Đường về nẻo thiện của phạm nhân được đặc xá ở trại giam Kim Sơn

21:12 31/08/2021

Qua họp xét,  Trại giam Kim Sơn đã đề nghị cho 63 phạm nhân đủ điều kiện theo Quyết định đặc xá của Chủ tịch nước năm 2021. Trong niềm phấn khởi vì được ra tù theo diện đặc xá, nhiều phạm nhân bày tỏ sự biết ơn của mình đối với những cán bộ quản giáo đã quan tâm, giúp đỡ, động viên họ trong những năm tháng cải tạo, trở về nẻo thiện.

Không ít phạm nhân được đặc xá dịp này ở trại giam Kim Sơn  đóng quân tại tỉnh Bình Định) đã xúc động chia sẻ,  quãng thời gian cải tạo ở trại là dấu ấn khó quên và những lời chỉ dạy chân thành ấy của quản giáo, các bộ trại sẽ luôn là sự động viên, nhắc nhở để họ hướng thiện, vững bước trên con đường tái hòa nhập cộng đồng.

Được cán bộ đề nghị cho mượn tiền mà không dám

Đó là câu chuyện mà nữ phạm nhân Trần Huỳnh Kim Cẩm, SN 1981 ở Nhơn Phúc, thị xã An Nhơn (Bình Định) viết trong bài cảm tưởng của mình trước khi rời trại giam trở về theo diện đặc xá. Cẩm sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng và dưới sự giáo dục nghiêm khắc của gia đình, cả ba anh em Cẩm đều học xong PTTH và thi đỗ các trường Đại học. Sau khi ra trường, Cẩm về làm thủ quĩ tại UBND xã Nhơn Phúc và chính tại nơi quê nhà này, vì những việc làm thiếu suy nghĩ mà Cẩm làm thâm thụt quĩ, phải trả giá bằng bản án 15 năm tù về tội tham ô tài sản.

Phạm nhân Huỳnh Thị Kim Cẩm.

“ Sau khi về trại giam Kim Sơn thi hành bản án, tôi được tham gia lớp học giáo dục công dân và phổ biến kiến thức pháp luật đã giúp tôi mở mang thêm về kiến thức và hiểu biết. Và tôi hiểu rằng mình phải chấp hành án tốt, tích cực học tập, lao động và khắc phục hậu quả đã gây ra thì mới có cơ hội sớm trở về” - Cẩm chia sẻ suy nghĩ của mình.

Theo lời nữ phạm nhân này thì trong quá trình cải tạo, mỗi lần có dịp gặp gỡ người thân, Cẩm lại động viên gia đình thu xếp để khắc phục cho xong số tiền phải bồi thường là 200 triệu đồng. Nhưng “gia đình tôi quá khó khăn nên còn thiếu 10 triệu đồng nữa không thể xoay sở được. Tới gần ngày xét giảm mốc đầu tiên của tôi, cán bộ Nguyễn Thanh Phúc đã gặp tôi và nói: “Sao chị không nói tôi sẽ cho mượn tiền đóng cho xong để được xem xét giảm án chứ. Nếu xếp loại cải tạo tốt sẽ được sẽ được giảm thêm 1 tháng nữa đó”. Thực sự tôi không dám mượn nhưng khi nghe cán bộ nói vậy tôi rất vui và ấn tượng mãi đến giờ và về sau. Tôi cảm nhận được sự tin tưởng và gần gũi của cán bộ đối với phạm nhân như tôi. Qua đây, lần nữa tôi xin được cảm ơn cán bộ Nguyễn Thanh Phúc”.

Cán bộ Trại giam Kim Sơn giáo dục tái hoà nhập cộng đồng cho phạm nhân.

Do cải tạo tốt và khắc phục xong số tiền phải bồi thường nên trong quãng thời gian 7 năm 8 tháng chấp hành án, nữ phạm nhân này đã 3 lần được xét giảm án  tổng cộng 30 tháng tù giam. Dịp đặc xá năm nay, Cẩm đủ điều kiện để có tên trong danh sách được đề nghị đặc xá.

Đặng Xuân Vương là phạm nhân trẻ tuổi nhất của Trại giam Kim Sơn được đề nghị đặc xá lần này. Vương sinh năm 2000, năm nay mới 21 tuổi nhưng năm 2018 – khi chưa tròn 18 tuổi, Vương đã phạm tội. Vốn không chịu học hành, rèn luyện, Vương theo bạn bè đua đòi, chơi bời rồi tham gia các nhóm đòi nợ, gây thương tích. Do có mâu thuẫn với một nhóm khác, ngày 27/2/2018, Vương cùng với 1 số đối tượng chế tạo bom xăng rồi mang theo kiếm tự tạo đánh nhau với nhóm của Nguyễn Trí Vương. Hậu quả làm anh Nguyễn Văn Mãi bị bỏng và nhiều thương tích với tỷ lệ 64%. Vương và đồng bọn bị bắt. Dù không trực tiếp gây ra thương tích của anh Mãi nhưng với vai trò đồng phạm, Vương bị kết án 4 năm tù giam.

