Cảm nhận của một nhà báo “V.C” lần đầu thăm Hoa Kỳ

10:06 21/08/2022

Mùa thu năm 1998, lần đầu tôi đến thăm nước Mỹ. Những ấn tượng về chuyến đi ấy còn mãi. Một nước Mỹ khổng lồ, sôi động với nhiều nét tương phản mạnh mẽ, như một bức tranh nhiều sắc màu sinh động và cuốn hút.

Đó là những cảm nhận của nhà báo Trần Mai Hưởng, cựu PV chiến trường, người từng có mặt tại Dinh Độc lập đúng thời khắc lịch sử trưa ngày 30/4/1975 và lưu danh với bức ảnh nổi tiếng "Xe tăng Quân Giải phóng tiến vào Dinh Độc lập trưa 30/4/1975". Báo CAND trân trọng giới thiệu bài viết ghi lại những hồi ức về nước Mỹ của nhà báo Trần Mai Hưởng trong lần đầu đến thăm xứ sở Cờ hoa năm 1998.

Hai bức tường Việt Nam

Tôi nhớ lần đi bộ ở khu Manhattan cùng nhà báo Bùi Ngọc Hải, Trưởng Cơ quan thường trú của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) tại Liên hợp quốc (LHQ). Giữa những con phố ken dày nhà chọc trời, những ý nghĩ khác nhau chợt đến. Khu đô thị này tiêu biểu cho sự phát triển năng động của nước Mỹ với thị trường chứng khoán, phố Wall, World Trade Center, Empire State Building, Quảng trường Thời đại và tượng Nữ thần Tự do... Nhưng cũng lúc ấy tôi nhớ đến những trận oanh tạc dữ dội của máy bay Mỹ dọc đường 5 suốt những năm dài đi học sơ tán; và những trận B52, bom tọa độ, pháo khoan, pháo chụp, pháo bày… trong Mùa hè đỏ lửa năm 1972 ở mặt trận Quảng Trị, khi tôi là phóng viên chiến trường của TTXVN. Đấy là hai khía cạnh, hai “gương mặt” của nước Mỹ trong suy nghĩ của một người Việt Nam đã phải nếm trải cuộc chiến tranh như tôi.

Giữa những điểm đến hấp dẫn của Manhattan, tôi đã tìm ra một dấu mốc liên quan đến ký ức của tôi ở thành phố này. Đấy là đài kỷ niệm về chiến tranh Việt Nam riêng của NewYork, cách không xa trung tâm tài chính phố Wall. Đài kỷ niệm này được khánh thành vào năm 1985, để tưởng niệm1.741 lính Mỹ là công dân New York đã thiệt mạng trong chiến tranh Việt Nam. Đây cũng là biểu tượng ghi nhận 245.000 binh lính và nhân viên dân sự của thành phố từng trực tiếp tham gia cuộc chiến tranh Việt Nam (từ 1964 đến 1975).

Tác giả bên bức tường ghi tên các quân nhân Hoa Kỳ tử nạn hoặc mất tích trong chiến tranh Việt Nam.

Các kiến trúc sư Peter Wormser vàWilliamFellows đã thiết kế đài tưởng niệm nhỏ, với kinh phí chỉ 2,5 triệu USD bằng tiền quyên góp để ghi dấu một trang buồn của lịch sử NewYork. Những ngày sau đấy, khi đến thủ đô Washington DC, điểm đầu tiên mà tôi được nhà báo Phạm Vỵ, Trưởng cơ quan thường trú của TTXVN tại Mỹ đưa đến thăm cũng là đài tưởng niệm, hay còn gọi là Bức tường chiến tranh Việt Nam, với quy mô lớn hơn. Trên diện tích hơn 8.000m2, khu tưởng niệm là bức tường hình chữ V bằng đá hoa cương, cao 3m,dài 75m, có khắc tên hơn 58.000 chiến binh Mỹ đã thiệt mạng hoặc mất tích khi tham gia cuộc chiến tranhViệt Nam.

