Đi tìm lời giải cho bài toán xuất cảnh lao động chui
>> Bài 2: Vỡ mộng nơi đất khách
Việc đẩy mạnh chính sách biên mậu cũng như thực hiện chủ trương giãn dân ra vùng biên giới để phát triển kinh tế của Nhà nước Trung Quốc đã tạo nên nhu cầu lớn trong sử dụng lao động phổ thông để xây dựng cơ sở hạ tầng vùng biên mà lực lượng lao động tại chỗ không thể đáp ứng.
Chính sách trên đã thu hút lao động ở các vùng lân cận, trong đó có lao động từ Việt Nam sang. Bên cạnh đó, mức lương cũng là điều đáng được quan tâm.
Hiện nay, mức lương trả cho người lao động ở Trung Quốc cao hơn ở Việt Nam nhiều lần, trong khi Việt Nam và Trung Quốc có biên giới dài, việc đi lại qua biên giới tương đối dễ dàng (dù người lao động vẫn biết là bất hợp pháp)…
Về phía người lao động Việt Nam, do trình độ hiểu biết còn hạn chế, do thất nghiệp hoặc có mức thu nhập thấp nên họ dễ bị lôi kéo, rủ rê, bị hấp dẫn bởi mức thu nhập ở nước ngoài.
Trong khi đó, công việc tại Trung Quốc chỉ có tính chất “thời vụ”, giản đơn nên nhiều người lao động có thể tranh thủ lúc nông nhàn để sang Trung Quốc kiếm thêm việc.
Công an huyện Hạ Hòa (Phú Thọ) tuyên truyền người dân cảnh giác không bị dụ dỗ xuất cảnh trái phép. |
Thực tế các vụ việc được phát hiện trong thời gian qua cho thấy, phần lớn lao động Việt Nam sang Trung Quốc làm việc đều là lao động phổ thông, trình độ văn hóa thấp, không có tay nghề nên thường phải làm những công việc nặng nhọc, thời gian và cường độ lao động lớn nhưng điều kiện làm việc không đảm bảo, việc trả lương không đúng thỏa thuận hoặc không tương xứng với công sức bỏ ra, có trường hợp còn bị chủ sử dụng lao động quỵt tiền bằng nhiều thủ đoạn, bị một số đối tượng xấu đưa dẫn chiếm đoạt tiền, tài sản.
Theo thống kê của một số tỉnh phía Bắc, số lượng người Việt Nam sang Trung Quốc để lao động ngắn hạn, trong các vụ mùa ngày càng có xu hướng gia tăng.
Tại các địa phương, đặc biệt là các tỉnh phía Bắc (như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hà Giang v.v...) có biên giới tiếp giáp với Trung Quốc, các cơ quan chức năng đã đẩy mạnh đối ngoại với Công an tỉnh tiếp giáp biên giới Trung Quốc; trao đổi, làm việc với các cơ quan chức năng và đề nghị phía Trung Quốc nghiên cứu chính sách để công dân Việt Nam có nhu cầu sang lao động tại các tỉnh biên giới của Trung Quốc (kể cả lao động thời vụ) được nhập xuất cảnh vào lao động hợp pháp và có chính sách bảo vệ quyền lợi hợp pháp của họ trong thời gian cư trú và lao động tại Trung Quốc, cũng như hợp tác trong lĩnh vực đấu tranh phòng, chống tội phạm, đảm bảo an ninh biên giới, giải quyết vấn đề di cư tự do, xuất nhập cảnh trái phép v.v...
Thế nhưng, giữa Việt Nam và Trung Quốc chưa có thỏa thuận về việc hợp tác lao động. Vì thế, số lao động thời vụ Việt Nam sang Trung Quốc là hoàn toàn trái pháp luật. Ngoài những rủi ro trên, họ còn đối mặt với nguy cơ trở thành nạn nhân của các đường dây mua bán người…
Thực tế cho thấy, con số nạn nhân bị mua bán có thể còn lớn hơn rất nhiều, tuy nhiên do nạn nhân thường mặc cảm, tự ti, sợ ảnh hưởng đến danh dự và cuộc sống cá nhân nên họ thường không khai báo.
Hiện nay, nhằm bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam ở nước ngoài, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã tiến hành nhiều biện pháp như hoàn thiện hệ thống pháp luật, thúc đẩy trao đổi thông tin với cơ quan chức năng của nước bạn, tăng cường tuyên truyền đối ngoại và giáo dục công dân nhằm tăng cường hiểu biết và hiệu quả thực thi pháp luật về bảo hộ công dân.
Bên cạnh đó, đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhân dân các quy định về pháp luật xuất nhập cảnh, chính sách xuất khẩu lao động, cảnh báo về những rủi ro có thể xảy ra với người lao động.
Về phía lực lượng chức năng gồm Công an và Bộ đội biên phòng đã tăng cường tuần tra, kiểm soát biên giới, nhằm ngăn chặn người Việt Nam xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc, cũng như những người từ Trung Quốc tự trở về hoặc bị đẩy về qua đường mòn biên giới.
Song để nâng cao hơn nữa hiệu quả ngăn chặn, ngoài việc đưa ra xét xử công khai, lưu động một số vụ án liên quan đến tổ chức đưa người xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động thời vụ thì cũng cần nghiên cứu, đề xuất ký kết thỏa thuận về hợp tác lao động với Trung Quốc, để có thể bảo vệ được quyền lợi của người lao động.
Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có quy định về hợp đồng cá nhân.
Tuy nhiên, những quy định trong luật chưa hoàn toàn phù hợp với hình thức đi làm việc của lao động các tỉnh biên giới nói chung, với các tỉnh có đường biên giới với Trung Quốc nói riêng. Do đó, việc quản lý và bảo vệ đối tượng lao động này còn gặp nhiều khó khăn.
Đến thời điểm này, nhiều địa phương đã có những mô hình hay, cách làm hợp lý nhằm ngăn chặn tình trạng xuất cảnh lao động trái phép.
Tại Lào Cai, Công an, Biên phòng Lào Cai ký biên bản ghi nhớ, duy trì giao ban với Công an tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) về phòng, chống tội phạm, quản lý xuất nhập cảnh, quản lý trật tự ở khu vực biên giới; duy trì đường dây nóng giữa Phòng Cảnh sát hình sự với Cục Công an Hà Khẩu, Châu Hồng Hà, huyện Kim Bình, Mã Quan.
Công an, Biên phòng Lai Châu, Hà Giang ký biên bản ghi nhớ với Công an Vân Nam về phòng, chống tội phạm mua bán người và đảm bảo an ninh trật tự ở địa bàn biên giới.
Đặc biệt, huyện Mèo Vạc (Hà Giang) ký thỏa thuận với huyện Phú Ninh (Trung Quốc) về quản lý lao động thời vụ sang Trung Quốc, 2 bên thống nhất: người Việt Nam sang Trung Quốc lao động thời vụ phải có giấy thông hành do xã biên giới cấp, xác định độ tuổi từ 18-50 tuổi, ghi rõ địa điểm, phạm vi đến, thời gian lao động là 1 năm; chủ doanh nghiệp Trung Quốc phải chịu trách nhiệm nếu vi phạm hợp đồng, cơ quan quản lý nhà nước là Ủy ban nhân dân cấp huyện… Với những biện pháp đồng bộ của lực lượng Công an, Biên phòng kết hợp với công tác tuyên truyền, giáo dục hy vọng rằng mỗi người lao động sẽ biết cách tự bảo vệ mình tránh rơi vào cái bẫy của xuất cảnh lao động chui. |