Nhân Ngày Người khuyết tật Việt Nam 18/4:

Giúp nạn nhân bom mìn hòa nhập cộng đồng

10:07 17/04/2022

Từ năm 1975 đến nay, bom mìn còn sót lại sau chiến tranh đã phát nổ khiến hơn 4 vạn người tử vong, trên 6 vạn người bị thương tật, trong đó, phần lớn nạn nhân đều là lao động chính trong gia đình và trẻ em.

Trước tình hình này, cùng với rà phá bom mìn tồn sót lại sau chiến tranh, sự trợ giúp từ Nhà nước và cộng đồng trong các hoạt động chăm sóc sức khỏe, đào tạo nghề, dịch vụ việc làm đã và đang phần nào đáp ứng được mong mỏi của hàng vạn người khuyết tật là nạn nhân bom mìn trong cả nước, giúp họ hòa nhập cộng đồng.

Những hoạt động hỗ trợ phù hợp, thiết thực

Gần 20 năm trước, anh Triệu Văn Nguyên, người dân tộc Dao, ở xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, bị cụt chân phải do giẫm phải mìn còn sót lại sau chiến tranh. Ngày gặp nạn, anh vào rừng lấy củi thì không may giẫm đúng trái mìn, vậy là “chân nát bét”. Lấy vải buộc cầm máu từ giữa cẳng chân lên, Triệu Văn Nguyên lết ra khỏi rừng rồi được người dân trong bản Nậm Ngặt đưa tới Trạm Y tế xã sơ cứu trước khi chuyển lên Bệnh viện tỉnh Hà Giang.

Vỗ vào chiếc chân giả nối từ khuỷu gối xuống, Triệu Văn Nguyên cho hay, xã Thanh Thủy có hàng chục người vướng phải bom, mìn rồi thành người khuyết tật như anh. Mất đi một phần cơ thể như chân, tay nên họ gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống hằng ngày.

Chị Cao Thị Mến (bên trái ảnh) - nạn nhân bom mìn, sau khi được hỗ trợ học nghề đã ổn định cuộc sống.

“Hồi mới bị nạn, tôi không đi làm nương được. Sức khỏe giảm sút nên không thể gánh vác được những công việc nặng nhọc. Từ khi được Nhà nước giúp làm chân giả, tôi đi lại thuận tiện hơn, có thể nuôi gà, làm thuê để kiếm thêm thu nhập. Cuộc sống vì thế cũng bớt vất vả hơn”, anh Triệu Văn Nguyên kể rồi cho hay, những nạn nhân khuyết tật về chân, tay như anh gặp rất nhiều khó khăn trong việc trồng trọt, nên họ chỉ mong có con bò, con trâu nuôi để phát triển kinh tế.

Cũng như anh Triệu Văn Nguyên, vào năm 2000, ông Bồn Văn Hòn ở thôn Nậm Ngặt, xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên cụt cả hai chân do vướng phải mìn khi đi nương. Chiếc xe lăn mà Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam phối hợp cùng Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh Hà Giang tặng ông Hòn cách đây vài năm đã giúp ông vợi bớt nỗi đau cùng những nhọc nhằn mà cơ thể ông đè nặng lên đôi nạng gỗ.

Kể về những vất vả gặp phải, ông Bồn Văn Hòn trầm tư nói: “Cả xã Thanh Thủy có hàng chục người là nạn nhân của bom, mìn. Thương tật khiến cho ước mơ phát triển kinh tế gặp rất nhiều trở ngại, nhiều hộ trong hoàn cảnh rất nghèo. Chỉ mong sao cơ quan chức năng dọn được hết bom, mìn còn sót lại sau chiến tranh để chúng tôi yên tâm canh tác”.

Xác nhận hoàn cảnh khó khăn của những hộ có người khuyết tật là nạn nhân bom mìn trên địa bàn, Chủ tịch UBND xã Thanh Thủy Nguyễn Thị Tuyên cho hay: Từ nhiều năm nay, tỉnh Hà Giang, huyện Vị Xuyên và xã Thanh Thủy đã tích cực triển khai nhiều hoạt động hướng về cơ sở, tiến hành khám, chữa bệnh miễn phí, hỗ trợ sinh kế cho các đối tượng này. Điển hình như việc trao bò sinh sản cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống kể từ sau khi gặp phải tai nạn bom mìn tại xã Thanh Thủy.