Buổi sáng lãng đãng sương. Tôi chậm rãi đi bộ dọc theo bức tường, nhìn những gương mặt đau buồn, trầm ngâm của những ông bà già và những người trẻ bên vách đá lớp lớp tên người. Họ tìm tên người thân, lặng lẽ đặt những bó hoa tươi, lau vội những giọt nước mắt. Tôi hiểu rằng, đối với những con người ấy, chiến tranh chưa thể đi qua. Cuộc chiến tranh Việt Nam đã chia rẽ sâu sắc nước Mỹ và để lại di chứng với nhiều thế hệ người Mỹ. Các thống kê cho thấy, đã có khoảng 200 tổ chức chống chiến tranh ở trên khắp các bang ở Mỹ; 16 triệu thanh niên Mỹ đến tuổi đã chống lệnh quân dịch; 2 triệu người Mỹ bị kết án "gây thiệt hại bất hợp pháp" vì chống chiến tranh Việt Nam; 75.000 người Mỹ bỏ ra nước ngoài vì không chịu nhập ngũ và chống chiến tranh Việt Nam...

Tôi nhớ đến sự thừa nhận muộn màng của ông Robert McNamara, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thời kỳ chiến tranh Việt Nam, một trong những người góp phần hoạch định chính sách Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam: “Chúng tôi đã sai lầm, sai lầmkhủng khiếp. Chúng tôi đã mắc nợ các thế hệ tương lai trong việc giải thích tại sao lại sai lầm như vậy”.

Năm 1972 ở Quảng Trị, cùng các đồng đội, tôi đã sống dọc vĩ tuyến 17, qua lại không ít lần hàng rào điện tử mang tên McNamara, chứng kiến sự phá sản của sáng kiến phòng thủ mà người Mỹ từng đề cao này. Vào buổi sáng ấy, tại khu tưởng niệm, tôi nhớ đến sai lầm mà McNamara đã thừa nhận khi nước Mỹ can thiệp quân sự vào Việt Nam. Giá như ông ta và những nhà hoạch định chính sách của Mỹ nhận thấy sai lầm sớm hơn thì đã bớt được nhiều máu chảy, của cả người Mỹ và người Việt Nam!

Những người Việt ở xứ sở cờ hoa

Tôi đã có những ngày sôi động và nhiều trải nghiệm ở New York. Nhà báo Bùi Ngọc Hải, người đã dành nhiều công sức tổ chức cho chuyến đi của tôi và các đồng nghiệp trong Cơ quan thường trú của TTXVN thời kỳ ấy gồm Bùi Băng Biên, Tô Ân Xô và Lê Văn Lịch đã giúp tôi tìm hiểu và thích nghi với cuộc sống ở đây. Ngoài các chương trình nâng cao về tiếng Anh và truyền thông, tôi có điều kiện tham gia các hoạt động báo chí sôi động ở LHQ, gặp gỡ, tìm hiểu và tham dự một số chương trình đào tạo khác.

Tác giả trong chuyến thăm lần đầu tới Hoa Kỳ.

Cần nhắc lại, vào thời điểm ấy, quan hệ Việt Nam–Hoa Kỳ cũng như quan hệ của Việt Nam với LHQ đang có những bước chuyển mạnh mẽ, sau một thời gian nhiều khó khăn. Ngày 11/7/1995, Tổng thống Mỹ Bill Clinton tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Cùng ngày (sáng 12/7/1995 theo giờ Việt Nam), Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt thông báo quyết định bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa 2 nướcViệt Nam – Hoa Kỳ. Cuối năm đó, Việt Nam và Mỹ khai trương đại sứ quán tại Washington D.C và Hà Nội. Tới tháng 7/1997, hai nước trao đổi đại sứ lần đầu tiên kể từ sau chiến tranh. Ông Lê Văn Bàng trở thành Đại sứ Việt Nam đầu tiên tại Mỹ và ông Douglas Peterson trở thành Đại sứ Hoa Kỳ đầu tiên tại Việt Nam.

