Cuốn nhật ký của người lính giải phóng gần 60 năm lưu lạc tại Mỹ
Cựu binh Mỹ Peter Mathews đang giữ cuốn nhật ký của một người lính Việt Nam trong chiến tranh. Đã 56 năm trôi đi, chiến tranh lùi xa nhưng ông vẫn luôn canh cánh khi chưa trao trả được cuốn nhật ký của người lính Giải phóng tới gia đình anh…
Nỗi niềm gia đình thân nhân liệt sĩ
Ngày đầu tháng 2/2023, chúng tôi tìm về gia đình liệt sĩ Cao Văn Tuất (thôn Cao Thắng, xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh). Ngôi nhà đơn sơ nằm trong con ngõ nhỏ hẹp, những hạt mưa xuân đang lơ lửng trước hiên càng làm không khí thêm yên tĩnh, trầm buồn. Những ngày này, thông tin về cuốn nhật ký của người lính quân Giải phóng do một cựu binh Mỹ thu được tại chiến trường, đang xôn xao trong làng, ngoài xóm.
Tiếp chúng tôi là anh Hà Huy Mỳ - con trai bà Cao Thị Diếu (chị gái đầu của liệt sĩ Cao Văn Tuất). Ông Mỳ là người lo việc hương khói, thờ cúng liệt sĩ Cao Văn Tuất từ bao năm nay.
Không nén được những giọt nước mắt, anh Mỳ xúc động kể: “Tôi được nghe bố mẹ kể lại, cậu Tuất sinh năm 1942. Cậu đi bộ đội từ năm 1963, đến năm 1972 thì gia đình nhận được giấy báo tử từ đơn vị gửi về. Cậu tôi nhập ngũ khi tuổi đời còn trẻ, mang trong mình ước mơ hoài bão chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Từ ngày cậu tôi đi, đến nay đã gần 60 năm vẫn là khoảng trống không thể lấp đầy đối với gia đình. Giờ đây mẹ tôi (chị gái của liệt sĩ Cao Văn Tuất) và dì tôi (em gái liệt sĩ Cao Văn Tuất) đều đã tuổi cao sức yếu nhưng không ngày nào không mong ngóng tin của cậu tôi. Từ khi biết tin cuốn nhật ký cậu tôi viết đang được một cựu binh người Mỹ lưu giữ, chúng tôi đều vui mừng, xúc động cả đêm không ngủ được. Biết được những dòng tâm sự của cậu tôi, một người lính viết về nỗi nhớ mẹ, nhớ gia đình, người thân… thì chúng tôi càng thêm thương cậu nhiều hơn”.
Ông Mỳ lật giở cuốn “Sổ gia đình liệt sĩ” bấy lâu được gia đình đặt trên bàn thờ thay cho di ảnh và bài vị của liệt sĩ Cao Văn Tuất. Bên trong sổ ghi thông tin ngày hy sinh của liệt sĩ là ngày 10/12/1967. Mốc thời gian này khá trùng khớp với mốc thời gian cựu binh Mỹ nhặt được cuốn sổ ở Tây Nguyên.
Trở lại với câu chuyện hơn 50 năm trước, Đăk Tô tháng 11 năm 1967 là một trận đánh ác liệt kéo dài hàng tháng trời tại Tây Nguyên. Những người lính Giải phóng thường để ba lô ở một khu vực tập kết để tiện di chuyển khi chiến đấu. Cuốn nhật ký gồm 93 trang được Peter Mathews - một xạ thủ súng máy thời đó tìm thấy trong một ba lô dưới chân đồi 724 (tên đồi được đặt theo độ cao của nó so với mực nước biển). Chiếc ba lô nằm giữa một đống ba lô và thi thể những người lính đã dũng cảm hi sinh sau một cuộc chiến. Chiếc ba lô không ở bên cạnh một người nào, cho nên Peter Mathews cũng không biết chủ nhân của nó là ai, ở đâu, còn sống hay đã chết? Peter Mathews đã coi nó như một kỉ vật chiến trường và khi rời Việt Nam, ông đã đem nó về cố quốc và lưu giữ kỹ suốt 56 năm qua, dù không biết rõ chủ nhân của nó là ai.
Gần đây vào một dịp tình cờ, Peter Mathews làm việc tại Upper Saddle River, khi tới một văn phòng đặt tại nhà của một khách hàng, ông bắt gặp chiếc nón lá Việt Nam. Điều đó mở đầu cho cuộc trò chuyện giữa ông với vị khách hàng này, người đã nhận nuôi hai đứa trẻ từ Việt Nam và đã đến thăm đất nước này nhiều lần. Peter Mathews mang cuốn nhật ký tới nhà của khách hàng đó, ông này lại nhờ bạn của mình dịch một số trang. Sau đó Peter Mathews bắt đầu đăng các trang trong cuốn nhật ký lên mạng xã hội với hy vọng thu thập được thêm thông tin.