Hiện nay, các lực lượng của Quân đội đang rà phá bom, mìn, vật cản nổ tại một số địa bàn trọng điểm ở xã Thanh Thủy với tổng diện tích trên 110ha nhằm tạo quỹ đất sạch cho người dân canh tác. Nhiệm vụ này hoàn thành sẽ khắc phục tình trạng thiếu đất sản xuất của người dân, từng bước góp phần phát triển, nâng cao đời sống của đồng bào - bà Nguyễn Thị Tuyên cho hay.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Trần Đức Quý cho biết, số lượng bom, mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh trên địa bàn tỉnh hiện còn nhiều đã làm ảnh hưởng đến việc khai thác, sử dụng tài nguyên đất, nước, tác động đến đời sống của người dân và sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Để đẩy nhanh công cuộc phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, Hà Giang rất cần nhận được các nguồn lực từ Trung ương để tiến tới khắc phục hoàn toàn ảnh hưởng của bom mìn, giúp đỡ nạn nhân bom mìn hòa nhập đời sống xã hội.

Thời gian qua, hàng trăm hécta đất đã được các lực lượng của Quân đội rà phá sạch bom mìn và bàn giao cho các địa phương. Từ khi đất sạch mìn, đồng bào dân tộc thiểu số khu vực biên giới đã đến dựng nhà mới, sử dụng đất sạch để trồng ngô, lúa tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, từng bước xóa đói, giảm nghèo - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Trần Đức Quý nói.

Các hoạt động hỗ trợ căn cơ, lâu dài

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện cả nước có trên 6,4 triệu người khuyết tật, trong đó có hàng triệu người là nạn nhân bom mìn và bị phơi nhiễm chất độc hóa học da cam/ dioxine. Trước thực trạng này, Nhà nước đã và đang có nhiều chính sách quan tâm và hỗ trợ căn cơ, lâu dài cho người khuyết tật, nạn nhân bị ảnh hưởng bởi hậu quả bom mìn gây ra. Hiện nay, toàn bộ các xã, phường, thị trấn toàn quốc đã tiến hành xác định, phân loại, xếp hạng và cấp thẻ cho người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng và khuyết tật nhẹ, trong đó có nạn nhân bom mìn, nạn nhân chất độc hóa học.

Trong chăm sóc y tế và phục hồi chức năng cho người khuyết tật, gồm nạn nhân bom mìn và chất độc hóa học, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp Bộ Y tế tập trung nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Khám bệnh, chữa bệnh, trong đó quy định về phục hồi chức năng và phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng. Đồng thời, Luật Bảo hiểm y tế được sửa đổi, trong đó có mục tiêu tăng phạm vi và độ bao phủ chi trả bảo hiểm y tế cho người khuyết tật. Mạng lưới cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội và phục hồi chức năng cho nạn nhân bom mìn đang tích cực phát triển. Hiện toàn quốc có 425 cơ sở trợ giúp xã hội, trong đó có 73 cơ sở chăm sóc cho người khuyết tật, bao gồm nạn nhân bom mìn và chất độc hóa học và 45 trung tâm công tác xã hội chuyên biệt.

Để cải thiện chất lượng cuộc sống của nạn nhân bom mìn, giúp họ tái hòa nhập cộng đồng và tự vươn lên trong cuộc sống, các bộ, ngành, các địa phương tích cực triển khai nhiều mô hình sinh kế hỗ trợ cây giống, con giống, công cụ, phương tiện, cơ sở vật chất... Ngoài ra, họ còn được hỗ trợ học nghề, tạo việc làm; hỗ trợ vay vốn, hỗ trợ tín dụng để sản xuất, kinh doanh. Hằng tháng, ngân sách Nhà nước đã bố trí cho địa phương hàng chục nghìn tỷ đồng để thực hiện Nghị định số 136/2013/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và chính sách hỗ trợ về giáo dục đối với người khuyết tật.