Ở NewYork, cơ quan thường trú TTXVN cùng trụ sở với phái đoàn Việt Nam tại LHQ. Chúng tôi có điều kiện gặp gỡ thường xuyên với đại sứ Ngô Quang Xuân và các thành viên phái đoàn. Qua đó, hiểu được nhịp độ khẩn trương trong công việc của cơ quan đại diện Việt Nam tại đây. Việt Nam trở thành thành viên thứ 149 của LHQ vào ngày 20/9/1977. Do chính sách bao vây cấm vận kéo dài suốt thập kỷ 80 nên hoạt động của ta tại LHQ cũng bị khó khăn, kéo dài sang những năm đầu thập kỷ 90. Chính trong bối cảnh đó, vào thời kỳ chúng tôi có mặt, đại sứ Ngô Quang Xuân và những cộng sự của ông tại LHQ đã có rất nhiều cố gắng nhằm xoay chuyển dần phương thức và nội dung hoạt động ngoại giao đa phương của Việt Nam.

Năm 1998 là một năm hoạt động khởi sắc của đại sứ và phái đoàn Việt Nam tại LHQ. Cùng các hoạt động thường xuyên, phái đoàn bắt đầu thực hiện chiến lược vận động để Việt Nam tham gia các vị trí lãnh đạo của tổ chức quốc tế lớn nhất hành tinh này. Lần đầu tiên Việt Nam trúng cử và đại sứ Ngô Quang Xuân thay mặt Nhà nước trong cương vị làm Phó Chủ tịch Đại hội đồng LHQ. Cũng là lần đầu tiên Việt Nam làm thành viên Ủy ban Kinh tế Xã hội của LHQ ECOSOC (nhiệm kỳ 1998-2000), tổ chức quan trọng nhất của LHQ trong lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Với một phái đoàn khoảng vài chục cán bộ nhân viên, khối lượng công việc bề bộn ngày đêm và luôn đòi hỏi khẩn trương, kịp thời, Đại sứ Ngô Quang Xuân và các đồng nghiệp đã làm hết sức mình để góp phần củng cố vị thế và uy tín Việt Nam, bảo vệ màu cờ sắc áo đất nước và dân tộc ta trên trường quốc tế. Năm 1998 nằm trong một thập kỉ tương đối yên bình và thịnh vượng của nước Mỹ. Sự phát triển của Internet đã mở ra một kỷ nguyên mới hoàn toàn về truyền thông, kinh doanh và giải trí. Tại các thành phố, sản lượng của các nhà máy gia tăng, các doanh nghiệp nhỏ phát triển mạnh và thu nhập tăng lên. Nhưng tình trạng bạo lực, ma tuý, phân biệt chủng tộc... vẫn luôn là những vấn đề gay gắt trong xã hội Mỹ. Tỷ lệ người nghèo tuy có giảm xuống nhưng vẫn ở mức 12,3% , với 34,5 triệu người...

Cuộc sống ở New York luôn là một bức tranh cô đọng cho hình ảnh của cả nước Mỹ. Những ngày ấy, ngoài các chương trình học tập, gặp gỡ, tôi dành nhiều thời gian để tìm hiểu cuộc sống sôi động ở đây. Với một chiếc vé tháng đi được tất cả các loại phương tiện, tôi đã đến những khu sang trọng như trung tâm tài chính phố Wall, đại lộ Broadway ở Manhattan... đến các quận ngoại vi như Queen, Brooklyn; thăm những khu phố nghèo ở Harlem, các trung tâm dành cho người vô gia cư, trò chuyện với những người lang thang trên hè phố...

Tôi đã đặt chân lên gần như tất cả các ga Metro, đi trên các tuyến xe busra xa nhất để hiểu về cuộc sống và con người ở thành phố được coi là “thủ đô của thế giới”, thành phố “không bao giờ ngủ” này. Tôi nhớ những chia sẻ buồn của người đàn ông vô gia cư ngay bên cầu Brooklyn tên là Othordox cùng mong muốn về một mái ấm bình yên của ông. Qua những cuộc gặp gỡ, tôi rất ấn tượng với cộng đồng người Việt ở NewYork. Bà con đến từ nhiều vùng, nhiều thời kỳ khác nhau. Những suy nghĩ khác biệt là điều khó tránh nhưng đại đa số đều gắn bó với đất nước. Tôi cảm nhận rất rõ điều ấy qua cuộc gặp mừng năm mới với bà con Việt kiều do đại sứ Ngô Quang Xuân và phái đoàn Việt Nam tổ chức.