Sau khi đọc một số trang trong cuốn nhật ký vừa được dịch, Peter Mathews biết tên của người lính là Cao Xuan Tuat, cũng như địa chỉ của người đó tại huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Từ đó càng thôi thúc ông ước muốn tìm kiếm các đầu mối liên hệ cũng như quay lại Việt Nam và tìm ra chủ nhân những dòng chữ cùng các bức vẽ minh họa khiến ông vô cùng ấn tượng, hay chí ít là trao lại di vật này cho thân nhân liệt sĩ để ông khép lại những vết hằn mà chiến tranh.
Hành trình đi tìm chủ nhân cuốn nhật ký
Ngay từ ngày 30/1/2023, sau khi tiếp cận thông tin về việc cựu binh Mỹ tìm chủ nhân cuốn nhật ký, ông Trần Nhật Tân - Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh đã phối hợp với các cơ quan chức năng để rà soát, đối chiếu với danh sách các cựu chiến binh, liệt sĩ tại địa phương.
Đồng thời, thông qua email, ông Tân cũng đã từng bước liên hệ được với tác giả bài viết đăng tải trên tờ báo North Jersey và liên hệ được với nhân vật chính - ông Peter Mathews để nắm bắt thêm những thông tin liên quan, phục vụ cho công cuộc tìm kiếm. Một điều khó khăn là ông Peter Mathews hiện đã 77 tuổi, không thành thạo máy vi tính và các phần mềm chia sẻ hình ảnh, phụ thuộc vào con gái nên việc gửi hình ảnh các trang trong cuốn nhật ký rất chậm, mỗi lần chỉ vài trang.
Sau hơn một ngày để xác minh, tìm kiếm, gửi địa chỉ email liên hệ, ông Peter Mathews gửi một bức ảnh chụp một trang trong cuốn sổ, trong đó có ghi rõ địa chỉ gia đình chủ nhân cuốn nhật ký ở thôn Cao Thắng, xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, có cha là Cao Xuân Kế, mẹ là Lê Thị Vỹ, chị là Cao Thị Diếu.
Sau khi nhận được thông tin khá chi tiết, cơ quan chức năng Hà Tĩnh đã ngay lập tức phối hợp trích lục hàng trăm hồ sơ các cựu binh, liệt sĩ trên toàn tỉnh có họ Cao. Trong đó xác định có 36 liệt sĩ quê Kỳ Anh có họ Cao và 9 liệt sĩ quê Kỳ Anh có tên Tuất, nhưng duy nhất 1 người có họ Cao tên Tuất là Cao Văn Tuất (khác tên đệm), ở xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh có nhiều thông tin khá trùng khớp.
Ngoài ra, theo thông tin từ Công an tỉnh Hà Tĩnh, sau khi rà soát dữ liệu dân cư và xác định không có ai có đầy đủ tên Cao Xuan Tuat như trong cuốn sổ ghi chép có hộ khẩu tại Hà Tĩnh. Một người bạn cùng tham gia bộ đội cùng thời điểm với liệt sĩ Cao Văn Tuất cũng xác nhận chữ viết trong sổ ghi chép là của liệt sĩ Cao Xuân Tuất.
Bên cạnh đó, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và huyện Kỳ Anh cũng cung cấp tên 1 liệt sĩ là Cao Văn Tuất, quê ở Kỳ Xuân, Kỳ Anh như trên. Liệt sĩ Cao Văn Tuất có bố là Cao Văn Kế (đã mất), mẹ là Lê Thị Vỹ (đã mất) và 3 người chị gái Cao Thị Diếu, Cao Thị Nồng và Cao Thị Nành (đã mất). Tuy nhiên, do nhiều lý do khách quan, gia đình chỉ còn lại một ít hồ sơ về liệt sĩ Cao Văn Tuất và đáng tiếc di ảnh liệt sĩ cũng không có. Đến nay dù nhiều nỗ lực vẫn chưa tìm được thông tin về phần mộ của liệt sĩ.
Các cơ quan chức năng Hà Tĩnh hiện đang tiếp tục liên hệ với ông Peter Mathews để có đầy đủ nội dung cuốn nhật ký.Toàn bộ tài liệu liên quan đã được cung cấp cho Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh để làm các thủ tục theo đúng quy định. Các cơ quan liên quan cũng đang kết nối để ông Peter Mathews có thể sang Việt Nam trong thời gian sớm nhất và tổ chức trao trả lại gia đình liệt sĩ cuốn sổ ghi chép theo nguyện vọng.
Hành trình đi tìm chủ nhân quyển sổ là cách để Peter Mathews được xoa dịu những vết hằn và những ám ảnh mà chiến tranh để lại trong ông, giúp ông sống thanh thản trên cõi đời còn lại. Đó cũng là khát vọng hòa bình, hữu nghị giữa những con người và giữa các dân tộc với nhau trong một thế giới dễ bị tổn thương bởi khủng hoảng, chiến tranh.