“Lúc ở nhà, cháu mải chơi đua đòi, không biết suy nghĩ, cũng không biết làm việc gì. Ở Trại giam Kim Sơn, cháu được các cán bộ giảng giải, dạy dỗ, đặc biệt, cán bộ Trần Châu đã tận tình chỉ bảo, khuyên nhủ, giúp đỡ nên cháu đã hiểu thế nào là làm người có ích, thế nào là tình người, là tình yêu thương gia đình, cha mẹ. Cháu cũng được học cách trồng cây, cấy lúa, nuôi lợn, nuôi gà. Đây là những việc mà những bạn gia đình làm nông như cháu đều biết làm từ bé, nhưng cháu chỉ mải đua đòi nên không chịu làm. Giờ cháu mới hiểu, có lao động mới hiểu giá trị của cuộc sống”.

Phạm nhân Đặng Xuân Vương.

Được cán bộ giáo dục, Vương nhận ra lỗi lầm, tự giác viết thư xin lỗi gia đình nạn nhân, nhờ bố mẹ bồi thường thiệt hại, giúp đỡ gia đình nạn nhân. Nhờ đó, kết quả cải tạo của Vương luôn đạt loại khá và có tên trong danh sách đặc xá đợt này. “Cháu vui lắm, lần này về cháu không bao giờ theo chúng bạn hư nữa. Sẽ giúp đỡ bố mẹ, không để bố mẹ buồn, lo nữa”.

Lời nhắn nhủ của cán bộ giúp tôi cải tạo dễ dàng hơn

Đó là cảm nhận của phạm nhân Đinh Thị Thu Thủy, SN 1992, trú tại Nhơn Thành, An Nhơn (Bình Định) khi nhớ lại những lời giáo dục chí tình và gần gũi của người cán bộ đã phụ trách mình. Thủy bảo lời cán bộ không chỉ giúp chị ta cảm giác việc cải tạo không khó khăn như suy nghĩ ban đầu, mà chính lời nói đó còn giúp chị ta trưởng thành lên rất nhiều.  

Là một cử nhân đại học và có một việc làm ổn định nhưng Thủy không bằng lòng với thu nhập đang có. Mong muốn có được nhiều tiền hơn nữa, Thủy lao vào kinh doanh và để có vốn làm ăn, Thủy đã vay mượn bạn bè, người thân dưới nhiều hình thức, đến khi việc làm ăn thất bát thì không trả được. Do chây ì và tìm cách né tránh trả nợ nên Thủy bị những người này gửi đơn kiện và kết quả là cô đã phải trả giá bằng bản án 7 năm tù vì tội lừa đảo.

Phạm nhân Đinh Thị Thu Thuỷ.

Đầu năm 2019, Thủy về trại giam Kim Sơn cải tạo. Do nhận thức được hành vi của mình nên cô gái này luôn chấp hành tốt nội qui và hoàn thành mọi công việc được giao nên suốt quá trình cải tạo luôn được xếp loại tốt và khá. Nói về dấu ấn khó quên trong thời gian ở trại cải tạo, Thủy viết: “Hôm đó, đội đan của tôi hết việc phải bổ sung đi làm đồng. Từ nhỏ đến lớn tôi chưa biết cầm cái cuốc ra làm sao, giờ phải sử dụng nó để làm cỏ khiến tôi lóng ngóng.  Cán bộ quản giáo Võ Thị Hồng Phương thấy tôi không làm được liền đến bên chỉ cho tôi cách cầm cuốc như thế nào và làm cỏ ra sao. Quản giáo Phương động viên cái gì cũng phải học để làm, không được lười lao động. Đừng nên thấy khó khăn bước đầu đã gục ngã mà phải biết chấp nhận cuộc sống hiện tại, cố gắng làm sao để cái gì cũng tự làm được. Câu nói của quản giáo Phương giúp tôi vỡ vạc ra nhiều và sau này cảm thấy việc cải tạo được dễ dàng hơn. Tôi nhớ mãi không quên lời chỉ bảo ấy”.