Giáo sư Ngô Thanh Nhàn và phu nhân Merle Ratner, nhà hoạt động phong trào cánh tả hàng đầu tại Mỹ để lại trong tôi những tình cảm đặc biệt. Ông bà là những người tham gia phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam từ khi còn trẻ, gắn bó với phái đoàn Việt Nam từ những ngày đầu tiên và dành nhiều tâm sức kết nối cộng đồng người Việt, giúp đỡ, ủng hộ các hoạt động vì Việt Nam.

Tôi cũng đã có cuộc gặp với tiến sĩ Vũ Quang Việt, chuyên viên kinh tế cao cấp của LHQ, để trao đổi tình hình và lắng nghe ý kiến của ông về việc vượt qua những khó khăn, phát triển kinh tế Việt Nam... Trong số những người đã gặp, bác sĩ Lê Đình Kỳ là một người để lại dấu ấn sâu đậm với tôi. Ông người gốc Hà Nội, theo gia đình vào Nam sinh sống từ khi còn trẻ, sang Mỹ học ngành Y và sống tại New York từ trước năm 1975. Năm ấy ông đã gần 70 tuổi, là chuyên gia chụp X quang rất giỏi, làm việc tại một bệnh viện lớn, rất thân thiết với các phóng viên TTXVN. Bác sĩ Lê Đình Kỳ có một tình cảm sâu sắc với quê hương, đặc biệt là Hà Nội, nơi gắn bó với tuổi thơ của ông. Ông là người thông thạo nhiều ngoại ngữ, hiểu biết rộng về xã hội Mỹ và các vấn đề trên thế giới. Tôi nhớ một số lần ông đã phân tích về mâu thuẫn giữa Mỹ và thế giới Ả Rập, cảnh báo về sự tấn công khủng bố của các thế lực cực đoan vào Mỹ. Sau này, khi xảy ra vụ khủng bố 11/9/2001 nhằm vào New York, tôi lại nhớ tới lời tiên đoán của ông. Chỉ tiếc là bác sĩ Lê Đình Kỳ đã mất vào năm 2000, chưa kịp thực hiện lời hẹn về thăm Hà Nội…

Sau khi đi dọc miền Đông, tôi muốn đi ngang nước Mỹ. Trăm nghe không bằng một thấy. Hơn nữa, tôi muốn đến Little Sài Gòn, nơi được coi là thủ phủ của người Việt. Tìm hiểu thông tin về các loại phương tiện, tôi quyết định chọn Greyhound, một hãng chuyên chở khách bằng ô tô với hàng ngàn điểm đến ở khắp nước Mỹ. Greyhound là tên loại chó săn rất nổi tiếng, dáng đẹp. Trên các thành xe của hang đều có hình ảnh chú chó đặc biệt này. Mỗi ngày, hàng chục ngàn hành khách bình dân khắp nước Mỹ lựa chọn đi xe Greyhound. Do tôi đi một mình, nên sự lựa chọn này là thích hợp. Một lý do nữa là giá vé rất rẻ. 

Điều khó khăn nhất là thích nghi với điều kiện sống trên đường. Cuộc sống nhiều năm của một phóng viên giúp tôi vượt qua các trở ngại. Phải quen với việc ngủ ngay trên ghế ban đêm khi xe liên tục chạy. Phải rất nhanh khi đến các điểm dừng để làm các việc cần thiết như ăn uống, vệ sinh cá nhân, mua các suất ăn phù hợp mang theo... Nhờ thế, ở những điểm xe dừng lâu, tôi đều có thời gian tranh thủ tham quan nơi mình đến, có lúc còn kịp đi taxi nhanh một vòng trước khi đi tiếp chặng sau.

Đến sáng ngày thứ tư kể từ khi rời NewYork, tôi đến Los Angeles, thành phố của “các thiên thần”.Tôi đã đi từ thành phố lớn nhất đến thành phố lớn thứ hai của nước Mỹ, từ bờ Đại Tây Dương qua bờ Thái Bình Dương. Chuyến trở về ít ngày sau cũng theo cung đường như vậy nhưng đã quen thuộc hơn. Khi về đến New York, nhà báo Bùi Ngọc Hải và anh em cho biết, tôi là người thứ hai ở phái đoàn thực hiện một chuyến đi như vậy…

Tòa tháp đôi ở NewYork khi còn tồn tại.

