Đồng bào S'tiêng lớn tuổi đi học xóa mù chữ

06:01 26/02/2024

Một lớp học đặc biệt ở tỉnh Bình Phước dành cho đồng bào S'tiêng được khai giảng vào cuối tháng 7/2023, với 35 "học sinh". Bà Thị Long 65 tuổi,  lớn tuổi nhất lớp. Số đông có độ tuổi từ 30-45, nhỏ nhất 12 tuổi. Đặc biệt hơn nữa, nhiều cặp "học sinh" là hai bà cháu, hai cha con, hai mẹ con, hai anh em. Đến với lớp học, ai cũng có mong ước giản dị là biết đọc, biết viết.

Buổi tối ngày đầu năm mới, chúng tôi được anh Phan Văn Thưởng, chuyên viên Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phú Riềng dẫn đường đến với lớp học. Nhà văn hoá thôn 6, xã Long Tân, huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước - nơi tổ chức lớp học - nằm lọt thỏm trong vườn cao su. Lớp học với 35 "học sinh", già, trẻ, gái, trai có đủ. Cảm nhận là ở họ ai cũng háo hức, cũng đam mê, cũng thích học, không hề ngại ngùng khi ngồi cùng con, cháu để tập viết, đánh vần từng con chữ.

Toàn cảnh lớp học.

Anh Điểu Sen, 36 tuổi cho biết, ước mong giản dị của anh là biết đọc, biết viết. Anh nói: "Vợ tôi biết chữ rồi, đi làm công ty rồi. Nó nhắn tin điện thoại mà không biết nhắn gì, phải nhờ con trai, nhưng có lúc con đang đi học ở trường là bó tay, lại phải nhờ hàng xóm, ngại lắm. Sau mấy tháng đến lớp, tôi cũng biết đọc, biết viết tạm tạm rồi. Tôi tính khi nào… thật ngon mới thôi".

Bà Thị Long nay đã 65 tuổi. Bà đang ngồi học cùng đứa cháu ngoại tên Điểu Trường, 12 tuổi, ngồi ngay giữa lớp học. Bà Thị Long nói: "Ngày xưa nhà nghèo lắm, nhiều con lắm, phải đi làm kiếm miếng ăn, có thời gian học đâu. Giờ tụi nó lớn, có vợ có chồng hết rồi mới đi học được. Học miễn phí hết, không tốn tiền. Tập vở, bút này cũng không phải mua, cô giáo phát cho. Học để biết cái chữ, để xem điện thoại, biết viết tên mình thôi. Trước đây đến xã làm cái giấy tờ gì, họ nói ký tên nhưng có biết chữ đâu mà ký, họ phải lấy ngón tay điểm chỉ, kỳ lắm. Giờ thì tôi đã biết đọc, biết viết nhưng chưa biết nhiều đâu. Ký tên thì chữ ký chưa giống nhau lắm". Bà Thị Vân, 56 tuổi, em gái bà Thị Long cũng đang cùng cháu ngoại học trong lớp này. Ông Điểu Huân, 53 tuổi, cũng siêng năng tham gia lớp từ những ngày đầu, nay đã dần quen.

Chị Thị Hạnh và con trai Điểu Khắc đang chăm chú ngồi học.

Cô Đào Thị Yên, phụ trách lớp cho biết: "Nhiều người dân nơi đây "mù chữ", họ gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống, nhất là khi cần giải quyết các thủ tục hành chính. Lớp học nhằm giúp họ, từng bước nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần". Phụ trách lớp học đặc biệt này, ngoài cô giáo Đào Thị Yên còn có cô Tạ Thị Hoan. Cả 2 cùng sinh năm 1984, cùng là giáo viên Trường Tiểu học Lê Hoàn, xã Long Tân, huyện Phú Riềng và đều có thâm niên gần 20 năm "gõ đầu trẻ".

Cô Hoan cho biết, thôn 6, xã Long Tân có 290 hộ thì 232 hộ là người dân tộc thiểu số S'tiêng, hơn 100 người trong số này chưa biết chữ. Họ đều khó khăn vì không có đất canh tác, nguồn thu nhập chính là đi làm thuê. "Cứ đến mùa thu hoạch là họ lại kéo nhau đi làm thuê, hết vụ mới về. Họ đi là đưa cả gia đình đi. Cuộc sống du canh du cư như vậy ảnh hưởng rất lớn đến những đứa trẻ. Nhiều gia đình vì lo miếng cơm manh áo, không còn tâm trí lo chuyện học hành cho con cái. Khó khăn không nhỏ cho địa phương khi muốn ổn định cuộc sống người dân, nhất là chuyện học hành cho trẻ em. Khi có chương trình xóa mù này, xã đề nghị, tôi và cô Yên đồng ý ngay. Tôi chỉ mong muốn tất cả người già, trẻ em đều biết chữ", cô Hoan nói.

Cô Đào Thị Yên cho biết: "Để dạy hiệu quả, mình phải có phương pháp dạy đặc biệt, giúp họ dễ hiểu, dễ nhớ, cách nói năng, truyền đạt kiến thức cũng khác hoàn toàn ở trường và luôn tạo không khí sôi nổi, vui tươi trong lớp. Người lớn, trẻ em trong lớp đều thiệt thòi, lại thêm chậm tiếp thu so với trẻ bình thường. Vì thế họ rất cần sự nhẹ nhàng, ân cần. Khó nhất là chỉnh cách phát âm, bởi ở nhà họ không nói tiếng Kinh. Ngay cả nói bình thường với mình đã khó nghe, huống gì đọc, đánh vần đúng theo sách".