Còn phạm nhân Võ Công Đạo, SN 1993, trú tại Phù Mỹ, Bình Định án 5 năm về tội cố ý gây thương tích lại cảm thấy vô cùng biết ơn người cán bộ đã dìu dắt mình trong những năm tháng cải tạo. Chỉ vì không giữ được bình tĩnh khi thấy bạn mình bị đánh nên Đạo đã tham gia vào một vụ ẩu đả để rồi phải vào trại cải tạo vì gây thương tích nặng cho đối phương. Theo lời Đạo thì trước khi đi thi hành án, anh ta chỉ là lao động phổ thông. Vào trại cải tạo thi hành án ở đội điện, Đạo đã vô cùng bỡ ngỡ và sự thiếu tự tin vào bản thân khi lao động đã khiến phạm nhân này nảy sinh suy nghĩ tiêu cực.

Nhớ lại ngày đó, Đạo viết: “Trong quá trình cải tạo lao động ở đội 24, phân trại số 1 trại giam Kim Sơn, tôi luôn được cán bộ giáo dục Hồ Chí Đức gặp gỡ, động viên và giáo dục tôi yên tâm tư tưởng để lao động và cải tạo. Cán bộ Trần Văn Thân là người trực tiếp đôn đốc, giúp đỡ tôi trong công việc cải tạo. chỉ dạy tôi cách làm, giúp tôi có được tay nghề tốt hơn. Sau khi đặc xá trở về, tôi dự định sẽ dùng nghề điện đã học được ở trong trại cải tạo làm việc để tự nuôi bản thân và giúp đỡ gia đình”.

Phạm nhân thi hành án ở Trại giam Kim Sơn nghiên cứu Quyết định đặc xá của Chủ tịch nước.

Đại tá Nguyễn Ngọc Kỳ, Giám thị Trại giam Kim Sơn cho biết, nhằm thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả công tác đặc xá năm 2021, thực hiện chính sách nhân đạo, khoan hồng của Đảng và Nhà nước đối với người phạm tội góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm giữ vững ANTT, an toàn xã hội, Trại giam Kim Sơn đã xây dựng kế hoạch, triển khai Quyết định của Chủ tịch nước về đặc xá đến toàn thể cán bộ chiến sĩ và phạm nhân; niêm yết, công khai Quyết định về đặc xá của Chủ tịch nước tại cổng trại, buồng giam phạm nhân; quán triệt thực hiện nghiêm túc Quyết định đặc xá của Chủ tịch nước đảm bảo khách quan, chặt chẽ, công bằng, dân chủ, công khai, minh bạch, đúng đối tượng, tuyệt đối không để xảy ra sai sót; bám sát Hướng dẫn của Hội đồng tư vấn đặc xá để thực hiện, kiên quyết không để lọt những người không đủ điều kiện đặc xá vào danh sách đặc xá hoặc những người đủ điều kiện nhưng không được đặc xá.

Quá trình triển khai Quyết định đặc xá của Chủ tịch nước năm 2021, Ban Giám thị trại giam Kim Sơn đã giải thích cho phạm nhân những vấn đề mà phạm nhân còn thắc mắc, chưa rõ; tạo điều kiện cho phạm nhân liên lạc điện thoại thân nhân để đôn đốc thực hiện hình phạt bổ sung là phạt tiền, án phí, nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác... Trại đã tổ chức cho phạm nhân đủ điều kiện viết Đơn đề nghị đặc xá và Bản cam kết, tổ chức đội phạm nhân họp giới thiệu, bình xét, bỏ phiếu cho phạm nhân đủ điều kiện đề nghị đặc xá. Kết quả, Trại họp xét, đề nghị cho 63 phạm nhân đủ điều kiện theo Quyết định đặc xá của Chủ tịch nước năm 2021, Tổ thẩm định liên ngành kiểm tra, đồng ý cho lập hồ sơ, danh sách 63 phạm nhân.

Thu Thuỷ

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

Sau một thời gian theo dõi, Công an huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh đã phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm Công nghệ cao Công an Hà Tĩnh, Công Thành phố Hà Nội, Quãng Ngãi, Gia Lai phá thành công chuyên án buôn bán, vận chuyển hàng cấm (pháo) với quy mô lớn, bắt giữ 6 đối tượng, thu giữ trên 2,2 tấn pháo các loại cùng nhiều tang vật liên quan đến vụ án.

Ý thức được việc làm của mình là sai trái, qua sự động viên giải thích của Công an, vợ chồng người con trai chiếm nhà của bà cụ Phạm Thị Trơn (phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ) đã viết giấy trả nhà. Việc giao trả diễn ra trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương.

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

Một nhánh cây cổ thụ dài hàng chục mét gãy đổ chắn ngang lòng đường Quốc lộ 12B thuộc thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, đã được lực lượng CSGT cùng cơ quan chức năng dọn dẹp, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文