Đối với giáo dục nghề nghiệp và tạo việc làm, thời gian qua, hàng vạn người khuyết tật, bao gồm nạn nhân bom mìn, đã được hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng tại các cơ sở giáo dục nhà nước. Cả nước đã giải quyết việc làm cho hơn 1,5 triệu lao động, trong đó có khoảng 10% là người khuyết tật, nạn nhân bom mìn. Đặc biệt, những hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án “Việt Nam - Hàn Quốc hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh” (KOICA) giúp cho nhiều nạn nhân bom mìn giảm bớt khó khăn, ổn định cuộc sống.

Theo Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam (VNASMA), hỗ trợ sinh kế cho nạn nhân bom mìn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội. Nhằm nâng cao hiệu quả hỗ trợ sinh kế, phù hợp đối tượng, mang tính bền vững, tổ chức này tập trung nghiên cứu vận dụng các mô hình như hỗ trợ về giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm và hòa nhập cộng đồng, hỗ trợ tái định cư ở vùng bị ô nhiễm nặng bom mìn, vật nổ, đồng thời, sẵn sàng xử lý việc hỗ trợ nạn nhân bị tai nạn đột xuất do bom mìn trên các địa bàn. Hội tập trung khảo sát đánh giá hiệu quả, rút kinh nghiệm nhân rộng mô hình “ngân hàng bò” mà tổ chức này đã hỗ trợ những năm qua tại các địa phương.

Hạnh Quỳnh

Gần đây, sau khi đánh giá tác động môi trường và các thủ tục pháp lý, một số doanh nghiệp đã được các bộ, ngành liên quan và tỉnh Quảng Bình cấp phép khai thác cát để thi công Dự án cao tốc Bắc - Nam. Tuy nhiên, gần đây xuất hiện một số đối tượng lấy lý do doanh nghiệp khai thác cát sẽ làm sạt lở bờ sông, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân…

Sáng 21/5, thông tin từ Sở GTVT tỉnh Quảng Trị cho biết đang phối hợp, chỉ đạo các đơn vị chức năng liên quan khẩn trương giải quyết vụ lật xe trên Quốc lộ 15D đi cửa khẩu quốc tế La Lay, đảm bảo thông tuyến trong thời gian sớm, hạn chế thiệt hại phát sinh do tuyến đường bị ùn tắc giao thông.  

Quán triệt chủ trương chính quy hóa lực lượng Công an xã, những năm qua, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, lực lượng Công an đã tranh thủ sự ủng hộ mạnh mẽ của cấp ủy, chính quyền các cấp với phương châm “trên dưới đồng lòng” triển khai bài bản, khoa học việc bố trí con người, trụ sở, điều kiện cơ sở vật chất, xây dựng cấp Công an thứ tư đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Qua đó, đã có rất nhiều sự đổi thay tích cực về an ninh trật tự, vun đắp nghĩa tình quân dân và sự trưởng thành từ chính những chiến sĩ Công an bám cơ sở.

Ngày 21/5, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh Thái Bình cho biết, vừa bắt giữ Trương Tất Hảo (SN 1971), là đối tượng có nhiều tiền án, tiền sự về các tội mua bán trái phép chất ma túy, đánh bạc và cố ý gây thương tích.

Hôm nay (21/5), Lễ bốc thăm ASEAN Mitsubishi Electric Cup (tiền thân là AFF Cup) năm 2024 sẽ được tổ chức tại Hà Nội. Đội tuyển Việt Nam cũng sẽ khởi động cho chiến dịch này dưới thời huấn luyện viên Kim Sang Sik.

Quá trình thi công móng cột xảy ra sạt lở làm nhiều người thương vong, mở đường công vụ trái phép trên đất rừng phòng hộ, tự ý chặt hạ cây gỗ rừng tự nhiên và tại nhiều vị trí móng cột vẫn còn vướng mắc đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB)... là những tồn tại, vướng mắc liên quan đến quá trình thi công dự án đường dây 500kV mạch 3 đoạn qua tỉnh Hà Tĩnh.

Chiều 20/5, Cơ quan CSĐT Công an huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, đã khởi tố bổ sung vụ án hình sự, khởi tố bị can và lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Lê Thị Chung (SN 1978, Trưởng phòng Quản lý nhân sự Công ty TNHH Dịch vụ bảo vệ Hoàng Kim Giáp) để điều tra về tội “Làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức”.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文