Về sự khác biệt giữa dạy ở lớp học xóa mù chữ này với ở trường chính quy, cô Yên cho rằng: "Khác nhiều lắm. Ở trường mọi hoạt động đều theo nội quy, học theo giáo án, đúng tiến độ.  Ở đây, cũng dạy theo giáo án, nhưng không bắt buộc theo tiến độ. Bà con tiếp thu chậm hơn, đa số lại là lao động chính, ban ngày họ phải đi làm, nhiều lý do để nghỉ học mà không báo trước. Khi họ đi học trở lại, mình phải dạy lại các bài hôm trước. Nếu bỏ 1-2 buổi là họ không thể theo kịp, nảy sinh tâm lý chán nản, họ nghỉ ngay. Mục tiêu của chúng tôi là tất cả mọi người cùng biết đọc, biết viết, chứ không phải chạy theo chương trình hay thành tích".

Bà Thị Long rất chịu khó, đến giờ đã đọc, viết rất tốt, còn biết các phép tính trong phạm vi 100 nữa. Từ khi mở lớp đến giờ, bà con rất hứng thú nên sĩ số tăng dần chứ không giảm. Đó là niềm vui lớn. Nay tất cả đều biết đọc, biết viết, nhiều người biết cả làm toán nữa", cô Đào Thị Yên  hồ hởi

"Lớp học đặc biệt ở xã Long Tân được duy trì từ tháng 7/2023 đến nay, vào tối thứ 2,4,6 hàng tuần. Thời gian đầu có 32 học viên đăng ký, đến thời điểm hiện tại đã tăng thành 35 học viên. Lớp học dự kiến sẽ kết thúc vào cuối năm 2024", ông Phan Văn Thưởng, chuyên viên Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phú Riềng cho biết.

Đức Trí

Sau khi Đề án "Tổng thể xử lý ô nhiễm môi trường phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh, giai đoạn 2022-2030" được Ban thường vụ Tỉnh ủy thông qua, UBND thành phố Bắc Ninh đã tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp, hiện trạng ô nhiễm môi trường tại phường Phong Khê có những chuyển biến theo hướng tích cực, nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường nâng cao hơn so với trước đây. Tuy nhiên, việc xử lý vẫn còn đang trong quá trình thực hiện, cần sự quyết liệt mạnh mẽ hơn nữa của các cơ quan chức năng và sự chấp hành nghiêm túc của người dân.

Ngày 18/10, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Lào Cai ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tàng trữ, mua bán trái phép chất ma tuý xảy ra tại tổ dân phố số 3, thị trấn Nông trường Phong Hải, huyện Bảo Thắng (Lào Cai); đồng thời ra quyết định khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam 3 đối tượng để điều tra về hành vi nêu trên.

Osho, nhà huyền môn nổi tiếng của Ấn Độ nói: “Tình yêu là vô nghĩa nếu bạn không yêu, khi bạn yêu, chỉ khi đó mới có ý nghĩa”. Câu ấy ám ảnh tôi khi chạm phải những bài thơ của Như Bình. Thế giới này sẽ vô nghĩa nếu con người không mang lại điều gì cho nhau. Tình yêu - một phạm trù lớn và sống còn của con người.

Tạo lập tài khoản giả gái đẹp, tạo quan hệ yêu đương sau đó dẫn dụ đầu tư tài chính, hùn vốn làm ăn, mở công ty… để lừa đảo. Chiêu trò này đã khiến nhiều nạn nhân phải lòng “gái ảo”, nhưng tiền thì mất thật.

Dự án Nhà máy Sản xuất bánh kẹo, đồ dùng gia dụng Tân Tiến Phát tại Hà Tĩnh có tổng vốn đầu tư 70 tỷ đồng được chấp thuận chủ trương từ 7 năm trước nhưng đến nay vẫn án binh bất động. Trong khi đó, người dân có đất bị thu hồi “kêu trời” vì không có đất sản xuất, trong khi tiền đền bù chưa được chi trả.

Với chủ đề “Hồ Chí Minh – Hành trình khát vọng 2024”, Chương trình “Giao lưu các điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2024” đã được Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Tỉnh ủy Khánh Hòa và Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức tại TP Nha Trang tối qua (17/10).

Sau gần 1 tháng xét xử sơ thẩm, ngày 17/10, TAND TP Hồ Chí Minh đã tuyên án đối với bị cáo Trương Mỹ Lan và 33 đồng phạm trong “đại án” Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2. Trong vụ án này, các bi cáo bị truy tố về các tội danh “Lừa đảo chiềm đoạt tài sản” “Rửa tiền” và “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”. Bị cáo Trương Mỹ Lan bị truy tố cả 3 tội danh trên.

Ngày 31/10/1974, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nam Định được thành lập. Với vai trò nòng cốt bảo vệ ANTT, bảo vệ sự bình yên cho nhân dân trên địa bàn tỉnh, 50 năm qua, những thế hệ cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nam Định luôn chủ động phòng ngừa và tích cực đấu tranh trấn áp tội phạm, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文