê Vĩnh Châu. Biết hoàn cảnh chị khó khăn nên người này làm mai cho lấy chồng Trung Quốc giàu có để đổi đời. Do nghèo khó, đông con, thiếu hiểu biết nên khi nghe người đàn ông gợi ý, chị M đồng ý lấy chồng Trung Quốc.

Giữa tháng 3/2024, người đàn ông này đưa chị M lên TP Sóc Trăng giao cho một phụ nữ lạ mặt. Lên đến TP Sóc Trăng, chị M thấy có 2 cô gái khác cùng quê Vĩnh Châu là chị T.T.T.T. (SN 2006) và chị T.T.L. (SN 2002) đang ở đó. Người phụ nữ mua vé máy bay, đưa cả 3 lên sân bay Cần Thơ bay ra Hà Nội. Khi xuống sân bay Nội Bài, người phụ nữ quê Sóc Trăng bỗng dưng “biến mất”. Có 2 người đàn ông đón 3 cô gái đưa lên một tỉnh biên giới phía Bắc.

“Khi đến đoạn đường vắng, họ cho chúng tôi xuống xe đi bộ theo đường mòn để tránh bị phát hiện. Lúc này có thêm một người đàn ông nữa nhập hội. Ba người họ đưa chúng tôi vào một căn nhà hoang nằm trên đồi nhốt trong đó”, chị M kể.

Khi bị nhốt vào căn nhà hoang, 3 cô gái biết mình đã bị lừa nên tìm cách thoát thân. Lợi dụng mấy người đàn ông sơ hở, chị M lẻn ra ngoài gọi điện thoại cho gia đình nhưng không có sóng. Chị M chạy lên ngọn núi cao phía sau căn nhà để gọi điện thì bị họ phát hiện, bị bắt trở lại và đánh đập. “Rất may chúng tôi phát hiện cửa sau nhà không kiên cố nên cạy cửa trốn thoát”, chị M nhớ lại. Sau 2 giờ vượt rừng, 3 cô gái gặp được các chiến sĩ Bộ đội Biên phòng (BĐBP).

“Các anh BĐBP đưa chúng tôi đến cơ quan Công an để trình báo. Làm việc với các anh Công an xong, chúng tôi liên hệ với người nhà đón về nhưng khi biết gia đình ai cũng nghèo, không có tiền để ra đón nên các anh Công an phối hợp với Tổ chức Rồng Xanh cử người đưa 3 chị em lên xe về Hà Nội, mua vé máy bay bay vào Cần Thơ, về nhà”.

Ban Phụ nữ Công an tỉnh Sóc Trăng thăm hỏi, động viên chị S.T.M vượt qua khó khăn, tìm kiếm việc làm tại địa phương để ổn định cuộc sống.

Hoàn cảnh chị M vô cùng bi đát. Chị M lấy chồng rất sớm, hiện có 4 đứa con (cháu lớn nhất 5 tuổi, cháu nhỏ nhất 8 tháng tuổi) và đang mang thai cháu thứ 5 được 3 tháng. Lấy chồng nhưng không làm đám cưới, không đăng ký kết hôn (vì chưa đủ tuổi). Trước hai vợ chồng ở bên nội, nhưng sau đó dắt díu nhau về sống bên ngoại. Theo hàng xóm, chị M và chồng thương nhau, có con khi còn rất nhỏ. Trong 4 đứa con, có một cháu bị câm bẩm sinh. Vợ chồng con cái dắt nhau về tá túc bên ngoại nhưng nhà ngoại cũng nghèo, đông con. Bà ngoại mới 40 tuổi, có 6 người con. Hàng ngày, chồng M ra biển kiếm cá thòi lòi về bán. Nếu may mắn, một ngày kiếm được khoảng 150 ngàn đồng, chỉ vừa đủ cho cả nhà sinh sống trong ngày. Còn chị M ở nhà giữ đàn con nhỏ dại.

Cùng cảnh ngộ với chị M là chị T.T.L (ngụ xã Vĩnh Tân, thị xã Vĩnh Châu). Chị L gặp người phụ nữ tên Hoàng và được người này nói sẽ giúp đi lấy chồng Trung Quốc để đổi đời. Lúc đó, vợ chồng chị đang “cơm không lành, canh không ngọt” nên chị L đồng ý. Giữa tháng 3/2024, bà Hoàng giao chị cho ông Đen (ngụ thị xã Vĩnh Châu) đưa chị lên TP Sóc Trăng giao cho một phụ nữ đưa sang Trung Quốc như 2 người cùng quê. Gia cảnh chị L bi đát không kém, với 4 đứa con (3 trai 1 gái). Cháu lớn 6 tuổi nhưng chưa được đi học, cháu nhỏ mới 4 tháng tuổi.

Vợ chồng chị L đang ở nhờ trên đất của một người quen trong một túp lều che tạm. Hằng ngày, chị ở nhà trông con, chồng đi kiếm cá về bán mỗi ngày được từ 200-300 ngàn đồng. “Do hoàn cảnh quá khó khăn nên vợ chồng tôi tính gửi các con cho hai bên nội ngoại chăm sóc để lên TP Hồ Chí Minh làm thuê kiếm sống”, chị L nói.