Tôi có may mắn được dự ngày hội chợ Xuân ở Little Sài gòn để cảm nhận bản sắc đời sống cộng đồng người Việt trong vùng này. Trên một đường phố rộng rẽ từ đường Bolsa vào, gọi là Asian Village, hội chợ được tổ chức trong ba ngày liền. Một không gian Việt ở nơi xa xôi, vào thời điểm bắt đầu mùa xuân trên quê hương, làm ấm lòng người. Những tấm biển ghi dòng chữ Hội Chợ Xuân Kỷ Mão bằng tiếng Việt treo dọc lối đi. Người mua bán, người đến để thưởng thức không khí ngày xuân, để được gặp gỡ, trò chuyện với nhau. Nhiều người mặc trang phục dân tộc đi cùng con cháu. Các cô gái mặc áo dài các màu. Có cả những người Mỹ da trắng, da đen, người gốc Mexico, gốc Hoa cùng dự. Những món hàng truyền thống bày dọc theo hai bên đường. Những tấm biển hiệu khiến người ta thấy gần gũi: Phở Bắc, phở Paster, bún bò Gia Hội, hủ tiếu Thanh Xuân, cơm tấm giò chả, bánh cuốn Thanh Trì… Những miền quê nổi tiếng trong văn hóa ẩm thực Việt Nam đều có mặt.

Trên một góc phố, một ông đồ già ăn mặc theo lối xưa đang cho chữ. Nhiều người vây quanh. Phía sau đám đông, dọc theo một bức tường lớn, người ta đã đắp lên những phù điêu chạy dài diễn tả các nét chính trong lịch sử Việt Nam như truyền thuyết Lạc Long Quân – Âu Cơ, sự tích bánh chưng bánh dày, phong tục cưới hỏi theo truyền thống xưa.

Một bức tượng Chu Văn An, cao quá đầu người được dựng lên phía bên phải. Đối với những người sống xa quê hương, đặc biệt là thế hệ người Việt sinh ra trên đất Mỹ, đấy là những biểu tượng văn hóa rất có ý nghĩa.

Điều gây ấn tượng mạnh nhất vẫn là hoa, đặc biệt là đào và mai. Gần như cửa hiệu, sạp hàng nào cũng có một cành mai vàng hoặc một cành đào đỏ thắm. Cụ giáo Bùi Trọng, tuổi đã ngoài bảy mươi, đưa tôi đi chơi khu chợ Xuân, cho biết, nhà nào cũng phải có mai, có đào để nhớ không khí Tết quê hương.

Cali là vùng đất của hoa trái, ở đây có mai, đào và nhiều loài hoa khác tương tự như ở Việt Nam. Thung lũng San Joaquin là cái nôi cây trái của cả vùng. Mùa này, có những khu vườn trồng đào nối nhau đến cả trăm cây số. Khách du lịch đến xem rất đông. Cụ giáo Bùi Trọng với tôi là chỗ quen biết cũ. Cụ người Bắc vào Nam dạy học từ những năm 50, sau giải phóng cụ vẫn ở Sài Gòn dạy học rồi mới theo con sang đây đoàn tụ gia đình. Cụ tâm sự: “Những ngày Tết này, càng nhớ quê hương, đất nước. Vào tuổi cổ lai hy như chúng tôi, đời sống xa quê nặng nề lắm anh ạ”.

Tôi hiểu tâm tư của cụ cũng như nhiều người lớn tuổi ở đây. Họ như những cái cây bị bứng khỏi mảnh vườn thân thuộc của mình, ở độ tuổi không còn thay đổi, thích nghi được nữa. Con cái lo làm lụng xoay xở kiếm sống tối ngày. Nhiều người có tuổi không biết tiếng, không còn sức, không có nghề để làm việc, chỉ quanh quẩn ở nhà, sống bằng tiền trợ cấp xã hội. Tại khu Phước Lộc Thọ, thương xá lớn nhất của người Việt, có những dãy bàn cà phê, nơi những người lớn tuổi tụ họp qua ngày cho đỡ buồn.