Một lãnh đạo thị xã Vĩnh Châu cho biết đã nắm được trường hợp của chị M và chị L. Địa phương đang phối hợp với các tổ chức, đoàn thể tìm cách giúp đỡ.

Hoàn cảnh của chị T.T.T.T (ngụ phường 2), người suýt bị lừa bán cùng với M và L cũng rất khó khăn nên địa phương cũng đang phối hợp giúp đỡ.

Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Sóc Trăng cũng vừa phối hợp triệt phá đường dây mua bán người dưới 16 tuổi với thủ đoạn sử dụng các trang MXH để nhắn tin dụ dỗ, hứa hẹn “việc nhẹ lương cao” rồi tổ chức cho nạn nhân xuất cảnh trái phép sang Campuchia để bán cho các công ty nước ngoài chuyên lừa đảo giới thiệu việc làm qua MXH. Cụ thể, ngày 24/11/2023, BĐBP tỉnh Sóc Trăng tiếp nhận đơn tố cáo của cháu T.T.D.H (SN 2009, ngụ xã Lai Hòa, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng) về việc bị người phụ nữ tên Ngô Thị Kim Yến, nick Facebook “Yếnn Bắpp” (SN 2002, ngụ phường 2, thị xã Vĩnh Châu), giới thiệu làm việc tại tỉnh Tây Ninh với mức lương 23 triệu đồng/tháng nhưng lại đưa cháu H sang Campuchia làm việc từ 13-16h/ngày; không được trả lương, bị bóc lột sức lao động và đòi tiền chuộc.

Qua điều tra, trinh sát xác định người có nick Facebook “Yếnn Bắpp” không phải là Ngô Thị Kim Yến như cháu H viết trong đơn tố cáo mà tên là Ngô Thị Mỹ Yên (SN 2002). Yên dùng nick Facebook, Zalo “Yếnn Bắpp”, “Mỹ Yến” đăng thông tin tuyển dụng lao động độ tuổi từ 18 đến 35, biết sử dụng máy tính căn bản, làm việc tại tỉnh Tây Ninh, lương từ 20 đến 25 triệu đồng/tháng. Yên trực tiếp đưa nạn nhân đến khu vực biên giới rồi tổ chức xuất cảnh trái phép bằng đường mòn, lối mở sang Campuchia trong đêm tối rồi bán vào công ty chuyên lừa đảo giới thiệu việc làm.

Từ báo cáo của phòng nghiệp vụ, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Sóc Trăng xác lập chuyên án để phối hợp làm rõ hành vi của các đối tượng trong đường dây mua bán người này. Qua đấu tranh, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với Ngô Thị Mỹ Yên về tội “Mua bán người dưới 16 tuổi”; đồng thời bàn giao người, hồ sơ cho cơ quan CSĐT Công an tỉnh Sóc Trăng điều tra theo thẩm quyền; hướng dẫn, hỗ trợ 4/6 nạn nhân tự giải cứu về Việt Nam…

V.Đức – C.Xuân

Tổng công ty điện lực và công ty điện lực các tỉnh tập trung toàn bộ lực lượng, phương tiện, vật tư cần thiết để ứng phó bão số 3, khẩn trương khắc phục các sự cố hệ thống lưới điện đảm bảo an toàn để cấp điện trở lại ngay sau khi bão đi qua.

Trước khi bão số 3 tiến vào Hà Nội, đã có rất nhiều nghĩa cử từ những người dân dành cho nhau trong lúc khó khăn. Đoàn xe ô tô chắn gió cho xe máy trên cầu hay những thông tin chia sẻ nhà ở tránh trú bão là những tình cảm ấp áp đang gây xúc động trên mạng xã hội.

Hàng chục hộ dân đang sống trong các ngôi nhà có nguy cơ sụp đổ trước bão đã được các quận ở Hà Nội di dời đến nơi an toàn, trong đó có 14 hộ dân tại chung cư P16A (phường Thuỵ Khuê) và 3 hộ với 11 nhân khẩu ra khỏi nhà G6A Thành Công (chung cư nguy hiểm cấp độ D). 

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) Nguyễn Văn Hồi cho biết, vụ việc ở Mái ấm Hoa hồng có vấn đề liên quan đến công tác quản lý chưa chắc. Ngay việc hoạt động vượt công suất trên 100% nhưng thanh tra, kiểm tra chưa xử lý được. Đây có vấn đề liên quan đến buông lỏng quản lý.

16h chiều 7/9, người dân Hà Nội đã có thể nhận thấy rõ sự ảnh hưởng rõ rệt của bão số 3 khi mưa lớn diễn ra khắp Thủ đô cùng với gió giật mạnh. Đường phố Hà Nội vắng lặng, lác đác có người di chuyển nhưng rất khó khăn. Lực lượng CSGT ứng trực 100% quân số, liên tục tuần tra, tổ chức cắt dọn cây xanh bị quật đổ.

Nhằm chủ động ứng phó với bão số 3 (Yagi), thực hiện Điện số 03 của Ban Chỉ huy Ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự Công an tỉnh Hà Nam, Công an các đơn vị, địa phương đã chủ động rà soát số lượng nhà không an toàn, đồng thời huy động lực lượng vận động, hỗ trợ nhân dân di rời đến nơi tránh, trú bão an toàn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文