Khác với những người lớn tuổi, lớp người trẻ ở Cali lo vật lộn để gây dựng cuộc đời. Họ đã làm được nhiều việc. Nhờ cần cù chịu khó, thông minh và khéo léo, người Việt ở đây đã khẳng định được chỗ đứng của mình. Chính họ đã làm cho Little Sài Gòn, vốn là một vùng hoang vắng, được mở mang, phát triển như hôm nay.

Chị Thu Minh, một kỹ thuật viên tin học đã dành nhiều thời gian đưa tôi đến thăm các chùa, nhà thờ mà người Việt hay lui tới. Chị cho biết, có chùa mở lớp dạy tiếng Việt cho các cháu sinh ra ở đây, giáo viên là những người tình nguyện. Chưa có nhà thờ riêng, nhưng các nhà thờ đều có giờ cầu kinh riêng trong ngày cho các giáo dân người Việt. Bà con ở nhiều nơi có các hình thức tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong lúc khó khăn, như hội đồng hương, đồng môn, hoặc các tổ chức nghề nghiệp…

Tôi nhớ lời cụ giáo Bùi Trọng khi cùng con gái út ra tận bến xe chia tay tôi: “Những người không bước qua lòng hận thù để đi tới hòa hợp chỉ là số ít. Đông đảo bà con ở đây chỉ muốn yên ổn làm ăn, vui mừng trước những đổi thay trên quê hương và thành tâm mong cho đất nước giàu mạnh, đồng bào mình ở đâu cũng được yên ổn, no ấm!”. Tôi không bao giờ quên hình ảnh hoa đào thắm, mai vàng bên những cây cọ trên đường Bolsa trong hành trình trở về New York. Có một bản sắc Việt Nam đang lan tỏa sức sống mạnh mẽ ở Cali mùa xuân ấy.

Trần Mai Hưởng

Ngày 21/12, Công an tỉnh Thanh Hoá thông tin, Phòng Cảnh sát hình sự vừa triệt xoá đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua tham gia đầu tư sàn giao dịch chứng khoán. Đây là đường dây do các đối tượng người nước ngoài, câu kết với các đối tượng người Việt Nam thực hiện.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các tỉnh, TP ven biển từ Phú Yên đến Cà Mau theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới; thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh.

Đã gần 10 ngày trôi qua nhưng đến nay, người dân thị trấn Đại Ngãi, huyện Long Phú (tỉnh Sóc Trăng) chưa hết bàng hoàng trước cái chết của bà Sử Thu Nga (SN 1954), mà hung thủ là hai thiếu niên 13 tuổi ngụ cùng địa phương với nạn nhân.

Thời điểm kiểm tra, cơ quan Công an bắt quả tang Đặng Thị Ngọc Hiền (SN 1983) có hành vi mua bán số đề cùng với 8 người khác đang đánh bài ăn thua bằng tiền tại nhà lồng chợ ở xã Hòa Bình (huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long).

Xin bỏ qua các lỗi vi phạm khi tham gia giao thông không được, Nguyễn Đình Toàn (SN 1991, ở Khu 7, thị trấn Gia Lộc, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) đã hất chất bẩn (phân lợn) vào tổ CSGT đang làm nhiệm vụ, gây mất an ninh trật tự, cản trở hoạt động của tổ công tác Đội CSGT. Với hành vi trên, Toàn đã bị khởi tố, bắt tạm giam 2 tháng về tội chống người thi hành công vụ.

Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ và cấp dưới của mình đã “bắt tay” với các đối tượng của Công ty TNHH Môi trường Dương Huỳnh để làm giả các phiếu thử nghiệm chất lượng không khí tại các địa điểm cần quan trắc môi trường để đưa vào báo cáo đánh giá tác động môi trường...

Chỉ vì không có nhiều thời gian kiểm tra, lại đang trong mùa cao điểm “cháy phòng”, nên nhiều khách hàng du lịch tại Tà Xùa, Mộc Châu đã mất khá nhiều tiền chỉ trong vòng vài phút vì dính bẫy lừa đảo fanpage giả mạo. Tiền vừa mất, tật vừa mang, lại thêm ôm bực vào người khi tới điểm du lịch.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文